Tuyển sinh đầu cấp tại Hà Nội: Không thi chọn học sinh để phân lớp
Đây là chỉ đạo của Phó Giám đốc phụ trách Sở GDĐT Hà Nội Phạm Văn Đại về công tác tuyển sinh đầu cấp tại Hà Nội.
Các trường không được tổ chức kỳ thi thi tuyển vào lớp 1, lớp 6 (trừ các trường CLC được phép theo quy định). Đối với lớp 6 không được tổ chức thi chọn HS giỏi, chọn HS để phân lớp. Đối với HS lớp 1, không được tự ý đặt ra khoản thu tại thời điểm tuyển sinh.
Cha mẹ học sinh phải được thông tin đầy đủ
Năm học 2021-2022, công tác tuyển sinh vào các trường mầm non, lớp 1, lớp 6 cơ bản được thực hiện như năm học trước. Cụ thể, với hình thức tuyển sinh trực tuyến, thời gian tuyển sinh vào lớp 1 từ ngày 12/7 đến hết ngày 14/7/2021; tuyển sinh trẻ 5 tuổi vào các trường mầm non từ ngày 15/7 đến hết ngày 17/7/2021; tuyển sinh vào lớp 6 từ ngày 18/7 đến hết ngày 20/7/2021.
Với hình thức tuyển sinh trực tiếp, các trường mầm non, tiểu học, THCS nhận hồ sơ từ ngày 23/7 đến hết ngày 28/7/2021.
Để công tác tuyển sinh thuận lợi, Sở yêu cầu các trường cần xây dựng kế hoạch tuyển sinh tỉ mỉ, chi tiết, khoa học, hợp lý; báo cáo Phòng GDĐT quận, huyện, thị xã; báo cáo UBND quận, huyện, thị xã phê duyệt, từ đó báo cáo lên Sở GDĐT. Trong kế hoạch cần nêu rõ các công việc phải làm, trách nhiệm của từng bộ phận, từng cá nhân, từng nhiệm vụ liên quan. Kế hoạch này phải được niêm yết công khai trên cổng thông tin để người dân nắm được và thực hiện.
Tại Hội nghị hướng dẫn tuyển sinh vào các trường lớp 1, lớp 6, lớp 10 năm học 2021-2022 do Sở tổ chức cuối tuần qua, lãnh đạo Sở chỉ đạo các nhà trường chủ động phối hợp với UBND quận, huyện, thị xã điều tra số trẻ trên địa bàn ở từng độ tuổi để tham mưu phòng GDĐT cơ sở lên danh sách, phương án tuyển sinh. Sở đề nghị các trường thông báo công khai, tuyên truyền hướng dẫn phụ huynh thực hiện theo đúng kế hoạch; chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, cấp mã học sinh, mật khẩu cho phụ huynh, phối hợp các cơ quan y tế địa phương trong công tác phòng chống dịch.
Sau thời gian tuyển sinh trực tuyến, phụ huynh có thể mang hồ sơ đến trường để đối chiếu. Nhà trường phải phân công bộ phận trực hỗ trợ phụ huynh, tránh trường hợp cha mẹ HS đến không có ai hoặc có thông tin chưa đầy đủ.
Phó Giám đốc phụ trách Phạm Văn Đại nhấn mạnh: Các trường phải tạo điều kiện thuận lợi cho phụ huynh trong quá trình tuyển sinh đầu cấp, nhất là việc đăng ký trực tuyến vì thực tế, có phụ huynh biết về CNTT, có người chưa biết. Phải có phòng hỗ trợ công tác tuyển sinh cho phụ huynh đăng ký; cử cán bộ trực để hỗ trợ, hướng dẫn cho phụ huynh, HS.
Video đang HOT
Phân tuyến hợp lý, tạo thuận lợi cho người dân
Ở Hà Nội có một thực tế là nhiều tòa nhà chung cư được xây dựng trên phần đất giáp ranh giữa các quận huyện, vậy việc đăng ký tuyển sinh của các HS sinh sống ở đây sẽ ra sao?
