Tuyển sinh ĐH, CĐ 2015: Các trường cao đẳng vẫn mòn mỏi chờ thí sinh
VOV.VN -Hiện vẫn còn rất nhiều chỉ tiêu cho bậc cao đẳng, thậm chí, nhiều trường mới tuyển được vài chục hồ sơ.
Kỳ tuyển sinh năm nay có khá nhiều thay đổi, nên việc hoàn thành chỉ tiêu đối với bậc cao đẳng đang khiến nhiều cơ sở giáo dục tại thành phố Hồ Chí Minh đứng ngồi không yên.
Kết thúc đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung thứ 2, thông tin từ các trường cho biết, còn rất nhiều chỉ tiêu cho bậc cao đẳng. Thậm chí, nhiều trường cao đẳng mới tuyển được vài chục hồ sơ.
Để hoàn thành chỉ tiêu xét tuyển 770 sinh viên bậc đại học và 80 sinh viên bậc cao đẳng trong kỳ tuyển sinh năm 2015, sau khi kết thúc đợt xét tuyển nguyện vọng 1, Trường Đại học Kinh tế Tài chính thành phố Hồ Chí Minh đã tiếp tục xét tuyển thêm 2 đợt nguyện vọng bổ sung. Sau 3 đợt xét tuyển, số sinh viên đăng ký nhập học bậc đại học của đơn vị này tạm thời vượt chỉ tiêu, đủ để trừ hao cho khoảng 50 thí sinh đã rút hồ sơ.
Nhiều trường cao đẳng có nguy cơ đóng cửa vì không tuyển được thí sinh (Ảnh minh họa)
Video đang HOT
Tuy nhiên, số thí sinh đăng ký nhập học bậc cao đẳng của trường này chỉ đạt khoảng 20% chỉ tiêu đề ra. Trước thực trạng này, nhà trường quyết định sẽ không xét tuyển nữa mà cho các em nhập học vào ngày 5/10 tới với một chương trình được thiết kế riêng.
Thạc sĩ Trương Thị Ngọc Bích, Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn – Tuyển sinh – Truyền thông, Trường Đại học Kinh tế Tài chính thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Năm nay, trường có 100 chỉ tiêu bậc cao đẳng, nhưng hiện nay chỉ nhận vào khoảng 30 hồ sơ và trong số đó chỉ hơn 10 sinh viên nhập học. Đối với những sinh viên này, trường sẽ có chương trình đào tạo tích hợp chung với đại học nhằm đảm bảo khối kiến thức cũng như chương trình đào tạo, kỹ năng ngoại ngữ, kỹ năng mềm, đảm bảo cho các bạn đủ số lượng tín chỉ theo quy định”.
Cũng như vậy, kết thúc đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung thứ 2, Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng còn thiếu khoảng 1.200 hồ sơ trên tổng số 3.600 chỉ tiêu, chủ yếu tập trung ở bậc cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp. Hiện trường còn khoảng 170 chỉ tiêu bậc đại học cho đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung cuối cùng. Trong khi đó, bậc cao đẳng còn tới 545 trên tổng số 600 chỉ tiêu xét tuyển cho 10 ngành đào tạo.
Nhiều trường cao đẳng ở thành phố Hồ Chí Minh cũng đang cảm thấy rất lo lắng vì đến giai đoạn nước rút rồi mà đợi hoài chẳng thấy thí sinh. Trường Cao đẳng Đại Việt Sài Gòn hiện tuyển được chưa đến 100 thí sinh. Số hồ sơ mà Trường Cao đẳng Công nghệ thông tin thành phố Hồ Chí Minh có được đến thời điểm hiện tại cũng chỉ khoảng 300 trên tổng số 700 chỉ tiêu.
Theo Thạc sĩ Trịnh Hữu Chung, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng, đây là xu hướng giảm chung: “Hiện nay, Bộ Giáo dục – Đào tạo đã cho phép liên thông từ trung cấp chuyên nghiệp lên đại học. Và cánh cửa vào học liên thông cũng như vào đại học khá rộng mở. Theo tôi nghĩ, học cao đẳng là ở mức lưng chừng. Vì thế, nếu với những ai muốn học nghề hoặc để ra trường có việc làm ngay và ít thời gian thì các em học trung cấp. Sau đó đi làm có điều kiện các em tiếp tục học liên thông. Bên cạnh đó, cánh cửa vào đại học hiện nay rất rộng nên các em sẽ vào thẳng đại học nhiều hơn là chọn cao đẳng”.
Mức điểm sàn đại học không quá cao nên thí sinh có nhiều lựa chọn vào đại học, tâm lý các em cũng như gia đình thích học đại học hơn là những nguyên nhân được nhiều trường lý giải cho tình trạng thí sinh bậc cao đẳng năm nay quá khiêm tốn.
