Trường tư Hà Nội bức xúc vì bị buộc tuyển sinh cùng ngày
Sở Giáo dục Hà Nội quy định, các trường tư phải trình UBND quận/huyện duyệt phương án tuyển sinh, tổ chức kiểm tra đánh giá học sinh trong 1-2 ngày.
Trường THCS Lương Thế Vinh năm học 2018-2019 tuyển sinh lớp 6 bằng cách kết hợp xét học bạ tiểu học và kiểm tra hai bài đánh giá năng lực (chi tiết phương án). Phương án đã được UBND quận Cầu Giấy phê duyệt. Từ quy định chỉ được tổ chức kiểm tra đánh giá năng lực vào ngày 29-30/6, trường chọn ngày 29/6.
Hiệu phó Văn Thùy Dương trăn trở khi việc tuyển sinh đầu cấp của các trường có lượng hồ sơ đăng ký gấp nhiều lần chỉ tiêu như Lương Thế Vinh, Đoàn Thị Điểm, Hà Nội – Amsterdam bị “trói” trong 1-2 ngày. Quy định này làm phụ huynh, học sinh mất cơ hội được thử sức và lựa chọn nhiều trường mong muốn.
Các trường tư thục được quy định tổ chức kiểm tra đánh giá học sinh để tuyển sinh vào lớp 6 trong cùng 1-2 ngày. Ảnh: Trường Marie Curie.
“Nếu Sở chỉ quy định về tháng, cho các trường tự ấn định ngày tổ chức kiểm tra đánh giá học sinh thì trường Lương Thế Vinh sẽ chọn một ngày khác với Amsterdam, Marie Curie, Đoàn Thị Điểm… Việc này tạo điều kiện cho phụ huynh, học sinh được dự kỳ kiểm tra của nhiều trường rồi lựa chọn trường phù hợp khi có kết quả. Nếu không đỗ trường tư, trường chất lượng cao, con còn thời gian để đăng ký vào trường đúng tuyến quy định”, bà Dương nói.
THCS Nguyễn Siêu năm nay chỉ tuyển 72 học sinh bên ngoài vào lớp 6. Nhưng sau 4 ngày thông báo, nhà trường phải đóng cửa hệ thống đăng ký online vì số lượng cao gấp 4 lần chỉ tiêu. Trường THCS Đoàn Thị Điểm sau một tuần phát hồ sơ cũng nhận được hơn 1.000 đơn đăng ký vào lớp 6 và chưa dừng lại. Việc các trường dù tuyển ít chỉ tiêu nhưng nhận được số lượng đăng ký lớn, theo Hiệu trưởng THCS Đoàn Thị Điểm – Đặng Quốc Thống, chứng tỏ phụ huynh đã đăng ký nhiều trường khác cho con rồi lựa chọn sau.
“Các nhà quản lý chưa đặt mình trong tâm thế của phụ huynh, học sinh. Trước khi con vào lớp 1, lớp 6, cha mẹ bao giờ cũng tìm trường cho con từ những năm trước. Trong khi đó, Sở Giáo dục lại quy định không cho trường công bố trước phương thức tuyển sinh, gây khó cho nhà trường, phụ huynh”, Hiệu trưởng Trường phổ thông Marie Curie Hà Nội Nguyễn Xuân Khang nói.
Ông Khang phân tích, khi các trường chủ động công bố phương án tuyển sinh sớm, phụ huynh, học sinh sẽ có thời gian dài hơn để cân nhắc chọn trường phù hợp và có hướng ôn tập. Trong khi hầu hết tỉnh thành như TP HCM dành quyền này cho trường ngoài công lập thì Sở Giáo dục Hà Nội lại buộc nhà trường phải làm đề án, lập tờ trình xin UBND quận, huyện phê duyệt. Thời gian tuyển sinh Sở lại ấn định cụ thể từ ngày, tháng đến nội dung kiểm tra.
“Việc các trường tuyển sinh cùng một ngày, một lúc sẽ làm hạn chế nguyện vọng chọn trường của học sinh, phụ huynh. Sở Giáo dục cần linh hoạt hơn, trao quyền tự chủ về phương thức và thời gian tuyển sinh cho trường”, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên và Nhi đồng Ngô Thị Minh đánh giá.