Ông Phạm Ngọc Anh, Trưởng phòng GDĐT quận Cầu Giấy nêu thực trạng: Nhiều cư dân tòa chung cư Dreamland Bonanza, số 23 Duy Tân đồng loạt xin học trái tuyến tại quận Cầu Giấy. Lý do là trong hợp đồng mua bán nhà, địa chỉ tòa nhà ghi 23 Duy Tân, Cầu Giấy nhưng khi đi đăng ký tạm trú, các hộ dân mới biết thực tế tòa nhà lại thuộc quản lý của quận Nam Từ Liêm, Hà Nội theo quy định mốc giới hành chính. Dù nằm giáp ranh giữa 2 quận Cầu Giấy và Nam Từ Liêm; song theo đúng tuyến quy định, con em cư dân của tòa nhà phải học các trường thuộc quận Nam Từ Liêm.
Ông Phạm Ngọc Anh cho biết Phòng GDĐT quận Cầu Giấy sẽ cho người xuống địa bàn khảo sát tình hình thực tế. Trong trường hợp có đủ trường lớp và thuận tiện đi lại, Phòng GDĐT Cầu Giấy sẽ làm việc với quận Nam Từ Liêm xem xét tiếp nhận HS. Còn trường hợp HS phải đi quá xa thì phía quận Cầu Giấy cũng sẽ tạo điều kiện để tiếp nhận một số trường hợp đặc biệt, tuy nhiên không thể tiếp nhận tất cả. Phải ưu tiên để các trường tiếp nhận đủ hết HS đúng tuyến rồi mới xem xét tiếp nhận HS ở vùng lân cận.
Về vấn đề trên, ông Phạm Quốc Toản, Trưởng phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng, Sở GDĐT Hà Nội cho hay, Sở đã chỉ đạo Phòng GDĐT Cầu Giấy và Nam Từ Liêm tham mưu UBND 2 quận để kiểm tra kỹ tình hình thực tế ở khu vực trên.
Việc này trước hết thuộc thẩm quyền giải quyết của phía UBND các quận, các phòng GDĐT có trách nhiệm tham mưu. Hiện nay, địa phương đang phải điều tra số HS, số trẻ để thống kê số lượng một cách chi tiết. Phòng GDĐT Cầu Giấy xem xét điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên của các trường tại vùng giáp ranh, nghiên cứu để dự kiến xem đáp ứng được không. Nếu điều kiện đáp ứng được, Phòng GDĐT Cầu Giấy đề xuất với UBND quận Cầu Giấy để tiếp nhận bổ sung HS khu vực giáp ranh như cách làm quận Nam Từ Liêm và Bắc Từ Liêm trước đây.
Ông Phạm Văn Đại khẳng định quan điểm chung của Sở là cần tạo điều kiện cho nhân dân. Nếu quận Cầu Giấy có điều kiện thì tiếp nhận các em. Nếu không có điều kiện, trao đổi với quận Nam Từ Liêm để quận tạo điều kiện cho HS.
“Làm gì có lợi ích nhất cho dân thì chúng ta làm và cần xem xét để giải quyết việc phân tuyến hợp lý” – Phó Giám đốc Sở GD ĐT Hà Nội nói.
Quá tải trong tuyển sinh lớp 1: Đã sẵn sàng phương án giảm 'nhiệt'
Nhiều năm nay, tại các thành phố lớn, tình trạng quá tải trong tuyển sinh lớp 1 vẫn "đến hẹn lại lên". Để khắc phục, ngành Giáo dục các địa phương đã áp dụng nhiều phương cách để giảm tải.
Sĩ số lớp học bảo đảm sẽ giúp HS được quan tâm, hỗ trợ nhiều hơn từ GV. Ảnh: TG
Kết hợp trực tuyến với trực tiếp
Sở GD&ĐT Hà Nội dự kiến, năm học 2021 - 2022 sẽ tuyển khoảng 158.940 học sinh (HS) lớp 1. Để tránh áp lực cho công tác tuyển sinh đồng thời thực hiện tốt phòng chống dịch Covid -19, Hà Nội tiếp tục kết hợp hình thức tuyển sinh trực tiếp và trực tuyến.
