Tướng ‘diều hâu’ Trung Quốc: Gia tăng khả năng xảy ra chiến tranh Trung – Nhật
La Viện, viên tướng về hưu khét tiếng “diều hâu” của Trung Quốc, khẳng định khả năng xảy ra chiến tranh giành quần đảo Senkaku/Điếu Ngư giữa Trung Quốc và Nhật Bản đang ngày càng tăng và Trung Quốc thừa sức tự bảo vệ mình.
Thiếu tướng Trung Quốc La Viện – Ảnh: Reuters
Tờ South China Morning Post (Trung Quốc) vào ngày 3.4 đã đăng tải nhận định nói trên của ông La, hiện đang là Phó chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến văn hóa chiến lược Trung Quốc. Tuy nhiên, các chuyên gia quân sự khác tỏ ra hoài nghi với dự đoán cho rằng Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) có thể chiến thắng trong bất kỳ cuộc đụng độ nào trong tương lai, bất chấp lực lượng này đang được tăng cường và hiện đại hóa mạnh mẽ.
South China Morning Post dẫn lời một số chuyên gia quốc tế đánh giá rằng PLA vẫn còn thiếu kinh nghiệm thực chiến, cũng như vẫn có những hạn chế về mặt kỹ thuật ở một số lĩnh vực, chẳng hạn như động cơ máy bay.
Thiếu tướng La Viện nói rằng Trung Quốc và Nhật Bản đã tiến gần hơn đến nguy cơ bùng nổ xung đột vũ trang sau khi Bắc Kinh đơn phương thiết lập vùng nhận dạng phòng không hồi tháng 11.2013 tại biển Hoa Đông, bao trùm cả quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, nơi đang có tranh chấp giữa 2 nước.
“Trung Quốc nên duy trì tình trạng cảnh giác cao độ vì Nhật trước đây từng tạo ra những sự cố nhỏ hòng kích động một cuộc xung đột quân sự”, ông La nói.
Viên tướng này cũng đã bác thông tin từ một số hãng truyền thông Nhật Bản cho rằng Tokyo trội hơn về sức mạnh trên không vì phi công và phi hành đoàn của nước này có kinh nghiệm nhiều hơn và được đào tạo tốt hơn.
“Nhận định đó là chiến thuật đánh lừa dư luận của Nhật”, theo ông La.
Xe thiết giáp Trung Quốc tham gia một cuộc tập trận chiếm đảo – Ảnh: Reuters
Video đang HOT
Ông còn nói thêm rằng PLA đã điều các máy bay tiên tiến nhất và đã gửi những hỗ trợ hậu cần lớn nhất cho các căn cứ quân sự dọc theo bờ biển phía đông nam nước này – một động thái cho thấy quân đội Trung Quốc đã sẵn sàng cho bất kỳ cuộc xung đột quân sự nào trong khu vực.
“Cho đến nay, toàn bộ máy bay mà 2 nước gửi ra vùng biển gần Senkaku/Điếu Ngư đều là chiến đấu cơ thế hệ thứ 3. Các máy bay tiên tiến và hiện đại nhất của PLA đã được đưa vào sử dụng, gồm J-10, J-11B và Su-27 (do Nga sản xuất)”, ông La nói.
“Trong khi đó, Nhật Bản chỉ điều động được khoảng 30 chiếc F-15J, vốn đã có mặt trong không lực nước họ từ những năm 1980″, viên tướng Trung Quốc cho hay.
Tuy nhiên, ông La lại không cho biết PLA sẽ điều động bao nhiêu chiến đấu cơ nếu chiến tranh nổ ra.
Ngoài ra, viên tướng khét tiếng “diều hâu” này còn khẳng định rằng Bắc Kinh có lợi thế vượt trội về số lượng và loại máy bay.
“Trung Quốc có một vài sân bay quân sự dọc theo bờ biển phía đông nam và chúng có khả năng cung cấp hỗ trợ hậu cần hiệu quả cho chiến đấu cơ PLA vì nằm Senkaku/Điếu Ngư hơn”, ông La phân tích.
“Còn ở Nhật, chỉ có đúng một sân bay nằm gần quần đảo này: sân bay Naha ở đảo Okinawa”, tướng Trung Quốc nói thêm.
Một chiếc tiêm kích F-2 của Lực lượng Tự vệ trên không Nhật Bản đang hạ cánh xuống phi trường căn cứ không quân Misawa – Ảnh: Reuters
Trái ngược với sự lạc quan về sức mạnh quân sự của thiếu tướng La Viện, ông Ni Lexiong, Giám đốc trung tâm nghiên cứu chính sách quốc phòng của Trường Đại học Luật và khoa học chính trị, nói ông không tin rằng PLA sẽ chiếm thế thượng phong trong bất kỳ cuộc chiến nào.
