Tự chủ đại học- Gỡ vướng về nhận thức và thực tiễn
Các quy định trong luật về tự chủ đại học đã từng bước tháo gỡ những vướng mắc, nhưng vẫn còn tồn tại các quy định giữa luật này với luật kia không đồng nhất với nhau, khiến các trường không biết làm theo luật nào.
LTS: Tự chủ đại học hiện đang vướng ở chính quan điểm về vấn đề này và những quy định để hướng dẫn, điều chỉnh những phát sinh trong quá trình thực hiện. Ở cấp vĩ mô, các chính sách đang dần hoàn thiện, tuy nhiên, trên thực tế, các trường đang rất cần những hướng dẫn cụ thể để có thể làm nhanh, làm đúng.
Tự chủ đại học không chỉ thực hiện theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục (Luật số 34) mà còn chịu sự chi phối của các luật khác như Luật Tài sản công, Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Công chức- Viên chức… Thực tiễn hiện nay cho thấy, các trường đại học thực hiện tự chủ mong muốn vướng ở đâu sớm được tháo gỡ ở đó.
Môi trường học tập tốt ở các trường đại học được tự chủ.
Gỡ vướng về khung văn bản pháp lý
Đề cập đến vấn đề tự chủ đại học, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã nhấn mạnh: Tự chủ luôn gắn liền với trách nhiệm giải trình. Mọi hoạt động tự chủ đại học phải được thực hiện theo pháp luật và cả những quy chế công khai do toàn xã hội giám sát chi tiết.
Tự chủ đại học không có nghĩa là không còn nguồn đầu tư của nhà nước. Ở tất cả các nước, các trường đại học tự chủ, nhà nước vẫn phải tiếp tục đầu tư, không chỉ trong đặt hàng đào tạo hay cấp học bổng mà còn để xây dựng cơ sở vật chất.
Tự chủ đại học không có nghĩa là không có quản lý mà phải quản lý theo pháp luật, không chỉ pháp luật về giáo dục mà pháp luật nói chung. Tại tất cả các nước, cả chính phủ, xã hội và nhà trường thực hiện giám sát tự chủ, nhưng vẫn phải có cơ chế để đảm bảo các đối tượng như người nghèo, người khuyết tật hay các đối tượng đặc thù không bị giảm bớt cơ hội tiếp cận giáo dục đại học.
Về vấn đề này, Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, nguyên Phó Giám đốc Đại học Quốc gia TP HCM cho rằng, đã đến lúc xác định rõ: Tự chủ không có nghĩa là tự do, tự lo mà ngược lại, cơ sở giáo dục được gỡ các “nút thắt” trong các quy định pháp luật giáo dục đại học trước đây, được tự chủ trong mọi hoạt động và trong khuôn khổ các quy định pháp luật có liên quan: “Vướng mắc lớn nhất là khung văn bản pháp lý và tư duy về tự chủ. Các trường đại học đã sống trong các quy định, quy chế rất chặt chẽ từ bao lâu nay rồi. Do đó, để tự chủ đại học, nghĩa là các trường tự quyết định chính mình về học thuật, cơ cấu nhân sự, nhiều vấn đề tài chính thì trước hết phải tháo gỡ những quy định hạn chế, cản trở các quyền tự chủ này”.
Trường Đại học Tài chính- Marketing là trường công lập tự chủ trực thuộc Bộ Tài chính. Trường được giao tự chủ tài chính từ năm 2006 và đang tiếp tục xin phép được tự chủ toàn phần trong công tác đào tạo đại học.
Tiến sĩ Hoàng Đức Long, Hiệu trưởng trường Đại học Tài chính- Marketing.
Video đang HOT
Tiến sĩ Hoàng Đức Long, Hiệu trưởng nhà trường cho rằng chủ trương của Đảng, nghị quyết của Chính phủ và các quy định trong luật về tự chủ đại học đã từng bước tháo gỡ những vướng mắc, nhưng vẫn còn tồn tại các quy định giữa luật này với luật kia không đồng nhất với nhau, khiến các trường không biết làm theo luật nào.
Cụ thể như, Nghị định hướng dẫn Luật Đầu tư công chưa có nên chưa xác định nguồn vốn đầu tư từ đại học là đơn vị công lập là nguồn nào; trường đại học tự chủ được áp dụng mô hình quản trị doanh nghiệp nhưng chưa đưa ra là mô hình nào; nhà nước hỗ trợ về thuế, phí, giá dịch vụ cho các đơn vị sự nghiệp công- bao gồm các trường tự chủ nhưng cũng chưa hướng dẫn rõ; cho thành lập doanh nghiệp đa sở hữu trong trường đại học nhưng cũng không hướng dẫn…
“Chúng tôi thấy điều 32 của Luật số 34 (Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học) điều gì cũng mở cho đại học tự chủ nhưng ràng buộc là “căn cứ vào quy định pháp luật của các luật hiện hành”. Nhưng các pháp luật hiện hành thì lại chưa cởi trói đồng bộ với Luật số 34″, TS Hoàng Đức Long nói.
