Tự phong “giáo viên mầm non hiện đại” chỉ là chiêu giật gân hút người học
Việc tự phong “ giáo viên mầm non hiện đại” cho người tham gia khóa học được một “Viện” đào tạo Montessori đưa ra để chiêu sinh đã gây ra không ít bức xúc.
Cụ thể, với content nổi bật: “Liên tiếp xin việc bị từ chối vì là giáo viên truyền thống”, video chạy quảng cáo của “Viện” này chia sẻ tâm sự của chính học viên tên N.T.L.T.
Video quảng cáo tuyển học viên của một Trung tâm đào tạo Montessori. Ảnh: Đình Hùng
Học viên N.N.L.T nói trong video: “Em là giáo viên truyền thống. Sau đợt dịch trường em không đủ điều kiện để tiếp tục nên là trường em giải thể. Sau khi nghỉ ở nhà 2 tháng thì em cũng lên trường xin việc thì họ bảo giáo viên truyền thống họ không nhận. Em có xin các trường khác thì họ đều dạy theo phương pháp Montessori, mấy trường đều bảo là giáo viên truyền thống lương rất thấp nên em quyết định tìm hiểu về phương pháp Montessori”.
Quảng cáo này ngay lập tức khiến nhiều giáo viên bức xúc. Nhiều người thắc mắc, không biết khái niệm “giáo viên mầm non truyền thống”, “giáo viên mầm non hiện đại” là như thế nào? Và ở đâu thống kê “giáo viên mầm non truyền thống” thì khó xin việc, lương trả rất thấp?
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ Nguyễn Viết Hiền, giảng viên Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết chỉ có khái niệm giáo viên mầm non, không có khái niệm “giáo viên mầm non truyền thống” hay “giáo viên mầm non hiện đại”.
Thạc sĩ Nguyễn Viết Hiền, giảng viên Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: NVCC
Cô Hiền cho biết: “Những giáo viên dạy trẻ trong độ tuổi từ 0-6 tuổi, cho dù có dạy theo phương pháp nào đi chăng nữa thì đều được gọi là giáo viên mầm non.
Thực tế, khi dạy trẻ trong độ tuổi từ 0-6 tuổi có rất nhiều phương pháp như: Montessori; Reggio Emilia; Glenn Doman; Steiner; STEAM; Ngoài ra còn nhiều phương pháp như: Phương án 0 tuổi, Phương pháp giáo dục con của người Do Thái, Phương pháp giáo dục não phải của Nhật.
Phương pháp Giáo dục Montessori do Bác sĩ, nhà giáo dục người Ý tên là Maria Montessori (1870-1952) sáng lập. Bà Montessori bắt đầu phát triển phương pháp và triết lý giáo dục của mình vào năm 1897, sau khi tham dự khóa học giáo dục tại trường Đại học Rome và nghiên cứu các thuyết giáo dục hai trăm năm trước đó.
Năm 1907, bà mở lớp học đầu tiên của mình mang tên Casa dei Bambini, hay còn gọi là Children’s House (Ngôi Nhà Trẻ Thơ) tại một khu căn hộ nằm ở thủ đô Roma. Vì thế, phương pháp này đã có từ rất lâu rồi và tiền thân là để dạy cho những trẻ bị khuyết tật về trí tuệ (trẻ thiểu năng) và trẻ em nghèo. “Viện” đào tạo Montessori kia cho rằng phương pháp Montessori là phương pháp hiện đại là chưa đúng.
Video đang HOT
Phương pháp Montessori có đặc điểm là dạy rất kỹ và theo một hệ thống rất chặt chẽ, cho nên, khi áp dụng phương pháp này dạy thì các trẻ thiểu năng tiếp thu rất tốt.
Trong quá trình dạy phương pháp này, người ta dần dần áp dụng rộng ra đối với những đối tượng trẻ khác. Bây giờ, phương pháp này đã du nhập vào nhiều nước trên thế giới.
Ở Việt Nam, phương pháp này không phải là mới, từ hơn 10 năm trước người ta đã dạy phương pháp này rồi.
