Từ chuyện người phụ nữ cay đắng nhận ra bị biến thành osin suốt 23 năm đẹp nhất cuộc đời, nhà văn Tâm Phan lên tiếng
Một người phụ nữ đã hi sinh tất cả vì 2 chữ gia đình nhưng giữa mùa dịch chị đã nhận ra thứ nhận được chỉ là 2 chữ cô đơn mà thôi. Đọc câu chuyện này khiến nhà văn Tâm Phan phải lên tiếng…
Từ một câu chuyện nhà văn Tâm Phan đọc được, chị đã có những góc nhìn riêng của mình và lên tiếng vì người phụ nữ trong câu chuyện trên là rất nhiều người phụ nữ Việt ngoài đời chị đã từng gặp. Và hẳn nhiên, đây là một vấn đề chạm đúng đến vấn đề của nhiều phụ nữ đang mắc phải khi đang loay hoay trong chính cuộc hôn nhân lưng chừng của mình, nó đã “phát lộ” ra tất cả khi cả nhà ở cùng nhau mùa dịch.
Câu chuyện đáng để Tâm Phan bàn đến như sau:
“3 ngày nay cả nhà thực hiện cách ly xã hội tránh dịch. Tôi những tưởng có cơ hội hâm nóng không khí gia đình. Nào ngờ, tôi lại nhận sự thật phũ phàng!
Năm nay tôi 45 tuổi, chồng làm phó giám đốc công ty lớn cũng coi như thành đạt, ba con cũng khôn lớn, khỏe mạnh, 2 con vào đại học, 1 con đang học cấp 3, nhà khang trang, có xe hơi. Nhìn gia đình tôi, ai cũng bảo tôi có số hưởng, hạnh phúc viên mãn.
Nhưng chỉ tôi biết, để có được gia đình như bây giờ, tôi đã không biết bao lần phải đi giật lùi. Tôi thi đại học với điểm giỏi, lúc bấy giờ có suất học bổng sang Nga, nhưng tôi vì tình yêu lại không dám đi, vì người yêu bảo nếu đi chỉ có nước chia tay.
Vậy là tôi chỉ dám ở lại trong nước, học xong đại học, vừa đi làm thì lấy chồng. Vì giỏi ngoại ngữ nên tôi được công ty trọng dụng, dự định rèn luyện tôi nửa năm sẽ cất nhắc vào vị trí có cơ hội thăng tiến, đúng lúc đấy tôi có bầu. Ốm nghén khiến tôi rộc rạc nên tôi đành bỏ việc, ở nhà sinh con.
Con được 2 tuổi thì tôi đi làm lại, do chậm hơn đồng nghiệp cùng trang lứa đến hai năm nên tôi đã nỗ lực hết sức để có vị trí ổn định trong phòng marketing. Nhưng công việc bận rộn chiếm thời gian, mẹ chồng tôi thấy con giai ăn không đúng giờ, cháu đích tôn không được chăm bẵm nên có ý kiến gay gắt.
Ảnh minh họa
Tôi lại nhượng bộ, lui xuống làm nhân viên văn phòng. Rồi tôi sinh tiếp đứa thứ hai và hoàn toàn biến mình thành một bà nội trợ. Vì chồng tôi bảo tôi đi làm tiền không đủ thuê Osin mà con cái nheo nhóc, không yên tâm. Mẹ chồng cũng bảo phụ nữ không cần phải bươn chải làm gì, ở nhà chồng nuôi cho sướng.
23 năm qua, tôi toàn tâm toàn ý lo cho chồng con. Tôi luôn nghĩ mình ở nhà nhiều thời gian, chồng con bận đi làm, đi học nên chẳng đòi hỏi mọi người phải chia sẻ việc nhà với mình. Việc lớn nhỏ trong nhà, hiếu hỉ nội ngoại, tôi đều “tiện thể”, “quen tay” làm hết. Chồng con tôi chỉ biết đi học đi làm về thì sà vào bữa ăn rồi lại ai về phòng nấy.
Hầu như tôi cũng không để ý lắm đến sự lệch lạc trong gia đình vì chồng bận làm, con bận học, cả ngày tôi cũng chỉ gặp mọi người vào bữa tối.
