Trường mầm non quốc tế giá cao dạy “chui” cả năm trời
Nhận giữ và dạy trẻ mầm non gần 1 năm nay nhưng thật bất ngờ trường mầm non quốc tế Maple Bear Canada tại TPHCM chưa được cơ quan chức năng cấp giấy đăng ký hoạt động trong lĩnh vực giáo dục mầm non.
Dạy trước, xin phép sau
Tại TPHCM, Maple Bear Canada chiêu sinh và dạy trẻ ở 2 cơ sở: là tầng 2 Trung tâm thương mại Lotte Mart (số 469 Nguyễn Hữu Thọ, Q.7) và cơ sở 2 ở tầng 2 tòa nhà Flemington ( số 182 Lê Đại Hành, Q.11). Thực tế là đến ngày 29/5/12, Sở GD-ĐT TPHCM mới cấp phép hoạt động trong lĩnh vực giáo dục mầm non cho cơ sở tại tòa nhà Flemington (Q.11). Thế nhưng khi liên hệ đến cơ sở này thì nhân viên ở đây khẳng định trường đã nhận dạy tại đây từ tháng 8 năm 2011.
Trong khi đó, mặc dù không hề được cấp phép hoạt động giảng dạy nhưng Maple Bear Canada tại cơ sở quận 7 vẫn ngang nhiên chiêu sinh học kỳ hè. Trong vai phụ huynh tìm chỗ học cho con, chúng tôi được nhân viên tại cơ sở này tư vấn rằng năm học 2011 – 2012 đã kết thúc, tuy nhiên có thể đăng ký cho con học ngay học kỳ 4 với 45 ngày hè.
Chưa hề được cấp phép nhưng Maple Bear Canada tại tầng 2, trung tâm mua sắm Lotte Mart (Q.7, TPHCM) đã hoạt động từ tháng 8 năm ngoái (Ảnh của Maple Bear Canada)
Nhân viên này niềm nở quảng cáo rằng: Trường có 2 chương trình là Chương trình toàn cầu sử dụng bản quyền của tổ chức giáo dục Maple Bear Canada thiết kế riêng cho chương trình giáo dục mầm non, ngôn ngữ giảng dạy bằng tiếng Anh, được giáo viên bản ngữ giảng dạy kèm theo là giáo viên Việt Nam trợ giảng. Thứ 2 là chương trình Hội nhập được giảng dạy bằng song ngữ Anh- Việt, giúp trẻ quen dần việc sử dụng tiếng Anh và tiếng Việt thông thạo. Học theo chương trình này, thì trẻ có một nửa ngày theo chương trình thiết kế riêng của Maple Bear bằng tiếng Anh do giáo viên người Canada hướng dẫn và một nửa ngày còn lại trẻ được học chương trình và tài liệu của Bộ GD-ĐT Việt Nam với sự hướng dẫn của giáo viên mầm non.
Nếu học khóa hè này thì học phí chương trình Toàn cầu là 28.430.000 đ/khóa (cả ngày) và 21.850.000 đ(nửa ngày), còn chương trình Hội nhập là 22.190.000 đ/khóa (cả ngày) và 19.750.000 đ/khóa (nửa ngày). Không chỉ thế, nhân viên tư vấn cho biết thêm khi nhập học phu huynh phải đóng thêm một số khoản khác. Cụ thể như phí nhập học là 6.300.000 đ phí xây dựng 8.400.000 đ(đóng 1 lần cho suốt quá trình học) phí bảo hiểm tai nạn 950.000 đ/năm (nếu chưa có), đồ dùng học tập 950.000 đ nếu đón trẻ muộn thì phí trông là 100.000 đ/giờ. Học phí có thể đóng muộn nhưng quá hạn tối đa là 30 ngày, lãi suất đóng trễ là 0.1%/ngày trên tổng số tiền học phí cho mỗi ngày quá hạn.