Bà nhấn mạnh, quan điểm của nhà nước là tạo điều kiện để trường tư thục phát triển, kéo học sinh của gia đình có điều kiện vào học, nhằm giảm tải cho hệ thống trường công vốn quá tải.
Tuyển sinh một ngày để giảm áp lực ‘chạy sô’ cho phụ huynh, học sinh
Đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội ngày 4/5 cho biết, trước đây nhiều trường tổ chức thi tuyển sinh vào lớp 1, lớp 6 vào nhiều ngày đã gây ra hiện tượng dạy thêm, học thêm tràn lan; phụ huynh, học sinh mệt mỏi vì chạy sô đi thi. Khâu gọi nhập học của các trường cũng bị xáo trộn do có trường học sinh trúng tuyển vào nhiều cơ sở cùng lúc.
Video đang HOT
Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội khẳng định, học sinh không cần học thêm để làm được bài kiểm tra đánh giá năng lực vào lớp 6 các trường đặc thù.
Để khắc phục hạn chế, giảm áp lực thi cử, tuyển sinh cho phụ huynh, học sinh, đỡ tốn kém cho xã hội và công tác tuyển sinh được trật tự…, Sở Giáo dục ấn định ngày các trường tổ chức kiểm tra, đánh giá học sinh là 29-30/6. Thời gian để học sinh đăng ký vào trường mong muốn từ ngày 26/5 đến 25/6.
“Thời điểm kiểm tra, đánh giá năng lực vào cuối tháng 6 giúp phụ huynh có thêm thời gian tìm hiểu về các trường được kỹ càng, từ đó có lựa chọn chính xác, phù hợp cho con. Một tháng sau khi kết thúc năm học cũ, các nhà trường cũng có đủ thời gian chuẩn bị cơ sở vật chất, thành lập Hội đồng ra đề, coi kiểm tra… và làm tốt nhất các khâu tuyển sinh”, đại diện Sở Giáo dục nói.
Sở Giáo dục khẳng định, nội dung hai bài đánh giá năng lực gồm tổ hợp Toán – Khoa học và bài tổ hợp tiếng Việt – Tiếng Anh – Lịch sử – Địa lý sẽ thuộc chương trình lớp 5 tiểu học, với kiến thức cơ bản. Đề các môn Khoa học, Lịch sử, Địa lý chỉ ở mức độ nhận thức đơn giản.
Ví dụ, câu trắc nghiệm của môn Lịch sử là: Thực dân Pháp nổ súng xâm lược nước ta vào năm nào? A. Năm 1858. B. Năm 1859. C. Năm 1860. D. Năm 1862. Câu trắc nghiệm của môn Khoa học như: Muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết có tên là gì? A. Muỗi vằn. B. Muỗi thường. C. Muỗi a-nô-phen.
“Học sinh không cần học thêm để làm được bài kiểm tra đánh giá năng lực vào lớp 6″, đại diện Sở Giáo dục nói.
Mùa tuyển sinh năm 2018-2019, Hà Nội cởi trói cho 16 trường có số lượng đăng ký cao hơn chỉ tiêu và không tuyển theo tuyến, được tuyển sinh bằng xét tuyển kết hợp kiểm tra đánh giá năng lực. Các trường này gồm: THCS Cầu Giấy; hệ THCS của trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam; Nguyễn Tất Thành; THCS Nam Từ Liêm; THCS Chu Văn An (Thanh Trì); THCS Ngô Sỹ Liên (Chương Mỹ); THCS Nguyễn Huy Tưởng (Đông Anh), THCS Đô Thị Việt Hưng (Long Biên), THCS Trưng Vương (Mê Linh), THCS Sơn Tây, THCS Thanh Xuân.5 trường ngoài công lập cũng được áp dụng phương thức tuyển sinh trên gồm: Marie Curie; Nguyễn Siêu; Đoàn Thị Điểm; Lương Thế Vinh; Lomonoxop.Sở quy định, thí sinh các trường này sẽ phải làm hai bài kiểm tra là bài tổ hợp Khoa học tự nhiên và Toán; bài tổ hợp Khoa học xã hội – tiếng Việt – tiếng Anh. Nội dung kiểm tra thuộc chương trình giáo dục tiểu học, chủ yếu ở lớp 5. Hình thức kiểm tra là trắc nghiệm khách quan kết hợp với tự luận, thời gian làm bài 60 phút. Bài kiểm tra này sẽ đánh giá bốn cấp độ nhận thức của người làm là: nhận biết, thông hiểu, vận dụng cấp độ thấp và vận dụng cấp độ cao.Có hai đợt kiểm tra, đánh giá năng lực vào các trường THCS chất lượng cao, ngoài công lập đông thí sinh đăng ký, đợt một vào ngày 29/6 và đợt hai vào ngày 30/6. Từ ngày 10/7 đến hết 12/7, các trường triển khai tuyển sinh.