Dịch COVID-19, con tôi nghỉ học dài nhiều ngày, nhưng trước đó chúng vẫn ra cửa đi chơi với bạn hoặc học nhóm, bận rộn không khác gì đi học nên tôi cũng ít gặp. Nhưng ba ngày nay, khi Chính phủ yêu cầu cách ly xã hội, mọi người ở nhà, chồng con tôi cũng bị giam chân ở nhà. Tôi rạo rực với ý nghĩ cả gia đình cũng có lúc sum họp dài ngày, nhiều thời gian hơn để nói chuyện.
Thế nhưng cả chồng con dù ở nhà cả ngày vẫn không có thời gian dành cho tôi. Ba đứa con đều mất hút trong phòng riêng và tỏ vẻ khó chịu khi tôi gõ cửa hỏi han. Cả ngày, câu nói mà con tôi nói với tôi nhiều nhất là: “Có gì ăn không mẹ?”. Nếu tôi nói chúng thêm vài câu, khuyên răn vài câu thì chúng phẩy tay: “Ui dào, mẹ suốt ngày ở trong nhà, biết gì mà nói”.
Ảnh minh họa
Tôi nằm trên ghế và thấy sức lực như rút cạn. Nhưng con tôi chạy ra ngoài uống nước, nhìn thấy tôi nằm không hỏi. Chồng tôi chạy ra ban công hút thuốc, thấy tôi ôm đầu không nói. Đến chiều, các con tôi đến lúc đói chạy ra, nhìn bàn ăn không có gì thì hỏi: “Mẹ không nấu cơm mà còn làm gì thế?”.
Chồng tôi cũng cau có: “Suốt cả chiều làm gì mà không nấu cơm?”. Tôi đi ra đi vào trong ngôi nhà đông đủ mọi người mà lại như không có ai. Lần đầu tiên, tôi chợt nhận ra địa vị trong nhà của mình. Sau hai ngày bày vẽ đủ các món ăn hầu hạ chồng con đến ngày thứ 3, tôi thấy đầu đau, lưng còng rạp.
Video đang HOT
Chồng tôi cũng trong phòng làm việc, chơi với cái máy tính, dù tôi ngó đang xem phim nhưng lại bảo tôi “bận việc”. Hoặc anh ấy sẽ ôm điện thoại và buôn chuyện trên giời dưới bể với ai đó, cười ha ha một cách rất khoái chí. Nhưng khi tôi gợi ý vài câu chuyện chỉ ừ hữ với vẻ mặt lạnh nhạt rồi lại mải mê làm việc khác, quên ngay tôi đang ngồi cạnh.
Lúc này thì tôi nổi đóa thực sự, tôi gào lên: “Các người muốn ăn thì tự đi mà nấu!”. Thế là chồng tôi ngạc nhiên: “Em lại dở quẻ gì thế?”. Không ai hỏi tôi đau ốm hay mệt mỏi gì. Như suốt bao lâu nay họ nhìn tôi như lực sĩ, tôi đau cũng không kêu, tôi mệt cũng không phàn nàn.
Tôi đã chờ chồng con hỏi tôi: “Em mệt ra sao để anh giúp”, hay “Mẹ đau thế nào để con mua thuốc”. Tôi chỉ cho và cho, miệt mài hầu hạ chồng con bằng tất cả sức lực, bằng cả trái tim và khối óc, đến nỗi họ tưởng tôi là… con trâu sắt, không biết mệt mỏi, không biết đau buồn.
Tôi đã cho mà không đòi hỏi gì, nên tôi đã tạo ra người chồng chỉ quen hưởng thụ, những đứa con ích kỷ chỉ biết nhận. Nhưng tôi lại chờ đợi những người ích kỷ ấy hiểu được sự hy sinh của mình. Tôi đã sai lầm cả 1 đời, hoặc chí ít cũng là sai lầm suốt 23 năm đẹp nhất của cuộc đời mình.
Tôi hối hận, tôi muốn thay đổi. Nhưng tôi đã 45 tuổi đời, không có nghề nghiệp, không có thu nhập, liệu tôi có thể thay đổi được gì? Liệu có quá muộn hay không?”.
