Tuyển sinh đại học 2021: Cân nhắc khối ngành sức khỏe
Chưa khi nào, cánh cửa vào đại học (ĐH) khối ngành sức khỏe lại rộng mở như như năm nay khi có thêm hàng nghìn chỉ tiêu đến từ các trường có truyền thống đào tạo khối ngành kinh tế, công nghệ như ĐH Hoa Sen, ĐH Công nghệ TP HCM … Sự “lấn sân” này đặt ra nhiều băn khoăn.
Giờ học của sinh viên Đại học Y dược Thái Nguyên. Ảnh: TTXVN.
Không ồ ạt vẫn… lo
Hiện nay, theo quy định của Bộ GDĐT, để mở các ngành đào tạo liên quan đến sức khỏe, ngoài các điều kiện chung khi mở các ngành đào tạo mới, các trường cần đảm bảo thêm nhiều yêu cầu khác. Đơn cử như ngành Y đa khoa phải có tối thiểu 2 TS thuộc lĩnh vực khoa học y sinh, 6 TS thuộc lĩnh vực y học lâm sàng và 1 TS thuộc lĩnh vực y học dự phòng hoặc y tế công cộng, ngành Y học cổ truyền phải có tối thiểu 2 TS thuộc lĩnh vực khoa học y sinh, 3 TS thuộc lĩnh vực y học cổ truyền và 1 TS thuộc lĩnh vực y học dự phòng hoặc y tế công cộng….
Giảng viên cơ hữu giảng dạy ít nhất 70% khối lượng chương trình đào tạo; khối lượng kiến thức còn lại do giảng viên thỉnh giảng (trong và ngoài nước) đã được ký kết hợp đồng thỉnh giảng với cơ sở đào tạo thực hiện. Các giảng viên cơ hữu và thỉnh giảng đều phải có chuyên môn phù hợp với nội dung các học phần được phân công giảng dạy…
Chặt chẽ là thế nhưng nhìn vào truyền thống đào tạo của nhà trường không có một chuyên ngành nào liên quan đến y dược, nhiều ý kiến không khỏi lo ngại khi tới đây, sinh viên khối ngành sức khỏe của nhà trường sẽ được đào tạo ra sao?
Mùa tuyển sinh ĐH,CĐ 2017, Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ từng tạo nên một cú sốc khi thông báo tuyển sinh ngành Y và Dược học. Những lo ngại về “bác sĩ Kinh Công” tương lai hồi đó đã trở thành đề tài thu hút sự quan tâm rất lớn của dư luận.
Video đang HOT
Đến nay, khóa sinh viên đầu tiên của trường sắp tốt nghiệp và dư luận vẫn đang mong chờ một đánh giá cụ thể về chất lượng của quá trình giảng dạy và học tập của thầy và trò trường này.
Không phủ nhận đào tạo ĐH đa ngành, đa lĩnh vực là một xu thế phát triển của các trường ĐH lớn trên thế giới. Ở Việt Nam, Bộ GDĐT cũng khuyến khích các trường mở ngành mới đón đầu xu thế phát triển của khoa học – công nghệ và kinh tế – xã hội, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu.
Song với đặc thù của khối ngành sức khỏe, Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH năm 2018 đã quy định Bộ GDĐT quản lý và cấp phép mở ngành đào tạo thuộc khối ngành sức khỏe và xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào. Hội đồng xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào cho khối ngành sức khỏe có sự tham gia của Bộ Y tế.
Siết đầu vào, siết mở ngành là vậy nhưng nhìn vào bức tranh tuyển sinh khối ngành sức khỏe năm nay, nhiều người vẫn không khỏi lo lắng sau 5-7 năm nữa, những y bác sĩ này sẽ trực tiếp thăm khám, cứu chữa bệnh nhân như thế nào?
Lo điều kiện thực hành
Căn cứ trên điều kiện về cơ sở thực hành của nhóm ngành sức khỏe, ngành Y đa khoa ít nhất phải có các phòng thí nghiệm, thực hành về Sinh học và di truyền y học, Lý sinh, Hóa học, Giải phẫu, Mô phôi, Sinh lý, Hóa sinh, Vi sinh – Ký sinh trùng, Giải phẫu bệnh, Sinh lý bệnh – Miễn dịch, Dược lý, Dinh dưỡng và Vệ sinh an toàn thực phẩm, Sức khoẻ môi trường và Sức khỏe nghề nghiệp, Điều dưỡng cơ bản.