“Sự thật thì hoạt động hỗ trợ hậu cần của Trung Quốc gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư tốt hơn của Nhật vì căn cứ quân sự tại 2 tỉnh Phúc Kiến và Chiết Giang đã được đặt trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu với Đài Loan kể từ những năm 1950″, ông Ni nói.
“Nhưng chúng ta không nên bỏ qua Mỹ, phía sẽ đóng một vai trò quyết định trong bất kỳ cuộc chiến nào giữa Trung Quốc và Nhật”, vị này nhận định.
Đáp lại nhận định nói trên, thiếu tướng La nói rằng Mỹ sẽ không can thiệp vào bất kỳ xung đột nào.
South China Morning Post cũng dẫn phân tích của một nhà quan sát quân sự khác đang ngụ tại Macau là ông Antony Wong Dong cho rằng nếu chiến tranh Trung, Nhật thực sự nổ ra, toàn bộ các căn cứ quân sự và khí tài trên biển và trên đất liền sẽ là mục tiêu của bom máy bay.
“Trung Quốc có nhiều chiến đấu cơ hơn Nhật Bản, nhưng một phi công Nhật có lẽ ngang ngửa với ít nhất là 3 phi công PLA do họ được khổ luyện và đã tham gia tập trận chung với không quân Mỹ”, ông này cho hay.
Theo TNO
Tham vọng tàu ngầm của Úc
Úc đang đánh giá kế hoạch tăng gấp đôi đội tàu ngầm giữa lúc các nước láng giềng châu Á chạy đua tăng cường sức mạnh quân sự.
Úc sẽ xem xét kế hoạch tăng gấp đôi "quân số" tàu ngầm hiện tại dù chính phủ đang phải chịu áp lực lớn trong việc tiết giảm chi tiêu ngân sách. Theo báo The Wall Street Journal, Bộ trưởng Quốc phòng Úc David Johnston mới đây tuyên bố ông chưa chắc chắn về số lượng tàu ngầm mà Canberra sẽ mua theo đề xuất của quân đội. Tuy nhiên, với 36 tỉ AUD (32,28 tỉ USD) mà quân đội Úc dự định dùng để trang bị 12 chiếc tàu ngầm mới thì đây sẽ là khoản chi mua sắm quân sự lớn nhất của nước này từ trước đến nay.
Tàu ngầm lớp Collins của hải quân Úc - Ảnh: AFP
Thay thế dòng Collins
Hồi năm 2009, chính phủ Úc đã công bố quy hoạch quốc phòng với nội dung kêu gọi trang bị hơn một chục tàu ngầm nhằm thay thế hạm đội hiện hữu với chỉ 6 chiếc lớp Collins. Tuy "hầm hố" hơn so với các tàu ngầm trong khu vực, tàu ngầm lớp Collins luôn gặp phải nhiều vấn đề về kỹ thuật. Ngày 27.2.2014, một vụ cháy đã xảy ra trên tàu ngầm HMAS Waller ngoài khơi bờ biển bang Tây Úc nhưng rất may không có thương vong.
Một đội tàu ngầm lớn hơn, mạnh hơn và có tầm hoạt động xa hơn sẽ cho phép Úc đương đầu với sự hiện diện ngày càng đông đảo của loại phương tiện quân sự này tại châu Á. Singapore, Indonesia và Malaysia cũng đang tăng cường đội tàu ngầm để đối phó những hiểm họa đối với các tuyến đường vận tải năng lượng và giao thương huyết mạch của khu vực và thế giới, cũng như những tham vọng bành trướng lãnh thổ ngày càng lộ rõ của Trung Quốc. Hồi tháng 1, Bắc Kinh đã điều một hạm đội tàu chiến được hộ tống bằng tàu ngầm đến vùng biển giữa Indonesia và Úc. Động thái này được đánh giá là nhằm phô trương tầm hoạt động của hải quân Trung Quốc.
Canberra dự định mua tàu ngầm động cơ diesel - điện với độ choán nước từ 4.000 tấn trở lên, có thể trang bị tên lửa hành trình tấn công đất liền cùng khả năng triển khai lực lượng đặc biệt. Bộ trưởng Johnston cho biết chương trình sắm tàu ngầm của Úc khá tham vọng nhưng ông hy vọng nó sẽ không làm tăng thêm những cuộc ganh đua trong khu vực.