Chỉ cần đọc hết câu chuyện này thôi đã khiến cho nhiều người có những cảm giác khác nhau. Là thực tế cuộc sống, là chuyện nhà hàng xóm, là chuyện của chính mình. Không ít phụ nữ Việt như thế, tận tụy hy sinh mù quáng vì 2 chữ… gia đình. Họ đến mức quên cả những nhu cầu thiết yếu, những điều đáng ra họ cũng cần, cả sự tự tôn của một người phụ nữ, sống sao để không ai có thể rẻ rúng mình.
Người vợ này thì đau đớn hơn, dù không phải là chồng ngoại tình, chẳng phải là gia cảnh túng quẫn, bần cùng, nhưng người rẻ rúng cô ấy không phải là người ngoài, chính là người trong nhà. Là tình nghĩa vợ chồng, máu mủ ruột rà… và cô ấy đã bị coi nhẹ chữ vợ, chữ mẹ mà thành một bà osin trong chính căn nhà của mình. Dù tài năng có, sự độc lập đã từng có, nhưng cô ấy đã đánh đổi để làm người phụ nữ của gia đình tận tụy đến mức quên thân mình.
Dù thấy buồn khi đọc câu chuyện kia nhưng nhà văn Tâm Phan đã phải lên tiếng bằng một góc nhìn tỉnh táo. Bằng vốn sống, bằng kinh nghiệm và cả sự từng trải đã từng có cảm giác như chính chị vợ kia nhưng chị đã kịp thời tỉnh ra.
Tâm Phan viết:
“Đọc câu chuyện này mình thấy rất buồn. Buồn hơn nữa là số phụ nữ Việt Nam giống như nhân vật chính này rất nhiều, rất rất nhiều. Nhưng, câu chuyện này không phải kể ra đây để chúng ta cùng ôm nhau khóc hay than thân trách phận, đổ tại xã hội hay tại chồng con. Người duy nhất khiến mình lâm vào tình cảnh như này không ai khác chính là bản thân mình. Mình cho phép người khác quyết định cuộc đời mình. Cho phép họ sử dụng mình như 1 người giúp việc, 1 cái máy đẻ, 1 công cụ cho cuộc sống của họ. Đương nhiên, họ được phép làm vậy thì họ sẽ coi thường mình, đặt mình đúng vào cái vị trí mà mình vẫn luôn ở đó. Tại sao lại kỳ vọng họ (chồng con) phải biết ơn, phải nhìn mình với tất cả sự kính trọng? Bởi bản thân mình đâu có? Mình đã mất cái sự tự tôn của bản thân từ khi để người khác quyết định cuộc đời mình. Từ việc đi học nước ngoài hay ở nhà lấy chồng, chồng nuôi.
Thời sinh viên tôi cũng vậy, 2 lần đạt học bổng toàn phần, 1 đi Mỹ, 1 đi Úc mà tôi đều từ chối chỉ vì người yêu không muốn thế. Anh bảo nếu đi là chia tay. Khổ, gái mới lớn đã va vấp trường đời bao giờ? Mẹ hay chị cũng chả ai dạy hay khuyên bảo nên chỉ biết nghe người yêu thôi. Mình cũng đã đi vào vết xe đổ đấy. Đã từ chối học bổng nước ngoài để ở nhà học xong Đại học rồi ra trường lấy chồng. Cũng may mình không phải đứa an phận. Ra trường xin đi thực tập tận trong Sài Gòn vừa được khám phá vùng đất mới, vừa được tự do. Chính thời gian đấy đã thay đổi cuộc đời và tư tưởng của mình. Người yêu theo vào Sài Gòn sống chung với mình và mình đã được “sống thử” với người chồng tương lai. Chỉ sau 3 tháng làm “vợ” và được đối xử như người vợ trong bài này, mình đã biết nói KHÔNG.
Tôi không phải là thứ các người muốn định đoạt tôi thế nào cũng được. Làm vợ phải thế này, phải thế kia? KHÔNG. Tôi là tôi! Tôi làm những gì tôi muốn, không phải tôi làm những gì anh muốn hay xã hội muốn. Nếu như tôi không biết nói KHÔNG thì có lẽ giờ này tôi cũng đang viết 1 lá thư tuyệt mệnh vì sao chồng con tôi chẳng coi tôi ra cái gì. Đời tôi đã rẽ sang 1 trang khác, 1 trang rất buồn”.
