Từ thần đồng trở thành người bình thường
“Tôi từng là thần đồng suốt 18 năm. Đến lúc bước vào đại học, tôi sốc khi nhận ra mình còn kém xa nhiều người khác”, Angel Martinez (đến từ Philippines) nói với VICE.
Hồi 5 tuổi, cha mẹ đưa tôi đến gặp một người phụ nữ bí ẩn tại một nơi cách nhà chúng tôi chỉ vài phút đi xe.
Tôi không biết cô ấy là ai hay muốn gì. Tôi chỉ ngoan ngoãn thực hiện một số bài tập ngẫu nhiên mà cô ấy yêu cầu. Theo đó, tôi đánh vần các từ và đọc to các đoạn văn ngắn. Tôi vẽ các đường thẳng trong lúc liên tục bước sang trái và phải chỉ vì tôi “không muốn trông mình ngốc nghếch”.
Buổi gặp mặt diễn ra trong nhiều giờ đồng hồ. Như phần thưởng cho việc thể hiện tốt, người phụ nữ bí ẩn kia cho tôi quyền truy cập thư viện ở phòng kế bên.
Từ thưở nhỏ đến khi vào đại học, Angel không gặp bất cứ khó khăn nào trong việc giành các giải thưởng học tập.
Tôi gặp cô ấy 2 lần nữa và thực hiện thêm một số bài tập. Sau đó, chúng tôi không bao giờ gặp lại nhau.
Tôi không hiểu những cuộc gặp gỡ đó nhằm mục đích gì cho đến khi bước sang tuổi 13. Cha mẹ cuối cùng cũng cho tôi xem các bản báo cáo chi tiết về hoạt động đánh giá tâm lý mà tôi thực hiện cách đó 8 năm.
Hóa ra, cha mẹ đã nhìn thấy những dấu hiệu về “khả năng nhận thức cao” của tôi từ rất sớm. Do đó, họ quyết định tìm kiếm sự hỗ trợ từ chuyên gia để đáp ứng nhu cầu đặc biệt của tôi.
Người phụ nữ bí ẩn kia là một nhà tâm lý học lâm sàng. Cô ấy chẩn đoán tôi có “trí tuệ siêu việt”. Vào thời điểm đó, dù chỉ mới 5 tuổi, tôi đã có vốn từ vựng và kỹ năng đọc của học sinh lớp 9, cũng như cả kỹ năng lập luận trừu tượng của một đứa trẻ 13 tuổi.
Theo lời của nhà tâm lý học, “tiềm năng phát triển mạnh mẽ cho khả năng thiên bẩm” của tôi có thể được nuôi dưỡng bằng một số hoạt động tạo cơ hội cho “tư duy khác biệt”, cùng với các khuyến nghị khác.
Tôi không mấy ngạc nhiên khi cha mẹ tiết lộ câu chuyện đó với tôi. Thực ra, họ luôn coi tôi như một đứa trẻ hoàn hảo, nổi trội hơn hẳn bạn bè đồng trang lứa. Là đứa con duy nhất trong nhà, lại được bố mẹ yêu chiều, điều đó làm tôi chẳng mấy bận tâm.
Chưa đầy một tuổi, tôi đã học nói theo cụm từ và tự nhẩm bảng chữ cái từ dưới lên vài tháng sau đó.
Lên 3 tuổi, tôi dành cả ngày trong ngôi nhà đầy sách của mình, nghiền ngẫm bất kể cuốn truyện nào tôi có thể chạm tay vào – từ nhật ký, truyện cổ tích, đến sách hướng dẫn và tài liệu giới thiệu sản phẩm.
Câu chuyện thần đồng 5 tuổi Angel viết hơn 100 cuốn sách được đăng trên một tạp chí địa phương.
Nguồn kiến thức từ việc đọc sách biến tôi trở thành “hiện tượng” trong các buổi họp mặt gia đình – nơi tôi sẽ kể lại tên các thủ đô trên thế giới hoặc giải thích cách thực phẩm di chuyển qua hệ tiêu hóa trước khi bị át đi bởi tiếng vỗ tay reo hò của người thân.