Đặc điểm của phương pháp này là rất kén trẻ, không phải đối tượng nào học phương pháp Montessori cũng phù hợp. Tùy theo đặc điểm tính cách thì mới biết trẻ có phù hợp hay không. Phương pháp Montessori chú trọng hoạt động độc lập, hoạt động nhóm nhỏ, cho nên kĩ năng giao tiếp và tương tác xã hội hạn chế.
Chính vì vậy, khi đưa phương pháp này về Việt Nam hoặc nhiều nước khác trên thế giới thì phương pháp này chỉ phát triển nhỏ lẻ ở một số trường, không phải tất cả các trường đều sử dụng phương pháp này.
Trong chương trình đào tạo giáo viên mầm non tại các trường đại học tại Việt Nam, tất cả các giảng viên, các chuyên gia về giáo dục mầm non đều biết về phương pháp Montessori. Trong chương trình đào tạo giáo viên đều tích hợp phương pháp Montessori và nhiều phương pháp khác.
Nhiều trường đại học còn đưa môn Montessori vào là một học phần trong chương trình đào tạo chính quy. Ví dụ như chương trình đào tạo cử nhân giáo dục mầm non của Trường Đại học Giáo dục – Đại học Quốc gia Hà Nội thì phương pháp Montessori cũng là một học phần trong chương trình đào tạo cho sinh viên đại học chính quy.
Thế nên, các sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành mầm non ra thì đều được trang bị rất nhiều phương pháp trong đó có phương pháp Montessori. Không thể nói giáo viên mầm non được đào tạo theo chương trình của Bộ Giáo dục là không biết gì về phương pháp Montessori được. Chính vì vậy, dùng từ “giáo viên mầm non truyền thống” hay “giáo viên mầm non hiện đại” rất là phản cảm, nếu nói như vậy là phủ nhận quá trình đào tạo giáo viên mầm non của chúng ta, trong khi đó, trong chương trình đào tạo cử nhân mầm non của các trường đại học tại Việt Nam đều được tích hợp những cái hay, cái ưu việt, loại bỏ những mặt còn hạn chế của các phương pháp giáo dục hiện đại trên thế giới.”.
Vậy đâu là nguyên nhân xuất hiện những khái niệm mơ hồ như “giáo viên mầm non truyền thống” và “giáo viên mầm non hiện đại? Thạc sĩ Nguyễn Viết Hiền cho biết có 2 nguyên nhân chính:
“Thứ nhất, xuất phát từ tư duy kinh doanh của những người làm dịch vụ giáo dục mầm non. Đối với những người làm dịch vụ về giáo dục, họ phải tìm ra cái mới, cái khác biệt, mà cái khác biệt đó có thể là từ content mang tính giật gân để thu hút phụ huynh, phục vụ cho nhu cầu tuyển sinh.
Thứ hai, dựa vào nhu cầu của phụ huynh. Phụ huynh đều mong muốn con mình là thần đồng, là thiên tài, vượt trội … nên đương nhiên họ sẽ muốn cho con học những chương trình gọi là chương trình “vip”. Họ cho rằng con mình được học trường như thế, chương trình như thế, quảng cáo như thế thì chắc chắn là tốt”.
Nhu cầu của phụ huynh kết hợp với tư duy kinh doanh với phương châm “Khác biệt để thành công” của những người làm dịch vụ giáo dục góp phần tạo nên những khái niêm sai lầm như “giáo viên mầm non truyền thống” và “giáo viên mầm non hiện đại”.
Để thu hút học viên phục vụ cho công tác tuyển sinh và tối đa hóa lợi nhuận, nhiều cơ sở mầm non quảng cáo dạy trẻ theo phương pháp Montessori, với đội ngũ giáo viên mầm non được đào tạo theo phương pháp Montessori.
Có cầu thì ắt phải có cung, nhiều “Trung tâm”, “Viện” đào tạo giáo viên Montessori mọc lên. Tuy nhiên, có phải “Trung tâm”, “Viện” nào cũng được phép cấp chứng chỉ Montessori? Cơ quan nào có trách nhiệm kiểm định chất lượng đào tạo của những “Trung tâm”, “Viện” này?
