Trường học thành phố thích ứng nhanh với dạy online
Thuần thục thao tác trên phần mềm, được trang bị wifi mạnh, cô Trịnh Thanh Quyên, giáo viên tiếng Anh trường THPT Nguyễn Du, dạy online trơn tru 90 phút.
9h30 ngày 18/2, sau hồi chuông dài, hơn 20 giáo viên trường THPT Nguyễn Du, TP HCM, về các lớp học, mở máy tính cá nhân bắt đầu buổi dạy online. Nhờ hệ thống wifi mạnh và sự chuẩn bị kết nối trước đó, lớp học trực tuyến bắt đầu sau chừng 5-10 phút. Tại phòng học lớp 12A3, cô Trịnh Thanh Quyên cho 35 học sinh ôn lại bài cũ bằng bài tập 45 phút, sau đó sửa bài.
Cô Quyên cho biết, tuần đầu tiên sau Tết, học sinh sẽ củng cố lại bài cũ, đến tuần thứ hai mới học chương trình mới theo chuyên đề. Với học sinh lớp 12, việc nắm chắc kiến thức theo chương trình rất quan trọng để hoàn thành tốt kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Sử dụng ứng dụng Google Meet để tương tác với học sinh, cô giáo 25 tuổi thuần thục thao tác, lớp học có sự tương tác tốt giữa cô trò. “Hiện tôi chưa cho kiểm tra trong quá trình dạy học trực tuyến theo chủ trương của trường. Tuy nhiên, em nào tương tác tốt, phát biểu hay và đúng sẽ có điểm thưởng cho các bài kiểm tra sau này”, cô giáo nói.
Giáo án cho tiết học không bị ảnh hưởng nhiều bởi mỗi buổi dạy online theo sắp xếp của nhà trường là 2 tiết (90 phút), giáo viên có thể chủ động dồn hai tiết làm một buổi học hoặc bố trí cho học sinh học lý thuyết xen kẽ làm bài tập. “Chất lượng học tiếng Anh online tốt nếu các em tập trung, nghiêm túc”, cô đúc rút kinh nghiệm sau một năm dạy trực tuyến.
Cô Trịnh Thanh Quyên, giáo viên Tiếng Anh, trường THPT Nguyễn Du, TP HCM, đang dạy online. Ảnh: Mạnh Tùng
Tại các lớp khác, việc dạy học diễn ra suôn sẻ bởi thầy cô khá thuần thục thao tác trên ứng dụng. Có thầy tự mang camera cá nhân, chân máy để thu hình bài giảng khi đứng trên bục giảng bài và viết bài trên bảng. Một giám thị sẽ đến từng lớp điểm danh học sinh tham gia lớp học.
Không chỉ dạy các môn văn hóa, trường THPT Nguyễn Du làm “mềm” giờ học bằng các tiết dạy kỹ năng sống. Thầy Hoàng Sỹ Đăng, giáo viên dạy kỹ năng, mở đầu buổi dạy đầu tiên sau Tết với học sinh lớp 11A6 bằng những lời hỏi thăm vui nhộn. Tiếp đó, thầy chia sẻ những cách sắp xếp thời học tập, giải trí phù hợp trong thời gian nghỉ chống dịch vì cho rằng học sinh dễ làm việc riêng khi học online ở nhà, không ai quản lý. “Trong các tiết kỹ năng sống, tôi cố gắng thúc đẩy sự tự giác để các em học tập một cách có cảm xúc chứ không chờ đợi phải có người nhắc nhở, thúc ép”, thầy Đăng chia sẻ.
Thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết trong hai ca (7h30h-9h và 9h30-11h) ngày 18/2, cả trường với hơn 1.550 học sinh thì 22 em vắng. Từ nay đến hết tháng 2, học sinh sẽ tham gia học 9 môn gồm Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân bằng hình thức trực tuyến. Buổi chiều các em học các môn còn lại với bài giảng E-learning đăng tải trên trang web của trường hoặc giải bài tập, ôn tập.
“Năm thứ hai triển khai việc dạy trực tuyến nên trường không còn băn khoăn về mặt kỹ thuật mà tập trung nâng cao chất lượng. Xác định đây là việc học chính thức nên từng tiết học, giáo viên rất tập trung, chỉn chu. Đó cũng là lý do nhà trường yêu cầu giáo viên lên lớp dạy học, thay vì ở nhà”, thầy Phú nói.