Cô Nguyễn Thị Thúy Minh - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đông Thái (Tây Hồ - Hà Nội) cho biết: Năm học 2020 - 2021, trường tuyển sinh 80% HS lớp 1 qua trực tuyến. Đa số phụ huynh đón nhận tích cực hình thức tuyển sinh này, chỉ một số ít gia đình vì lý do riêng hoặc hạn chế về điều kiện tiếp cận công nghệ mới tới trường đăng ký tuyển sinh trực tiếp.
Để công tác tuyển sinh trực tuyến với lớp 1 đạt hiệu quả, nhà trường dành một phòng máy vi tính nhằm hỗ trợ tối đa phụ huynh không có điều kiện về công nghệ thông tin làm thủ tục đăng ký học cho con. Mặt khác, cử giáo viên (GV) hướng dẫn đăng ký trực tuyến cho phụ huynh tại trường. Trường cũng cung cấp số điện thoại để sẵn sàng hướng dẫn tuyển sinh khi phụ huynh vướng mắc yêu cầu hỗ trợ...
"Việc đăng ký tuyển sinh trực tuyến thuận lợi, hỗ trợ tích cực cho trực tiếp. Đặc biệt, giảm đáng kể tình trạng tập trung đông người trong bối cảnh dịch Covid-19 còn phức tạp..." - cô Nguyễn Thị Thúy Minh khẳng định.
Cô Nguyễn Thị Phi Nga - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Phú (Sơn Tây - Hà Nội) cũng cho biết: Năm học 2020 - 2021, tỉ lệ HS lớp 1 đăng ký đầu vào qua trực tuyến vào trường đạt 85%. Việc tuyển sinh trực tuyến thuận lợi không chỉ cho gia đình mà về phía nhà trường cũng nắm bắt nhanh số lượng HS đã đăng ký, HS nào chưa đến?... Từ đó, bộ phận phổ cập tiếp tục vận động phụ huynh học sinh đăng ký đúng thời gian.
Tuy nhiên, theo cô Nguyễn Thị Phi Nga, vẫn còn một bộ phận phụ huynh HS có tâm lý phải nhập hồ sơ trực tiếp tại trường mới yên tâm. Đáp ứng nhu cầu này, bộ phận hướng dẫn tuyển sinh của nhà trường vẫn tiếp nhận bình thường. Dự kiến năm học tới, Trường Tiểu học Trần Phú đón 5 lớp 1 với 175 HS, trung bình khoảng 37 HS/lớp.
Chị Nguyễn Như Quỳnh, phụ huynh học sinh ở quận Hai Bà Trưng - Hà Nội nói: Năm ngoái làm thủ tục tuyển sinh trực tuyến cho con vào lớp 1, tôi thấy rất thuận tiện, hết nỗi lo phải đi sớm "xí" chỗ học. Gia đình có thể đăng ký tuyển sinh trực tuyến cho con đúng ngày giờ dù đang ở Hà Nội hay đi du lịch.
Không còn cảnh phải xếp hàng trong thời tiết nắng nóng, đặc biệt an tâm và tránh tiếp xúc đông người khi dịch Covid-19 chưa được ngăn chặn hoàn toàn. Năm nay, con lớn vào lớp 6, gia đình sẽ áp dụng hình thức tuyển sinh trực tuyến để đăng ký nhập học...
Dạy học lớp 1 theo CTGDPT 2018 hiệu quả cần sĩ số HS/lớp đúng quy định. Ảnh: TG.
Phân luồng - Giảm áp lực đầu cấp
Trong các nỗ lực giảm tải, giảm áp lực tuyển sinh đầu cấp, mỗi địa phương có cách làm khác nhau, phù hợp với tình hình thực tế.
Theo bà Trần Thị Thùy Dung - Trưởng phòng GD&ĐT thành phố Lào Cai, tính trên toàn thành phố, tỉ lệ HS lớp 1 không cao nhưng vẫn tồn tại tình trạng tăng ở một số khu đông dân cư.