Nhận thức rõ về tự chủ đại học và xử lý sai phạm
Tiến sĩ Trần Đình Lý, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Nông lâm TP HCM cho rằng, vướng mắc đầu tiên và có thể xuyên suốt là do chưa thực sự thay đổi về nhận thức, từ đó các trường chưa quyết tâm quyết liệt thực hiện tự chủ. Vẫn còn tình trạng chưa hiểu hết ý nghĩa của việc trường được tự chủ là cả về tổ chức, nhân sự, tài chính, tài sản, đào tạo, hoạt động khoa học công nghệ, đảm bảo chất lượng, hợp tác quốc tế, mà chỉ hiểu đơn thuần là tự chủ tài chính.
Đã đến lúc các trường cần nhìn xa hơn, nghĩ xa hơn rằng: Khi tự chủ đồng nghĩa với sự tự chịu trách nhiệm cao hơn, tất cả các hoạt động sẽ phải cân nhắc hiệu quả, thậm chí đột phá để đổi mới tư duy, không theo lối mòn, không phụ thuộc vào những quy định lỗi thời, bất cập…Bên cạnh đó, do hành lang pháp lý còn nhiều bất cập nên đã có những trường mạnh dạn thực hiện tự chủ và mắc phải sai sót. Với những trường hợp như vậy, cần phải nhìn nhận lại cho đúng, không nên mở rộng ra đề nâng vấn đề, mà phải giải quyết thế nào đề tiếp tục tự chủ đại học tốt nhất.
Tiến sĩ Trần Đình Lý nhìn nhận: “Tự chủ đến thời điểm này chắc chắn là xu thế. Nhưng trong thực tế có một số trường hợp cá biệt có sai sót, có một số khó khăn bất cập, đặc biệt khó khăn về hành lang pháp lý. Tôi đề nghị là các cấp có thẩm quyền khi xử lý trường hợp cá biệt này, trong trường hợp chưa rõ ràng, đúng sai mong manh thì nên hướng theo quan điểm là có lợi cho đối tượng”.
Tự chủ là xu hướng tất yếu của giáo dục đại học nếu muốn phát triển và hội nhập, bởi nếu cứ trông chờ ngân sách thì không thể đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của xã hội, sự đầu tư cho học thuật. Tuy nhiên cũng không nên nghĩ một chiều rằng, tự chủ là chỉ đơn thuần tăng học phí. Tự chủ là để có cơ hội áp dụng các chính sách, cơ chế cho phép nhà trường chủ động tìm nguồn kinh phí, giảm bớt gánh nặng học phí cho người học. Tự chủ đại học cần gắn liền với sự chủ động trong mọi công tác của nhà trường.
Tự chủ đại học đi đôi với tự chịu trách nhiệm, bao gồm trách nhiệm giải trình. Nhà trường chịu trách nhiệm trước hết là với chính mình, sau đó sẽ là trách nhiệm đối với người học và xã hội./.
Tự chủ đại học đặt các trường vào vị trí tự lập, tự vươn lên
Giáo sư Trần Hồng Quân, Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đã phát biểu như vậy tại tọa đàm "Tự chủ đại học và những vướng mắc cần tháo gỡ".
Sáng ngày 12/11, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo - ông Hoàng Minh Sơn, lãnh đạo Vụ Giáo dục đại học và gần 30 cơ sở giáo dục đại học, các chuyên gia về giáo dục trong cả nước đã đến tham dự buổi tọa đàm "Tự chủ đại học và những vướng mắc cần tháo gỡ".
Theo ban tổ chức cuộc tọa đàm, cho đến năm 2014, đã có 23 cơ sở giáo dục đại học trong tổng số hàng trăm các trường đại học, học viện trong cả nước được phép thí điểm tự chủ đại học toàn diện theo nghị quyết của Chính phủ.
Thông qua cơ chế tự chủ đại học, hệ thống giáo dục đại học Việt Nam đã có nhiều chuyển biến rõ nét về nhiều mặt, như: Việc thực hiện tự chủ đã có nhiều đổi mới, bứt phá trong giảng dạy, đào tạo hay nghiên cứu khoa học; các nguồn lực xã hội đầu tư vào giáo dục cũng tăng nhiều hơn; các trường đại học trong và ngoài công lập nâng tầm quản trị, chủ động, sáng tạo và tăng sức cạnh tranh.
Từ thực tế thực hiện thí điểm tự chủ đại học đã nảy sinh ra nhiều vấn đề, đòi hỏi hệ thống pháp lý cần được hoàn thiện.
Toàn cảnh buổi tọa đàm "Tự chủ đại học và những vướng mắc cần tháo gỡ" (ảnh: P.L)
Theo Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa - Nguyên Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, hầu hết các trường tham gia thí điểm tự chủ đều đã có những bứt phá trong đào tạo, nghiên cứu, góp phần tạo ra diện mạo mới cho hệ thống giáo dục đại học Việt Nam.
Thời gian qua, mô hình quản trị đại học đã có những chuyển biến rõ rệt, tăng quyền chủ động và trách nhiệm giải trình của các cơ sở giáo dục đại học trong mọi hoạt động.
