Tuyển sinh lớp 10: Siết đăng ký nguyện vọng
Dự kiến trong tuần này, Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM sẽ công bố chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 ở hơn 100 trường THPT công lập trên địa bàn
Theo quy định của kỳ thi tuyển sinh lớp 10 tại TP HCM, học sinh (HS) dự thi 3 môn là toán, ngữ văn và ngoại ngữ; được lựa chọn 3 nguyện vọng (NV) theo thứ tự ưu tiên 1, 2, 3 vào lớp 10 các trường THPT. Để tránh tình trạng đăng ký sai NV, ngoài tư vấn kỹ, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP HCM còn yêu cầu các trường “soi” từng NV nếu không hợp lý.
Không thay đổi nguyện vọng sau khi trúng tuyển
Sau khi Sở GD-ĐT TP HCM công bố chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10, các trường THCS sẽ cho HS lớp 9 tiến hành đăng ký NV dự tuyển vào lớp 10. Sau khi có thống kê, Sở GD-ĐT TP HCM sẽ tổng hợp ban đầu về số NV đăng ký ở từng trường. HS sẽ căn cứ vào đó để có một lần điều chỉnh NV. Theo quy định của Sở GD-ĐT TP HCM, HS tuyệt đối không được thay đổi NV sau khi trúng tuyển.
Học sinh TP HCM tham gia kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm 2020 .Ảnh: TẤN THẠNH
Lãnh đạo Sở GD-ĐT TP HCM đề nghị các cơ sở giáo dục, giáo viên chủ nhiệm tư vấn cho phụ huynh và HS chọn NV thi tuyển vào lớp 10 các trường phù hợp với năng lực học tập của bản thân, gần nơi cư trú để thuận lợi cho việc tiếp tục đi học khi đã trúng tuyển, giảm áp lực giao thông theo chủ trương của TP.
Để bảo đảm việc học tập đối với các trường hợp HS đăng ký nguyện vọng vào lớp 10 THPT xa nơi cư trú, trường THCS tư vấn riêng với phụ huynh, đề nghị chứng minh điều kiện bảo đảm cho HS học tập tại trường đã đăng ký theo NV, không thay đổi NV khi đã trúng tuyển. Trường hợp nhà trường hoặc giáo viên chủ nhiệm lớp 9 hướng dẫn sai sót hoặc không rõ ràng thì lãnh đạo nhà trường phải hoàn toàn chịu trách nhiệm đối với phụ huynh và trước cơ quan quản lý cấp trên.
Video đang HOT
Năm học 2021-2022, toàn TP HCM có khoảng 99.000 HS được xét tốt nghiệp THCS trong thời gian sắp tới. Mỗi năm, TP HCM sẽ tuyển 70% HS trong số này vào lớp 10 các trường công lập. Trong khi đó, ở năm học trước là khoảng 96.000 HS.
Cũng ở năm học trước, các trường THPT công lập tại TP HCM tuyển 66.520 HS. Năm học 2021-2022, số HS lớp 9 nhiều hơn, các trường THPT hầu hết giữ nguyên chỉ tiêu. Năm nay, nếu trừ đi số HS lựa chọn các trường tư thục và du học thì số HS rớt lớp 10 công lập dự kiến bằng năm ngoái, vào khoảng 30.000.
Chỉ tiêu tuyển sinh dự kiến không tăng
Theo lãnh đạo các trường THPT, kinh nghiệm các năm khi đăng ký chỉ tiêu lớp 10 cho thấy hầu hết các trường đều đăng ký bằng số HS sẽ tốt nghiệp lớp 12, một số trường có đăng ký dư thêm nhưng đều bị hạ xuống.
Theo bà Vũ Thị Ngọc Dung, Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân (quận 1), năm học 2021-2022, trường dự kiến chỉ tiêu bằng năm học trước, cụ thể là 14 lớp 10 thường và 1 lớp tích hợp. Chỉ tiêu lớp 10 được tính toán trên cơ sở số HS lớp 12 tốt nghiệp ra trường kèm với các điều kiện về cơ sở vật chất. Vừa qua, Trường THPT Bùi Thị Xuân phải tuyển bổ sung một số chỉ tiêu vào lớp 10 tích hợp vì có một số em đang học giữa chừng thì đi du học, từ giờ đến cuối năm có thể thêm một số em chuyển đi.
