Tựu trường thời trực tuyến
Là giải pháp bắt buộc trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp như hiện nay, triển khai học online (trực tuyến) ngay từ đầu năm học đối với học sinh nhỏ tuổi đang khiến nhiều phụ huynh lo lắng.
Trong bối cảnh đó, việc tạm bỏ qua áp lực thành tích, khơi gợi cho trẻ sự hào hứng, thích thú với việc học trở thành yêu cầu quan trọng đối với nhà trường và gia đình.
Cả nhà cùng học
Năm học mới sắp đến, chị Bùi Thị Trang (huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh) có con bước vào lớp 2 băn khoăn: “Năm lớp 1, các con đã phải học online trong thời gian dài. Đã vậy, lại là năm đầu tiên dạy theo chương trình mới, nên tất cả đều bỡ ngỡ, thật sự thiệt thòi cho các con cả về kiến thức và trải nghiệm”.
Ở vùng tâm dịch, chị Hồ Phương (quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh) cũng như nhiều phụ huynh khác có chung nỗi lo chưa chuẩn bị được gì cho con vào năm học mới. “Đến nay gia đình tôi vẫn đang chờ đợi, vì nhà trường chưa có kế hoạch cho năm học mới. Giãn cách kéo dài, chưa biết sẽ thế nào”, chị Hồ Phương ưu tư.
Bình Dương, một trong những tỉnh đang trở thành “điểm nóng” về dịch Covid-19 ở phía nam, các trường học đang được trưng dụng để trở thành khu cách ly, điều đó đòi hỏi Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Dương phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng hơn. “Sở đã xây dựng kế hoạch dạy học online hai tháng đầu năm học cho học sinh trên địa bàn. Riêng với các lớp đầu cấp tiểu học, việc học tập online có thể trễ hơn một chút. Các giáo viên đã được hướng dẫn xây dựng clip để dạy học đọc trước, rồi mới dạy viết sau”, TS Nguyễn Thị Nhật Hằng – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Dương cho biết.
Tính đến thời điểm này, mới chỉ có các tỉnh, thành phố phía bắc quyết định thời gian tựu trường vào ngày 1/9, trong đó hầu hết đều tập trung học sinh lớp 1 vào ngày 23/8. Dẫu không bị động vì biết rõ lịch tựu trường, nhưng chị Nguyễn Thị Thuyên (công nhân Công ty LG Display Việt Nam, Hải Phòng) vẫn ngổn ngang nỗi lo: “Vợ chồng tôi đều phải đi làm xa, gửi cháu cho ông bà chăm lo giúp. Cháu có thể tự kết nối học online nhưng vẫn phải có người kèm. Đúng là một người học online, cả gia đình cùng phải vào cuộc”.
Lớp một ơi lớp một
“Việc giảng dạy online đối với học sinh lớp 1 rất khó khăn. Các con khó tránh cảm giác lo sợ khi học trường mới, lớp mới, cô giáo mới, bạn mới… Cũng chưa thể tự kết nối với lớp học, giáo viên qua máy tính, điện thoại. Vì thế, muốn triển khai dạy học trực tuyến hiệu quả, cần tiến hành song song vừa tập huấn cho phụ huynh vừa giúp giáo viên làm quen với các con” – thầy Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie (Hà Nội) đề xuất.
Video đang HOT
PGS, TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm khoa Các Khoa học Giáo dục, Trường đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) đưa ra lời khuyên: “Tôi nghĩ có hai câu rất đúng trong bối cảnh hiện tại, đặc biệt với các con lớp 1, là “giảm kỳ vọng, tăng kỳ công”, tức bố mẹ cùng ngồi trò chuyện, hỗ trợ con, và “giảm chỉ trích, tăng chỉ dẫn” – hướng dẫn con bắt đầu giai đoạn học tập”. Ngoài ra, ông Nam cho rằng: Lúc này, các nhà xuất bản cũng cần thể hiện trách nhiệm của mình đối với xã hội, bằng cách công khai miễn phí các bài giảng mẫu, hướng dẫn giảng dạy để phụ huynh cũng có thể tự tìm hiểu và hướng dẫn thêm cho con.
