Tuyển sinh: Chỗ nhận không hết, nơi lần chẳng ra!
Trong khi nhiều trường công lập tại các thành phố lớn tuyển vượt chỉ tiêu, có ngành vượt hơn 100%, thì các trường đại học địa phương lại thưa thớt sinh viên nhập học
Hệ thống giáo dục đại học (ĐH) Việt Nam có khoảng 250 trường ĐH, học viện nhưng số tuyển sinh tốt lại không nhiều và chủ yếu tập trung ở các thành phố lớn. Trường ĐH địa phương nhiều năm qua luôn ở thế khó.
Điểm “rẻ” cũng thiếu sinh viên
Tại Trường ĐH Bạc Liêu, trong số 13 ngành tuyển sinh năm nay thì 3 ngành sư phạm có điểm chuẩn là 19, các ngành còn lại đều lấy điểm chuẩn 15 (thang điểm 30, theo kết quả điểm thi tốt nghiệp THPT); ở phương thức xét tuyển bằng học bạ, điểm chuẩn của trường cũng ở mức điểm thấp nhất (18 điểm đối với các ngành ngoài sư phạm, các ngành sư phạm 24 điểm).
Điểm chuẩn thấp nhưng trường cũng mới tuyển được 50% chỉ tiêu. Một đại diện của trường cho biết năm 2021, Trường ĐH Bạc Liêu có 1.000 chỉ tiêu nhưng đến thời điểm này trường mới tuyển được 50%, trường đã ra thông báo tuyển bổ sung vào các ngành đào tạo của trường. Theo đại diện này, tình trạng khó tuyển sinh đã bắt đầu từ 3 năm nay, nguyên nhân là do không có ngành mới, hấp dẫn trong khi vùng tuyển sinh ngày càng hẹp; nhu cầu nhân lực tại chỗ ngày càng giảm nên không thu hút được người học.
Tại Trường ĐH Phú Yên, sau đợt xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT và các đợt xét tuyển bằng học bạ, trường mới tuyển được chừng 400 trong tổng số 775 chỉ tiêu. TS Trần Lăng, Phó Hiệu trưởng nhà trường, cho biết trường có 16 ngành gồm 9 ngành đào tạo sư phạm và 7 ngành ngoài sư phạm thì có khoảng 6 ngành trong và ngoài sư phạm không thể tổ chức đào tạo do mỗi ngành chỉ có vài thí sinh trúng tuyển. Tình trạng tuyển sinh khó khăn bắt đầu từ năm 2017 đến nay, có những năm trường chỉ tuyển được khoảng 50% chỉ tiêu.
Nguyên nhân được đại diện trường cho là bởi thí sinh có xu hướng tìm đến các trường ở những trung tâm thành phố lớn để có nhiều cơ hội việc làm khi còn là sinh viên cũng như sau khi tốt nghiệp. Ngoài ra, khó khăn khác cũng được kể đến, ví dụ như một số ngành kém hấp dẫn…
“Thời gian qua, trường cũng muốn mở những ngành mới, hấp dẫn nhưng khó ở chỗ khó thu hút giảng viên có trình độ do lương của giảng viên có trình độ thạc sĩ mới vào trường cũng chỉ dăm bảy triệu đồng/tháng” – TS Trần Lăng nêu thực tế.
Video đang HOT
Thí sinh làm thủ tục nhập học tại một trường đại học ở TP HCM. Ảnh: TẤN THẠNH
Tuyển vượt chỉ tiêu một số ngành “hot”
Ở một số trường ĐH, để bù đắp số chỉ tiêu ở một số ngành không tuyển sinh được, các trường đang “vượt đèn đỏ” ở một số ngành “hot”.
Trường ĐH Lao động – Xã hội có những ngành tuyển vượt gần 800% chỉ tiêu như ngành tâm lý có 354 thí sinh trúng tuyển trên tổng số 40 chỉ tiêu, ngành tài chính – ngân hàng vượt 652%, ngành kinh tế vượt 542%, ngành quản trị kinh doanh vượt 490%… Xét trên tổng quy mô, số thí sinh trúng tuyển bằng phương thức kết quả thi tốt nghiệp của Trường ĐH Lao động – Xã hội vượt trên 317%.