Các phòng học khép kín thiếu ánh sáng tự nhiên tại cơ sở học ở quận 7 (ảnh chụp vào đầu tháng 6/2012)
Ông Văn Công Sang, Trưởng Phòng Tổ chức – Cán bộ Sở GD-ĐT TPHCM, đơn vị thẩm định cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt đồng cho việc trường mầm non quốc tế Maple Bear Canada tỏ ra bất ngờ khi biết trường này đã hoạt động tại địa điểm tầng 2 trung tâm mua sắm Lotte Mart (Q.7). Ông Sang cho biết xét giấy đăng ký hoạt động của Công ty TNHH CitySmart Việt Nam ngày 16/4/2012, sau khi thẩm định đủ điều kiện thì phía Sở GD-ĐT TP đã cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động cho trường mầm non quốc tế Maple Bear Canada (giấy chứng nhận đầu tư số 411023000385 chứng nhận lần đầu ngày 15/11/2010, chứng nhận thay đổi lần 2 ngày 14/11/2011 của UBND TPHCM) tại tầng 2 tòa nhà Flemington(số 182 Lê Đại Hành, P.15, Q.11) vào ngày 29/5/2012. Theo nội dung đăng ký thì ông Thomas Justin Tie Qiao Chan, tổng giám đốc Công ty TNHH CitySmart Việt Nam là người đại diện pháp luật cho trường Maple Bear Canada, còn hiệu trưởng là bà Nguyễn Thị Thu Trâm.
“Chúng tôi chỉ mới cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động cho cơ sở tại địa chỉ trên nên các cơ sở khác hoạt động là không đúng, chúng tôi sẽ nhanh chóng thanh tra cơ sở này”, ông Sang cho biết.Cũng theo một chuyên viên của phòng Tổ chức – Cán bộ Sở GD-ĐT TPHCM thì trường này cũng đang xin mở một chi nhánh dạy mầm non ở tầng 2, cao ốc Horizon (214, Trần Quang Khải, P. Tân Định, Q.1). Như vậy, Maple Bear Canada hoàn toàn không có tư cách pháp nhân để hoạt động tại địa điểm ở quận 7.
Xin phép một đằng, dạy một nẻo
Không những tự hoạt động “chui”, Maple Bear Canada còn tự tiện dạy chương trình vượt cấp mà cơ sở này được cấp phép. Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động của Sở GD-ĐT TPHCM ký ngày 29/5/2012 cho trường mầm non quốc tế Maple Bear tại tòa nhà Flemington (Q.11) có nêu rõ: Chương trình giảng dạy là chương trình giáo dục mầm non Maple Bear của Canada. Đối tượng tuyển sinh là học sinh người nước ngoài và con em Việt kiều đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam.
Được cấp phép là vậy thế nhưng, cả 2 cơ sở ở quận 7 và quận 11 của trường đều tuyển sinh cả học sinh người Việt, thậm chí các nhân viên tư vấn của trường còn khẳng định hiện tại đã có nhiều học sinh người Việt học tại đây. Không những thế, chương trình đào tạo khi đăng ký hoạt động là dạy chương trình quốc tế của Canada nhưng trường này vẫn ngang nhiên thông báo giảng dạy cả chương trình trong nước của Bộ GD-ĐT.
Video đang HOT
Khu vực vui chơi cho trẻ chỉ khiêm tốn thế này (Ảnh của Maple Bear Canada tại địa điểm ở Q.7)
Theo một chuyên viên phòng Tổ chức – Cán bộ Sở GD-ĐT TPHCM thì việc trường tuyển sinh của học sinh người Việt và giảng dạy chương trình trong nước là vượt quá chức năng đăng ký hoạt động. Chưa kể, quảng cáo là có giáo viên bản ngữ dạy nhưng thực tế trong danh sách giáo viên đăng ký giảng dạy tại cơ sở tòa nhà Flemington thì tất cả chỉ có8 người và đều là giáo viên người Việt.
Với mức học phí lên đến hơn 120 triệu đồng/năm học nhưng địa điểm dạy và giữ trẻ lại được thuê mướn trên những tòa cao ốc kín, thiếu sân chơi có mảng xanh và ánh nắng trời cho trẻ hoạt động. Cả 2 địa điểm của trường đều nằm trong những siêu thị, trung tâm mua sắm tấp nập người vừa ồn ào của hoạt động mua bán.
