Trường mầm non có 5 thầy giáo dạy trẻ
Chuyện thầy dạy trẻ xưa nay không phải là hiếm, nhưng cũng không có nhiều người biết về những người “bố hiền”. Ấy thế mà giữa đại ngàn heo hút nơi Trường Mầm non Thanh Quân, huyện Như Xuân (Thanh Hóa) có tới 5 thầy giáo dạy những học trò độ tuổi bi bô chưa tròn chữ.
Cái duyên đến với trẻ
Có dịp ngược vùng cao vào một ngày giữa tháng 11, ghé thăm Trường Mầm non Thanh Quân, chúng tôi mới thật ngỡ ngàng khi thấy nơi đây ngoài các cô giáo, còn có cả những thầy giáo đứng lớp. Lũ trẻ với hơn chục cháu nhao nhao đòi làm nũng, thầy giáo với mái tóc điểm vài sợi bạc nhẹ nhàng ân cần như người mẹ dỗ dành đàn con thơ.
Trường Mầm non Thanh Quân hiện có 320 học sinh, 31 giáo viên trong đó có tới 5 thầy giáo dạy trẻ là các thầy Vi Văn Hướng, Vi Văn Dương, Hoàng Thanh Tình, Vi Văn Tiến và Lương Văn Cường. Các thầy đều là những người đầu tiên đặt nền móng cho ngôi trường mầm non Thanh Quân này.
Thanh Quân là một xã rộng với 12 thôn bản, có hai thôn xa nhất là làng Trung và Thống nhất, thầy Dương và thầy Cường ngày ngày vẫn phải vượt rừng băng suối 4, 5 cây số đến hai khu lẻ này để dạy cho những “đứa con thơ” của mình. Chứng kiến những trái tim người thầy giáo đang thầm lặng, miệt mài gieo chữ, ươm những mầm non cho đất nước mà thấy ấm lòng hơn giữa cái lạnh đầu đông nơi miền sơn cước.
Thầy Hoàng Thanh Tình và thầy Vi Văn Tiến đang cho các cháu tập hát.
Những thầy giáo mầm non ở đây đến với nghề cũng bởi cái duyên, rồi từ cái duyên, họ gắn bó cuộc đời với nghề với những đứa trẻ quê nghèo. Ngày ấy, cách đây hơn 15 năm, Thanh Quân là vùng đất cằn cỗi, người dân ở đây chăm lo “cái bụng” chứ không lo học chữ. Thế rồi cán bộ vào làng động viên con em nhà nào học hết lớp 10 thì cho đi học Sư phạm để mang chữ về cho dân bản. Con gái ở làng lớn lên theo cha mẹ lên nương rẫy rồi lấy chồng, thanh niên làng theo học hết lớp 10 vô cùng hiếm. Các thầy là những người may mắn đủ điều kiện để học lên Sư phạm.
Mặc dù chọn cho mình ngành Sư phạm Mầm non nhưng các thầy đều khẳng định ngày ấy vẫn chưa cắt nghĩa được học “Sư phạm Mầm non” ra để làm gì. Thầy Hoàng Thanh Tình chia sẻ: “Ngày đó cùng không hiểu sao mình chọn ngành Sư phạm mầm non để học nữa, đến lúc vào học mới biết sau này mình sẽ làm nghề trông trẻ. Lúc đầu cũng ngại lắm, nhất là cái khâu múa hát, hay dỗ dành lũ nhỏ. Sau đó thấy các cô làm thì mình cũng làm theo, dần dần thấy yêu nghề, yêu sự ngây thơ của chúng lắm. Ngày nào không đi dạy, không nghe chúng nó làm nũng lại thấy nhớ nhớ”.
Video đang HOT
Những cử chỉ ân cần của các thầy không kém gì các cô.
Cũng đôi lần các thầy nản vì điều kiện lúc đó khó khăn, “miếng cơm manh áo” nhiều lúc cũng khiến các thầy suýt bỏ nghề nhưng rồi được sự động viên của bà con, của gia đình và hơn hết là tình thương trẻ lại như níu bước chân của những “ông bố hiền” này.