Trung tâm tiền lâm sàng phải có tối thiểu các phòng thực hành cho khối kiến thức chuyên ngành về hệ nội, hệ ngoại, phụ – sản, nhi, hồi sức cấp cứu, điều dưỡng… Ngành dược học, ngành điều dưỡng, ngành y học dự phòng cũng đều có các quy định riêng về cơ sở thực hành.
Nhìn vào thực tế hiện nay, đa số các trường có đào tạo ngành y lựa chọn mô hình trường – viện để giúp sinh viên có cơ hội thực tập. Nhà trường liên kết với bệnh viện, đưa sinh viên đến thực tập, rèn luyện các kỹ năng, thực hành cùng với nhân viên y tế tại bệnh viện.
Một số trường đào tạo ngành y còn tự thiết lập hệ thống bệnh viện để sinh viên có điều kiện tham gia thực hành như ĐH Y Hà Nội, CĐ Y tế Bạch Mai… Nhưng đó chỉ là số ít còn đa số vẫn phụ thuộc vào các bệnh viện công lập đã có.
Theo phân tích của các chuyên gia, khác với nhiều ngành nghề, việc đào tạo ngành y liên quan mật thiết với quá trình thực hành tại cơ sở. Chỉ qua thực hành, sinh viên, nhân viên y tế mới vận dụng được toàn bộ kiến thức đã được học vào thực tiễn, từ đó, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp. Quan trọng là thế nhưng trên thực tế điều kiện, phương tiện thực hành cho sinh viên, nhân viên y tế hiện vẫn còn thiếu thốn nghiêm trọng.
Trong khó khăn đó, nhiều trường mở thêm ngành học thuộc khối sức khỏe. Câu hỏi đặt ra là: Cơ hội thực tập, thực hành của các sinh viên các trường này sẽ ra sao? Bởi chỉ tính riêng những trường đang đào tạo ngành này cũng đã rất khó thỏa mãn mong mỏi thực hành của sinh viên ngành y nói chung, ngành nha nói riêng. Nay hệ thống bệnh viện hầu như không tăng lên nhưng số lượng sinh viên cần thực hành lại tăng thêm thì làm sao giải quyết được bài toán số lượng và chất lượng?
Đây cũng là băn khoăn của GS.TS Phạm Tất Dong, Ủy viên Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực trước tình trạng các trường ồ ạt mở ngành sức khỏe. Mặc dù điều kiện để mở ngành rất chặt chẽ, Bộ GDĐT cho biết sẽ thường xuyên thanh kiểm tra… nhưng đây là ngành học liên quan đến sức khỏe, tính mạng con người. Nhiều người dân bây giờ đi khám bệnh còn hỏi bác sĩ được đào tạo ở đâu? Bác sĩ mà được đào tạo theo kiểu liên kết, kết hợp có khi họ không dám khám.
“Học mà không có hành với nhiều ngành đã khó. Với đặc thù của khối ngành sức khỏe, điều này là không thể chấp nhận”, ông Dong nói và thêm rằng không chỉ với các bác sĩ, những sinh viên đang học ngành điều dưỡng hoặc vừa ra trường, ông quan sát thấy cũng có nhiều em khá lúng túng khi thực hiện các thao tác trên bệnh nhân khi tiêm truyền, lấy máu, chăm sóc vết thương… Một trong những lý do đó là vì ít có cơ hội thực tập.
Vì vậy, để chặn lỗ hổng trong đào tạo y khoa có thể xảy ra, GS Dong đề xuất trước hết các trường cần minh bạch thông tin về lộ trình đào tạo, học phí, cơ hội thực tập… để xã hội, người học giám sát. Việc thanh kiểm tra của Bộ cần được thực hiện thường xuyên, liên tục với các yêu cầu khắt khe về cả chất lượng và số lượng. Nếu phát hiện có sai phạm, cần nghiêm túc xử lý để làm gương cho các trường khác thay vì “giơ cao đánh khẽ” hay “đóng cửa bảo nhau”…
Sợ trường tư mở ngành sức khỏe, vì sao?
Khởi động mùa tuyển sinh 2021, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm đến việc có thêm nhiều trường đại học tư thục tham gia đào tạo nhóm ngành sức khỏe.
Ảnh minh họa/INT
Theo đó, tại khu vực phía Nam, các trường ĐH: Hoa Sen, Quốc tế Hồng Bàng, Văn Lang, Công nghệ TPHCM dự kiến mở khá nhiều ngành mới như y khoa, y học cổ truyền, điều dưỡng... Trước đó, tham gia đào tạo nhóm ngành này có các cơ sở tư thục khác như các Trường: ĐH Tân tạo, Võ Trường Toản, Nam Cần Thơ, Đại Nam, Nguyễn Tất Thành...
