Từ hiệu trưởng tới phụ huynh, học sinh cần được phổ biến rõ
Quy chế thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ đã được công bố hơn một tuần nhưng ngay hiệu trưởng các trường THPT ở Hà Nội cũng còn nhiều điểm không nắm rõ và mong sớm được giải đáp, chưa nói đến phụ huynh, học sinh.
Nhà trường cần thông tin cụ thể hơn để tư vấn cho học sinh về kỳ thi sắp tới
Thí sinh Hà Nội chuẩn bị tinh thần đi thi xa
Bà Nguyễn Thị Phương Anh, Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai cho biết, bên cạnh việc tập trung học đúng chương trình thì việc tư vấn cho học sinh lớp 12 và phụ huynh về kỳ thi THPT quốc gia sắp tới được nhà trường thực hiện thường xuyên. “Cho đến thời điểm này, dù Bộ GD-ĐT đã công bố quy chế thi nhưng quy định cụ thể việc tổ chức các cụm thi như thế nào còn phải chờ hướng dẫn. Học sinh, phụ huynh đang thắc mắc khá nhiều. Nếu thi theo cụm liên tỉnh, có khả năng thí sinh từ các tỉnh bạn về Hà Nội dự thi và một phần thí sinh Hà Nội phải đi thi ở các tỉnh khác theo phân công của Bộ GD-ĐT. Nếu như vậy, các em cũng nên chuẩn bị tinh thần thoải mái vì từ nhiều năm nay, thí sinh các tỉnh bạn phải khắc phục khó khăn về Hà Nội dự thi ĐH, CĐ”.
Hiệu trưởng một trường dân lập của Hà Nội thắc mắc, nếu học sinh chỉ có nhu cầu thi để xét tốt nghiệp THPT thì liệu có phải tham gia cụm thi liên tỉnh hay được dự thi ở cụm thi của Sở tổ chức? Ông Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng trường THPT Việt Đức băn khoăn: “Học sinh trường tôi được học ngoại ngữ 1 là tiếng Anh và ngoại ngữ 2 là tiếng Đức. Nếu ở ngoại ngữ 2, học sinh đủ điều kiện miễn thi theo quy định của Bộ thì có được miễn hay không?”. Có hiệu trưởng lại thắc mắc về việc quản lý học sinh như thế nào cho đến cuối tháng 5 nếu phải hoàn thành hồ sơ cho các em lớp 12 vào ngày 30-4, tức là phải tổ chức kiểm tra và chấm thi học kỳ II vào đầu tháng 4… Đại diện trường THPT Bắc Thăng Long hỏi, thí sinh đăng ký dự thi nhiều môn nhưng lại bỏ thi một số môn thì có được xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển ĐH không? Có thể thấy, đa số các hiệu trưởng băn khoăn về các quy định cụ thể chưa có trong quy chế thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ trong khi lúc này đã là giai đoạn giữa học kỳ II.
Video đang HOT
Sẽ hướng dẫn cụ thể trước 15-3
Trước thắc mắc của ông Nguyễn Quốc Bình, ông Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD-ĐT cho biết: “Dù chưa quy định chính thức, nhưng ngoại ngữ 2 cũng sẽ được xem xét để miễn thi. Nhưng thí sinh cần lưu ý, theo quy định của Bộ, chứng chỉ công nhận miễn thi ngoại ngữ chỉ áp dụng để xét tốt nghiệp THPT. Còn việc miễn thi ấy có được áp dụng trong xét tuyển sinh ĐH, CĐ hay không hoàn toàn thuộc thẩm quyền của các trường ĐH, CĐ”.