Khi tham quan tại cơ sở tại quận 7, phụ huynh dễ dàng nhận thấy lớp học là những căn phòng kín mít với máy điều hòa chạy suốt buổi, ánh sáng chính hệ thống đèn neon vàng. Gần như những học sinh học ở đây ít được hấp thu ánh nắng mặt trời kể từ lúc bước vào lớp học. Thắc mắc về nơi vui chơi cho học sinh, chúng tôi được nhân viên tại đây chỉ cho một phòng vui chơi với diện tích khá khiêm tốn có chứa thiết bị vui chơi. Cũng theo giải thích của nhân viên tư vấn: mỗi tuần, các bé sẽ được đưa đi công viên vui chơi một lần, thỉnh thoảng các cô dẫn bé xuống vườn cỏ sau lưng trung tâm thương mại để gần gũi thiên nhiên. Với những điều kiện như thế, câu hỏi đặt ra liệu cơ sở này có đảm bảo tốt cho quá trình học và phát triển cho trẻ?
Thụy An
Theo dân trí
Bí mật sau lò luyện thi đại học
Trước đây, khi các trung tâm đua nhau mọc ra, họ cạnh tranh nhau từng cm để biển quảng cáo của mình nổi bật hơn. Nhưng năm nay khi lượng học sinh đăng ký theo học trung tâm ít đi thì sự cạnh tranh càng khốc liệt.
Kẻ ăn không hết, người lần chẳng ra
Dù chỉ còn khoảng 3 tuần nữa là kỳ thi tuyển sinh đại học- cao đẳng 2012 chính thức bắt đầu nhưng đến thời điểm này các lò luyện thi vẫn chưa thực sự sôi động. Đi khắp các ngõ ngách trên con phố Tạ Quang Bửu (Hà Nội) - nơi vốn nổi tiếng tập trung các lò luyện thi đại học - cũng chỉ tìm được lác đác vài lò luyện thi với số lượng đếm trên đầu ngón tay. Đủ mọi hình thức quảng cáo đã được phô bày với nhiều khẩu hiệu, cam kết về chất lượng và ưu đãi về dịch vụ, giá cả. Thậm chí, trung tâm còn phải cử người ngồi sẵn ở gần biển quảng cáo để "tiếp thị" khi thấy bất cứ ai có ý định tìm hiểu lớp học.
Theo ông C, chủ trung tâm (TT) KHBK vốn có tiếng trước đây cho biết: " Một lớp học của trung tâm chỉ có khoảng 20 học sinh để đảm bảo chất lượng. Nhưng thật ra có muốn hơn cũng khó vì năm nay số lượng đăng ký rất ít, không như những năm trước học sinh ngồi học còn tràn ra cả ngoài sân, một ngày học 5-6 ca là chuyện bình thường. Năm nay trung tâm chỉ có khoảng 2 ca cho các buổi sáng trong tuần. Đến thời điểm hiện tại trung tâm cũng chỉ mới nhận được khoảng hơn 10 người chính thức đăng ký".
Trong vai người đi tìm lớp học cho người nhà, chúng tôi tiếp tục đến một TT khác nằm trong một con ngõ nhỏ của đường Tạ Quang Bửu thì được bà chủ chào đón rất nhiệt tình. Bà xưng "mẹ - con" khá ngọt với tất cả những người đến tìm hiểu lớp và liên tục khẳng định: "Con phải mở mắt ra nhìn cho kỹ nhé, đúng 3 cam kết của mẹ trên biển kia, không đúng mẹ trả lại 100% tiền". Trên chiếc biển đỏ in đậm 3 dòng chữ: "Hoàn trả 100% chi phí nếu học sinh không tiến bộ Học phí không thay đổi và sĩ số lớp hoc tối đa từ 25-30 học sinh Thầy cô dạy cố định và lớp học cố định". Liên tục giục chúng tôi lựa chọn và học thử, với khẳng định thầy cô giáo giỏi và giá cả rành mạch, rõ ràng, nhưng cho đến thời điểm hiện tại TT mới chỉ có khoảng chưa đến 10 người đăng ký học.