Nhưng trong số tất cả điều tôi thể hiện, khả năng sáng tác truyện là thứ khiến tôi trở nên nổi tiếng.
Mỗi tối, mẹ tôi sẽ mang về nhà một tập giấy từ chỗ làm để con gái có thể tự viết những câu chuyện của mình.
Video đang HOT
Ban đầu, tôi chỉ đơn giản kể lại những câu chuyện cổ tích mà tôi yêu thích. Dần dần, tôi chuyển sang lấy cảm hứng từ những trải nghiệm vụn vặt hàng ngày của mình.
Bước sang tuổi thứ 5, tôi đã sáng tác hơn 100 cuốn sách – một “kỳ tích” khiến tôi được xuất hiện trên tờ báo địa phương. Thậm chí, một chương trình truyền hình gọi tôi là “tương lai của nền văn học Philippines”.
Thành tích xuất sắc này được ghi dấu trong con đường học tập của tôi. Tôi liên tiếp giành các giải nhất từ các cuộc thi đánh vần đến viết luận cho đến khi tốt nghiệp trung học. Tôi dễ dàng vượt qua kỳ thi đầu vào của 4 trường ĐH hàng đầu Philippines mà không cần đi học thêm. Tôi thậm chí chẳng cần phải cố gắng.
Cú sốc đầu đời
Tôi tưởng rằng mình sẽ tiếp tục tỏa sáng tại ĐH Ateneo de Manila, ngôi trường mơ ước của tôi, cho đến khi bước vào năm nhất đời sinh viên.
Bài luận đầu tiên tôi nộp cho lớp tiếng Anh bị đánh giá là “thiếu tập trung”, “kém phát triển” và ăn một con C to đùng.
Phần lớn thời gian trước đấy, tôi luôn tin rằng mình là một thiên tài. Tôi quá quen với việc hoàn thành xuất sắc mọi thứ ngay từ lần thử đầu tiên. Vì vậy, thật khó để tôi chấp nhận một thất bại như bài luận tiếng Anh kia.
Tôi lớn lên trong môi trường mà ai cũng khen ngợi tôi là người giỏi nhất. Do vậy, tôi cũng một mực tin vào điều đó, cho đến khi tôi dần nhận ra mình ngồi trong một lớp học toàn những bộ óc lỗi lạc. Mọi thứ tôi nói, viết hay làm đều có người thực hiện tốt hơn.
Mặc dù đã cố gắng đóng góp vào các cuộc thảo luận trong lớp và làm thêm các bài luận phụ, điểm trung bình học kỳ đầu tiên của tôi tại trường đại học chỉ ở mức bình thường.
Angel cùng bài viết đầu tiên được đăng trên báo in địa phương.
Tôi chưa từng phải cạnh tranh với ai trước đó nên thật khó khăn để tôi chứng minh sự xứng đáng của mình trên lớp. Mỗi lần thất bại, tôi chìm vào giai đoạn trì trệ vì vỡ mộng, từ chối viết bất cứ thứ gì ngoài bài vở trên lớp.
Tôi nhận ra mình đang sống trong cơn ác mộng tồi tệ nhất của bản thân: tôi quá đỗi bình thường.
Mất một khoảng thời gian để tôi tự chấp nhận rằng mình không còn là người giỏi nhất. Sau đó, đại dịch tước đi cơ hội “làm lại cuộc đời” của tôi khi các trường học đều phải đóng cửa.
Thế nhưng, chính thời gian đó khiến tôi viết nhiều hơn bao giờ hết. Đó thực sự là bản năng, một cách duy nhất giúp tôi trốn khỏi vòng lặp thời gian tàn nhẫn trong đại dịch. Không điểm số, không có thời hạn nộp bài, chỉ mình tôi với chiếc laptop.
Tôi nhận được những lời khích lệ, động viên xây dựng lại sự tự tin từ bạn bè và gia đình. Họ cũng thuyết phục tôi đăng tải các sản phẩm ở một số trang tin.
