Tuyển sinh ĐH 2021: Phát huy tối đa quyền tự chủ
Công tác tuyển sinh đại học sẽ ổn định trong giai đoạn 2021 – 2025, tiến tới sẽ có trung tâm khảo thí độc lập để tổ chức thi tuyển sinh.
Tự chủ trong tuyển sinh giúp các trường khẳng định chất lượng trong đào tạo. Ảnh minh họa
Bộ GD&ĐT khuyến khích các trường thực hiện quyền tự chủ trong tuyển sinh. Theo đó, có thể sử dụng nhiều phương thức xét tuyển, tuyển sinh theo nhóm trường…
Giữ ổn định
Báo cáo tại hội nghị giáo dục đại học năm 2020, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) thông tin: Phương án thi, xét công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ giai đoạn 2021 – 2025 trên tinh thần bảo đảm phù hợp với bối cảnh Việt Nam và xu thế chung thế giới về phát triển GD-ĐT.
Theo đó, giai đoạn 2021 – 2025, vẫn giữ ổn định và từng bước hoàn thiện mô hình Kỳ thi tốt nghiệp THPT như năm 2020; đồng thời phân định rõ trách nhiệm quản lý Nhà nước và triển khai của địa phương, cơ sở GDĐH. Ngoài ra, tiếp tục tổ chức thi THPT trên giấy; từng bước tổ chức thi trên máy tính ở những nơi có đủ điều kiện, tiệm cận dần với tinh thần đổi mới Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Theo PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, để bảo đảm tính ổn định của lộ trình đổi mới tuyển sinh, các cơ sở đào tạo có phương án, kế hoạch rõ ràng, thực hiện đúng cam kết, tạo lòng tin và sự ủng hộ của thí sinh cũng như phụ huynh. Vì thế, nhà trường nên ổn định phương thức tuyển sinh trong nhiều năm; nếu có thay đổi lớn phải thông báo trước 2 – 3 năm. Bộ GD&ĐT khuyến khích các trường thực hiện quyền tự chủ tuyển sinh theo quy định. Tiếp tục sử dụng các phương thức xét tuyển khác nhau; thí sinh đăng ký xét tuyển theo nhiều hình thức, nguyện vọng.
Đồng thời, tăng cường áp dụng công nghệ thông tin trong kỳ thi riêng để tuyển sinh. Nếu các trường thi riêng, thi bổ sung, thi đánh giá năng lực nên tổ chức gọn nhẹ (1 – 2 môn), hoặc thi năng khiếu, hoặc kết hợp với kết quả thi THPT. Bộ khuyến khích thi theo nhóm trường, tổ chức trong 1 buổi… nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh; từng bước tiến tới hình thành các tổ chức/trung tâm khảo thí độc lập với ngân hàng đề thi chuẩn hóa, thi trên máy tính, bảo đảm minh bạch, công bằng giữa các lần thi…
Thí sinh tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020. Ảnh: Sỹ Điền
Nên có trung tâm khảo thí độc lập
GS.TS Phạm Hồng Chương – Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân cho rằng: Việc giữ ổn định phương án thi và tuyển sinh giai đoạn 2021 – 2025 là cần thiết. Theo đó, Bộ vẫn giữ vai trò giám sát kỳ thi THPT, tuyển sinh ĐH, CĐ; đồng thời tiếp tục sử dụng chung hệ thống tuyển sinh để thuận tiện cho thí sinh đăng ký; các trường có thể lựa chọn được thí sinh phù hợp nhất.
“Tuy nhiên, cũng nên cân nhắc về việc mở thêm tổ hợp xét tuyển, để phù hợp với ngành nghề đào tạo” – GS.TS Phạm Hồng Chương nói, đồng thời trao đổi: Cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào thi và tuyển sinh. Nếu sau này thi trên máy thì đây là bước tiến trong công tác tuyển sinh, nên có trung tâm khảo thí độc lập.
Ủng hộ chủ trương giữ ổn định thi THPT và tuyển sinh ĐH đến năm 2025, GS.TS Nguyễn Hữu Tú – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội ghi nhận: Kết quả tuyển sinh năm 2020 cho thấy, ít nhất 50% chỉ tiêu các trường vẫn dựa vào kỳ thi tốt nghiệp THPT. Điều này khẳng định, kỳ thi rất quan trọng với công tác tuyển sinh, bảo đảm tính khách quan; vừa thuận lợi cho thí sinh và các cơ sở đào tao; vừa không tốn kém. Vì vậy, trong giai đoạn tiếp theo, Bộ GD&ĐT vẫn nên phát huy vai trò “cầm cái”, để kỳ thi diễn ra nghiêm túc, tạo niềm tin để các trường tuyển sinh. Bên cạnh đó, cần tiếp tục duy trì phương thức lọc ảo, bảo đảm tính phân hóa…
Từ thực tiễn những năm qua, đặc biệt là năm 2020, PGS.TS Lê Thị Thu Thuỷ – Chủ tịch Hội đồng trường Trường ĐH Ngoại thương tán thành phương án ổn định thi THPT và tuyển sinh giai đoạn 2021 – 2025; đặc biệt là phương án sử dụng kết quả thi THPT để tuyển sinh. Theo PGS.TS Lê Thị Thu Thuỷ, thành lập trung tâm khảo thí độc lập để tổ chức thi với cách thức tương tự những gì thế giới đang làm. Tuy nhiên, để thành lập các trung tâm này, Bộ cần chuẩn bị các quy định về pháp lý, các trường ĐH, THPT và học sinh cũng cần có sự chuẩn bị trong 3 – 5 năm tới.
