TS Trần Nam Dũng: Tôi không ủng hộ việc mở trường chuyên chạy theo số lượng
Dù nhà nước hay tư nhân đầu tư vào trường chuyên thì cũng nên hướng đến mục tiêu chung là định hướng và phát triển toàn diện cho học sinh.
Hầu hết các địa phương hiện nay đều có chính sách đặc thù cho trường chuyên. Nhiều trường chuyên được các địa phương coi là “con cưng”, “trọng điểm” và được đầu tư nguồn kinh phí lớn như chi hàng tỉ đồng mời giáo sư, phó giáo sư về giảng dạy; xây dựng cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm hiện đại bậc nhất…
Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về vấn đề trên, Giáo sư Đinh Quang Báo – nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho biết, khoảng năm 1965, Việt Nam đã có trường chuyên. Mục đích của hệ thống giáo dục này cho đến nay vẫn là phát hiện, đào tạo và bồi dưỡng nhân tài – một việc rất hệ trọng cho sự phát triển của đất nước trong tương lai.
Giáo sư Đinh Quang Báo cho rằng, trong điều kiện ngân sách nhà nước còn hạn hẹp, các trường trung học phổ thông không chuyên cũng như địa phương chưa đáp ứng được các điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên giảng dạy… để đào tạo những nhân tố xuất sắc thì rất cần sự đầu tư có trọng điểm cho trường chuyên.
Giáo sư Đinh Quang Báo – nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. (Ảnh: Xuân Trung)
“Số học sinh trong các trường chuyên chỉ chiếm một phần rất nhỏ so với học sinh đại trà nên phần chi phí đầu tư cao hơn này, tôi nghĩ không đến mức phải gọi là bất bình đẳng. Theo tôi, mỗi tỉnh có một trường chuyên là hợp lý. Trong một tỉnh mà mở quá nhiều trường chuyên thì lại gây lãng phí ngân sách, hiệu quả đào tạo mang lại sẽ không cao”, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội nêu quan điểm.
Theo Giáo sư Đinh Quang Báo, ngoài các khoản chi thường xuyên và chính sách đặc thù cho giáo viên, học sinh trường chuyên thì hàng năm các tỉnh cũng chi số tiền khá lớn để khen thưởng giáo viên và học sinh đoạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế, bởi hầu hết các giải thưởng này thuộc về học sinh trường chuyên.
Chính vì vậy, để giảm bớt gánh nặng ngân sách, các địa phương có thể thu hút nguồn lực xã hội hóa giáo dục, kêu gọi các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, phụ huynh học sinh tham gia đầu tư vào nhà trường, phối hợp trong triển khai các hoạt động giáo dục. Sự chung tay góp sức của toàn xã hội sẽ có ý nghĩa rất lớn đối với cơ sở giáo dục nói riêng và ngành giáo dục nói chung.
“Tôi thấy nếu khối tư nhân đầu tư vào trường chuyên cũng rất đáng hoan nghênh. Trong giáo dục, chúng ta không nên phân biệt công lập hay tư thục, miễn là mô hình đó đáp ứng được mục tiêu đào tạo nhân tài cho đất nước”, Giáo sư Đinh Quang Báo nói.
Video đang HOT
Tiến sĩ Trần Nam Dũng – Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông Năng khiếu (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh). (Ảnh: Mạnh Tùng)
Cũng chia sẻ về vấn đề đầu tư trường chuyên, Tiến sĩ Trần Nam Dũng – Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông Năng khiếu (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, khối tư thục đầu tư vào trường chuyên sẽ có nhiều ưu điểm hơn, tạo nên sự cạnh tranh vì khối tư thục có nguồn lực tài chính, họ có thể làm những điều mà trước đó trường công chưa làm được.
“Trường công lập bị ràng buộc bởi rất nhiều quy định của Sở, Bộ Giáo dục và Đào tạo. Mặc dù những năm gần đây các trường được tăng quyền tự chủ nhưng đi vào thực tế, nhiều trường còn gặp rào cản, khó khăn khi triển khai các kế hoạch xây dựng và phát triển nhà trường. Bởi vậy, khối tư nhân đầu tư vào trường chuyên sẽ rất lợi thế vì họ vận hành theo cơ chế mở.
Theo tôi, tỉnh nào đảm bảo được nguồn đầu vào và điều kiện về nguồn lực, kinh tế thì mới nên triển khai mô hình trường chuyên tư thục. Tôi không ủng hộ việc mở trường chuyên chạy theo số lượng. Thực tế, có những năm trường chuyên tuyển sinh còn không đủ chỉ tiêu”, Tiến sĩ Trần Nam Dũng cho biết thêm.
Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông Năng khiếu (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) cho hay, dù là nhà nước hay tư nhân đầu tư vào trường chuyên thì cũng nên hướng đến mục tiêu chung là định hướng và phát triển toàn diện cho học sinh.
Tương tự, thầy Vũ Khắc Ngọc – giáo viên Hóa học tại hệ thống giáo dục HOCMAI chia sẻ, trường chuyên là một mô hình tổ chức hoạt động dạy học có định hướng bồi dưỡng phát triển tài năng, không nên đặt ra rào cản chỉ có khối công lập hay tư thục mới được phát triển mô hình giáo dục này.
“Nếu cả khối công lập và tư thục cùng đầu tư vào trường chuyên thì sẽ tạo ra sự cộng hưởng tích cực, đồng thời mở ra nhiều cơ hội cho học sinh. Nếu định hướng học tập phù hợp và khả năng tài chính cho phép, các bạn học sinh hoàn toàn có thể lựa chọn học trường chuyên tư thục.
Mặt khác, khi ngân sách của nhà nước, ngân sách địa phương dồn vào đầu tư cho trường chuyên quá nhiều sẽ dẫn đến tình trạng các trường trung học phổ thông khối không chuyên không được quan tâm đúng mức. Khối tư thục mở trường chuyên thì nhà nước cũng sẽ tiết kiệm được nguồn lực và dành ngân sách đó đầu tư cho cơ sở giáo dục khác. Theo đó, những học sinh có điều kiện khó khăn hơn sẽ có cơ hội tiếp cận với môi trường giáo dục chất lượng hơn”, thầy Vũ Khắc Ngọc nói.
Đừng nghĩ Giáo sư, Phó Giáo sư về dạy trường chuyên là lãng phí chất xám
Chỉ cần một vài lĩnh vực chuyên ngành có một vài phó giáo sư về giáo dục cho một trường chuyên sẽ có tầm nhìn chiến lược, để hỗ trợ đồng nghiệp.
Tháng 8/2021, tỉnh Bắc Ninh triển khai thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Ninh. Theo đó là hỗ trợ 1 tỷ đồng mua nhà cho giáo viên là giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ ở ngoài tỉnh Bắc Ninh được tiếp nhận giảng dạy tại trường Trung học phổ thông Chuyên Bắc Ninh, với điều kiện cam kết làm việc lâu dài (ít nhất 10 năm).
Đến đầu tháng 3/2022, tỉnh Hòa Bình ban hành dự thảo có nội dung phát triển trường trung học phổ thông chuyên Hoàng Văn Thụ. Trong đó có chính sách đãi ngộ đối với giáo viên có trình độ Phó Giáo sư, Giáo sư về công tác tại trường chuyên, có cam kết giảng dạy từ 10 năm trở lên được hỗ trợ tiền thu hút với mức 1 tỷ đồng một người.
Việc hỗ trợ đối với phó giáo sư, giáo sư về giảng dạy tại trường chuyên đang là đề tài thu hút sự chú ý của dư luận. Có nhiều ý kiến cho rằng, chính sách trên không phù hợp với thực tế của trường chuyên, vậy đâu là giải pháp phù hợp?
Về vấn đề trên, trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó giáo sư Nguyễn Thị Tính (nguyên Phó hiệu trưởng trường Đại học sư phạm Thái Nguyên) có chia sẻ liên quan đến chính sách này.
Hỗ trợ 1 tỷ đồng thu hút phó giáo sư, giáo sư là việc tốt
Theo Phó giáo sư Nguyễn Thị Tính, việc các địa phương có chính sách hỗ trợ để thu hút phó giáo sư, giáo sư về trường trung học phổ thông chuyên là một việc làm tốt, nhưng không phải cứ có chức danh phó giáo sư, giáo sư đã là tốt cho trường chuyên.
Vấn đề mấu chốt ở đây là đòi hỏi phó giáo sư, giáo sư phải am hiểu về lĩnh vực giáo dục phổ thông và lĩnh vực giảng dạy chuyên môn ở trường phổ thông.
Phó giáo sư Nguyễn Thị Tính phát biểu tại buổi hội thảo được tổ chức vào năm 2019. (Ảnh: Thông tấn xã Việt Nam)
"Phó giáo sư, giáo sư phải có năng lực giảng dạy, đồng thời có khả năng truyền lửa cho học sinh để các em phát triển năng khiếu của mình. Đây là vấn đề rất quan trọng, nếu họ không có được những tiêu chuẩn trên thì dù có danh nhưng chưa chắc đã chất lượng", phó giáo sư Nguyễn Thị Tính cho hay.