Một phòng học cho khoảng 25 -30 học sinh
Trái ngược với hình ảnh của những lò luyện thi thưa thớt trên đường Tạ Quang Bửu, trung tâm T.L nằm trên phố Chùa Bộc (Hà Nội) lại rất đông đúc. Theo ghi nhận của chúng tôi, một lớp học ôn lúc này phải có số lượng từ 300 - 400 học sinh. Trung tâm được xây dựng trên một bãi đất rộng, với nhiều nhà cấp 4 san sát nhau. Và để phục vụ cho số lượng học sinh đông đảo ấy, TT trang bị cho mỗi phòng học 2 điều hoà với công suất lớn, chạy liên tục không ngừng nghỉ. Trong khuôn viên trung tâm, có một bãi đất trống rất rộng làm nơi giữ xe và có cả quán giải khát phục vụ nhu cầu trong giờ giải lao của các sĩ tử. Khung cảnh trung tâm lúc nào cũng nườm nườp người vào ra bởi ca này chưa tan, học sinh ca sau đã đến. Nhiều bậc phụ huynh lo cho con em đi học, cũng đã ngồi chờ sẵn ở sân cả buổi cho tiện đưa đón.
Theo chị Minh (Đường Bưởi, Hà Nội) - một phụ huynh học sinh - để yên tâm, ngày nào chị cũng đưa đón con đi học và ngồi chờ sẵn ở ngoài. Khi được hỏi, -một lớp học đông thế này chị thấy chất lượng thế nào? Chị trả lời: - "Bạn bè nó bảo nhau rồi rủ nhau đi học thôi. Nó nói học quen rồi nên mình cũng không có ý kiến gì. Chúng nó chọn chỗ này vì thấy bảo ở đây có thầy cô giáo tốt, phòng học lại có điều hoà, đăng ký tháng thì có số thự tự chỗ ngồi rõ ràng".
Phải xếp hàng để đi vào lớp vì quá đông
Một lớp học khoảng 300 - 400 học sinh
Trong khi đó các lò luyện thi quanh khu vực ĐHSP (Hà Nội)- mọi năm vốn sôi động - năm nay cũng chỉ còn lác đác vài trung tâm. Tuy nhiên, biển quảng cáo vẫn được dán chen chúc nhau ở một góc cửa sổ của phòng thường trực cổng trường. Khi thấy đông người đến xem, một người phụ nữ trung niên liền chạy ra phát tờ rơi quảng cáo và đặt hẳn một bộ bàn ghế để ngồi đó... tư vấn mặc dù trung tâm nằm sâu trong con ngõ đối diện bên kia đường. Người phụ nữ liên tục khẳng định trung tâm T.D là TT tốt nhất hiện nay với mức giá chỉ 25 nghìn đồng/buổi như giá quy định và có các thầy cô giáo uy tín giảng dạy. Không biết do khéo tiếp thị hay chất lượng tốt mà trung tâm đã thu hút được số lượng học sinh dao động từ 70 -100 học sinh/lớp.
Ra tận cổng ngồi ...tư vấn
Lớp học phủ bụi chờ...học sinh đăng ký
Sự thật sau những chiêu trò
Nhìn bất cứ đâu cũng thấy các trung tâm đưa ra rất nhiều chiêu thức để hút học sinh. Nhưng sự thật đằng sau những lời mời gọi đó có thực sự hấp dẫn?
Thu Hương, học sinh trường Trần Nhân Tông (Hà Nội) cho biết: "Em đã từng theo tờ rơi để tìm đến một TT gần trường ĐH Dược, TT quảng cáo chất lượng rất tốt và sẽ xếp lớp phù hợp với trình độ. Em đăng ký đúng theo lịch khai giảng, vậy mà hôm thứ nhất đi học thì người ta báo nghỉ, hôm sau đi thì bị xếp vào một lớp đã học từ khá lâu trước đó. Thành ra em và một số bạn mới chẳng hiểu gì. Thầy giáo thì chưa nghe đến tên tuổi bao giờ. Em thấy kiểu làm ăn của TT này khá mập mờ".
Nhiều TT hiện nay để chứng tỏ sự công khai đã in giá cả lên tờ rơi hay thông báo cụ thể khi thí sinh đăng ký học. Mức giá trung bình dao động khoảng 25 - 40 nghìn đồng /buổi tuỳ thuộc vào số lượng học sinh mỗi lớp. Tuy nhiên, chưa hẳn điều đó đã làm các sỹ tử yên tâm. Huyền Trang vừa mới ở Nam Định lên Hà Nội đã tìm lớp ôn. Theo lời tư vấn, Trang đăng ký học TT T.D vì thấy mức giá cả và tên thầy cô giáo giống như TT ôn của ĐHSP, lại được học thử và thời gian lựa chọn thoải mái hơn. Nhưng sự thật làm Trang khá sốc. "Em mua phiếu học thử và nghĩ là mức giá 25 nghìn như đã quảng cáo, nhưng trung tâm đòi thu 50 nghìn vì nói rằng thày sẽ dạy liền 2 ca và em sẽ được học từ 2h - 5h. Họ nói 25 nghìn/ ca chứ không phải 25 nghìn/ buổi. Em vẫn có thể học 1 ca nếu muốn. Nhưng nếu như thế em sẽ mất kiến thức, buổi sau làm sao theo được".