Đánh giá cao kết quả tuyển sinh ĐH trong năm 2020, đặc biệt là vai trò của Bộ GD&ĐT trong công tác này, GS.TS Nguyễn Đình Đức – Trưởng ban Đào tạo (ĐH Quốc gia Hà Nội) ủng hộ phương án tuyển sinh của Bộ GD&ĐT trong giai đoạn 2021 – 2025. Theo đó, Bộ vẫn “cầm trịch” thi THPT, để các cơ sở đào tạo có dữ liệu phục vụ công tác tuyển sinh.
Tại hội nghị giáo dục đại học năm 2020, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết: Trên cơ sở phát huy những ưu điểm trong công tác tuyển sinh năm 2020, giai đoạn 2021 – 2025 cơ bản giữ ổn định như năm 2020, với một số cải tiến về mặt kỹ thuật; đồng thời nâng cao vai trò tự chủ, trách nhiệm của các cơ sở giáo dục đại học. Với các trường có yêu cầu bài thi riêng để đánh giá năng lực chuyên biệt của thí sinh, Bộ GD&ĐT khuyến khích hình thức liên kết tổ chức thi theo nhóm trường hoặc tổ chức các trung tâm khảo thi độc lập.
Bên cạnh đó, Bộ khuyến khích các trường tham gia xét tuyển và lọc ảo chung với các phương thức tuyển sinh khác nhau. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, cổng đăng ký thi và xét tuyển sẽ được tích hợp vào Cổng dịch vụ công quốc gia để tăng cường tiếp cận và tương tác với thí sinh trong cả nước.
Bộ GD&ĐT khuyến khích các trường phát huy quyền tự chủ, trong chừng mực nào đó, Bộ sẽ hỗ trợ công tác tuyển sinh để bảo đảm tính ổn định và những yêu cầu đặc thù riêng của các trường. Trước khi có trung tâm khảo thí độc lập, thi tốt nghiệp THPT vẫn được tổ chức thi trên giấy. Nơi nào có điều kiện có thể tổ chức thi trên máy tính bởi việc này sẽ gọn nhẹ hơn nhiều, giảm sự can thiệp của con người và có kết quả ngay.
Tuyển sinh đại học 2021: Thí sinh tiếp tục được điều chỉnh nguyện vọng
Trước ý kiến đề xuất về việc không cho thí sinh điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển đại học sau khi biết điểm thi, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo đã lên tiếng về vấn đề này.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn. (Ảnh: Phạm Mai/Vietnam )
"Năm 2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp tục duy trì việc cho thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng sau khi có điểm thi. Thí sinh sẽ thực hiện đăng ký thi tốt nghiệp trung học phổ thông và xét tuyển đại học trên cổng dịch vụ công quốc gia."
Đó là những điểm đáng lưu ý về kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học trong năm 2021 được Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn chia sẻ với báo chí.
Hướng tới thi trên máy tính
- Thưa Thứ trưởng, ông có thể cho biết chủ trương của Bộ Giáo dục và Đào tạo về công tác thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học thời gian tới?
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn: Trong giai đoạn 2021-2025, kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông vẫn cơ bản giữ ổn định như năm 2020. Chúng ta hướng tới sẽ tổ chức thi trên máy tính ở những nơi có điều kiện. Việc thi trên máy tính sẽ gọn nhẹ hơn rất nhiều, giảm thiểu sự can thiệp của con người và tạo thuận lợi hơn nữa cho thí sinh.
Về việc tuyển sinh đại học, chủ trương của Bộ và các trường cũng thống nhất cao là giữ phương thức xét tuyển chủ yếu dựa trên kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Sẽ có những cải tiến về mặt kỹ thuật như ứng dụng công nghệ thông tin để các công tác từ đăng ký xét tuyển đến việc xét tuyển phát huy các thế mạnh từ trước tới nay, thuận lợi hơn cho thí sinh và nhẹ nhàng hơn cho các trường.