Theo danh sách trúng tuyển ĐH bằng phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT của Trường ĐH Công đoàn, 100% các ngành của trường này đều tuyển sinh vượt chỉ tiêu, trong đó một số ngành có số thí sinh trúng tuyển vượt hơn 100% so với chỉ tiêu được công bố trong đề án tuyển sinh. Cụ thể, ngành công tác xã hội số thí sinh trúng tuyển là 446, trong khi chỉ có 200 chỉ tiêu, ngành xã hội học tuyển 405 thí sinh nhưng chỉ có 200 chỉ tiêu. Các ngành bảo hộ lao động, quan hệ lao động cũng đều tuyển vượt 80 so với chỉ tiêu.
Trong khi đó, Trường ĐH Kiến trúc có 19 ngành đào tạo, được chia thành 12 ngành, nhóm ngành tuyển sinh thì chỉ có 3-4 ngành có số thí sinh trúng tuyển dưới chỉ tiêu, còn lại đều vượt. Nhóm ngành điêu khắc và thiết kế nội thất vượt gần 85%, ngành thiết kế thời trang vượt 113%, ngành quản lý xây dựng vượt 144%.
Trao đổi với báo chí, TS Nguyễn Thị Giáng Hương, Trưởng Phòng Quản lý Đào tạo Trường ĐH Lao động – Xã hội, cho hay khi xác định danh sách thí sinh trúng tuyển, trường tính toán cả việc số lượng thí sinh ảo vì tuy thí sinh đủ điểm trúng tuyển nhưng nộp giấy về trường, xác nhận nhập học hay không lại là quyền của các em. Hiện trường vẫn trong thời gian cho thí sinh nhập học nên chưa chốt được số lượng thí sinh vào trường năm nay.
Lãnh đạo Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT) cho biết Bộ GD-ĐT có quy định để quản lý chỉ tiêu tuyển sinh. Những trường tuyển quá số lượng đã ghi trong đề án sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, vị này cũng cho rằng chưa thể kết luận những trường có số lượng thí sinh trúng tuyển cao hơn chỉ tiêu là đã tuyển quá chỉ tiêu vì thực tế, số lượng thí sinh ảo nhiều. Các trường tuyển sinh đến hết 31-12 nên phải chờ thí sinh hoàn tất việc nhập học mới có con số chính xác.
Sắp xếp lại ngành nghề đào tạo
Theo TS Trần Lăng, tình trạng khó tuyển sinh kéo dài sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của Trường ĐH Phú Yên. Do vậy, trường đã có kế hoạch từ nay đến năm 2025 tổ chức sắp xếp lại các ngành nghề đào tạo. Chẳng hạn ở nhóm ngành đào tạo giáo viên, cùng với một số ngành đang tuyển sinh tốt, trường sẽ mở những ngành mới như ngành sư phạm khoa học tự nhiên; ngành sư phạm lịch sử – địa lý… để phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông mới. Với khối ngành ngoài sư phạm, trường cũng sắp xếp lại để đào tạo những ngành phù hợp với nhu cầu của địa phương như các ngành về du lịch, quản trị kinh doanh, nông nghiệp…
Trường cao đẳng tuyển sinh "bết bát" vì đại học vét thí sinh?
Dù vẫn đang cố gắng chiêu sinh nhưng phải thừa nhận rằng các trường cao đẳng đã không còn nguồn tuyển.
Đến thời điểm này, nhiều trường vẫn chưa tuyển đủ chỉ tiêu dù năm học mới đã bắt đầu. Nguyên nhân là do bậc học này không chịu nổi "sức vét" của các trường đại học lẫn tình hình dịch bệnh khó khăn.