Theo Phương Linh, học sinh trường Phan Đình Phùng (Hà Nội), thì các em chọn trung tâm ôn luyện thường là do bạn bè bảo nhau. "Từ khi em bắt đầu lên học cấp 3 đã nghe truyền tai nhau là học ôn thì đến TT TL bởi ở đây các thầy cô dạy đều là những người đã có tên tuổi, giá cả lại rất phải chăng. Bọn em lựa chọn trung tâm thường dựa vào tên tuổi thầy cô. Mà em nghĩ nhiều người theo học thì chắc chắn phải tốt. Tuy nhiên lớp hoc đông nên nếu ngồi nửa cuối lớp thì khá mệt và gần như cũng không nhìn được giáo viên. Lớp vài trăm người nên có điều hoà cũng chẳng ăn thua. Đã thế giáo viên đến muộn cũng là chuyện bình thường".
Học sinh nộp tiền để được vào học
Trong vai học sinh ôn luyện, PV đăng ký vào học một lớp với thời gian ghi rõ từ 14h đến 16h. Tuy nhiên, 14h15, khi mà học sinh đã có mặt đông đủ thì giáo viên vẫn chưa đến. Thắc mắc với trung tâm thì được giải đáp là "thầy đang đi in đề". Phải đến 14h35 thầy mới ... in đề xong và vào lớp. Tuy vào muộn nhưng giáo viên lại cho học sinh nghỉ rất đúng giờ.
Mặc dù được tiếp thị là giáo viên giỏi và tận tình với học sinh, nhưng đa số phương pháp và bài giảng ở các trung tâm đều na ná nhau. Nhiều phần học sinh không theo kịp thì được thầy giáo giải đáp là "hỏi các bạn học trước". Trung tâm TL vốn được coi là uy tín vì giáo viên có chất lượng trong đó nổi tiếng có thầy H dạy văn, vì thầy không dạy ở trung tâm khác nên lượng học sinh đăng ký rất đông. Bài giảng của thầy thực sự hay và lôi cuốn được học trò nhưng do lớp học lên đến vài trăm người nên để nghe được lời thầy, PV phải tập trung cao độ và phát huy tối đa sự nhay bén của thính giác.
Với rất nhiều học sinh tỉnh lẻ thì việc lựa chọn trung tâm càng trở nên khó khăn bởi không có bạn bè, người quen "mách nước, hay biết tên tuổi thầy cô để lựa chọn. Lê Thắm, mới ở Hải Dương lên, cũng nóng lòng đi học nhưng chưa biết trung tâm ra sao và cách duy nhất là cứ phải... học thử. Nếu không hợp thì lại chuyển lớp. Nhưng Thắm cũng cho rằng: "Việc học là cả một quá trình rồi, giờ em đi luyện cấp tốc cũng chỉ là để xác định yên tâm về mặt tâm lý chứ cũng chẳng ăn thua. Nhưng giờ học mà cứ chuyển từ trung tâm này sang trung tâm khác thì vừa mất thời gian, lại phí tiền mà cũng không hiệu quả".
Cái giá của việc kinh doanh tri thức
Bà V, chủ trung tâm CX trên đường Tạ Quang Bửu, tự nhận mình đã có kinh nghiệm hơn 14 năm trong nghề "kinh doanh tri thức". Những năm trước đây, công việc làm ăn này đem lại rất nhiều lợi nhuận. Trên con phố Tạ Quang Bửu, các trung tâm luyện thi đua nhau mọc ra san sát. Mỗi đợt thi, bà kiếm được 5,7 cây vàng là chuyện bình thường. Chỉ cách đây khoảng 3, 4 năm, sau một tháng luyện thi bà lãi được 80 triệu đồng. Số tiền tích lũy được từ nhiều năm đủ cho bà mua vài lô đất xây nhà và cho thuê cũng sống dư giả. "Tuy nhiên, thu nhập mà cứ như năm nay thì cả đời chẳng mua được mảnh đất nào" - bà V bộc bạch.