Khi gửi đi những bài viết ấy, tôi hiểu rằng mình sẽ nhận được những dòng nhận xét, chỉnh sửa từ các biên tập viên, thậm chí đập đi làm lại. Thế nhưng, quá trình đó đã dạy tôi mở lòng tiếp thu những phản hồi.
Tôi có thể không phải là người giỏi nhất, thậm chí chưa từng và sẽ không bao giờ được như vậy, nhưng điều đó chẳng sao cả.
Xét cho cùng, năng khiếu không phải sự miêu tả chính xác con người thật của tôi. Nó chỉ đơn giản là một lời nhắc nhở về khả năng của tôi nếu tôi làm việc chăm chỉ và yêu thích những gì mình thực hiện.
Phụ huynh có con sắp vào lớp 1: Với chương trình cải cách hiện nay, không cho con học chữ trước giống như chưa biết bơi mà thả xuống nước?
"Có nên cho con đi học trước lớp 1? Câu trả lời của tôi là có. Thử hỏi trong một lớp học ai cũng đã biết bơi, mình con bạn chưa biết thì có bơi kịp được không?".
Ai cũng nói đừng cho con đi học trước 6 tuổi, hãy để trẻ có tuổi thơ đúng nghĩa. Thế nhưng, nhiều phụ huynh cho rằng, liệu sẽ "đúng nghĩa" thế nào khi con bước vào lớp học toàn những "thần đồng"? Họ cho rằng, mình cũng muốn con được hồn nhiên, vui chơi mỗi tối, cũng muốn con có những ngày cuối tuần được hòa mình vào thiên nhiên. Thế nhưng với nhịp sống hiện tại, khi cả xã hội phần lớn đều cho con học trước như vậy, họ không dám yên tâm để con ở nhà.
Bên cạnh đó, lại có ý kiến cho rằng, có phải người lớn chúng ta đang lo lắng thái quá về chuyện học của con? Suy cho cùng, con học lớp 1 với những nét chữ đều đẹp cũng đâu thể trở thành thiên tài? Vậy hà cớ gì chúng ta phải quan trọng hóa chuyện học trước lớp 1 để những đứa trẻ phải khổ sở?
Sau đây là một số ý kiến của phụ huynh về việc học chữ trước khi vào lớp 1:
Chị Nguyễn Ngọc Bích (Phụ huynh Nguyễn Ngọc Huy Tuấn, 5 tuổi): Vừa học vừa chơi
Theo chương trình của Bộ GD-ĐT, ở bậc học mầm non, trẻ đã được làm quen với chữ cái và phép toán trong phạm vi 10. Theo đó, trẻ sẽ được học chữ cái thông qua các hoạt động như: tập đồ, sao chép, nhận diện chữ cái... Đối với môn Toán, các bé sẽ được làm quen với phép tính cộng trừ trong phạm vi 10 dưới dạng câu hỏi "thêm, bớt"... Đây là nền tảng cho bé theo kịp chương trình ở lớp 1.
Chị Nguyễn Ngọc Bích và hai con.
Mình không quan trọng chuyện phải ép con học hết chương trình lớp 1 khi đang ở tuổi mẫu giáo, nhưng cứ dạy bé nhớ mặt chữ cái trước, sau đó ghép âm, vừa học vừa chơi thôi là được.
Chị Hoàng Thị Ngọc Anh, (Phụ huynh bé Nguyễn Hoàng Bảo Quyên, 5 tuổi) : Cho học trước vừa tạo thói quen và ý thức học
Theo quan điểm của mình, không cho trẻ học chữ trước khi vào lớp 1 không có nghĩa là vào tiểu học, con hoàn toàn là một "tờ giấy trắng". Mình thì thấy cho bé làm quen nhưng không nên học sớm quá. Bé mới lớp lá mà, cứ để bé vui chơi, mình đăng ký cho con học thêm các môn năng khiếu chứ không ép con.
Chị Ngọc Anh vẫn cho con học bằng các thẻ ảnh, trò chơi... chứ không tạo áp lực.