Quỳnh Trang
Theo vnexpress.net
Hà Nội tuyển sinh lớp 6: chạy một vòng để về... điểm xuất phát
Sau một số năm cấm thi kiểm tra đầu vào, Hà Nội lại cho các trường tuyển sinh lớp 6 bằng bài thi đánh giá năng lực.
Học sinh lớp 6 trường Nguyễn Tất Thành, Hà Nội trong ngày hội "Chào học sinh lớp 6" đầu năm học mới - Ảnh: CHU HÀ LINH
Quy định mới này áp dụng đối với các trường đặc thù, có vùng tuyển rộng, số đăng ký tuyển sinh nhiều hơn chỉ tiêu.
Cấm để giảm áp lực cho học sinh
Từ năm 2015 trở về trước, tại Hà Nội các trường kể trên thường chủ động lựa chọn hình thức tuyển sinh, có thể xét học bạ, nhưng có thể tổ chức thi các môn Tiếng Việt, Toán. Một số trường xét cả năng lực ngoại ngữ.
Tuy nhiên dư luận xã hội phản ứng việc trẻ tiểu học phải lo luyện thi để đi thi chuyển cấp. Các trường "né" bằng cách thông báo tổ chức tuyển sinh qua việc kiểm tra năng lực theo hình thức tổ chức hoạt động trải nghiệm để đo các kỹ năng của học sinh, hoặc kiểm tra năng lực bằng hình thức phỏng vấn, thuyết trình, làm bài test đo chỉ số IQ, EQ...
Nhưng cả với cách này thì áp lực căng thẳng cũng đè nặng lên học sinh.
Thời điểm đó, có những "bộ đề" kiểm tra chỉ số thông minh được cho là của trường Đoàn Thị Điểm đã thu hút nhiều phụ huynh cho đi luyện thi.
Trước tình trạng bùng phát luyện thi vào các trường đặc thù không chỉ ở Hà Nội mà nhiều tỉnh khác, Bộ GD-ĐT quyết định cấm tổ chức thi kiểm tra vào lớp 6 dưới mọi hình thức.
Các trường trên buộc phải áp dụng tuyển sinh bằng xét hồ sơ, học bạ thì lại có cuộc chạy đua khác nảy sinh.
Rất nhiều cuộc thi ở cấp quận, tỉnh, thành phố được tổ chức: các cuộc thi về thể thao, văn nghệ, thi học sinh giỏi cấp quận, tỉnh, thành phố thi giải Toán, Tiếng Anh qua mạng... Phụ huynh đua nhau cho con đi thi nhưng mục đích chỉ để lấy giải thưởng nhằm tăng điểm cộng trong hồ sơ xét tuyển lớp 6.
Sự biến tướng này khiến Bộ GD-ĐT phải có văn bản thông báo bộ đứng ngoài các cuộc thi và yêu cầu các Sở GD-ĐT chấn chỉnh.
Trong hai năm 2016-2017, Sở GD-ĐT Hà Nội cũng có văn bản thông báo những trường có số lượng đăng kí tuyển sinh cao hơn chỉ tiêu để phụ huynh cân nhắc khi xin cho con vào, song vẫn không ngăn được làn sóng cho học sinh tiểu học đi thi để được cộng điểm tuyển sinh.
Cùng với đó là nhiều tiêu cực phát sinh trong quá trình tuyển sinh bằng xét hồ sơ, học bạ.
Sau ba năm, trong Thông tư 05 sửa đổi bổ sung một số điều trong quy chế tuyển sinh THCS và THPT vừa qua, Bộ GD-ĐT lại "gỡ biển cấm". Theo đó cho phép các địa phương chủ động quyết định phương thức tuyển sinh đối với lớp 6 nhưng đồng thời quy định không cộng điểm từ các cuộc thi văn hóa, thể thao do địa phương tổ chức để tuyển sinh.
