Trường ngoại thành Hà Nội hân hoan đón học sinh lớp 1
Sáng 21/8, Trường Tiểu học Yên Thường (Gia Lâm, Hà Nội) đã tổ chức chương trình đón học sinh lớp 1 trong không khí hân hoan, phấn khởi.
Trẻ lớp 1 Trường Tiểu học Yên Thường hân hoan trong ngày tựu trường để chào năm học mới.
Theo ghi nhận, sáng sớm 21/8, mưa lất phất nhưng rất đông phụ huynh đã đưa con tới trường để dự lễ chào đón học sinh lớp 1 với tâm trạng hân hoan, phấn khởi và tràn đầy háo hức.
Cô Lê Thị Hà – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Yên Thường cho biết, năm học này nhà trường đón 182 học sinh vào học lớp 1. Toàn trường có trên 1.000 học sinh được chia làm 28 lớp; tổng số cán bộ, giáo viên, nhân viên là 52 người. Tính đến nay, mọi công tác chuẩn bị từ cơ sở vật chất đến đội ngũ giáo viên đã được nhà trường hoàn tất để sẵn sàng đón năm học mới.
Cơ sở vật chất của trường bảo đảm cho học sinh học 2 buổi/ngày. Các phòng học có đầy đủ máy chiếu, máy tính phục vụ dạy và học. Thư viện đạt chuẩn, có đủ bàn ghế, sách tham khảo theo quy định; Có phòng đọc và tổ chức cho các em đọc sách theo thời khóa biểu.
Chị Nguyễn Thị Thanh – phụ huynh có con vào lớp 1 của trường chia sẻ, dù có phần lấn cấn khi thấy trời mưa từ đêm nhưng sáng nay vẫn cho con đến trường. Chị cảm thấy vô cùng bất ngờ bởi cách tổ chức của nhà trường. Ngay từ cổng, các em đã được một số nhân vật hoạt hình chào đón và được xem ảo thuật. Vào lớp, các em được cô giáo động viên, tạo sự thân thiện và dễ làm quen nhau.
“Những khuôn mặt non nớt, ngây thơ còn rụt rè, bỡ ngỡ của các em được thay bằng những nụ cười hồn nhiên và khuôn mặt rạng rỡ khi được các cô giáo chào đón trong khung cảnh sư phạm, lớp học được trang trí nhiều màu sắc khiến trẻ vô cùng phấn khích”, cô Lê Hà nói.
Một số hình ảnh được ghi nhận tại chương trình:
Cô Hiệu trưởng Lê Thị Hà chụp ảnh cùng các tân học sinh lớp 1 năm học 2022-2023.
Video đang HOT
Các cô giáo chủ nhiệm khối 1 lên nhận lớp.
Khoảnh khắc cô trò cùng bên nhau để bắt đầu một hành trình mới.
Trong lớp, các cô giáo và phụ huynh đã chuẩn bị những món quà nhỏ để cô trò cùng liên hoan nhân ngày tựu trường.
Những cô cậu “Khỉ vàng” sinh năm 2016 đã sẵn sàng bước vào lớp 1 với niềm hân hoan.
Nhiều vị phụ huynh vào lớp học, cùng chung vui, động viên con bước vào lớp 1.
Theo cô Lê Thị Hà, trong năm học tới, nhà trường sẽ: Tăng cường kỷ cương, tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục, dạy học tích cực để học sinh có kết quả đúng thực chất; Giáo dục các em ý thức chăm ngoan, lễ phép, thật thà; Tiếp tục thực hiện chăm sóc bán trú chu đáo; Tạo môi trường lành mạnh, văn minh cho học sinh; Kiên quyết nói không với tiêu cực trong nhà trường; Thực hiện nghiêm túc các khoản thu theo quy định…
Hà Nội: Các trường THPT đã chuẩn bị gì cho việc dạy chương trình mới?
Mặc dù đã có thời gian dài nghiên cứu, chuẩn bị nhưng khi triển khai Chương trình GDPT 2018, các trường vẫn phải loay hoay tự tìm phương pháp cho mình.
Chỉ còn ít ngày nữa năm học 2022-2023 sẽ chính thức bắt đầu, chưa kịp mừng khi kết thúc thời gian dài giảng dạy trực tuyến, các trường đã phải nhanh chóng bắt tay vào triển khai Chương trình GDPT mới cho năm học này.
Ở khối THPT, thời điểm hiện tại, học sinh đầu cấp đang gấp rút hoàn tất các công đoạn lựa chọn môn học bắt buộc và môn học tự chọn. Phía nhà trường ngoài việc định hướng cho học sinh, cũng phải tiến hành tập huấn, xây dựng bài giảng đáp ứng yêu cầu của chương trình mới.
Các em học sinh khối 10 năm nay được lựa chọn 4 môn học trong 9 môn học gồm Địa lý; Giáo dục kinh tế và pháp luật; Vật lý; Hóa học; Sinh học; Công nghệ; Tin học; Âm nhạc; Mỹ thuật. Lựa chọn môn học như thế nào cho phù hợp là điều phụ huynh, học sinh quan tâm.
Khó khăn trong xây dựng tổ hợp môn.