Việt Nam có nhu cầu lớn đối với nhân lực nhóm ngành sức khỏe, bởi đến nay nhiều khu vực tỷ lệ bác sĩ trên vạn dân cực thấp như Đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên, nhất là một số lĩnh vực pháp y, giải phẫu, lao, phong, tâm thần...
Tuyến y tế cơ sở đang trong tình trạng khủng hoảng thiếu nhân lực y tế dự phòng. Riêng với điều dưỡng, chăm sóc viên, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam cũng từng nhận định nước ta cần phải tăng cường đầu tư cho đào tạo, bởi nhiều khả năng đến năm 2030, nguồn nhân lực điều dưỡng trong nước sẽ thiếu khoảng hơn 50 nghìn người.
Cùng với đó, nhu cầu nhân lực y tế cần cho xuất khẩu lao động không ngừng tăng trong các năm qua. Nhật Bản, Hàn Quốc... luôn có đơn đặt hàng, tiếp nhận các thực tập sinh hộ lý, chăm sóc viên Việt Nam sang làm việc.
Nhu cầu nhân lực cao nên học sinh quan tâm hướng nghiệp vào nhóm ngành sức khỏe ngày càng nhiều trong những mùa tuyển sinh gần đây. Nghệ An, năm 2018 có tới 860 học sinh đăng ký vào Trường ĐH Y Hà Nội, 2.058 em vào ĐH Y khoa Vinh. Tình trạng thí sinh chọn nhóm ngành sức khỏe nhiều đã đẩy điểm chuẩn trúng tuyển ở nhiều trường cao chưa từng thấy, khiến không ít thí sinh mất cơ hội trúng tuyển vào ngành yêu thích khi không đạt được điểm "khủng" từ 28 đến 30.
Trong bối cảnh thị trường nhân lực cần, số lượng thí sinh đăng ký cao nhưng cửa vào các trường y dược truyền thống quá hẹp, sự tham gia của khối tư thục trong đào tạo nhóm ngành sức khỏe rất đáng trân trọng. Đó không chỉ là quyền của nhà trường được luật định mà còn là trách nhiệm với xã hội, bởi đầu tư vào nhóm ngành sức khỏe chưa bao giờ là đơn giản.
Dĩ nhiên, sự quan tâm, e ngại của dư luận về chất lượng đào tạo xung quanh việc nhiều trường tư mở ngành sức khỏe không phải là không có căn cứ. Thực tế quá trình đào tạo nhóm ngành này cũng đã có những "con sâu" làm rầu nồi canh, chẳng hạn như việc chạy theo lợi nhuận tuyển sinh ồ ạt, "mượn đầu heo nấu cháo", học chay, dạy chay... Nhưng nếu chỉ vì một vài "con sâu" mà kín cổng với các đơn vị tư thục nghiêm túc trong đào tạo nhóm ngành sức khỏe sẽ không giải quyết được bài toán nhân lực cho ngành y tế và xã hội, cũng như thực thi quyền tự chủ, bình đẳng của đại học.
Trong khi chưa có chuẩn chất lượng chung cho các trường đào tạo y khoa, nhiều trường tư thục đã đầu tư mở bệnh viện, phòng khám cho sinh viên thực hành. Cùng với sự nỗ lực của các trường, Bộ GD&ĐT đặc biệt quan tâm thẩm định kỹ các điều kiện bảo đảm chất lượng khi mở ngành, giữ ngưỡng bảo đảm chất lượng tuyển sinh đầu vào, tăng cường công tác hậu kiểm...
Song song đó, phía ngành y tế cũng xác định lấy việc thi cấp chứng chỉ hành nghề là khâu đột phá để nâng cao chất lượng, dự kiến sẽ áp dụng từ 2024 khi Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi có hiệu lực. Trong bối cảnh những giải pháp quản lý được vận hành nghiêm túc, đồng bộ hơn, người học ngày một thông minh, cạnh tranh chất lượng minh bạch hơn, chúng ta cũng đừng quá sợ các trường tư mở ngành sức khỏe.
Đào tạo ngành y dược 'trăm hoa đua nở', cảnh báo hậu quả khôn lường Mùa tuyển sinh năm 2021 ghi nhận sự "trăm hoa đua nở" các ngành đào tạo về sức khỏe tại nhiều trường ĐH. Thậm chí, nhiều trường vốn có thế mạnh về kinh tế, xã hội cũng tham gia đào tạo các ngành y dược. Sinh viên ngành y dược một trường đại học trong giờ học - Ảnh: NHƯ HÙNG Mới nhất,...