Phụ nữ hay than khóc, nhưng có 1 thực tế cuộc đời này là do chính các chị quyết định. Đến ngay cả việc trở thành một người phụ nữ bi thương như thế kia cũng là bởi quyết định của chính các chị.
Phụ nữ yêu thương bao dung là tốt, nhưng hãy thương thân mình trước nhất, hãy biết giữ sự kiêu hãnh bạn đã từng có. Hãy biết nói không, biết từ chối làm 1 người giúp việc, 1 cái máy đẻ, 1 công cụ cho cuộc sống của người khác, thì các chị mới có cơ hội viết riêng 1 bài hoan ca cho chính cuộc đời mình.
ĐX
Bộ ảnh tôn vinh vẻ đẹp của những người phụ nữ khuyết tật và khác biệt khiến nhiều người xúc động
Nhân ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, công ty Zebedee đã tổ chức một buổi chụp hình đặc biệt nhằm mục đích thể hiện vẻ đẹp thực sự và độc đáo của những người phụ nữ.
Zebedee là một công ty người mẫu và tài năng đại diện cho người khuyết tật. Nhân ngày Quốc tế Phụ nữ, công ty này đã tổ chức một buổi chụp hình đặc biệt nhằm mục đích thể hiện vẻ đẹp thực sự và độc đáo của những người phụ nữ.
Khi nói đến bình đẳng giới, đặc biệt trong ngành công nghiệp thời trang, phụ nữ khuyết tật hoặc khác biệt thường cảm thấy mình bị lãng quên. Thậm chí có nhiều dòng thời trang dành cho thú cưng hơn so với các thương hiệu dành cho những người này. Đã đến lúc giành sự bình đẳng cho những người khuyết tật hay khác biệt và để đại diện công bằng cho tất cả phụ nữ, Zebedee đã ra mắt bộ hình vô cùng đặc biệt.
Niamh, 20 tuổi, mắc hội chứng Hypohidrotic Ectodermal Dysplasia, một hội chứng do đột biến gen di truyền làm ảnh hưởng đến các sắc tố dưới da. Đáng chú ý, hội chứng này gây ra rụng tóc hoàn toàn.
Cô nói: "Buổi chụp hình này đã đưa tôi ra khỏi vùng an toàn của mình vì tôi cực kỳ dễ bị tổn thương, và nó đang thể hiện tất cả những bất an của tôi cho cả thế giới thấy. Tuy nhiên, nó làm tôi cảm thấy vô cùng mạnh mẽ."
Renee, 21 tuổi, bị liệt và phải ngồi xe lăn hoàn toàn. Cô không thể đứng hoặc đi lại.
Renee nói rằng: "Những ngày như Ngày Quốc tế Phụ nữ rất quan trọng để cho phụ nữ thấy rằng tất cả chúng ta đều xinh đẹp, chúng ta đều xứng đáng với những điều tốt đẹp."
"Tôi là Georgina, 20 tuổi, tôi bị viêm não tủy. Căn bệnh bước vào cuộc sống của tôi khi tôi 10 tuổi và nó làm đảo lộn cuộc sống của tôi.
"Không có hai người giống nhau và đó là cách mà mẹ thiên nhiên muốn chúng ta biết. Nhìn thấy mình trong hình dáng thuần khiết nhất, nó nhắc nhở tôi rằng đây là tôi và tôi rất tự hào. Tôi cảm thấy được giải thoát, giống như gánh nặng đã được trút bỏ xuống vai. Vâng, tôi cảm thấy lo lắng nhưng cảm giác đó sớm biến mất vào khoảnh khắc kỳ diệu này."
"Tên tôi là Monique,33 tuổi. Tôi mắc Osteogenesis Imperinfa Type 3, hay còn gọi là bệnh xương giòn, có nghĩa là tôi có thể bị gãy xương rất dễ dàng, tôi bị mệt mỏi, chân tay rất mềm, tôi có tầm vóc nhỏ và phải sử dụng xe lăn mọi lúc."
