Tư lệnh hải quân Mỹ kêu gọi tìm giải pháp cho tranh chấp Biển Đông
Tại hội thảo của Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), khi được hỏi về việc mở rộng chiến lược quân sự nhằm ngăn chặn những hành động “có vấn đề” như động thái xây đảo nhân tạo trái phép của Trung Quốc trên Biển Đông, Tư lệnh Hải quân Mỹ John Richardson nhấn mạnh rằng các nước cần theo đuổi sự dàn xếp chứ, không phải xung đột, tại khu vực này.
Tư lệnh Hải quân Mỹ John Richardson (Ảnh: AFP)
Theo trang tin Washington Free Beacon, tại cuộc hội thảo do CSIS tổ chức hôm 3/10 vừa qua, các phóng viên đã đề nghị làm rõ về việc Hải quân Mỹ đã tạo ra áp lực gì nhằm ngăn chặn những hành động “có vấn đề” trên Biển Đông như việc xây dựng các đảo nhân tạo ở khu vực đang xảy ra tranh chấp giữa các bên trong khu vực.
Hải quân Mỹ liên tục điều tàu chiến tới khu vực gần các thực thể tranh chấp mà Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố trên Biển Đông nhằm thực thi quyền tự do hàng hải tại đây. Phát biểu tại buổi hội thảo, Tư lệnh Hải quân Mỹ, Đô đốc John Richardson, không đề cập tới những hoạt động của Mỹ ở Biển Đông mà chỉ tập trung vào “những lợi ích chung” giữa Mỹ, Trung Quốc và các nước trong khu vực, cũng như sự cần thiết của việc theo đuổi sự dàn xếp thông qua các biện pháp hòa bình.
“Với những lựa chọn mà Hải quân Mỹ mang lại cho các đối tác trong khu vực, trong đó có Trung Quốc, giữa chúng tôi đã duy trì những lợi ích chung trên nhiều lĩnh vực. Mặc dù có một số lĩnh vực chúng tôi không đồng nhất, nhưng chúng tôi vẫn hợp tác để vượt qua các bất đồng và hướng tới sự dàn xếp. Chúng tôi làm vậy để giảm nguy cơ xảy ra tính toán sai lầm”, ông Richardson cho biết.
Video đang HOT
“Chúng tôi hy vọng đạt được thỏa thuận mà ở đó tất cả các nước trong khu vực, bao gồm cả Mỹ và Trung Quốc, đều chấp nhận được chứ không cần tới một cuộc xung đột. Một điều chắc chắn đó là chúng tôi không muốn gây ra bất kỳ một cuộc xung đột có chủ ý nào, và cũng muốn chắc chắn rằng không có cuộc xung đột nào nổ ra chỉ vì sự bất cẩn hoặc tính toán sai lầm”, ông Richardson nói thêm.
Phát biểu có phần mềm mỏng của Tư lệnh Hải quân Mỹ được đưa ra chỉ vài ngày sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter bóng gió rằng Mỹ sẽ tiến hành thêm các cuộc tuần tra chung với các nước ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương nhằm đảm bảo quyền tự do hàng hải và hàng không trong khu vực.
Trong cuộc hội thảo hôm thứ 2 vừa qua, Đô đốc Richardson cũng khẳng định hải quân nước này sẽ vẫn tiếp tục duy trì sự hiện diện ở Biển Đông và tiếp tục thúc đẩy các quy tắc ứng xử, ủng hộ các luật lệ và quy tắc cho phép các bên giải quyết tranh chấp một cách hòa bình. Ngoài ra, Tư lệnh Hải quân Mỹ cũng nhấn mạnh sự cần thiết của việc duy trì đối thoại với người đồng cấp Trung Quốc, Đô đốc Wu Shengli, trong trường hợp nảy sinh xung đột và cần làm giảm căng thẳng nhanh chóng.
Chính sách đối ngoại với Trung Quốc của chính quyền Tổng thống Barack Obama lâu nay vẫn vấp phải sự chỉ trích vì đã không ngăn chặn được các động thái hung hăng của Bắc Kinh trên Biển Đông. Các chuyên gia nghiên cứu về châu Á và luật hàng hải hồi tháng trước đã trình bày trước Hạ viện Mỹ rằng Washington cần triển khai thêm các biện pháp quân sự và ngoại giao để kiềm chế sự bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông. Tuần trước, báo Navy Times cho biết Nhà Trắng đã yêu cầu các quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ tránh dùng từ “cạnh tranh” khi thảo luận về những thách thức quân sự từ Trung Quốc.