Trước quan điểm cho rằng, trường trung học phổ thông chuyên chỉ cần thạc sỹ, tiến sĩ, còn phó giáo sư và giáo sư về giảng dạy thì rất lãng phí "chất xám" thì Phó giáo sư Nguyễn Thị Tính cho rằng không lãng phí, bởi nếu tìm được phó giáo sư, giáo sư thực sự là chuyên gia giáo dục thì rất có ích.
"Tôi cho rằng chỉ cần một vài lĩnh vực chuyên ngành có một vài phó giáo sư về giáo dục cho một trường chuyên có tầm nhìn chiến lược, để hỗ trợ đồng nghiệp. Bởi phó giáo sư không chỉ có giảng dạy trực tiếp học sinh, mà họ phải có sức lan tỏa đối với giáo viên của nhà trường, để họ thường xuyên đổi mới các hoạt động giáo dục và giảng dạy của nhà trường thì mới hiệu quả. Để tìm được những người như này không phải là dễ dàng", phó giáo sư Nguyễn Thị Tính chia sẻ.
Có quan điểm cho rằng việc tỉnh Hòa Bình đưa ra mức hỗ trợ 1 tỷ đồng để thu hút phó giáo sư, giáo sư thì chưa thực là hấp dẫn, bởi họ có thể kiếm được nhiều tiền từ nghiên cứu đề tài khoa học?
Nguyên Phó hiệu trưởng trường Đại học sư phạm Thái Nguyên nhận định, đây không phải là bài toán khó đối với phó giáo sư, giáo sư. Bởi lẽ, nếu họ có tâm huyết với nghề dạy học thì không tính ở mức độ tiền nhiều hay ít, bởi đó là công việc làm thay đổi người khác. Quan điểm về giá trị nghề nghiệp của mỗi người là khác nhau.
Đối với yêu cầu phó giáo sư, giáo sư về công tác tại trường chuyên phải gắn bó với nhà trường 10 năm, phó giáo sư Nguyễn Thị Tính cho rằng, yêu cầu này là phù hợp bởi trong quãng thời gian 10 năm, họ mới có đủ sự lan tỏa đối với người học, đồng nghiệp và nhà trường.
"Nếu thời gian gắn bó là 5 năm thì khi đó phó giáo sư, giáo sư mới tạo ra sức ảnh hưởng mà chuyển đi thì nó không có ý nghĩa", phó giáo sư Nguyễn Thị Tính chia sẻ.
Tự đào tạo tiến sỹ cho địa phương
Việc địa phương hỗ trợ 300 triệu đồng đối với tiến sỹ và 1 tỷ đồng đối với phó giáo sư, giáo sư, thì Phó giáo sư Tính nhận định, nếu như tỉnh Bắc Ninh hay Hòa Bình có thể tìm nguồn giáo viên tại địa phương để đào tạo họ để trở thành lực lượng giáo viên của trường chuyên thì hiệu quả hơn.
"Phó giáo sư chuyên giảng dạy cho đối tượng là sinh viên đại học, sau đại học, do đó nếu họ về trường chuyên thì phải mất một thời gian để làm quen với môi trường học tập, giảng dạy của nhà trường. Vậy tại sao tỉnh Hòa Bình không tìm giáo viên cốt cán của các trường và thu hút về trường chuyên, đào tạo họ thành tiến sỹ", Phó giáo sư Nguyễn Thị Tính nói.
Về việc đào tạo một giáo viên cốt cán trở thành tiến sỹ giảng dạy ở trường chuyên, thì địa phương hỗ trợ giáo viên một khoản tiền khoảng 200-300 triệu đồng, đồng thời định hướng cho họ chuyên nghiên cứu về những lĩnh vực để bồi dưỡng và phát triển nhân tài.
Khi họ đã nghiên cứu sâu về lĩnh vực đó và tốt nghiệp bằng tiến sỹ, thì những tân tiến sỹ này vận dụng kiến thức đó vào việc giảng dạy tại trường chuyên sẽ hiệu quả.
"Tìm nguồn, đào tạo nguồn, đặt hàng và nghiên cứu, sau đó trở lại phục vụ cho trường chuyên, thời gian sẽ mất khoảng 3-4 năm, lâu thì 5 năm là cùng. Địa phương sẽ có được một đội ngũ gắn chặt với nhà trường, tức có cả gốc lẫn ngọn", Phó giáo sư Tính chia sẻ.
'Ôm' giáo sư về trường chuyên: Câu chuyện sản xuất nhỏ Sở GD-ĐT tỉnh Hòa Bình lấy ý kiến về dự thảo tờ trình và nghị quyết của HĐND tỉnh quy định một số chính sách đặc thù đối với trường THPT chuyên. Dự thảo đề xuất hỗ trợ 1 tỷ đồng cho GS, PGS về làm việc tại trường. Trước đề xuất này, nhiều người quan tâm và có những ý kiến khác...