"Ngày Quốc tế Phụ nữ có ý nghĩa rất lớn đối với tôi. Tôi chỉ được biết về ngày tuyệt vời này trong vài năm gần đây, đó là một ngày tuyệt vời để ăn mừng tất cả phụ nữ cho dù tình trạng khuyết tật hay sự khác biệt của họ là gì."
"Tên tôi là Cara và tôi 21 tuổi. Tôi bị rối loạn thần kinh chức năng ảnh hưởng đến khả năng vận động. Kể từ khi mắc bệnh, tôi đã rất tức giận với cơ thể của mình vì tất cả những gì nó đã lấy đi từ tôi và nó làm thay đổi mọi chuyện. Thực hiện cảnh quay này, tôi được bao quanh bởi những người phụ nữ Zebedee xinh đẹp khác, cuối cùng tôi cũng cảm thấy tự hào về cơ thể của mình và xinh đẹp."
"Tên tôi là Maya, tôi 19 tuổi. Tôi mắc hội chứng rối loạn thần kinh di truyền và vẹo cột sống lưng. Tôi phải sử dụng xe lăn bằng tay. Tôi cảm thấy Ngày Quốc tế Phụ nữ rất quan trọng để nhận ra và tôn vinh tất cả những thành tựu tuyệt vời mà phụ nữ đã làm trên toàn thế giới.
"Lý do tôi tham gia vào buổi chụp hình này là để có cơ hội đưa mình ra khỏi sự phân biệt đối xử, tôn vinh những người phụ nữ tuyệt đẹp trong xã hội của chúng ta và thể hiện vẻ đẹp trong tất cả các cơ thể khác nhau. Tôi cũng muốn giúp đỡ bất cứ ai đang vật lộn với sự tự ti về cơ thể."
"Tôi là Lindy, tôi năm nay 65 tuổi và bị khiếm thính."
"Tôi rất vui khi tham gia buổi chụp hình cho IWD với Zebedee Management. Được là chính mình khiến tôi cảm thấy được trao quyền, mạnh mẽ hơn và không ngại thể hiện mình là ai. Đó là một trải nghiệm tích cực. Không bao giờ là quá muộn để làm một cái gì đó mới"
"Tên tôi là Clara, tôi 39 tuổi. Tôi mắc chứng rối loạn mô liên kết di truyền có tên là Hội chứng Ehlers Danlos (EDS)"
"Tôi tin tưởng mạnh mẽ vào vấn đề hòa nhập và đa dạng, và điều quan trọng là mọi người cảm thấy rằng họ đang được đại diện trong xã hội, điều mà tôi nghĩ tôi đang thiếu. Tôi là một người ủng hộ lớn cho sự tích cực của cơ thể, tự yêu thương bản thân, trao quyền cho bản thân và khuyến khích người khác đi theo những gì trái tim họ mong muốn, bất kể khả năng của họ là gì"
Kathleen, 20 tuổi, mắc hội chứng Down
"Tên tôi là Gemma và tôi 25 tuổi. Tôi được sinh ra với naevus melanocytic melanocytic (CMN) bẩm sinh, nói cách khác, đó là hàng trăm vết bớt có kích thước khác nhau trên khắp cơ thể tôi."
"Ngày Quốc tế Phụ nữ là một cơ hội tuyệt vời để tất cả chúng ta cùng nhau tôn vinh sự đa dạng, thành tựu và kinh nghiệm rộng lớn của phụ nữ trên khắp thế giới."
Theo B.P/nhipsongviet
Bức ảnh đẹp của ngày 08/03: Xúc động cảnh người phụ nữ ngủ gật trên tay chồng trên chuyến xe mưu sinh Sau thời gian làm việc mệt mỏi, người phụ nữ tranh thủ ngủ thiếp đi trong vòng tay của người chồng. Mới đây, trên mạng xã hội vừa xuất hiện một đoạn clip ghi lại hình ảnh đôi vợ chồng đi xe máy trên đường, người phụ nữ ngồi ở phía trước, dựa vào tay người chồng và ngủ thiếp đi đã thu...