Tuy nhiên, theo Thạc sĩ Ngô Thị Quỳnh Xuân, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Du lịch Sài Gòn, vẫn còn nhiều lý do khác khiến các trường cao đẳng khó thu hút thí sinh: “Một trong những khó khăn của các trường là việc thông tin đầy đủ đến các thí sinh. Trong các đợt tuyển sinh, các trường đã tiếp xúc với các em học sinh từ các vùng miền và cả sinh viên tại thành phố Hồ Chí Minh để các em có thể hiểu được năng lực đào tạo, định hướng đào tạo và khả năng việc làm của từng ngành nghề đào tạo trong trường hay chưa. Điểm thứ hai phụ thuộc vào chất lượng đào tạo và đầu ra của mỗi trường sau khi sinh viên tốt nghiệp”.
Còn nhiều chỉ tiêu vào bậc cao đẳng đồng nghĩa với việc thí sinh vẫn còn nhiều cơ hội. Điều mà các trường mong muốn nhất bây giờ là thí sinh cùng gia đình sớm đưa ra quyết định của mình để kết thúc tình trạng trường mỏi mòn chờ đợi thí sinh./.
Theo VOV
Bộ GD&ĐT thừa nhận một số điều chưa lường hết
TP - Mặc dù kỳ thi tuyển sinh còn chưa kết thúc hẳn, do nhiều trường vẫn chưa tuyển đủ chỉ tiêu và tiếp tục tuyển đợt 4, ngành GD&ĐT đã có động thái xây dựng báo cáo tổng kết kỳ thi tuyển sinh 2015 để rút kinh nghiệm để có những điều chỉnh thích hợp cho năm sau.
Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, năm 2015 là năm đầu tiên lấy kết quả kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển vào ĐH - CĐ, Bộ GD&ĐT đã dự thảo các phương án xét tuyển, tham khảo ý kiến chuyên gia, các trường CĐ - ĐH và công luận... nhưng vẫn còn một số vấn đề chưa lường hết, cần phải rút kinh nghiệm.
Thứ nhất, theo báo cáo này, thời gian xét tuyển đợt 1 (20 ngày) là quá dài, làm cho các thí sính và gia đình phải lo lắng về việc cập nhật thông tin, theo dõi biến động của việc đăng ký xét tuyển (ĐKXT) và thay đổi nguyện vọng, gây mệt mỏi, căng thẳng và tạo ra dư luận không tốt.
Thứ hai, việc cho thí sinh đăng ký tối đa 4 nguyện vọng vào một trường và được thay đổi nguyện vọng ĐKXT (không hạn chế số lần rút hồ sơ và ĐKXT lại) nhưng lại tạo ra áp lực rút và nộp ĐKXT ở một số trường ĐH trong những ngày cuối đợt 1. Một số thí sinh và gia đình lựa chọn phương thức ĐKXT và rút ĐKXT trực tiếp nên phải đi lại, chờ trực tốn kém đã gây nên bức xúc trong dư luận. Các trường CĐ - ĐH cũng phải vất vả hơn.
Thứ ba, nhiều ý kiến cho rằng mức điểm ưu tiên chưa thực sự phù hợp với sự đổi mới của kỳ thi, cần nghiên cứu điều chỉnh cho phù hợp. Sau đợt 1 tuyển sinh, Bộ GD&ĐT đã đưa ra nhiều giải pháp khắc phục và điều chỉnh đối với các đợt xét tuyển bổ sung tiếp theo.
Đánh giá chung về Kỳ thi THPT quốc gia 2015, trong phiên họp thường kỳ của Chính phủ tháng 8/2015, Thủ tướng Chính phủ đã kết luận:"Việc thực hiện đổi mới thi cử, tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2015 và xét tuyển ĐH, CĐ bước đầu đạt yêu cầu đề ra mặc dù còn một số vấn đề ở khâu tuyển sinh; đồng thời hoan nghênh thái độ nghiêm túc của Bộ GD&ĐT khi nhận trách nhiệm về những bất cập, hạn chế để rút kinh nghiệm cho đợt 2 xét tuyển ĐH,CĐ; yêu cầu tổng kết, đánh giá toàn bộ kỳ thi này để năm sau làm tốt hơn".
Được biết, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo tiến hành tổng kết rút kinh nghiệm, tổng hợp các ý kiến đóng góp của nhân dân, của các chuyên gia, các nhà quản lý ở trong và ngoài nước để hoàn thiện phương án tổ chức thi và xét tuyển cho những năm sau.
Theo GD&TĐ
Hà Nội nhắc nhở trường ngoài công lập chú trọng phát triển Đảng viên GD&TĐ - Sở GD&ĐT Hà Nội nhắc nhở các cơ sở giáo dục ngoài công lập thực hiện nghiêm túc việc thành lập tổ chức chi bộ Đảng. Theo Sở này, hiện tại 100% các trường công lập đã có chi bộ Đảng. Đối với các trường ngoài công lập, trong thời gian vừa qua đã có một số đơn vị thành lập...