Tuyển sinh đại học năm 2021: Thí sinh không nên đầu tư tiền bạc, thời gian vào lò luyện thi
Đây là khuyến nghị của một số trường đại học tại hội nghị khảo thí trực tuyến lần thứ nhất. Lý do vì ngân hàng đề rất lớn nên các lò luyện thi không thể bao quát được.
Ảnh minh họa: TTXVN
Thông tin về các bài thi đánh giá năng lực học sinh phổ thông năm 2021 vừa được ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TP.HCM và Trường ĐH Bách khoa Hà Nội công bố chiều 24/2.
Cụ thể, năm 2021, ĐH Quốc gia Hà Nội và ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh sẽ tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực ở miền Bắc và miền Nam. Riêng ĐH Bách khoa Hà Nội gọi kỳ thi này là kỳ thi đánh giá tư duy.
Các đơn vị đều chuẩn bị sẵn ngân hàng đề thi với hàng ngàn câu hỏi. ĐH Quốc gia Hà Nội với ngân hàng đề thi lên tới 12.000 – 15.000 câu hỏi có khả năng tổ chức 4 đợt thi trong năm.
Video đang HOT
Trong mỗi đợt thi, mỗi thí sinh sẽ thi một đề riêng. Bài thi này nhằm chống lại cách học thuộc lòng, cũng như học gì thi nấy. Vì ngân hàng đề rất lớn nên các lò luyện thi không thể bao quát hết được. Các trường khuyên thí sinh không nên đầu tư tiền bạc, thời gian vào lò luyện thi.
So sánh ba bài thi đánh giá năng lực năm 2021
Bài thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TP HCM hoàn toàn trắc nghiệm, của ĐH Bách khoa Hà Nội có một phần tự luận.
Tại hội nghị khảo thí trực tuyến năm 2021 chiều 24/2, các đại diện đến từ Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP HCM và Đại học Bách khoa Hà Nội chia sẻ bài thi đánh giá năng lực/tư duy học sinh THPT năm 2021. Đây là ba đại học ở Việt Nam tổ chức thi riêng phục vụ nhiều mục tiêu, trong đó có tuyển sinh, đánh giá các nhóm năng lực của học sinh phổ thông, hướng tới đổi mới phương thức và nội dung đánh giá, tuyển sinh phù hợp với thông lệ quốc tế.
GS Nguyễn Tiến Thảo, Giám đốc Trung tâm Khảo thí Đại học Quốc gia Hà Nội, cho biết bài thi đánh giá năng lực của trường được thiết kế để đánh giá ba nhóm năng lực chính là sáng tạo và giải quyết vấn đề; năng lực Toán, xử lý số liệu, Tiếng Việt, tư duy ngôn ngữ, lập luận logic; khám phá và ứng dụng khoa học tự nhiên/công nghệ và khoa học xã hội.
Bài thi năm nay gồm 150 câu hỏi, tương ứng với 150 điểm, thi trong 195 phút, chia làm ba phần. Phần một là tư duy định lượng với 50 câu hỏi về Toán học, thống kê và xử lý số liệu dưới dạng trắc nghiệm điền đáp án, thời gian 75 phút. Phần hai là tư duy định tính với 50 câu hỏi về văn học - ngôn ngữ cũng dưới dạng trắc nghiệm, thời gian 60 phút. Nội dung đề thi hai phần này nằm trong chương trình lớp 10, 11 và 12.
Phần cuối là Khoa học tự nhiên - xã hội, gồm 50 câu hỏi ở các lĩnh vực Lý, Hóa, Sinh, Sử, Địa ở lớp 11 và 12. Câu hỏi được đưa ra dưới dạng trắc nghiệm điền đáp án, làm bài trong 60 phút. Tất cả phần thi được thực hiện trên máy tính.
Theo kế hoạch, đề tham khảo sẽ được công bố vào ngày 15/3, thí sinh đăng ký thi ngày 1/4. Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ tổ chức 5-6 đợt thi, dự kiến có 10.000-12.000 thí sinh tham dự. Đợt 1 vào ngày 8-9/5, đợt 2 là 22-23/5, đợt 3 là 5-6/6 và các đợt còn lại vào tháng 7. Thí sinh được đăng ký không hạn chế số lần dự thi, nhưng thời gian dự thi giữa hai lần phải cách nhau tối thiểu 28 ngày. Ví dụ, các em đã thi đợt 8-9/5 thì thi lần 2 sớm nhất vào ngày 5-6/6.
Cấu trúc đề thi đánh giá năng lực năm 2021 của Đại học Quốc gia Hà Nội.
Với bài thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP HCM, TS Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo, cho biết định hướng bài thi là đánh giá năng lực cơ bản, cần thiết của học sinh để học tốt đại học và học tập suốt đời, gồm: Năng lực sử dụng tiếng Việt, tiếng Anh, logic và xử lý số liệu, giải quyết các vấn đề khoa học. Kỳ thi hạn chế đánh giá khả năng nhớ, thuộc nên sẽ cung cấp số liệu, dữ kiện một cách nhiều nhất để học sinh dựa vào đó thể hiện năng lực của mình.