Ngoài Trường THPT Bùi Thị Xuân, một số trường THPT thuộc tốp đầu của TP HCM cũng dự kiến chỉ tiêu bằng năm học trước. Ông Hà Hữu Thạch, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn (quận 3), cho biết theo đăng ký với Sở GD-ĐT TP HCM, trường tuyển 15 lớp 10 và không thực hiện lớp tích hợp. Năm học trước, trường đăng ký 16 lớp nhưng sở hạ xuống còn 15.
Trong khi đó, Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (quận 3) dự kiến chỉ tiêu tuyển sinh là gần 700 HS, với 16 lớp. Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền (quận Tân Bình), theo hiệu trưởng Lâm Triều Nghi, sẽ tuyển 10 lớp thường, 5 lớp chuyên và 2 lớp tích hợp. Đây là trường có đầu vào lớp 10 thuộc tốp đầu TP HCM.
Trong khi đó, các trường THPT thuộc tốp 2 của TP HCM cũng dự kiến chỉ tiêu tuyển sinh tương đương năm trước. Theo ông Nguyễn Đăng Khoa, Hiệu trưởng Trường THPT Marie Curie (quận 3), trường đăng ký chỉ tiêu lớp 10 khoảng 1.000 HS, sĩ số 45 em/lớp. Ông Khoa cho biết những năm trước, chỉ tiêu đăng ký luôn gần sát với chỉ tiêu khi được sở phê duyệt. Tuy nhiên, sau khi có kết quả trúng tuyển, số HS nhập học có thể không đủ chỉ tiêu vì một số em đã quyết định học tại các trường ngoài công lập, kỳ thi lớp 10 chỉ là để các em thử năng lực học của mình đến đâu.
Nhiều con đường học tập
Theo Sở GD-ĐT TP HCM, nếu không trúng tuyển vào lớp 10 công lập, HS có thể lựa chọn một trong những con đường học tập khác như: học tiếp bậc THPT ở các trường tư thục; học hệ bổ túc văn hóa ở các trung tâm GDTX, trung tâm giáo dục nghề nghiệp; học nghề ở các trường trung cấp, trung cấp nghề.
Đổi mới phương pháp dạy và học tiếng Anh
Năm học 2021 - 2022 là năm đầu tiên TP Hồ Chí Minh áp dụng hệ số đồng đều cho cả ba môn thi Toán, Ngữ văn và Tiếng Anh trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT công lập (trước đây Toán và Ngữ văn tính hệ số 2, Tiếng Anh hệ số 1).
Quy định mới này được xem là một trong những giải pháp mà ngành giáo dục TP Hồ Chí Minh hướng đến năm 2030, tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai của ít nhất 20% học sinh tốt nghiệp THPT trên địa bàn.
Các thí sinh làm thủ tục tuyển sinh vào lớp 10 THPT thành phố Hồ Chí Minh năm 2020.
Trước thông tin môn Tiếng Anh được tính hệ số bằng với hai môn Toán và Ngữ văn trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT công lập năm nay, chị Nguyễn Thị Hà, phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh cho biết: Hiện nay, phần lớn cha mẹ học sinh cho con tiếp cận tiếng Anh ngay từ khi học tiểu học cho nên khả năng tiếng Anh của trẻ rất tốt. Bên cạnh đó, tiếng Anh là ngoại ngữ phổ biến và quan trọng, nhất là khi nước ta ngày càng hội nhập sâu, rộng như hiện nay.
Vì vậy, việc điều chỉnh hệ số môn Tiếng Anh bằng với các môn khác là hợp lý. Theo các chuyên gia giáo dục, trước đây, môn Tiếng Anh tính hệ số 1, Toán và Ngữ văn tính hệ số 2 cho nên nhiều học sinh có tâm lý tập trung vào hai môn Toán và Ngữ văn để kéo điểm môn Tiếng Anh. Với cách thay đổi về mặt hệ số, học sinh không còn tư tưởng môn chính, môn phụ mà phải tập trung học đều cả ba môn.
Thầy giáo Nguyễn Xuân Đắc, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Gia Thiều, quận Tân Bình cho biết: Ngay từ đầu năm học, nhà trường đã lên kế hoạch bồi dưỡng môn Tiếng Anh cho học sinh. Hiện nay, giáo viên chỉ tập trung giảng dạy cho học sinh tiếp thu tốt môn học này. Đây là môn học được cha mẹ học sinh rất quan tâm, ngoài học ở trường, họ còn đầu tư cho con học ở các trung tâm ngoại ngữ để nâng cao khả năng giao tiếp.
Theo Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Hiếu, dạy và học ngoại ngữ ngày càng có vị trí quan trọng trong giáo dục phổ thông. TP Hồ Chí Minh có nhiều đề án, chính sách phát triển môn học này để hướng đến mục tiêu học sinh đạt trình độ chuẩn quốc tế sau khi tốt nghiệp THPT, đủ điều kiện tiếp cận chương trình giáo dục các nước.
Dù hệ số môn Tiếng Anh năm nay được điều chỉnh nhưng nội dung, cấu trúc đề thi vẫn nằm trong chương trình THCS, chủ yếu ở lớp 9. Hiện nay, thành phố đang triển khai nhiều chương trình học ngoại ngữ nhằm tạo môi trường học tập tốt nhất cho học sinh, qua đó góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho thành phố.
Để từng bước nâng chất lượng dạy và học tiếng Anh, cách đây 20 năm, Sở GD và ĐT thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai, thực hiện chương trình tiếng Anh tăng cường. Với chương trình này, học sinh được học tiếng Anh ngay từ lớp 1 và đây là tiền đề quan trọng để thành phố triển khai cho hầu hết học sinh lớp 1 được học tiếng Anh ngay trong trường tiểu học thời điểm hiện nay.
Cùng với đó, thành phố luôn đi đầu, chủ động đổi mới phương pháp, nâng cao chất lượng đào tạo dạy và học tiếng Anh ở các cấp học đạt hiệu quả, chất lượng. Điển hình, từ năm học 2014 - 2015, thành phố triển khai thí điểm Chương trình "Dạy và học các môn Toán, Khoa học, Tiếng Anh tích hợp chương trình Anh và Việt Nam" (Chương trình tích hợp).
Qua chương trình này, giúp học sinh tiếp cận với các chuẩn quốc tế bậc học phổ thông. Sau khi hoàn thành Chương trình tích hợp, học sinh có thể thi lấy chứng chỉ quốc tế của hội đồng khảo thí lớn nhất Anh quốc, hoặc hội đồng khảo thí uy tín của Hoa Kỳ.
Trong ba năm gần đây, với việc đầu tư và đổi mới trong dạy và học môn Tiếng Anh, TP Hồ Chí Minh luôn có điểm trung bình môn học này ở kỳ thi tốt nghiệp THPT cao nhất cả nước.
Đây là cơ sở để tin tưởng rằng đến năm 2030, thành phố sẽ thực hiện thành công mục tiêu ít nhất có 20% học sinh tốt nghiệp THPT với tiếng Anh là ngôn ngữ thứ 2; có ít nhất 20% số trường THPT giao tiếp bằng song ngữ Anh - Việt trong các hoạt động giáo dục, nhất là các hoạt động tập thể, ngoại khóa và hoạt động trải nghiệm sáng tạo; 10% giáo viêndưới 30 tuổi có thể giảng dạy được các môn bằng song ngữ Anh - Việt.
Những điểm mới trong tuyển sinh vào 10 TP.HCM: Nâng thời gian thi tiếng Anh lên 90 phút? Dự thảo ban hành kế hoạch tuyển sinh năm 2021 - 2022 của Sở GD&ĐT TP.HCM có nêu một số điểm dự kiến thay đổi với tuyển sinh lớp 10. Một điểm đáng chú ý trong dự thảo này là môn thi Tiếng Anh sẽ nâng thời gian thi lên 90 phút thay vì 60 phút như các kì thi trước. Theo dự...