Trường đại học đầu tiên tại TPHCM dự kiến dạy tập trung vào cuối tháng 10Dịch bệnh phức tạp, kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học năm tới được tổ chức thế nào?
Mòn mỏi tìm, chờ người học
Nếu như trước đây, thị phần của trường đại học (ĐH) sẽ tuyển những thí sinh có điểm thi trung bình khá trở lên, số thí sinh có điểm thấp sau khi "lọt sàn sẽ xuống nia", dùng học bạ để xét vào các trường cao đẳng (CĐ), trung cấp (TC). Đó là khi các trường ĐH phải xét tuyển bằng điểm của các kỳ thi chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì lợi thế của bậc TC, CĐ là chỉ cần thí sinh tốt nghiệp THPT là đủ. Thế nhưng, khoảng ba năm trở lại đây, khi mà các trường ĐH đa dạng phương thức xét tuyển, trong đó xét cả học bạ, thì cũng là lúc các trường TC, CĐ ngậm ngùi chờ người học đến cuối mùa tuyển sinh.
Tiến sĩ Lê Lâm, Hiệu trưởng Trường CĐ Đại Việt Sài Gòn, than: "Năm nay, tuyển sinh "bết" quá, giảm một nửa so với năm rồi và giảm 1/5 so với trước đây. Nguyên nhân thì có nhiều, hai năm nay dịch bệnh gây khó khăn cho nhiều gia đình vì vậy phải tính toán lại chi tiêu, kể cả chi tiêu cho giáo dục. Do đó, nhiều học sinh phải chọn học nghề tại địa phương thay vì lên các thành phố lớn. Thêm nữa, tâm lý xưa nay của người học vẫn thích ĐH hơn học nghề. Nếu vào ĐH khó thì khác, bây giờ vào ĐH dễ hơn, thì chắc chắn thí sinh sẽ chọn vào ĐH".
Sinh viên ngành dược, điều dưỡng Trường cao đẳng Đại Việt Sài Gòn trong giờ học (ảnh chụp trước khi dịch COVID-19 bùng phát) - ẢNH: PHÚC TRẦN
Ngoài chất lượng đào tạo thì trước nay, lợi thế của bậc TC, CĐ nằm ở điều kiện tuyển sinh. Người học khá giỏi sẽ chinh phục giảng đường ĐH, thí sinh có học lực trung bình khá trở xuống thường chọn TC, CĐ để gửi gắm ước mơ. Sự phân tầng hợp lý đã dần phá bỏ khi đường vào ĐH ngày càng dễ hơn, những bậc học "chiếu dưới" ngày càng khó khăn trong việc tìm người học.
Thạc sĩ Cao Ngọc Tưởng Vân, Trưởng phòng Tuyển sinh Trường CĐ Quốc tế TP.HCM, cho hay: Đến thời điểm này, trường tuyển tốt ở hệ 9 (thí sinh tốt nghiệp THCS). Năm 2021, hệ 9 tuyển được 90% chỉ tiêu (300 chỉ tiêu), còn CĐ tuyển thí sinh tốt nghiệp THPT chỉ đạt 50% (1.000 chỉ tiêu). Trường CĐ đang chịu tác động kép: do dịch bệnh khiến tình hình kinh tế khó khăn, và các trường ĐH dùng nhiều cách thu hút, chỉ tiêu ngày càng nhiều, điều kiện tuyển sinh ngày càng dễ nên gần như đã không còn nguồn tuyển.
Còn thạc sĩ Trần Công Nam, Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Bách khoa Sài Gòn, cho biết: "So với kế hoạch tuyển sinh năm 2021, hiện trường mới chỉ tuyển đạt 70% so với chỉ tiêu. Tình hình năm nay rất căng thẳng và khó khăn cho các trường nghề, chính vì thế số trường có thể đạt 100% so với kế hoạch đề ra là rất ít".