Để giảm áp lực tuyển sinh, thành phố Lào Cai lần đầu tiên áp dụng tuyển sinh lớp 1 theo hình thức trực tuyến. Phòng GD&ĐT đang chuẩn bị công tác tập huấn tuyển sinh trực tuyến cho cán bộ, GV. Cuối tháng 4 sẽ chạy thử đường truyền trực tuyến tuyển sinh để hoàn thiện.
Cũng theo bà Trần Thị Thùy Dung: Phòng GD&ĐT thành phố đã đưa ra nhiều giải pháp tháo gỡ quá tải cho tuyển sinh lớp 1. Trước hết, tham mưu cùng thành phố tăng cường đầu tư về cơ sở vật chất, phòng lớp học đủ theo nhu cầu các trường; Làm tốt phân luồng HS đầu cấp. Sắp xếp đều GV nòng cốt trong các trường để trường nào cũng có GV tốt, tạo niềm tin, uy tín cho phụ huynh khi chọn trường.
Mặt khác, phòng triển khai chuyên đề cho trẻ MN 5 tuổi làm quen các trường tiểu học, giúp trẻ quen dần với trường lớp, tránh tình trạng chỉ dồn vào 1 trường. Nhà trường phát huy vai trò của Ban phổ cập phường, xã để thực hiện tuyên truyền giáo dục theo chủ đề: Tuyển sinh đầu cấp, tránh chọn trường lớp...
Tại Lào Cai, hiện tỉ lệ HS lớp 1/lớp đạt trung bình từ 38 - 40 HS. Nhưng với lớp đông HS, các trường đều bố trí phòng học có diện tích rộng hơn. Sắp xếp hợp lý để không gian lớp học không chật chội.
Tại Hà Nội, trong nhiều năm qua, các quận huyện đã nỗ lực đầu tư xây mới nhiều trường, lớp học để tránh quá tải cho HS đầu cấp trong đó có HS lớp 1. Thống kê của quận Hoàng Mai, năm học 2020 - 2021 số lượng học sinh tăng tập trung ở nơi có nhiều tòa nhà cao tầng mới đưa vào sử dụng, dẫn đến quá tải ở một số trường. Phòng GD&ĐT đã tham mưu cho UBND quận cải tạo, nâng cấp 15 trường học, bổ sung 91 phòng học mới và chuẩn bị khởi công 4 trường học trên địa bàn...
Tại quận Hà Đông, năm 2020, quận xây dựng mới thêm 5 trường học, trong đó có 3 trường tiểu học để bổ sung cho các phường có đông dân cư sinh sống. Với huyện Đan Phượng, dành từ 35% - 40% ngân sách đầu tư cho giáo dục đồng thời tập trung thực hiện tách trường ở một số nơi có chiều hướng gia tăng về quy mô HS.
Để giảm nhiệt cho công tác tuyển sinh lớp 1 và quá tải sĩ số cục bộ, bên cạnh quy hoạch mạng lưới trường học, đầu tư công bằng cho giáo dục công lập và ngoài công lập, mở rộng thêm trường, lớp học..., phụ huynh cần nâng cao ý thức, hiểu biết về giáo dục. Tránh tình trạng bằng mọi cách để con được học "trường ngon, lớp xịn"... Nhận thức thiếu đúng đắn của cha mẹ cũng là một trong những nguyên nhân gây tình trạng quá tải trường, lớp ở một số thành phố lớn. - TS Vũ Việt Anh - Giám đốc Học viện Thành Công (Hà Nội)
Nỗi lo quá tải tuyển sinh đầu cấp Nhiều năm nay cứ mỗi mùa tuyển sinh đầu cấp, nỗi lo quá tải học sinh lại hiện hữu. Sở GD&ĐT Hà Nội vừa có văn bản gửi các phòng giáo dục và đào tạo quận, huyện, thị xã, các trường trực thuộc về việc hướng dẫn tuyển sinh vào các trường mầm non, lớp 1 và lớp 6 năm học 2021-2022. Được...