Mình vẫn cho con học bằng các thẻ ảnh, trò chơi, tức là đừng quá tạo áp lực cho con thôi, kiểu vừa chơi vừa học. Cho học trước vừa tạo thói quen và ý thức học cũng 1 phần vào năm học đỡ vất vả, và có nhiều thời gian để sửa các lỗi sai của bé như nói ngọng, phát âm hay nhầm lẫn giữa các chữ gần giống nhau.
Anh Nguyễn Ngọc Ân (Phụ huynh bé Nguyễn Hoàng Nhật Minh, 5 tuổi): Việc học sẽ không bao giờ là muộn
Với tôi, hành trang của con mình vào lớp 1 sẽ là những chuyến dã ngoại, những buổi học ngoại khóa, kỹ năng... chứ không phải chỉ chăm chăm vào chữ và số. Tuổi thơ của con thật ngắn ngủi. Việc học sẽ không bao giờ là muộn cả.
Bé Nguyễn Hoàng Nhật Minh.
Con đang độ tuổi phát triển, khám phá, tò mò cái mới và đến trường là cơ hội để con được học hỏi những điều con chưa biết, chứ không phải vì điểm số. Tuy nhiên, điều này cũng tùy quan điểm từng gia đình. Đa số người lớn hay "áp đặt" suy nghĩ và nỗi lo lắng của mình lên đầu trẻ. Riêng tôi, tôi tôn trọng ý kiến của con. Nếu con thấy thích đi học thì sẽ cho con đi, nếu chưa thích thì tôi để từ từ.
Hai vợ chồng tôi xác định, sẵn sàng chấp nhận thứ hạng thấp của con trên lớp, chấp nhận những con điểm thấp hơn điểm 7, điểm 8. Chỉ cần đó là của con!
Chị Dương Thị Cẩm Nhung (Phụ huynh bé Nguyễn Dương Bảo Trân, 5 tuổi) : Nên học trước vì chương trình đi rất nhanh
Có nên cho con đi học trước lớp 1? Câu trả lời của tôi là có. Thử hỏi trong một lớp học ai cũng đã biết bơi, mình con bạn chưa biết thì có bơi kịp được không? Con mình 2015, mình không cho con đi học chữ ngoài nhưng đã bắt đầu dạy con tập đọc và cầm bút viết nét, vẫn chủ yếu là tập đọc.
Nhiều người bảo cho con học trước, khi con biết hết rồi thì đến lớp sẽ không nghe giảng mà quậy phá bạn, con sẽ không học trên lớp những bài con đã biết. Tuy nhiên, đó là trường hợp bé đã học hết chương trình học, còn nếu chỉ dạy cơ bản để bé không quá bỡ ngỡ khi vào lớp 1 sẽ không sao.
Chị Cẩm Nhung cho rằng nên cho con học trước khi vào lớp 1.
Mình vẫn cho con chơi, học đúng 1 tiếng đến 1.5 tiếng buổi tối. Nói chung mình thấy vẫn nên học trước vì chương trình đi rất nhanh, học trước mới theo kịp còn nếu cứ vô tư để chơi thì đến khi đi học không có thời gian theo kịp đâu.
Chị Ngọc Thúy (Phụ huynh bé Đặng Bảo Minh, 6 tuổi) : Không cho con học chữ trước!
Theo mình tuỳ quan điểm từng nhà, phụ huynh mong muốn con đạt thành tích đến đâu. Bạn muốn con bạn học lớp chọn không, muốn con mình học trường chuyên không? Theo kinh nghiệm của mình có 2 bé đã qua lớp 1, con mình học lớp thường và trường bình thường thì chỉ cần mẹ dạy cho con thuộc bảng chữ cái, học cộng trừ trong phạm vi 10, tập tô nét. Nếu mẹ biết dạy con viết thì hãy dạy, còn không là việc của cô, nếu không biết mà dạy con hỏng hết chữ của con.