Theo các chuyên gia tuyển sinh, các trường ĐH đang tăng đáng kể chỉ tiêu ở phương thức xét học bạ. Do lo ngại dịch COVID-19 có thể khiến địa phương không tổ chức thi tốt nghiệp, nhiều trường ĐH đã đẩy mạnh việc xét học bạ để "nắm" được càng nhiều thí sinh, càng sớm càng tốt. Và phần đông các trường CĐ ở thời điểm này chỉ tuyển được 50 - 80% chỉ tiêu.
Tuyển nữa cũng không có nguồn
Trường CĐ Bách khoa Sài Gòn đã bắt đầu năm học mới 2021-2022 từ giữa tháng Chín, bằng hình thức dạy học trực tuyến và đang bổ sung xét tuyển đợt cuối đến hết ngày 31/10. Nhưng khả năng cũng không tuyển thêm được bao nhiêu.
Theo thạc sĩ Trần Công Nam, công tác tuyển sinh của các trường TC, CĐ tại TP.HCM gặp rất nhiều khó khăn vì nhiều lý do khác nhau: Dịch bệnh ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, sinh hoạt, thu nhập của các gia đình có thu nhập trung bình, hộ nghèo - đối tượng chính của bậc TC, CĐ. Chưa kể đến tâm lý sợ dịch, nhiều gia đình không an tâm cho con em mình học tập ở TP.HCM, mà rẽ hướng sang học ở cơ sở giáo dục gần nhà. Đa phần các em học trường nghề với định hướng học nhanh, ra trường sớm và đi làm ngay, tuy nhiên hiện nay hầu hết các ngành đều bị ảnh hưởng nặng nề, nên việc lựa chọn trường nghề sẽ được các em và gia đình cân nhắc rất kỹ. Với tình hình hiện tại, các trường ở TP.HCM đều khởi đầu năm học mới bằng hình thức học online và có khả năng kéo dài hết học kỳ I, trong khi đó tâm lý và sự sẵn sàng chấp nhận sự thay đổi của các em có phần hạn chế, nên rất nhiều trường hợp đã hoàn tất các thủ tục hồ sơ xong lại đổi ý.
Tiến sĩ Lê Lâm thì cho biết tuy các trường có thể vẫn tiếp tục tuyển sinh nhưng cũng không còn nhiều nguồn tuyển. Đến cuối tháng Mười là thời điểm chậm nhất để kết thúc mùa tuyển sinh, thí sinh phần lớn đều xác định được chỗ học hoặc đợi thêm một năm. Hiện nay, khả năng chỉ còn số ít thí sinh xét vào sư phạm mầm non.
Trường CĐ Quốc tế TP.HCM sẽ kéo dài thời gian tuyển sinh đến hết tháng 11 dù biết sẽ không còn nhiều thí sinh. Đây là kỳ tuyển sinh dài nhất mà trường thực hiện để "chờ" người học. Mọi năm, tháng Mười là trường đã kết thúc tuyển sinh.
Hiệu trưởng một trường CĐ tại Đồng Nai đúc kết: Vấn đề không phải các trường không thể chờ, mà là không còn nguồn tuyển. Chỉ tiêu, ngành nghề của bậc ĐH không ngừng nở nồi; tiêu chí tuyển sinh đa dạng và ngày càng dễ hơn nên gần như vét sạch người học. Thí sinh có điều kiện vào ĐH thì sẽ vào cho bằng được. Nếu người học khó khăn không thể vào ĐH thì sẽ vào các trường CĐ công lập. Các trường TC, CĐ ngoài công lập ngày càng đối diện nhiều khó khăn.
Trường đại học đầu tiên công bố điểm chuẩn xét tuyển bổ sung Trường Đại học Thăng Long công bố điểm chuẩn trúng tuyển đợt xét tuyển bổ sung năm 2021. Ngành có điểm chuẩn cao nhất là Truyền thông đa phương tiện, Luật Kinh tế - với 26,10 điểm (không nhân hệ số). Các trường đại học bắt đầu công bố điểm chuẩn xét tuyển bổ sung năm 2021. Ảnh minh họa: Hải Nguyễn Điểm...