Cho dù nhận định: “Học online là giải pháp phải chấp nhận trong thời điểm này”, nhưng bà Lê Thị Loan, nguyên Phó Trưởng khoa Giáo dục – Học viện Quản lý giáo dục, vẫn trăn trở: “Riêng lớp 1, trẻ khó có thể học không có bố mẹ, người lớn kèm cặp được. Nhưng thực tế, không phải phụ huynh nào cũng có thể ở nhà học online cùng với con. Đây là bài toán nan giải đối với các nhà trường, gia đình”.
Tựu trung, như ông Thái Văn Tài – Vụ trưởng Giáo dục Tiểu học, Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định: “Cần hạn chế đến mức tối thiểu việc dạy học trực tuyến đối với học sinh lớp 1″, ngành giáo dục, gia đình và nhà trường sẽ phải nỗ lực đến tận cùng để bảo đảm, duy trì và phát triển tư duy sáng tạo, điều cực kỳ quan trọng cho lứa học sinh lần đầu “đến trường” thông qua những phòng học online.
Chủ động, linh hoạt triển khai chương trình sách giáo khoa mới
Nhiều ý kiến đề xuất với Bộ Giáo dục và Đào tạo bố trí đủ giáo viên cho các địa phương để đảm bảo số lượng giáo viên cho chương trình thay sách giáo khoa mới.
Sáng 20/8, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội tổ chức Hội nghị tổng kết 1 năm triển khai thực hiện đổi mới Chương trình Sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
Chủ trì điểm cầu Trung ương có các đồng chí Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng: Nguyễn Kim Sơn - Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; Nguyễn Đắc Vinh - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội.
Tại điểm cầu Nghệ An có các đồng chí: Bùi Đình Long - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Thái Văn Thành - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo.
Chất lượng học sinh lớp 1 đảm bảo chuẩn đầu ra
Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đã khẳng định đổi mới chất lượng giáo dục và đào tạo là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Trong đó, đổi mới sách giáo khoa là một khâu đổi mới quan trọng đối với bậc học phổ thông.
Tại Việt Nam, từ năm học 2020 - 2021, việc thay sách giáo khoa theo chương trình mới được áp dụng với học sinh lớp 1. Theo đánh giá của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong năm đầu tiên triển khai, các nhà trường đã chú trọng đổi mới công tác quản lý, quản trị trường học theo hướng phát huy tính chủ động, linh hoạt của nhà trường và năng lực tự chủ, sáng tạo của tổ chuyên môn, giáo viên.
Các đại biểu tại đầu cầu Nghệ An. Ảnh: MH
Bên cạnh đó, với tỷ lệ 100% học sinh lớp 1 được học 2 buổi/ngày giúp học sinh hoàn thành nhiệm vụ học tập, yêu cầu cần đạt của chương trình; tạo điều kiện cho học sinh được học tập các môn học tự chọn và tham gia các hoạt động giáo dục nhằm thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện ở tiểu học.
Tổng hợp kết quả từ các địa phương về kết quả đánh giá cuối năm học 2020-2021 cho thấy tất cả các trường tiểu học đã hoàn thành chương trình theo đúng kế hoạch, chất lượng học sinh lớp 1 đảm bảo theo chuẩn đầu ra, yêu cầu cần đạt của chương trình, có một số mặt nổi trội hơn so với chương trình hiện hành; học sinh mạnh dạn tự tin hơn, dám thể hiện quan điểm của mình, biết nêu quan điểm qua tiết học cơ bản, đã đọc thông viết thạo ngay trong học kỳ 1 và được củng cố tăng cường bền vững ở học kỳ 2.
Học sinh Trường Tiểu học Nậm Cắn - Kỳ Sơn làm quen với sách giáo khoa mới. Ảnh: MH
Tại điểm cầu Nghệ An, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thái Văn Thành báo cáo về việc triển khai chương trình thay sách giáo khoa mới trên địa bàn tỉnh. Trong đó, nổi bật là đã làm tốt công tác tập huấn cho đội ngũ giáo viên và việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị để cơ bản đáp ứng điều kiện dạy học tối thiểu. Kết thúc năm học, học sinh toàn tỉnh đạt được nhiều kỹ năng vượt trội như: kỹ năng đọc, giao tiếp, tự chủ, tự học, tư duy phản biện; học sinh năng động, tự tin hơn so với chương trình cũ.