Úc đã khởi động mua sắm các thiết bị quân sự hiện đại và đắt tiền, bao gồm 2 tàu tấn công đổ bộ loại 27.000 tấn, các máy bay trực thăng vận tải và tấn công, tàu khu trục, xe tăng và máy bay tiêm kích Super Hornet. Canberra dành khoản ngân sách trị giá 26 tỉ AUD (23,63 tỉ USD) cho quốc phòng trong tài khóa tính đến tháng 6, tương đương 1,6% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Trong vài năm tới, Úc dự định sẽ sắm 100 chiến đấu cơ F-35 với chi phí ước tính khoảng 16 tỉ AUD (14,54 tỉ USD).
Thách thức ngân sách
Cùng lúc, quân đội Úc lại đang phải đối mặt với nguy cơ cắt giảm chi tiêu khi nền kinh tế lớn thứ 12 của thế giới trên đà "tụt phanh" sau một thời kỳ bùng nổ khai khoáng, khiến tình trạng thất nghiệp gia tăng và nguồn thu của chính phủ bị thâm hụt. Giới chức Úc ước tính thâm hụt ngân sách của nước này sẽ ở vào khoảng 123 tỉ AUD (111,78 tỉ USD), và cắt giảm chi tiêu là chuyện mà giới cầm quyền tại Canberra không thể không làm.
Tuy nhiên, mới đây Úc tuyên bố sẽ dành 4 tỉ AUD mua các máy bay tuần tra biển P-8A Poseidon có khả năng hoạt động rộng ở châu Á. Các máy bay này sẽ được "thêm vây thêm cánh" vào cuối năm nay với việc triển khai một đội gồm 7 máy bay không người lái (UAV) MQ-4C Triton trị giá 2,9 tỉ AUD (2,64 tỉ USD). Giới chức Úc hiện để ngỏ khả năng phát triển quần đảo Cocos ở Ấn Độ Dương thành căn cứ phục vụ các UAV Triton của Úc hoặc Mỹ. Mặc dù vậy, hiện chưa có kế hoạch cụ thể nào được đệ trình nhằm nâng cấp đường băng đã cũ tại đây để mở rộng tầm hoạt động trên biển của Úc.
Trong một báo cáo do Viện Chính sách chiến lược Úc (ASPI) công bố đầu tháng 2, ông David H.Hale, chuyên gia phân tích kinh tế người Mỹ đã nhận định mối đe dọa lớn nhất cho an ninh quốc gia Úc trong tương lai chính là sự kết hợp giữa sự tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc và khả năng một nước Mỹ bị suy yếu rút khỏi khu vực. Theo trang tin news.com.au, tuy không nêu đích danh Trung Quốc là kẻ gây hấn, ông Hale đặc biệt lưu ý khả năng Bắc Kinh sẵn sàng dùng ưu thế quân sự ngày càng tăng nhằm đạt các mục tiêu do chính họ đặt ra.
"Canberra sẽ phải cẩn trọng trong việc cân đối quan hệ kinh tế ngày càng vững chắc với Trung Quốc và mối quan hệ đồng minh truyền thống với Mỹ. Mối đe dọa chính đối với nỗ lực cân bằng này là liệu những khó khăn tài chính của Mỹ có buộc siêu cường số 1 cắt giảm chi tiêu quốc phòng và rút khỏi Đông Á hay không", ông Hale nói.
Cách đây 2 năm, Úc đã đồng ý với việc luân chuyển hàng ngàn lính thủy đánh bộ Mỹ cùng các máy bay quân sự tại miền bắc Úc. Giới quan sát nhận định dù quan hệ đồng minh Úc - Mỹ vẫn khá bền chặt, Canberra vẫn lo sợ viễn cảnh Washington buộc phải "dứt áo ra đi" do những khó khăn nội tại. Chính vì thế, Canberra sẽ luôn phải nỗ lực "tự thân vận động" trước một Bắc Kinh đầy tham vọng.
Trùng Quang
Theo TNO
400 kg thuốc nổ suýt lọt vào điểm nóng nhất Ukraine Lực lượng tự vệ canh gác biên giới của nước cộng hòa tự trị Crimea vừa thu được một lượng lớn vũ khí và vật liệu nổ từ tay những người thân chính quyền mới của Ukraine. Hai lính tự vệ đứng gác tại thành phố Bakhchisaray của Crimea hôm qua. Ảnh: AFP. Các binh sĩ, vốn là những cựu thành viên của...