“Có hai việc cần phải làm rõ ở đây, một là cấp chứng nhận, hai là cấp chứng chỉ. Chứng nhận thì ai cũng cấp được còn chứng chỉ thì không đơn giản như vậy. Ví dụ, một trường mầm non nào đó, họ tự tổ chức một khóa tập huấn, bồi dưỡng, sau đó họ cấp chứng nhận có đóng dấu của trường họ cũng được. Chứng nhận đó thì không nghiêm ngặt về kiểm định chất lượng đào tạo. Còn chứng chỉ thì mang tính pháp lý cao, thế nên khi mở chương trình cấp chứng chỉ ra thì bắt buộc phải thông qua kiểm định và được cấp phép.
Trên thế giới hiện có rất nhiều tổ chức đào tạo Montessori. Tuy nhiên, để quản lý tốt chất lượng, vào năm 1995, Bộ giáo dục và Đào tạo Hoa Kỳ đã thành lập tổ chức MACTE (Montessori Accreditation Council of Teacher Education). Đây là tổ chức giám định chất lượng trung tâm huấn luyện giáo viên Montessori Quốc tế.
Hiện có 6 tổ chức liên kết hoặc tham gia liên kết với Nhóm Độc Lập có các khóa huấn luyện giáo viên Montessori được MACTE công nhận, đó là: Hiệp hội Montessori Hoa Kỳ – American Montessori Society (AMS); Hiệp hội Montessori Quốc tế – Association Montessori International (AMI); Hội đồng Montessori Quốc tế – International Montessori Council (IMC); Hiệp hội phát triển Montessori Quốc tế – International Association of Progressive Montessorians (IAPM); Hiệp hội Montessori xuyên Hoa Kỳ – Pan American Montessori Society (PAMS); Chương trình giáo dục Montessori Quốc tế – International Educational Programs International (MEPI).
Chức năng của các Hiệp hội Montessori là phát triển phương pháp giáo dục Montessori và các trường học Montessori trên thế giới. Tất cả các Chương Trình Huấn Luyện Montessori (cho dù là ở bậc cao đẳng/đại học, tổ chức độc lập, hoặc đào tạo từ xa) đều phải liên kết với một tổ chức Montessori để định hướng về triết lý giáo dục và giáo trình. Các Trung tâm huấn luyện giáo viên Montessori sẽ liên kết với các Hiệp hội Montessori uy tín để được định hướng và cấp chứng chỉ giáo viên Montessori Quốc tế.
Tại Việt Nam, chúng ta thấy có khá nhiều các khóa học Montessori ngắn hạn và dài hạn mở ra, tuy nhiên không phải cơ sở nào cũng liên kết với các Hiệp hội Montessori để cung cấp kỹ năng chuẩn, cũng như cấp chứng chỉ quốc tế cho học viên”, Thạc sĩ Hiền cho biết.
Phụ huynh nào cũng mong muốn con mình thành thần đồng, thành thiên tài,… Tuy nhiên, việc bùng nổ quá nhiều phương pháp giáo dục mà phương pháp nào cũng được quảng cáo là ưu việt, là phương pháp mới, hiện đại khiến phụ huynh đặt ra câu hỏi: “Cần quan tâm đến yếu tố nào khi lựa chọn phương pháp giáo dục cho trẻ”? Thạc sĩ Hiền cho rằng cần phải dựa vào 2 yếu tố:
“Thứ nhất, đó phải là phương pháp được kiểm định và chứng minh được tính hiệu quả.
Thứ hai, giai đoạn từ 0-6 tuổi là giai đoạn nền tảng để phát triển về thể chất, tình cảm, trí tuệ, thẩm mỹ, hình thành những yếu tố đầu tiên của nhân cách, chuẩn bị cho trẻ em vào lớp một; hình thành và phát triển ở trẻ emnhững chức năng tâm sinh lí, năng lực và phẩm chất mang tính nền tảng, những kĩ năng sống cần thiết phù hợp với lứa tuổi, khơi dậy và phát triển tối đa những khả năng tiềm ẩn, đặt nền tảng cho việc học ở các cấp học tiếp theo và cho việc học tập suốt đời. Thế nên, cần chọn phương pháp nào đáp ứng được những tiêu chí ấy và phù hợp với đặc trưng văn hóa của Việt Nam”.