Các trường cũng đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục giữ vai trò chủ đạo trong việc này. Tất nhiên, trong chừng mực nào đó Bộ sẽ hỗ trợ công tác tuyển sinh diễn ra ổn định nhưng mặt khác vẫn phát huy yêu cầu tự chủ và đặc thù riêng của các trường.
Các trường sẽ tăng cường vai trò tự chủ. Với những trường yêu cầu năng lực chuyên biệt của thí sinh, Bộ Giáo dục và Đào tạo khuyến khích các trường kết hợp với nhau để tổ chức các bài thi đánh giá năng lực gọn nhẹ và kết quả sử dụng chung cho nhiều trường.
Trong tầm nhìn dài hạn hơn, chúng ta sẽ cố gắng xây dựng các trung tâm khảo thí độc lập để làm dịch vụ hỗ trợ công tác tuyển sinh cho các trường. Các trung tâm sẽ thực hiện thi trên máy tính với đề thi chuẩn hóa, có thể tổ chức thi nhiều lần trong năm và kết quả đó các trường có thể sử dụng chung với các yêu cầu khác nhau.
Thí sinh dự thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2020. (Ảnh: Phạm Mai/Vietnam )
Điểm mới năm nay là chúng tôi thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và sẽ đưa việc đăng ký thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia, đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học của thí sinh lên cổng dịch vụ công quốc gia . Chúng tôi cũng yêu cầu các trường phải chuẩn bị đầy đủ thông tin sát thực và có trách nhiệm để đưa lên cổng thông tin này.
Thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng
- Vậy Bộ đã có sự chuẩn bị như thế nào cho sự ra đời và hoạt động của các trung tâm khảo thí độc lập, thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn: Việc tiến tới thành lập các trung tâm khảo thí độc lập nằm trong chủ trương để làm sao tốt nhất cho thí sinh, giúp thí sinh giảm thiểu việc phải đi lại nhiều lần ở nhiều nơi khác nhau. Với bài thi đánh giá năng lực gọn nhẹ trên máy tính, thậm chí các em có thể thi ngay ở địa phương nhiều lần trong năm.
Để làm được việc này Bộ Giáo dục và Đào tạo đã giao cho Cục Quản lý chất lượng Giáo dục xây dựng các văn bản về các điều kiện, yêu cầu, chuẩn mực về đề thi, cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ, công nghệ thông tin... để khi trung tâm này thành lập thì đảm bảo bài thi được chuân hóa, đảm bảo tính công bằng, khách quan tuyệt đối để các trường yên tâm sử dụng kết quả thi. Đương nhiên khi bài thi không đủ tin cậy, không phản ánh được yêu cầu cảu các trường thì các trường sẽ không sử dụng.
- Vừa qua, lãnh đạo Đại học Đà Nẵng có kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo không nên cho thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng sau khi biết điểm thi vì trước đó các em đã được đăng ký không giới hạn nguyện vọng. Quan điểm của Bộ về vấn đề này như thế nào, thưa ông?
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn: Việc thí sinh được đăng ký và được điều chỉnh nguyện vọng sau khi biết điểm thi là một thành công trong thời gian qua. Điều này không hề tốn kém vì thí sinh có thể đăng ký thay đổi nguyện vọng online. Trong thời gian tới chúng ta sẽ đẩy mạnh việc này để giảm việc điều chỉnh nguyên vọng trên giấy.
Chúng ta tiếp tục phát huy vì điều đó mang lại lợi ích cho thí sinh điều chỉnh đăng ký ban đầu cho đến khi có kết quả thi. Không chỉ vì kết quả thi mà có thể trong thời gian đó các em được tìm hiểu thông tin kỹ hơn và có điều chỉnh. Đó là lợi ích của các em.
Chúng tôi nghĩ cái gì mang lợi ích tốt nhất cho thí sinh thì cũng là mang lại lợi ích cho các trường. Khi thí sinh có nhiều cơ hội trúng tuyển hơn thì các trường cũng có nhiều cơ hội để đạt chỉ tiêu tuyển sinh của mình. Thống kê các năm qua cho thấy tỷ lệ nhập học tăng lên hàng năm. Điều đó là một thành công mà chúng ta cần phải phát huy.
- Xin cảm ơn Thứ trưởng!
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn chia sẻ về việc điều chỉnh nguyện vọng của thí sinh.
Tuyển sinh ĐH 2021 -2025: Trung tâm khảo thí độc lập phục vụ xét tuyển Bộ GD&ĐT cho biết, giai đoạn 2021-2025, thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học (ĐH) cơ bản giữ ổn định như năm 2020. Tuy vậy, Bộ đưa ra một số điều chỉnh kỹ thuật để tiến tới thi tốt nghiệp THPT trên máy tính và thành lập các trung tâm khảo thí độc lập phục vụ tuyển sinh cho các trường...