Để kinh doanh được "mặt hàng" đặc biệt này cũng không hề đơn giản. Trước đây, khi các trung tâm đua nhau mọc ra, họ cạnh tranh nhau từng cm để biển quảng cáo của mình nổi bật hơn. Bà V bức xúc kể lại câu chuyện từng bị hàng xóm chơi xấu, khi tấm biển bên cạnh chen ngang vào chỗ để tấm biển của nhà bà. "Tấm biển nó để dòng chữ in đậm là chỉ có thầy nọ, cô kia mới dạy ở trung tâm, cẩn thận tránh bị lừa đảo. Thế có khác nào ám chỉ mình."
Ngoài những chiêu thức như thuê được vị trí đẹp, cung cấp nhiều dịch vụ như điều hoà, chỗ trọ học..., yếu tố quyết định hút học sinh vẫn là thuê được giáo viên tốt. Các trung tâm cạnh tranh nhau khốc liệt để mời được giáo viên có tên tuổi về, thậm chí có những hành động ép buộc mang tính bạo lực để đạt được mục đích của mình. Một thế giới cạnh tranh ngầm đã diễn ra không chỉ của các chủ trung tâm luyện thi mà còn của những giáo viên chuyên dạy trung tâm với nhau bởi tất cả vì "miếng cơm manh áo".
Cũng theo bà V, những nhà nào tồn tại ở đây lâu và đứng vững được trong nghề, cũng đều gặp phải nhiều hạn lớn, nhỏ. Đến bản thân bà, làm ăn rất tử tế mà cũng ốm liên miên suốt 5 năm nay. Nên giờ bà chỉ mở lớp cấp tốc 1 tháng/ năm: "Cái nghiệp này trông thế thôi mà cũng sợ lắm, lừa con người ta cái gì chứ lừa về tri thức thì sẽ gặp nhiều chuyện đổ bể. Như nhiều người bán hàng ăn, không dám ăn vào mồm nhưng lại bán cho bao nhiêu người khác. Bác sĩ làm ẩu thì có thể hỏng một bệnh nhân, nhưng giáo viên mà ẩu thì hỏng cả một thế hệ."
Giải thích kỹ hơn về việc này, bà V cho biết, các trung tâm thường đề tên giáo viên có tiếng nhưng đa số là "treo đầu dê bán thịt chó". Nếu số lượng không đủ đông, họ sẽ tìm giáo viên khác thay thế. Trong khi học sinh vì đã đóng tiền rồi nên tiếc tiền vẫn phải đi học. Cũng có khi nhiều giáo viên dạy theo kiểu "sống chết mặc bay" và ăn bớt số buổi hay thời gian học của học sinh.
Tồn tại và phát triển tốt nhất trong nghề hiện nay là nhà bà Đ, hàng xóm gần sát vách với bà V, cũng có thâm niên gần 20 năm. Sau khi đã tích tụ được nhiều vốn liếng trong nghề, cả gia đình cùng con cái chụm vào làm ăn, mở lò luyện thi lớn mang tên TL và thâu tóm hết các thầy cô giáo giỏi với cam kết số lượng học sinh lớn và thu nhập cao.
Lý giải cho sự giảm sút về số lượng học sinh tại các trung tâm và sự biến mất của nhiều lò luyện thi, bà X, chủ Trung tâm C.X trên đường Tạ Quang Bửu (Hà Nội) cho rằng: "Nhiều trung tâm dạy lởm khởm, toàn là trung tâm ma, nên giờ nó tự bị triệt tiêu. Con người ta bị lừa nhiều thì cũng tỉnh ra, nên số lượng học sinh ít là vì thế".
Hồng Vân (Khampha.vn)
Trường mầm non giảm chỉ tiêu vì... phòng học xuống cấp Nếu như năm học 2010-2011, hàng trăm phụ huynh chen lấn, đứng ngồi la liệt trước cổng trường mầm non Bắc Hà (TP Hà Tĩnh) để chờ nộp hồ sơ cho con vào học thì năm nay, trường không những giảm chỉ tiêu tuyển sinh mà có thể không tuyển sinh vì không có phòng học! Hiện nay, toàn bộ 9 trong tổng...