Bài thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP HCM gồm 120 câu hỏi hoàn toàn dưới dạng trắc nghiệm khách quan (chọn một trong bốn phương án), được triển khai trên giấy. Bài gồm ba phần. Phần một là sử dụng ngôn ngữ với 20 câu tiếng Việt và 20 câu Tiếng Anh. Phần hai là Toán học, tư duy logic và phân tích số liệu, mỗi cái 10 câu. Phần ba là giải quyết vấn đề thuộc các lĩnh vực Hóa, Lý, Sinh, Sử, Địa, mỗi lĩnh vực 10 câu.
Số điểm tối đa thí sinh có thể đạt là 1.200 điểm/120 câu. Tuy nhiên, tùy vào độ khó, độ phân biệt mà mỗi câu hỏi sẽ đóng góp trọng số khác nhau vào tổng điểm.
Năm 2021, Đại học Quốc gia TP HCM tổ chức hai đợt thi vào trước và sau kỳ thi tốt nghiệp THPT. Ngày thi dự kiến là 28/3 (ở TP HCM, An Giang, Bến Tre, Nha Trang, Đà Nẵng, Buôn Ma Thuột) và 4/7 (ở TP HCM, An Giang, Đà Nẵng, Nha Trang).
Đại học Bách khoa Hà Nội gọi tên bài thi riêng là đánh giá tư duy. PGS Trần Trung Kiên, Trưởng phòng Tuyển sinh, cho biết do đặc thù trường đi chuyên sâu về khoa học kỹ thuật, công nghệ nên cấu trúc đề thi và hướng tiếp cận khác so với hai trường. Bài thi không có phần khoa học xã hội mà tập trung vào đánh giá năng lực vận dụng kiến thức Toán THPT để giải quyết các vấn đề thực tế, hiểu biết Khoa học tự nhiên (Lý, Hóa, Sinh) và năng lực đọc nhanh, hiểu đúng vấn đề về khoa học kỹ thuật cũng như năng lực tiếng Anh (với ngành đào tạo ngoại ngữ).
Bài thi đánh giá tư duy (thi trên giấy) cũng gồm 3 phần, trong 180 phút, có nhiều khác biệt so với bài đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia TP HCM. Trong đó, phần một là bài Toán gồm các câu hỏi trắc nghiệm và tự luận, thi trong 90 phút. Phần này đánh giá bốn kỹ năng là mô hình hóa Toán học, giải quyết vấn đề, tư duy và lập luận Toán học, kỹ năng giao tiếp Toán học.
Phần hai là bài Đọc hiểu với khoảng 3-4 bài đọc về các lĩnh vực khoa học tự nhiên, kỹ thuật, công nghệ liên quan đến các chương trình đào tạo của Đại học Bách khoa Hà Nội. Câu hỏi được đưa ra dưới dạng trắc nghiệm khách quan, mỗi bài đọc có 6-9 câu.
Phần ba là bài tự chọn, trả lời trắc nghiệm. Tùy từng ngành, thí sinh chọn thi bài Lý - Hóa, Hóa - Sinh hoặc Tiếng Anh. Nội dung kiểm tra nằm trong chương trình THPT, ở mức thông hiểu và vận dụng. Thí sinh làm bài trong 60 phút.
Điểm khác biệt lớn ở bài thi của trường Bách khoa Hà Nội là tổng điểm các bài thi sẽ được quy về một đầu điểm theo thang 30. Thí sinh sử dụng kết quả bài thi này để tuyển sinh sẽ đăng ký mã xét tuyển chung theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Dự kiến mã tổ hợp xét tuyển sẽ là A21, A22 và A23.
Năm nay, trường dự kiến tổ chức thi ở ba tỉnh, thành phía bắc với khoảng 8.000-10.000 thí sinh. Chỉ những em vượt qua sơ tuyển, tức có điểm trung bình 6 học kỳ mỗi môn trong tổ hợp từ 7 trở lên mới được thi bài đánh giá tư duy. Trường dành 30-40% tổng chỉ tiêu tuyển sinh bằng bài thi này.
Dù cấu trúc bài thi, cách thức thi, tính điểm có khác nhau, ba đại học kể trên đều cởi mở trong việc để các trường đại học khác sử dụng kết quả bài thi đánh giá năng lực/tư duy trong tuyển sinh, giúp thí sinh có thêm cơ hội xét tuyển đại học. Ví dụ với Đại học Quốc gia TP HCM, ngoài các trường thành viên, khoảng 70 đại học, cao đẳng khác sẽ sử dụng kết quả bài thi này để tuyển sinh.
Những điều cần lưu ý về phương thức tuyển sinh của các trường năm 2021 Nhiều trường đại học công bố thông tin tuyển sinh, phần lớn trường giữ nguyên phương thức giống năm 2020, một số trường bổ sung cách xét tuyển mới. Vừa qua, Đại học Ngân hàng TP.HCM công bố kế hoạch tuyển sinh 2021 với 3.280 chỉ tiêu cho 7 ngành đào tạo. Phương thức tuyển sinh bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT...