Tuần này, sẽ có quy chế tuyển sinh đại học
Thực hiện quy định tự chủ trong các trường ĐH, CĐ, đến thời điểm này, các trường ĐH, CĐ đều đã phải hoàn thành đề án tuyển sinh riêng năm 2015 gửi về Bộ GD-ĐT.
Bộ GD-ĐT sẽ tập hợp và đăng tải toàn bộ thông tin tuyển sinh của hơn 400 trường ĐH, CĐ trên trang web của Bộ để tạo điều kiện cho phụ huynh, học sinh thuận lợi trong việc tra cứu và chọn lựa đăng ký xét tuyển phù hợp. Tuy nhiên, đến nay, Bộ GD-ĐT vẫn chưa ban hành được Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ và cũng chưa đăng tải các thông tin nói trên.
Dù vậy, không ít trường ĐH đã chủ động đăng tải thông tin tuyển sinh riêng của mình với thời gian tuyển sinh đợt I bắt đầu từ tháng 1/2015. ĐH Đông Đô cho biết, đợt 1 tuyển sinh ĐH chính quy của trường bắt đầu từ tháng 1/2015 và dành cho đối tượng là thí sinh đã tốt nghiệp THPT, có hạnh kiểm năm lớp 12 đạt loại khá trở lên (từ trước năm 2014).
Theo đó, thí sinh phải có tổng điểm 3 môn thuộc khối xét tuyển của năm lớp 12 đạt từ 36 điểm trở lên. ĐH Thành Đô cũng xét tuyển dựa vào kết quả học tập của thí sinh ở bậc THPT hoặc tương đương. Nhà trường chỉ tính điểm tổng kết của lớp 10, 11 và học kỳ 1 lớp 12 của tổ hợp 3 môn xét tuyển. Thời gian xét tuyển của trường này bắt đầu từ 15/1 đến hết 10/2 và đặc biệt, nếu đáp ứng đủ tiêu chí xét tuyển của trường, thí sinh có thể nhập học ngay từ ngày 9/3/2015.
Cũng có trường công bố xét tuyển theo 2 phương thức như ĐH Nguyễn Trãi. Theo đó, trường này tổ chức xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia và kết quả học bạ THPT. Với phương thức 2, trường xét tuyển căn cứ vào điểm tổng kết của lớp 10, 11 và học kỳ 1 của lớp 12 đối với 3 môn đăng ký xét tuyển theo ngành đào tạo. Mức điểm trung bình tối thiểu để xét tuyển hệ ĐH là 6, hệ CĐ là 5,5. Nhà trường tuyển sinh đợt 1 từ ngày 1/1 đến hết 15/2, đợt 2 từ ngày 1/6 đến hết 30/9. Danh sách các trường xét tuyển bằng kết quả học bạ còn có ĐH Thành Đông (Hải Dương); ĐH Phan Thiết (Bình Thuận)…
Thông tin từ Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục cho biết, trước nhu cầu cần có thông tin sớm của hàng triệu học sinh xét tốt nghiệp THPT và thí sinh dự tuyển ĐH, CĐ 2015, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT khẳng định, các quy chế sẽ được công bố trong tuần này.
Theo Duy Anh/Báo An ninh thủ đô
Video đang HOT
Hoang mang tột độ trước "kỳ thi 2 trong 1"
Năm 2015, năm đầu tiên học sinh phải thi "kỳ thi 2 trong 1", vừa xét tốt nghiệp Trung học phổ thông vừa xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng. Tuy nhiên, đến thời điểm này, việc ôn tập ra sao, đề thi như thế nào vẫn còn gây nhiều hoang mang cho cả thầy và trò...
Ôn tập có thu học phí không?
Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) quyết định lùi thời gian tổ chức kỳ thi THPT quốc gia vào đầu tháng 7/2015 để học sinh (HS) có thêm một tháng ôn tập. Tuy nhiên, việc tổ chức hoạt động dạy và học ở các trường ra sao là điều khiến nhiều trường băn khoăn vì theo khung chương trình, năm học hết từ đầu tháng 6/2015.
Đại diện nhiều trường ở Hà Nội cho biết, HS lo rằng đề thi năm nay sẽ xuất hiện nhiều tổ hợp môn thi "lạ" chưa ôn tập trước đó. Tuy nhiên, khi Bộ GD-ĐT quy định tổ hợp môn thi khác với các khối thi truyền thống chỉ được phép chiếm không quá 25% ngành nghề đào tạo của các trường thì HS đã yên tâm với những môn học đã ôn thi vào đại học (ĐH) lâu nay.
Khác với trường công lập, các trường ngoài công lập, đặc biệt là những trường có chất lượng đầu vào không cao đã khá chủ động cho HS chọn môn thi và có kế hoạch ôn thi từ rất sớm. Ông Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng cho biết, HS trường này đã đăng ký các môn thi tự chọn ngoài 3 môn bắt buộc và dành toàn bộ buổi học thứ 2 trong ngày để ôn tập cho HS theo nguyện vọng môn thi mà các em đã đăng ký.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Tùng Lâm băn khoăn: "Bộ GD-ĐT dự kiến sẽ lùi thời gian thi đến tháng 7, vậy có hướng dẫn cho các trường THPT tổ chức ôn tập cho HS không? Có tiếp tục ôn tập hay để các em tự học ở nhà? Nếu ôn tập thì có quy định thu học phí không? Chế độ giờ dạy của giáo viên ai chịu trách nhiệm chi trả trong cả tháng 6"?