Buồn vui chuyện nghề
Chuyện các thầy kể đến đầu tiên trong nghề đó là việc bắt đầu đứng lớp, thầy phải múa, phải hát, phải kể chuyện với cái giọng truyền cảm để các cháu học theo. Nhưng các thầy lúc đầu thì tay chân cứng cáp nên việc múa dẻo, kể chuyện dễ thương cho các cháu cũng thật là khó. Dạy trẻ mầm non có những khó khăn đặc thù nhưng dạy trẻ mầm non cho trẻ vùng cao còn khó hơn nhiều, một câu tiếng Kinh bẻ đôi các cháu cũng không biết, trong khi dạy, thầy không được phép nói tiếng bản địa. Thế là thầy phải một lúc dùng hai thứ tiếng mới dạy được học trò.
Cái khó khăn tiếp nữa là ngày đó, Thanh Quân vẫn chưa có trường lớp, các thầy phải mượn tạm gầm nhà sàn của các hộ dân hay dựng lên những căn nhà tranh vách nứa rồi đến từng gia đình vận động các cháu đến lớp học. Không những thế, đường đất đi lại khó, khe suối, lầy lội, xe đạp cũng không thể đi được nên các thầy đành phải quần xắn qua gối, xách dép đi bộ hàng chục cây số để đến lớp với học trò.
Cũng những năm tháng ấy, lương giáo viên chỉ là 1kg gạo/tháng, nhưng tận 6 tháng mới được nhận một lần. Điều kiện lúc đó đã khó khăn, lại cộng thêm việc dạy những đứa trẻ mầm non như múa hát, tô vẽ… lại càng làm cho nghề dạy trẻ mầm non đối với các thầy gian nan hơn.
Không những thế, khi đã lựa chọn cho mình cái nghề đáng ra là của phụ nữ, các thầy thật thà tâm sự rằng mỗi khi đi đâu hay gặp gỡ bạn bè họ đôi lúc rất ngại cho biết mình làm nghề gì. Ngay cả đến bây giờ khi vô tình bắt gặp ánh mắt chúng tôi nhìn các thầy trong giờ dạy, các thầy vẫn tỏ ra bẽn lẽn pha chút thẹn thùng. Nhưng khi chia sẻ về công việc của mình, các thầy đều khẳng định: cho đên bây giờ, sau hơn 16 năm gắn bó với lũ trẻ bi bô chưa tròn chữ, họ yêu nghề và yêu trẻ hơn bao giờ hết.
Thầy Vi Văn Hướng tâm sự: “Làm nghề này phải biết kiên trì, không cho phép mình nóng nảy, từ ngày làm cái nghề này tính mình nhuần hẳn, mình yêu cái nét đáng yêu, ngây thơ của những đứa trẻ. Có những câu nói của chúng làm mình cứ nhớ mãi như: thầy thương bạn ấy hơn thương con”. Nói rồi thầy Hướng cười bảo: “Ngoài 40 tuổi rồi nhưng mình vẫn trẻ được như bây giờ là nhờ lũ nhỏ”.
Niềm vui mỗi ngày của thầy Hướng là được đến trường với lũ nhỏ.
Cô Trịnh Thị Hồng – hiệu phó Trường Mầm non Thanh Quân cho biết: “Trường có một chút đặc biệt đó là trong khi các trường mầm non thường toàn các cô thì ở trường mình có tới 5 thầy. Có các thầy phong trào của trường cũng sôi nổi và vui vẻ hẳn. Những khi có công việc nặng nhọc hay như dạy những điểm lẻ thì các thầy đểu xung phong xông xáo gánh vác đỡ cho các cô. Mặc dù về chuyên môn đối với trẻ mầm non, các thầy nhiều thứ còn chưa được bằng các cô nhưng xét một cách toàn diện, các thầy cũng đã làm rất tốt, các cháu học sinh bây giờ lại thích học với thầy nhiều hơn, vì thầy hay sáng tạo ra nhiều đồ chơi”.
“Hàng năm, các thầy cũng luôn đạt thành tích như lao động xuất sắc, sáng kiến kinh nghiệm hay giáo viên có thành tích cấp cơ sở…”, cô Hồng cho biết thêm.