Trao đổi với Người Đưa tin, ông Nguyễn Văn Dũng, Hiệu trưởng trường THPT Hoài Đức A, Hoài Đức cho biết: "Trên cơ sở nguyện vọng của học sinh và tổ hợp của nhà trường đưa ra đến thời điểm hiện tại chúng tôi cơ bản đã sắp xếp xong từng môn lựa chọn và bắt buộc".
Để đảm bảo nhân sự, điều kiện giảng dạy, nhà trường vẫn xây dựng những tổ hợp dựa trên việc phân ban các khối tự nhiên và xã hội như chương trình cũ. Tuy nhiên, khi thực hiện cũng gặp khó khăn trong việc bố trí giáo viên, và chỉ có thể cố gắng điều tiết để đảm bảo phù hợp.
Về việc thực hiện giảng dạy đối với lớp 10 năm nay, ông Dũng chia sẻ: "Trên cơ sở tập huấn nội dung sách giáo khoa, tập huấn của Sở GD&ĐT, chúng tôi tập trung chủ yếu tập trung vào đổi mới phương pháp dạy học, thay đổi nhiều trong tổ chức dạy học và mục đích đào tạo, riêng về kiến thức cơ bản không thay đổi gì nhiều".
Để mang lại kết quả, thầy Dũng cũng cho rằng cần thực hiện phương pháp giảng dạy phù hợp với chương trình mới, thích hợp với từng môn, từng bài và cần đảm bảo tính chủ động của học sinh.
Tự tìm phương án cho mình
Ở chiều ngược lại năm học này nhiều trường vẫn gặp khó khăn trong việc chọn tổ hợp, xếp lớp cho học sinh. Có điểm đầu vào ở mức thấp, một số tổ hợp không đủ lượng học sinh đăng ký, trường THPT Minh Khai, Quốc Oai đã phải có những tính toán để phù hợp với thực tế.
Bà Trần Thị Thủy, Hiệu trưởng trường THPT Minh Khai, Quốc Oai chia sẻ: "Ngay sau khi có những thay đổi về môn Lịch sử, nhà trường cũng đã nhanh chóng triển khai việc xây dựng tổ hợp môn.
Tuy nhiên, trường chúng tôi khác với các trường điểm trúng tuyển cao, việc cho học sinh đăng ký theo khối dự thi đại học không thành công vì có những khối chỉ được 5 hoặc 25 em đăng ký như vậy không đủ để xếp lớp".
Phía nhà trường đã phải quay về với cách chia cũ, định hướng theo hai ban Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội, "Chưa biết sau 3 năm các con sẽ thi tốt nghiệp như thế nào, chúng tôi phải định hướng theo chương trình cũ, các lớp theo ban tự nhiên sẽ gồm những môn Lý, Hóa, Sinh; khối xã hội gồm Sử, Địa, GDCD. Đây sẽ là những môn cơ bản để phù hợp thi tốt nghiệp sau này của học sinh", bà Thủy bày tỏ.
Nhưng giải pháp này cũng dẫn đến việc học sinh sẽ học lệch, chuyên về một khối, các khối A, khối B sẽ rất ít học sinh và đa phần các em đều theo ban xã hội.
Cần có những tính toán kỹ lưỡng trong triển khai Chương trình GDPT 2018.
Song song với lựa chọn tổ hợp, để đảm bảo công tác giảng dạy cho năm học mới, nhà trường cũng đã tiến hành công tác tập huấn, xây dựng kế hoạch bài giảng, làm bài giảng mẫu theo tổ nhóm.
Chia sẻ thêm về nhân sự, bà Thủy bày tỏ: "Hiện tại còn lớp 11, 12 theo chương trình cũ vì vậy vẫn chưa quá xáo trộn về mặt bằng nhân sự, không thừa thiếu cục bộ, những môn thừa giáo viên sẽ được xếp sang giải dạy môn trải nghiệm hoặc Giáo dục địa phương".
Trước những thay đổi của chương trình lớp 10 năm nay, các trường cần có những lưu ý gì trong phương pháp giảng dạy và thực hiện, chia sẻ với Người Đưa tin, ông Hà Xuân Nhâm, Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết:
"Để đảm bảo hiệu quả thực hiện Chương trình GDPT 2018, các trường cần hiểu rõ nội dung Thông tư 32 của Bộ GD&ĐT và các văn bản hướng dẫn sửa đổi để xây dựng kế hoạch giáo dục cho năm học mới.
Ngoài ra phải đổi mới kiểm tra, đánh giá, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, giảng dạy. Tập trung đầu tư cơ sở vật chất và nhân lực để thực hiện kế hoạch giáo dục, ưu tiên tối đa cho khối lớp 10".
Hà Nội: Khắc phục học trái tuyến nhờ tuyển sinh trực tuyến Hà Nội thực hiện tuyển sinh đầu cấp trực tuyến vào mầm non, lớp 1, lớp 6 với tỉ lệ hồ sơ đăng ký trực tuyến của cả 3 cấp (năm 2021 đạt trên 89%). Báo cáo của UBND thành phố về kết quả triển khai công tác chuyển đổi số 6 tháng đầu năm trên địa bàn trong lĩnh vực giáo dục,...