Tranh cãi gay gắt khi bị gọi là 'giáo viên truyền thống' vì không dạy theo Montessori
Tự cho rằng những giáo viên dạy trẻ mầm non theo phương pháp Montessori là hiện đại, còn giáo viên dạy theo chương trình của hiện nay là 'giáo viên truyền thống' của một video quảng cáo khiến cộng đồng giáo viên mầm non dậy sóng.
Hiện các trường tuyển dụng những giáo viên mầm non được đào tạo chính quy từ các trường cao đẳng, đại học - ẢNH MINH HỌA: NGUYỄN LOAN
Giáo viên không dạy theo phương pháp nước ngoài được xem là... truyền thống?
Cụ thể, trên cộng đồng hội các hiệu trưởng, nhà quản lý trường mầm non mới đây xuất hiện một video được cho là "bóc phốt" về việc một "viện" (trung tâm) chuyên đào tạo và cấp chứng nhận đạt chuẩn giáo viên Montessori cho người học.
Điều đáng nói, xuất hiện trong video quảng cáo của trung tâm này là một học viên của trung tâm nói trong nước mắt: "Em là giáo viên truyền thống. Sau đợt dịch (dịch Covid-19) trì trường em không đủ điều kiện để tiếp tục nên là trường em giải thể. Sau khi nghỉ ở nhà 2 tháng thì em cũng lên trường xin việc thì họ bảo giáo viên truyền thống họ không nhận. Em có xin các trường khác thì họ đều dạy theo phương pháp Montessori, mấy trường đều bảo là giáo viên truyền thống lương rất thấp nên em quyết định tìm hiểu về phương pháp Montessori".
Đoạn chia sẻ này sau đó khiến nhiều giáo viên mầm non được xem là "giáo viên truyền thống" bức xúc, tranh cãi gay gắt. Nhiều người đặt câu hỏi "ở đâu ra khái niệm giáo viên truyền thống?", chưa kể người trong video này còn nhận định những giáo viên truyền thống thì thường lương rất thấp.
Rất bức xúc với cách quảng cáo khóa học đào tạo chứng chỉ về phương pháp Montessori, bà Phạm Thị Vân, chủ trường Nhóm trẻ lớp mẫu giáo độc lập An Dương (Thanh Xuân, Hà Nội) cho rằng khái niệm "giáo viên truyền thống" không biết xuất phát từ đâu nhưng thời gian gần đây được các trung tâm, những người tự nhận là chuyên gia giáo dục mầm non nói rất nhiều. Trong đó, phần lớn những người này cho rằng giáo viên dạy theo chương trình của Việt Nam hiện nay là những giáo viên mầm non truyền thống, còn giáo viên dạy theo các phương pháp nước ngoài mới là giáo viên tiên tiến.
"Với trẻ mầm non theo tôi cái quan trọng nhất vẫn là việc được ăn, được chơi và ngủ nghỉ khoa học. Tuổi các em đang là tuổi ăn tuổi chơi, học chủ yếu qua chơi nên việc được chăm sóc bởi những giáo viên tận tình, có tâm và chuyên môn sư phạm của mầm non là được. Tôi không phủ nhận các phương pháp giáo dục tiên tiến của nước ngoài, nhưng việc xem thường những giáo viên dạy theo chương trình của Việt Nam là không thể chấp nhận được. Việc lựa chọn phương pháp giáo dục nào thì cần quan tâm đến yếu tố lấy trẻ làm trung tâm và sử dụng phương pháp giáo dục phù hợp mới đem lại động lực học tập và truyền cảm hứng cho học sinh", bà Vân nói.