Trên cơ sở những kết quả đạt được, Nghệ An đã rút kinh nghiệm để triển khai tiếp tục cho năm học này với lớp 2 và lớp 6. Trong đó, xác định đội ngũ giáo viên là yếu tố tiên quyết và tỉnh sẽ giao tính chủ động của giáo viên trong quá trình triển khai. Bên cạnh đó, cần làm tốt công tác truyền thông để nhận được sự ủng hộ đồng tình của giáo viên, phụ huynh và học sinh. Tăng cường công tác xã hội hóa, đổi mới sinh hoạt chuyên môn học thuật, định kỳ có đánh giá.
Bất cập hiện nay ở Nghệ An là đội ngũ giáo viên còn thiếu nhiều, cơ cấu chưa hợp lý. Từ thực tế trên, Nghệ An cũng kiến nghịcó các giải pháp hữu hiệu, kịp thời khắc phục tình trạng thiếu giáo viên hiện nay nhằm đáp ứng yêu cầu thực hiện đổi mới CTGDPT năm 2018. Đồng thời, ưu tiên bố trí ngân sách để mua sắm thiết bị dạy học, nhất là thiết bị ngoại ngữ, tin học cho các cơ sở giáo dục vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn bảo đảm thực hiện thành công CTGDPT năm 2018.
Kiên trì với mục tiêu đổi mới
Cùng với những kết quả đã đạt được, tại hội nghị nhiều ý kiến phát biểu của các địa phương cũng chỉ ra một số bất cập trong quá trình triển khai như việc biên soạn sách giáo khoa theo chương trình mới còn gặp nhiều hạn chế từ khâu thiết kế đến khâu tổ chức thực hiện, đặc biệt việc lựa chọn, sử dụng sách giáo khoa ở các địa phương gặp nhiều khó khăn trong in ấn, phát hành.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An phát biểu tại hội nghị. Ảnh: MH
Bên cạnh đó, chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý không đồng đều, đặc biệt là ở các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; còn khoảng cách lớn so với các vùng thuận lợi. Số lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý còn thừa thiếu cục bộ; đồng thời còn thiếu so với quy định, đặc biệt là cấp tiểu học. Trong khi đó, điều kiện bảo đảm về cơ sở vật chất tại các cơ sở giáo dục vẫn còn nhiều khó khăn...
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại đầu cầu Hà Nội. Ảnh: MH
Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn ghi nhận về những ý kiến đóng góp của các đại biểu. Qua 1 năm triển khai, bên cạnh những bài học kinh nghiệm thì đang còn những thách thức, khó khăn. Do đó, trong quá trình đổi mới, người lãnh đạo cần phải kiên định mục tiêu nhưng cũng phải linh hoạt, sáng tạo để nhận được sự đồng tình và tạo được sự đồng thuận trong toàn xã hội.
Trong năm học sắp tới, để tiếp tục triển khai tốt chương trình thay sách giáo mới, thì cần phải tiếp tục kiên trì quan điểm đổi mới, lấy thực hiện mục tiêu ưu tiên số 1 của giáo dục phổ thông là dạy người, dạy đạo đức, phát huy năng lực tự học, tạo nền tảng để xây dựng đội ngũ nhân lực chất lượng cao.
Trường THCS Lê Mao (TP Vinh) cho ý kiến về sách giáo khoa lớp 6. Ảnh: MH
Người đứng đầu ngành Giáo dục cũng cho rằng, chương trình đổi mới giáo dục phổ thông lần này rất sâu sắc, triệt để và toàn diện. Vì vậy, thời gian tới Bộ sẽ tiếp tục rà soát trên phương diện quản lý nhà nước để làm tốt trách nhiệm của mình, lưu ý rà soát các cơ chế chính sách, tăng cường thu hút các nhà giáo, các chuyên gia tốt tham gia vào công việc biên thảo để có được bản thảo sách giáo khoa một cách tốt nhất...
Về phía các địa phương cần dành sự ưu tiên và chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ để việc triển khai chương trình mới hiệu quả. Trong quá trình triển khai, Bộ sẽ tiếp tục lắng nghe để kịp thời tháo gỡ những vướng mắc và chỉ đạo sát với thực tế.
Kiên trì đổi mới để tiếp tục thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho rằng, việc thực hiện đổi mới chương trình giáo dục phổ thông sẽ tạo nền tảng để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Sáng 20/8, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn chủ...