Tương tự, GS Văn Như Cương - Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) cũng cho biết: "Hiện nay, trường tôi cũng đang bàn bạc xem một tháng này thì hoạt động dạy và học sẽ tổ chức thế nào? Học sinh sẽ ôn tập tự do hay tham gia ôn tập ở trường? Tôi sợ rằng, nếu không có sự chỉ đạo cụ thể cho các trường thì sẽ dẫn đến tình trạng các thí sinh ở các tỉnh sẽ lại đổ xô ra thành phố để luyện thi. Như vậy thì các lò luyện thi lại tiếp tục "nở rộ" trở lại như vài năm trước đây".
Ảnh minh hoạ từ Internet
Ông Trần Đức Toàn, Hiệu phó Trường THPT Long Thạnh (Kiên Giang) cũng thắc mắc: "Năm học này sẽ kéo dài hơn mọi năm một tháng, Bộ GD-ĐT cần có hướng chỉ đạo hoạt động dạy và học ra sao, HS tự ôn tập ở nhà hay đến trường và khi trường tổ chức ôn tập có thu phí không"?
Trước những băn khoăn trên, PGS.TS Trần Văn Nghĩa - Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục cho biết, việc quyết định dời thi sau một tháng để thí sinh có thêm thời gian ôn thi, Bộ GD-ĐT đang bàn thảo để có hướng dẫn cụ thể cho các Sở GD-ĐT.
Đề thi tương tự năm trước?
Theo Bộ GD-ĐT, đề thi năm nay cơ bản như đề thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, cao đẳng (CĐ) năm trước, chủ yếu kiến thức trong chương trình lớp 12. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, nói chung chung như vậy làm cho giáo viên rất mơ hồ về đề thi năm nay nên khó có thể tổ chức ôn tập tốt cho HS.
GS Văn Như Cương đặt ra câu hỏi: Kỳ thi chung năm nay với 2 mục đích là xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm căn cứ tuyển sinh vào ĐH, CĐ mà Bộ vẫn nói đề thi tương tự như năm trước, chủ yếu là kiến thức lớp 12 là chưa rõ, có nhiều vấn đề cần phải được làm rõ hơn, cụ thể hơn.
Vấn đề khiến nhiều giáo viên và học sinh băn khoăn là chênh lệch giữa kiến thức chương trình nâng cao và chương trình chuẩn, và nếu HS học theo sách nâng cao mà áp dụng công thức, định lý không có trong sách chuẩn thì có được không? Việc tính điểm sẽ như thế nào? Chính vì thế, việc xây dựng cấu trúc đề thi và biểu điểm đáp án cần phải làm rất cẩn thận. Điều này rất quan trọng, cần phải làm rõ vì nó sẽ ảnh hưởng lớn đến thí sinh.
Bên cạnh đó, cũng theo GS Văn Như Cương: "Bộ cứ nói chung chung, em nào 5 điểm thì tốt nghiệp, còn 6, 7 điểm trở lên thì có thể được xét tuyển vào ĐH, CĐ. Tôi thấy điều này sẽ có nhiều phức tạp".Cùng chung tâm trạng như vậy, ông Phạm Văn Hồng, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Vĩnh Long cũng cho rằng, đến nay giáo viên, phụ huynh và HS ở Vĩnh Long còn rất nhiều băn khoăn, lo lắng. Đề nghị Bộ GD-ĐT sớm ban hành những thông tin mang tính pháp lý để các Sở GD-ĐT nắm bắt, tư vấn cho học sinh để việc ôn tập cho các em đạt hiệu quả tốt nhất.
Sẽ có hướng dẫn ôn tập vào tháng 4
Ông Vũ Đình Chuẩn - Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD-ĐT cho biết, theo tinh thần chỉ đạo của Bộ, việc ôn tập cho HS diễn ra trong suốt quá trình học. Cuối năm lớp 12 tổ chức ôn tập lại toàn bộ lượng kiến thức đã học ở cấp THPT, chủ yếu là kiến thức lớp 12. Khoảng tháng 4, Bộ sẽ có một văn bản hướng dẫn về ôn thi tốt nghiệp để đảm bảo HS có đủ kiến thức tham dự kỳ thi một cách hiệu quả, nhưng cũng không gây quá tải cho HS.
Đề thi sẽ có hai nhóm câu hỏi
Ông Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD- ĐT: "Đề thi sẽ có hai nhóm câu hỏi khác nhau, một nhóm giống như đề thi tốt nghiệp THPT năm 2014 để HS có học lực trung bình có thể tốt nghiệp được, nhóm thứ hai gồm các câu hỏi khó để phân loại thí sinh xét tuyển vào ĐH, CĐ.Với cấu trúc đề thi như thế, HS có học lực trung bình khá hoàn toàn có thể trúng tuyển vào các trường ĐH tốp dưới. Đề thi sẽ tiếp tục ra theo hướng mở như năm 2014, đối với các môn khoa học xã hội giảm yêu cầu thí sinh thuộc lòng mà cho sẵn dữ liệu. Các môn khoa học tự nhiên, đề thi yêu cầu thí sinh xử lý những vấn đề thực tế và tăng cường đánh giá khả năng vận dụng của thí sinh".
Theo Phap Luât Viêt Nam
Công bố các môn thi, xét tuyển vào các trường quân đội Ban tuyển sinh quân sự (Bộ Quốc phòng) đã có công văn thông báo các môn thi của kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia để xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng trong quân đội năm 2015. Theo đó, các trường không bổ sung thêm khối thi mới. Các khối thi chủ yếu gồm khối A, A1,...