Liên quan đến việc đăng ký thi và miễn thi môn Ngoại ngữ, đại diện trường THPT chuyên ngữ – ĐHQG Hà Nội thắc mắc: “Học sinh trường tôi học rất nhiều thứ tiếng: Nga, Pháp, Trung, Nhật… Vậy các em có thể chọn thứ tiếng mà các em không được học trong nhà trường để đăng ký thi hoặc để xét miễn thi môn Ngoại ngữ không?”. Ông Trần Văn Nghĩa giải thích, thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ không dạy ở trường nhưng nằm trong hệ thống chứng chỉ được Bộ GD-ĐT quy định được miễn thi để xét tốt nghiệp THPT thì vẫn được áp dụng. Nhiều khả năng, hướng dẫn của Bộ sẽ mở theo hướng thí sinh muốn thi môn Ngoại ngữ không được dạy trong trường để xét tốt nghiệp cũng có thể làm đơn xin thi.
Về trường hợp thí sinh đăng ký nhiều môn nhưng vì lý do nào đó mà bỏ một số môn không thi, ông Trần Văn Nghĩa cho biết, đối với thí sinh chưa tốt nghiệp THPT, điều kiện tiên quyết là phải có điểm thi 3 môn Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ (đối với đơn vị không tổ chức thi Ngoại ngữ thì bắt buộc có điểm thi Toán, Ngữ văn và điểm thi một môn tự chọn thay thế). Thí sinh dự thi có nhu cầu xét tuyển ĐH vừa phải đảm bảo số môn thi để xét tốt nghiệp THPT vừa có đủ môn để ghép thành tổ hợp khối theo quy định của trường ĐH mà thí sinh muốn đăng ký thì dù bỏ các môn thi khác nhưng vẫn được chấp nhận.
Ông Trần Văn Nghĩa cũng cho biết, dự kiến, ngày 15-3, Bộ GD-ĐT sẽ có hướng dẫn thực hiện quy chế để làm rõ những băn khoăn của các vị hiệu trưởng.
Theo ANTĐ
Quy chế thi THPT mới: "Con lo một, mẹ cha lo mười!"
Học sinh lớp 12 Trường THPT Gia Định TPHCM ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi. Ảnh: Â.T
Đó là ý kiến chung của nhiều bậc phụ huynh có con năm nay tham gia kỳ thi THPT quốc gia. Một ngày sau khi quy chế kỳ thi này vừa được Bộ GDĐT ban hành, nhiều phụ huynh, học sinh đã tiếp cận bước đầu nội dung quy chế, với tâm trạng nhiều âu lo.
Cơ hội đỗ đại học có nhiều hơn?
Chị Nguyễn Thị Hà (Q.Thanh Xuân, Hà Nội) có con trai đầu đang học lớp 12, khi nhắc đến Quy chế kỳ thi THPT quốc gia 2015 đã tỏ ra rất sốt sắng. Ngay sau khi Bộ GDĐT công bố chính thức quy chế, chị Hà đã vội vàng lên mạng Internet đọc đi đọc lại nội dung với mong muốn được giải tỏa thắc mắc về cơ hội đỗ ĐH của con mình. "Trong khi con tôi chưa đọc quy chế thì vợ chồng tôi đã xem trước nội dung. Tôi rất đồng tình về việc chỉ còn một kỳ thi chung, nhưng vẫn băn khoăn không biết là con sẽ thi ở cụm thi nào, khi có kết quả thi rồi thì cơ sở nào để con lựa chọn trường phù hợp, có khả năng đỗ ĐH cao?" - chị Hà chia sẻ.
Ngọc Bách - học sinh Trường THPT Quang Trung (Q.Đống Đa, Hà Nội) - dự định sẽ thi tập trung vào khối A với ba môn toán, lý và hóa. Tuy nhiên, em cũng có lo ngại như trên khi không thể biết chắc rằng kết quả thi của mình rồi sẽ phù hợp với trường nào. Bách cho biết: "Em sẽ học thêm các môn thuộc khối D và thi luôn để có thêm cơ hội chọn trường. Quy chế thi em đã đọc kỹ nội dung và cảm thấy đỡ lo lắng hơn phần nào. Việc kéo dài thời gian đăng ký thi đến 30.4 cũng giúp chúng em có thêm thời gian suy nghĩ kỹ lưỡng các khối thi mà mình hướng đến".