Bạn lớn nhà mình không học trước nên con khá bỡ ngỡ, bắt đầu tập ngồi ngay ngắn, tập cầm bút và viết những chữ cái đầu tiên. Tuy nhiên, chính cô giáo đã nói với mình, nhiều phụ huynh lo sợ con không theo kịp bạn nên chủ động cho con đi học chữ từ rất sớm, đến khi vào học chính thức thì trẻ có tư tưởng "biết rồi" nên chủ quan, chán học, thường mất tập trung trên lớp.
Cô Ngọc Hương (Bà ngoại bé Maika, 5 tuổi) : Học cũng là niềm vui, chứ không nặng nề như nhiều người nghĩ
Cháu ngoại tôi tháng 9 này vào lớp 1, mấy tháng trước bố cháu mua về cho cháu 1 bộ chữ cái. Buổi chiều tối, 2 bà cháu mang 2 bộ chữ, số ra chơi, ghép từ, học chữ, học số rất vui vẻ, có lẽ khoảng 2 tuần sau cháu ghép được các từ, tên ông, bà bố mẹ..., rồi các chữ số cũng thuộc, sau đó tôi cho cháu đọc những hàng chữ to, rồi đến đọc truyện.
Bé Maika năm nay 5 tuổi.
Như vậy, khi vào lớp 1 cháu sẽ không bỡ ngỡ, tự tin và rất vui khi được các cô giáo và các bạn cùng lớp khen, và cháu cũng phấn khởi vì hướng dẫn bài được cho các bạn. Học cũng là niềm vui, chứ không nặng nề như nhiều người nghĩ, quan trọng là do cách nhìn và phương pháp của gia đình mà thôi.
Ngày xưa, năm 1985 thì hành trang vào lớp 1 tôi đã thuộc lòng và viết thành thạo bảng chữ cái cũng như từ số 0 đến số 10. Tôi thấy chẳng có gì phải căng thẳng ở đây cả.
Câu hỏi "cho trẻ học chữ trước khi vào lớp 1, nên hay không?" vẫn chưa có lời hồi đáp chính thức, thuyết phục. Tuy nhiên, theo tiến sĩ Vũ Thu Hương (giảng viên khoa Tiểu học - Đại học Sư phạm Hà Nội) cho rằng, dạy con học chữ trước 6 tuổi là phụ huynh đang hủy hoại nhiều điều ở con trẻ.
Theo TS Hương, thời gian gần đây, phong trào dạy con học chữ trước đã phát triển rất mạnh. Dường như việc dạy trẻ trước đã trở thành một "cuộc đua" âm thầm mà rất nhiều cha mẹ tham gia với sự nhiệt tình cao độ.
Chuyên gia này cảnh báo, dạy con học trước sẽ hủy hoại khả năng tưởng tượng, sáng tạo, liên tưởng của trẻ. Bởi trẻ dưới 6 tuổi "mù chữ" sẽ có khả năng sáng tạo từ những quan sát xung quanh rất tốt.
"Việc biết chữ với trẻ Việt là chắc chắn, chỉ là sớm hay muộn mà thôi. Nhưng nếu cả 6 năm đầu đời của trẻ đều được bảo tồn và tôn trọng bằng cách rời xa việc học chữ để con chú tâm vào quan sát, học hỏi từ môi trường sống, từ thái độ và hành vi của những người xung quanh, chắc chắn các con sẽ phát triển khả năng quan sát tinh tế, liên tưởng và sáng tạo rất tốt", TS Vũ Thu Hương nói.
Nữ sinh Quảng Trị 15 tuổi thông thạo 7 thứ tiếng là quán quân cuộc thi lồng tiếng "Đừng lầm tưởng rằng ngoại ngữ là thứ mà chỉ những người có thiên phú mới học được" - lời của cô bé 15 tuổi. Sau khi giành chiến thắng từ cuộc thi lồng tiếng phim Trung Quốc trước hàng trăm đối thủ, niềm đam mê với ngôn ngữ đã được ươm mầm và khiến Thảo Nhi có nhiều thành tích nổi bật....