Gắn bó với nghề như một cái duyên rồi cũng từ cái duyên, trái tim yêu lũ học trò bé nhỏ ngây thơ đã “cột chặt” cuộc đời các thầy với cái nghiệp trồng người. Cho đến bây giờ cũng đã hơn 16 năm, những người thầy nơi đại ngàn heo hút ấy vẫn cần mẫn miệt mài ươm những chồi non tương lai…
Nguyễn Thùy – Duy Tuyên
Theo dân trí
Những nữ giáo viên vượt khó trồng người
Sáng 9/11, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân gặp mặt, biểu dương 128 nữ nhà giáo tiêu biểu đang công tác tại vùng biên giới, hải đảo, vùng cao, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Theo Phó Thủ tướng, các cô giáo chính là những tấm gương tiêu biểu cho tinh thần vượt khó của ngành giáo dục cả nước.
Đồng thời, Phó Thủ tướng mong muốn mỗi thầy cô giáo chính là một chiến sĩ trên mặt trận trồng người, trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giáo dục - đào tạo của nước nhà.
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân biểu dương những đóng góp to lớn của 128 nữ nhà giáo đang công tác tại biên giới hải đảo, vùng cao, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn trên mọi miền Tổ quốc.
Vượt khó trồng người
Đó là câu chuyện của cô giáo Hà Thị Hằng, Trường THPT Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên về những năm tháng vừa vào nghề còn rất thiếu thốn, đói nghèo, cơm chưa đủ ăn, áo chưa đủ mặc. Điều kiện giảng dạy và học tập là nhà tranh rách nát.
Học sinh hầu hết đều ở xa trường, có em từ nhà tới trường khoảng hơn 20km, với điều kiện sinh hoạt hết sức kham khổ. Ngoài mấy bơ gạo cùng khoai sắn và một ít rau nhà, gần như rất ít khi cô có nổi tiền mua mắm, mỡ, mì chính, đặc biệt thịt cá không bao giờ có trong bữa ăn.
Còn cô giáo Sái Thị Hạnh, Trường Tiểu học Yên Lâm I (Yên Lâm, Hàn Yên, Tuyên Quang) với đã có 34 năm công tác giảng dạy. Vẹn nguyên trong kí ức không thể quên những ngày đầu tiên gây trường, mở lớp.
"Làm sao quên được những tháng ngày nhà tạm gió rét, rồi cả những đêm đông lạnh lẽo, những trang giáo án hiện lên dưới ánh đèn tù mù"- Cô Hạnh chia sẻ.
Đó còn là câu chuyện cảm động của nữ nhà giáo Nguyễn Thanh Thêm, Hiệu trưởng trường Mẫu giáo Đất Mũi (huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau), đã làm đơn tình nguyện xin lãnh đạo Phòng GD&ĐT về Đất Mũi mở trường mẫu giáo.
Khi đó, cô giáo Thêm về xóm Mũi dạy học với hai bàn tay trắng, xin chính quyền xã 23 mét vuông mở phòng học. Sau đó vận động được 24 trẻ tới lớp, cô mừng phát khóc.
"Hàng năm, cứ vào khoảng tháng 10 đến tháng 12, thủy triều dâng ngập lớp học đem theo lớp phù sa kèm các loại rác trôi nổi bập bềnh, đầy những con rắn nước và một số côn trùng.
Phải chờ cho nước rút, tôi mới nhanh chóng quét dọn, lau chùi. chờ khô bàn ghế cô trò mới học được. Do địa hình kênh rạch chằng chịt, giao thông đi lại chủ yếu bằng đường thủy, khó khăn, nên đèn thắp sáng không có, tôi phải thắp bằng đèn dầu để soạn bài trong khi gió biển cứ ào ào thổi"- cô Thêm chia sẻ.
Theo tiền phong
"Ép" trẻ mầm non học tiếng Anh: "Núp bóng" tự nguyện "Trẻ mầm non đang phát triển tâm sinh lý, tiếng mẹ đẻ còn chưa thông, tại sao lại mang trẻ ra làm vật thí nghiệm để dạy thêm cả tiếng Anh?", đó là bức xúc của một số phụ huynh có con đang theo học tại Trường Mầm non tư thục Ngọc Trạo (TX.Bỉm Sơn, Thanh Hóa). Hiện nay, không chỉ tại các...