Tuần hành ở Brussels (Bỉ) phản đối chính sách ‘thắt lưng buộc bụng’ của EU
Ngày 12/12, trên 5.000 người ở thủ đô Brussels của Bỉ đã tham gia cuộc tuần hành kêu gọi cải thiện tiền lương và công bằng xã hội, đồng thời bày tỏ phản đối các biện pháp thắt chặt chi tiêu của Liên minh châu Âu (EU).
Hàng nghìn người tham gia cuộc tuần hành kêu gọi cải thiện tiền lương và dịch vụ công tốt hơn. Ảnh: AP
Cuộc tuần hành do Liên minh nghiệp đoàn châu Âu (ETUC) khởi xướng, với sự tham gia của các thành viên nghiệp đoàn của Bỉ, Pháp, Italy, Tây Ban Nha… Sự kiện được tổ chức cùng thời điểm diễn ra hội nghị các Bộ trưởng tài chính EU tại Brussels thảo luận về các quy định ngân sách mới. Những người tham gia tuần hành kêu gọi tăng lương và cải thiện bình đẳng giới về tiền lương, đồng thời bày tỏ phản đối các biện pháp cắt giảm ngân sách cho hệ thống lương hưu, an sinh xã hội và dịch vụ công.
Ngoài vấn đề tiền lương và chính sách chi tiêu, những người tham gia cuộc tuần hành cũng kêu gọi EU thực hiện các chính sách bảo vệ môi trường và khí hậu, tạo ra việc làm chất lượng, đảm bảo các dịch vụ công đến được với người dân và giảm bất bình đẳng.
Các Bộ trưởng tài chính EU đã gặp nhau ở Brussels trong hai ngày 7-8/12 vừa qua để thảo luận về các quy định tài chính, nhưng hội nghị đã kết thúc mà không đi đến thỏa thuận. Theo giới chuyên gia, các bộ trưởng EU có thể sẽ tiếp tục nhóm họp ở Brussels trong tuần này.
Các quy định tài chính của EU được đặt ra để đảm bảo giá trị của đồng euro, với mức giới hạn thâm hụt ngân sách là 3% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và giới hạn nợ công là 60% GDP. Tuy nhiên, hầu hết các nước thành viên EU đều vượt quá giới hạn này trong bối cảnh đại dịch COVID-19 và khủng hoảng giá năng lượng đã buộc các chính phủ phải chi tiêu rất lớn.
Hiện chính phủ các nước EU đang nỗ lực thảo luận về những thay đổi trong khuôn khổ có tính đến sự khác biệt lớn về mức nợ và tăng trưởng kinh tế giữa các nước EU trong khi vẫn đảm bảo đối xử bình đẳng. Bất đồng lớn nhất hiện nay là Đức muốn áp dụng các tiêu chuẩn giảm nợ hằng năm giống nhau với tất cả các nước thành viên, trong khi Pháp lại cho rằng các giải pháp giảm nợ cần được đàm phán riêng rẽ là tốt nhất, do chính sách chung áp dụng với tất cả các nước đã không còn hiệu quả.
Thâm hụt ngân sách của Israel tăng mạnh do xung đột
Ngày 8/11, Bộ Tài chính Israel cho biết thâm hụt ngân sách trong một năm qua (tính đến tháng 10/2023) đã tăng lên 47,2 tỷ shekel (12,28 tỷ USD), tương đương 2,6% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP).
Đồng tiền mệnh giá 200 shekel của Israel. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN
Mức thâm hụt trên chịu tác động lớn của cuộc xung đột giữa Israel với Phong trào Hồi giáo Hamas tại Dải Gaza bùng phát hồi đầu tháng 10 vừa qua. Số tiền này cao hơn nhiều so với mức thâm hụt 27,4 tỷ shekel tính đến tháng 9. Chiều hướng thâm hụt trong một năm qua hoàn toàn trái ngược so mức thặng dư ngân sách 8 tỷ shekel ghi nhận trong giai đoạn từ tháng 11/2021 đến tháng 10/2022.
Chỉ riêng trong tháng 10 năm nay, chi ngân sách hằng tháng của Israel lên tới 54,9 tỷ shekel, tăng 32,3% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi nguồn thu giảm 16,4% xuống 32 tỷ shekel. Thâm hụt ghi nhận ở mức 22,9 tỷ shekel, tăng hơn 7 lần so với tháng 10 năm ngoái.
Theo Bộ Tài chính Israel, chi tiêu ngân sách tăng do chi phí quốc phòng tăng cùng với các khoản trả trước cho các nhà cung cấp, chính quyền địa phương và cá nhân để hỗ trợ nền kinh tế Israel trong giai đoạn xung đột.
Bên cạnh đó, thu từ thuế sụt giảm, một phần là do chính phủ nước này cho phép hoãn nộp thuế nhằm giảm bớt gánh nặng tài chính cho doanh nghiệp và hộ gia đình trong giai đoạn khó khăn hiện nay.
Lý do quân đội Na Uy huấn luyện binh sĩ chôn cất đồng đội Quân đội Na Uy đang triển khai huấn luyện binh sĩ chôn cất đồng đội và đối phó với thiệt hại về lực lượng nhằm củng cố tinh thần của người lính cho các trận chiến quy mô lớn. Binh sĩ quân đội Na Uy tham gia một cuộc tập trận năm 2022. Ảnh: AFP Hãng truyền thông NRK đưa tin cuộc huấn...