Chia sẻ của bà Vân trên nhóm dành cho hiệu trưởng, các nhà quản lý mầm non gây ra tranh cãi lớn, trong đó rất nhiều ý kiến ủng hộ việc lên tiếng của bà Vân về vấn đề này. Nhiều người cũng bức xúc cho rằng nhiều trung tâm đào tạo các chứng chỉ đang lợi dụng, đưa ra khái niệm này nhằm quảng cáo, thu hút người học tham gia các chương trình đào tạo của họ.
Chưa từng biết đến khái niệm giáo viên truyền thống hay tiên tiến khi tuyển dụng
"Từ bao giờ giáo viên mầm non trở nên "tội nghiệp" đến như vậy? Như thế nào được gọi là "giáo viên mầm non truyền thống"? Và "giáo viên mầm non hiện đại hay giáo viên Montessori"? Bạn có thể kinh doanh bất cứ điều gì bạn muốn, nhưng không đồng nghĩa với việc bạn kiếm tiền trên việc chà đạp công việc hay hạ thấp ngành nghề của chính mình chỉ để tôn vinh một phương pháp mà bạn cho là tuyệt vời", bà Thu Hoa, cố vấn tại một hệ thống trường mầm non ở TP.HCM, chia sẻ .
Theo bà Thu Hoa thì hiện nay ngành giáo dục mầm non nói riêng không hề có phân loại hay phân biệt giáo viên dạy phương pháp nào thì được trả lương cao hơn hay không nhận giáo viên mầm non không biết về phương pháp giáo dục nước ngoài.
Là một nhà quản lý, hiệu trưởng trường mầm non, bà Thu Hoa cho biết khi tuyển dụng bà đề cao những giáo viên được đào tạo bài bản về chuyên ngành mầm non, bởi khi được đào tạo chính quy giáo viên sẽ phần nào hiểu bản chất và ý nghĩa của nghề. Nói đúng hơn, với nghề giáo viên mầm non thì phải "hiểu nghề, yêu trẻ" mới dạy giỏi được chứ không phải đắp lên người cái chứng chỉ "gì đó" thì được gọi là giáo viên tài năng.
"Là một người làm công tác tuyển dụng nhân sự lâu năm cho trường mầm non, tôi chưa bao giờ hỏi: Em có chứng chỉ về phương pháp nọ, phương pháp kia mà chỉ hỏi những câu như: Vì sao em lựa chọn ngành này? Em hiểu gì về công việc mà em đang làm?... Tôi mong muốn tìm được những cô giáo có tấm lòng chứ không phải có tấm bằng hay chứng chỉ gì đó... Giáo dục là một nghề đáng được trân trọng nhưng kinh doanh bằng việc chà đạp lên giá trị đó để nâng cái phương pháp của mình lên thì thật đáng trách", bà Hoa chia sẻ.
Tương tự, bà Nguyễn Thị Minh Uyên, sáng lập hệ thống Trường mầm non Việt Đức ở TP.HCM, cũng cho rằng việc đưa ra khái niệm giáo viên mầm non "truyền thống" là phiến diện. "Các bạn yêu và dạy trẻ theo các phương pháp nước ngoài cũng nên thành lập một hiệp hội hoặc đề xuất Bộ GD-ĐT công nhận, xây dựng 1 chương trình giáo dục mầm non chuẩn theo các phương pháp, cứ chính danh và rõ ràng mọi chuyện thì được lợi nhất là trẻ con. Còn việc quảng bá và đưa ra những khái niệm không phù hợp là thiếu trách nhiệm", bà Uyên nói.
Năm 2026: Dừng đào tạo CĐ các ngành sư phạm, trừ giáo viên mầm non Việc đào tạo nâng chuẩn trình độ giáo viên tiểu học, trung học cơ sở do các trường ĐH sư phạm đảm nhiệm. Ảnh minh họa/INT Cử tri tỉnh Lâm Đồng kiến nghị: Thực hiện Luật Giáo dục 2019, các trường cao đẳng (CĐ) sư phạm chỉ đào tạo được giáo viên mầm non. Hiện số lượng trường CĐ sư phạm trên cả...