Điều 13 của Nghị định 99/2019/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Giáo dục đại học sửa đổi bổ sung đã cụ thể hóa rất chi tiết về quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học về học thuật, hoạt động chuyên môn, tổ chức bộ máy nhân sự, tài chính, tài sản.
Dù chỉ mới thực hiện chưa được một năm, bước đầu thực hiện quyền tự chủ đại học dù đã được luật hóa, nhưng vẫn còn một số vướng mắc.
Tự chủ đại học không chỉ thực hiện theo Luật Giáo dục đại học (sửa đổi), mà còn chịu sự chi phối của các luật khác như Luật tài sản công, Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Công chức viên chức.
Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa đề nghị, thực hiện Luật Giáo dục đại học (sửa đổi) cũng phải sửa đổi, rà soát các luật và quy định dưới luật.
Giáo sư Trần Hồng Quân, Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam (ảnh: P.L)
"Tự chủ đại học cũng phải đi kèm với các điều kiện khác như thành lập Hội đồng trường, phân tách giữa quản lý, quản trị ở trong trường đại học, cần có sự phân cấp, phân quyền giữa nhà trường tự chủ với các đơn vị cơ sở để phát huy năng lực của các đơn vị" - tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa chia sẻ.
Phát biểu tại tọa đàm, Giáo sư Trần Hồng Quân - Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam khẳng định: Tự chủ đại học đối với các nước khác là điều thường thấy, nhưng với chúng ta lại chưa quen.
Cho đến nay, dù chủ trương lớn này đã được đưa vào luật nhưng vẫn không dễ thực hiện, vì còn vướng tư duy, nhiều ràng buộc pháp lý do luật lệ chưa sửa đổi đồng bộ, do vẫn còn quán tính của cơ chế tập trung, quan liêu, bao cấp trước đây.
Giáo dục đại học trong thời gian vừa qua tuy đã đạt được nhiều thành tựu, nhưng không chỉ dừng lại ở đó, giáo dục đại học buộc phải vươn lên.
Theo Giáo sư Trần Hồng Quân, tự chủ đặt cho các trường đại học ở vị trí tự lập, tự vươn lên, không thể ỷ lại vào ngân sách của Nhà nước. Còn nếu ỷ lại, các trường phải chịu sự nghèo nàn thường xuyên.
"Do đó, phải huy động nguồn lực xã hội để tự vươn lên" - Giáo sư Trần Hồng Quân nhấn mạnh.
Tự chủ đại học là một chủ trương canh tân lớn về quản lý, trên cơ bản là đặt niềm tin và giao trọng trách cho cấp dưới, tháo gỡ nhiều ràng buộc trong quản lý, giao nhiều quyền tự quyết cho các trường, tạo một không gian tự do sáng tạo trong hoạt động học thuật, điều hành nhà trường. Đó là một bước dân chủ hóa giáo dục đại học.
Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho biết: Tự chủ đại học sẽ tạo ra động lực tự thân mạnh mẽ cho các trường, từ áp lực phải tự lực để tồn tại, từ áp lực phải chịu trách nhiệm kết quả cuối cùng của hoạt động nhà trường trước Nhà nước, trước xã hội, trước sự đánh giá của thị trường dịch vụ giáo dục.
Động lực đó sẽ tạo ra sức sống mới mạnh mẽ cho lãnh đạo của tất cả các cấp, đội ngũ thầy cô giáo, cán bộ và nhân viên của nhà trường.
Giáo sư Trần Hồng Quân kết luận: Tự chủ đại học được thực hiện trên 4 phương diện là tự chủ học thuật, tự chủ về tài chính, tự chủ về lao động và tự chủ về tổ chức.
Sau khi lắng nghe rất nhiều ý kiến tâm huyết về tự chủ đại học đến từ các cơ sở giáo dục đại học, Phó Giáo sư Hoàng Minh Sơn - Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định, tự chủ đại học là điểm sáng, không chỉ là xu thế mà còn mang lại lợi ích cho giáo dục đại học Việt Nam.
Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, bản chất của tự chủ chính là làm gì để tốt nhất. Tự chủ sẽ giải quyết bài toán tối ưu, trong đó có việc đưa ra quyết định nhanh nhất.
"Tự chủ không phải tự trị, cũng không phải tự lo. Tự chủ mở ra những chính sách thông thoáng, song cũng cần đồng bộ. Muốn thực hiện tự chủ đại học, các trường cần xây dựng hệ thống quản trị nội bộ tốt, phải có mô hình quản trị, trong trường đại học phải phân cấp, nhằm phát huy thế mạnh của từng đơn vị, từng người trong trường"
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị: Hiện nhiều trường có mô hình quản trị rất tốt, trong đó phải kể đến các trường tư thục. Do đó, trong quá trình thực hiện tự chủ thì các trường có thể học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm lẫn nhau.
Tự chủ đại học: Đồng bộ quy định để phát triển Quyền tự chủ đại học được quy định trong Luật Giáo dục đại học sửa đổi (Luật số 34) gồm: Quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình của cơ sở giáo dục đại học. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn (thứ 3 từ trái qua) trao đổi cùng các chuyên gia, nhà nghiên cứu giáo dục tại một tọa đàm về...