Theo nhiều phụ huynh, vì kỳ thi hoàn toàn mới nên bản thân họ bị áp lực hơn cả con mình, bởi ngoài việc tạo điều kiện tối đa cho con học tập ôn thi thì còn có cơ sở để định hướng nghề nghiệp cho con. Nhiều phụ huynh cho hay họ cần nhiều kênh thông tin để có thể tiếp cận kỹ hơn các nội dung thuộc quy chế thi. Theo đó, mọi thắc mắc liên quan cũng cần được đăng tải để tìm câu trả lời chính xác nhất từ Bộ GDĐT trước khi diễn ra kỳ thi.
Nhiều điểm thuận lợi cho thí sinh
Phụ huynh của em Vũ Minh Anh - học sinh lớp 12A12 - THPT Hoàng Hoa Thám (Q.Bình Thạnh, TP.Hồ Chí Minh) - nêu lên băn khăn của mình: "Theo quy chế, các trường ĐH, CĐ quy định các trường tổ chức xét tuyển đối với những thí sinh sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển phải căn cứ ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào do bộ quy định với điều kiện điểm xét tuyển đợt sau không thấp hơn điểm trúng tuyển đợt trước, theo tôi là đúng. Nhưng, tôi vẫn băn khoăn ở điểm, có một số trường lại yêu cầu thí sinh thi vào trường mình phải kiểm tra, thi thêm một môn phụ phù hợp với tiêu chí ngành học của trường đó... Điều này cũng có thể ảnh hưởng tâm lý thi của thí sinh".
Trong khi đó, thầy giáo Lê Xuân Nguyên - Phó Hiệu trưởng Tường THPT Phước Kiển (huyện Nhà Bè, TP.Hồ Chí Minh) - cho biết: Điều đáng hoan nghênh là quy chế được ban hành đã tiếp thu ý kiến góp ý của dư luận, sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung so với dự thảo như có quy định điểm của bài dự thi tự luận và bài thi trắc nghiệm được quy về thang điểm 10, được mang Atlat vào phòng thi... "Thành thật mà nói, chúng tôi không kỳ vọng nhiều về tỉ lệ đỗ cao của học sinh trường trong kỳ thi này. Lý do: Tuy vẫn giữ thang điểm 10 như cũ, nhưng chúng tôi vẫn lo tới cấu trúc đề thi" - thầy giáo Nguyên cho hay.
Nhiều thầy cô giáo khác cũng băn khoăn về đề thi. Theo quy chế, đề thi sẽ vừa cơ bản, để đáp ứng yêu cầu tốt nghiệp THPT, vừa nâng cao để tuyển sinh CĐ - ĐH, nhưng điều mà giáo viên lo lắng là với học sinh của mình, đề thi mang tính phân hóa cao có thể ảnh hưởng tâm lý thi của các em, nhất là với những em học lực trung bình, tâm lý đi thi của các em không tốt, bài vở nắm không kỹ.
Quy chế quy định kỳ thi THPT quốc gia sẽ tổ chức 8 môn. Bản thân thầy cô khá lo lắng về đề thi trắc nghiệm với các môn lý, hóa, Anh văn, sinh. Thầy giáo Xuân Nguyên dự tính: "Nếu chấm theo thang điểm 10, trong 25% phần câu hỏi dễ và 25 % dạng vừa để các em thi tốt nghiệp, nếu các em lấy được 5 điểm đó cũng là khó..., nên nói chúng tôi không quá kỳ vọng ở tỉ lệ đỗ cao của trường là vì vậy".
Theo Laodong.com.vn
Tuyển sinh lớp 10: Cạnh tranh quyết liệt để được học công lập ANTĐ - Năm 2015, Hà Nội tiếp tục thực hiện phương thức "Kết hợp thi tuyển với xét tuyển" để tuyển sinh vào lớp 10 các trường THPT công lập, ngoài công lập và các trung tâm giáo dục thường xuyên. Ngày 30-5, sẽ công bố kết quả xét tuyển và từ 11 đến 13-6, học sinh sẽ thi tuyển vào lớp 10....