Thành Đạt
Theo Washington Free Beacon
Tư lệnh Hải quân Mỹ bác bỏ tuyên bố 'Biển Đông là của Trung Quốc'
Tư lệnh Hải quân Mỹ John Richardson khẳng định Biển Đông là biển quốc tế chứ không của riêng ai, phản bác lại tuyên bố ngang ngược của Đô đốc Hải quân Trung Quốc Viên Dự Bái rằng "Biển Đông là của Trung Quốc", theo Defense News.
Đô đốc John Richardson, Tư lệnh Hải quân Mỹ phản bác tuyên bố ngang ngược về chủ quyền Biển Đông của Đô đốc Hải quân Trung Quốc - Ảnh: Hải quân Mỹ
Đô đốc John Richardson, Tư lệnh Hải quân Mỹ, ngày 22.10 đã có bài trả lời phỏng vấn trang tin quân sự Defense News liên quan đến vấn đề Biển Đông. Câu trả lời của Tư lệnh Hải quân Mỹ đã phản bác lại những tuyên bố mà Chỉ huy Hạm đội Bắc Hải (Trung Quốc), đô đốc hải quân Viên Dự Bái ngang ngược đưa ra hồi tháng 9.
Tại hội nghị thiết bị và an ninh quốc phòng quốc tế (DSEI) diễn ra ở London (Anh) ngày 14.9, ông Viên Dự Bái đưa ra lập luận phi lý rằng: "Biển Nam Trung Hoa (tên Trung Quốc gọi Biển Đông) như tên gọi của nó ám chỉ, là một vùng biển thuộc về Trung Quốc". Ông ta còn mạnh miệng nói rằng người Trung Quốc đã đánh bắt cá ở Biển Đông từ thời nhà Hán.
Đô đốc Richardson hoàn toàn không chấp nhận lập luận ngang ngược của ông Viên. Ông Richardson nói: Biển Đông "là biển của mọi người. Bạn biết đấy, 30% thương mại thế giới lưu chuyển qua Biển Đông. Biển Đông không của riêng ai. Đó là vùng biển mở và là biển quốc tế".
Liên quan tới thông tin Mỹ sắp triển khai tàu đi vào khu vực 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng phi pháp tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam, Tư lệnh Hải quân Mỹ không đề cập chi tiết kế hoạch này; tuy nhiên ông nhấn mạnh Mỹ sẵn sàng vận chuyển cũng như đi lại ở các vùng biển quốc tế và tuân theo các quy tắc quốc tế.
Trước đó, hôm 15.10, ông Richardson cũng phản bác cáo buộc của Trung Quốc cho rằng Mỹ gây hấn "châm dầu vào lửa" ở Biển Đông; Tư lệnh Richardson nói rằng hoạt động của Mỹ ở vùng biển quốc tế, trong khu vực Biển Đông là chuyện thường ngày, không phải khiêu khích như Trung Quốc nói, theo Reuters.
Dù không có tranh chấp trực tiếp tại Biển Đông nhưng Mỹ luôn chú trọng đến những lợi ích hàng hải và các lợi ích khác của mình tại vùng biển trù phú này. Trước một Trung Quốc với những hành động và yêu sách ngang ngược tại Biển Đông, giới chức Mỹ đã liên tục lên tiếng phản đối và khẳng định Trung Quốc đang đi ngược lại những quy định của luật pháp quốc tế.
Ngọc Mai
Theo Thanhnien
Toà trọng tài nhận đơn của Đông Timor kiện Úc về tranh chấp lãnh hải Tòa trọng tài thường trực Liên Hiệp Quốc ở The Hague ngày 26.9 chấp nhận đơn kiện của Đông Timor và sẽ thụ lý vụ tranh chấp lãnh hải ở biển Timor giữa quốc gia nhỏ bé ở Đông Nam Á này với Úc, theo Reuters. Người Đông Timor biểu tình phản đối trước Đại sứ quán Úc ở Dili ngày 23.2.2016 Đông...