Chưa kịp mừng đã lo
Đón trước những thay đổi này, mùa tuyển sinh năm 2018, Hà Nội áp dụng ngay hình thức kiểm tra bằng các bài đánh giá năng lực. Điều này không chỉ khiến phụ huynh lo lắng con bị quá tải mà các trường trong diện phải tổ chức sàng lọc đầu vào cũng rơi vào bị động, lúng túng.
"Nếu đã giao chủ động thì hãy để chúng tôi tự tổ chức cách thức kiểm tra đánh giá năng lực. Chúng tôi xây dựng phương án tuyển sinh và trình thành phố phê duyệt chứ không tự ý làm.
Nhưng việc áp đặt cứng phương thức kiểm tra với các bài thi có liên quan tới hầu hết các môn học ở tiểu học, tôi thấy không phù hợp. Chưa kể thành phố lại quy định cứng phải tổ chức trong hai ngày đồng loạt gây khó khăn cho các trường", một hiệu trưởng trường THCS bức xúc.
Theo vị hiệu trưởng này thì học sinh tiểu học vẫn quá nhỏ để phải vượt qua một kỳ kiểm tra chưa hề được tập dượt. Nhất là khi ở tiểu học, học sinh được học nhẹ nhàng với cách đánh giá "nhận xét, không cho điểm", việc phải tham gia kỳ thi sẽ khiến các cháu bé phải chạy đua luyện thi trong một khoảng thời gian ngắn.
Cũng do lần đầu tiên áp dụng bài kiểm tra năng lực với đối tượng chuyển cấp từ tiểu học lên THCS nên hiện không có đề thi minh họa, không có hướng dẫn ôn tập. Thay vì chỉ ôn tập Toán, Tiếng Việt, Tiếng Anh, học sinh phải học cả các môn Khoa học, Lịch sử và Địa lý. Học sinh cũng chưa được tập dượt, làm quen với cách làm bài trắc nghiệm.
Rất nhiều phụ huynh có con học lớp 5 tỏ ra lo lắng khi đặt mục tiêu cho con dự tuyển vào các trường có kiểm tra năng lực. Gần như học sinh nào trong diện này cũng đều phải đi học thêm ít nhất 1-2 ca ở ngoài trường, mặc dù vẫn phải học 2 buổi/ngày ở trường.
Trao đổi về phương thức tuyển sinh mới này, ông Phạm Quốc Toản - phó phòng Quản lý thi và kiểm định chất lượng giáo dục, Sở GD-ĐT Hà Nội, nói quy định về bài thi đánh giá năng lực nhằm đảm bảo học sinh học toàn diện ở bậc học dưới, tương tự với phương thức tuyển sinh vào lớp 10 với bài thi tổ hợp sẽ thực hiện năm học sau của Hà Nội.
Tuy nhiên, đại diện Sở GD-ĐT Hà Nội vẫn nhấn mạnh rằng các trường không nhất thiết phải tổ chức bài thi đánh giá năng lực mà vẫn có thể áp dụng hình thức xét hồ sơ, học bạ.
Trước đó, một số trường đã dự kiến phương thức tuyển sinh. Cụ thể trường THPT Nguyễn Siêu dự kiến tuyển sinh lớp 6 bằng xét hồ sơ và đánh giá qua buổi trải nghiệm "một ngày là học sinh THCS".
Đại diện trường này cho rằng đây là cách đánh giá nhẹ nhàng, không gây áp lực cho trẻ nhưng có thể sử dụng kết quả là căn cứ để sàng lọc. Tuy nhiên cách làm này không nằm trong quy định chung của thành phố năm nay với các trường quyết định phương thức xét kết hợp kiểm tra năng lực.
Theo tuoitre.vn
Hà Nội giải thích lý do đưa bài thi tổ hợp vào tuyển sinh lớp 10 Ngày 10/4, Sở Giáo dục Hà Nội tổ chức buổi thông tin về công tác tuyển sinh đầu cấp năm học 2018-2019 và dự kiến phương án tuyển sinh năm học 2019-2020. Ngày 10/4, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tổ chức buổi thông tin về công tác tuyển sinh đầu cấp năm học 2018-2019 và dự kiến phương án tuyển...