Cô Thanh Quyên chữa bài cho học sinh trong buổi học online. Video: Mạnh Tùng
Tại Hà Nội , thầy Hà Xuân Nhâm, Hiệu trưởng trường THPT Phan Huy Chú – Đống Đa, quận Đống Đa, cho biết nhờ sở hữu nền tảng công nghệ thông tin tương đối tốt và xây dựng kế hoạch chi tiết, việc học online của trường diễn ra bài bản và ổn định.
Thay vì sử dụng phần mềm Zoom, trường Phan Huy Chú – Đống Đa mua bản quyền của Office 365, cấp cho mỗi giáo viên và học sinh một tài khoản để truy cập vào lớp học. Trường đã triển khai việc này từ trước khi học sinh Hà Nội tạm dừng đến trường vì Covid-19 vào đầu năm 2020 để giao bài tập, đăng tải video hướng dẫn của giáo viên tới học sinh. “Với chi phí bản quyền 50-60 triệu một năm, chúng tôi tiết kiệm được chi phí các văn phòng phẩm như mực in, máy in và giấy A4″, thầy Nhâm cho hay.
Nhờ nền tảng công nghệ thông tin sẵn có cùng kinh nghiệm dạy online từ năm ngoái, lãnh đạo trường Phan Huy Chú – Đống Đa cho rằng học sinh và giáo viên bước vào việc học online khá nhẹ nhàng, không gặp nhiều vướng mắc. Trường đã triển khai hình thức này ngay từ 1/2 khi Hà Nội thông báo học sinh tạm dừng đến trường, sắp xếp lại thời khóa biểu hai buổi sáng – chiều phù hợp để tránh học sinh ngồi quá lâu trước máy tính, đồng thời vẫn đảm bảo tiến độ chương trình. Những học sinh vắng mặt của mỗi tiết có thể xem lại video giảng bài của giáo viên ngày hôm đó ngay trên hệ thống. Ban giám hiệu chia nhau dự giờ và sát sao với việc giảng dạy hàng ngày của thầy cô.
Thầy Nhâm cho biết, trong thời gian học online, giáo viên có thể thiết kế những bài kiểm tra trắc nghiệm trực tuyến, cho học sinh làm việc nhóm, thảo luận và lấy điểm chính thức. Riêng lớp 12, vì phải vượt qua kỳ thi tốt nghiệp THPT, trường sẽ bố trí thêm thời gian ôn luyện cho các em khi đi học tập trung trở lại. “Khoảng cuối tháng 3, một số môn ít thời lượng như học tiếng Anh với người nước ngoài kết thúc, các em cũng hoàn thành chứng chỉ tin học quốc tế, chúng tôi sẽ cho học sinh học các môn còn lại”, thầy Nhâm nói.
Học sinh trường THPT Phan Huy Chú – Đống Đa học online. Ảnh: Website nhà trường
Ở bậc tiểu học, cô Teo Thị Thanh Mai, Hiệu trưởng trường Tiểu học Lê Quý Đôn, quận Hà Đông, nhận định việc học online lần này được triển khai liền mạch với chương trình học trên lớp do có sự chủ động của cả hệ thống.
Ngay đầu tháng 2 khi học sinh Hà Nội tạm dừng việc học tập trung, trường Lê Quý Đôn đã tổ chức học online trên phần mềm Zoom cho hơn 1.000 học sinh. Vì đặc thù học sinh còn nhỏ, đặc biệt lớp 1 và 2, cần bố mẹ giám sát, hỗ trợ việc sử dụng thiết bị điện tử, lịch học online của trường thường được xếp vào buổi tối.
Riêng hai khối 4-5 nhiều tiết hơn nên được xếp 1-2 tiết vào ban ngày, tránh việc học onine quá lâu, ảnh hưởng đến sức khỏe các em. Thường vào thứ sáu hàng tuần, ban giám hiệu trường Lê Quý Đôn sẽ xếp xong thời khóa biểu dạy online cho tuần kế tiếp và báo cáo lên Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hà Đông.
Với số ít học sinh còn ở quê chưa trở lại Hà Nội hoặc vì lý do cá nhân không thể tham gia học online, trường Lê Quý Đôn đã lập danh sách và lên phương án dạy bù cho các em vào giờ ra chơi, tự học hoặc sau buổi học.
Năm nay, cô Mai cho biết ban giám hiệu cũng khắt khe và sát sao hơn trong việc dự giờ và giám sát việc học online, cố gắng tăng số giờ học có sự tham gia của lãnh đạo hơn trước. Những giáo viên chưa làm tốt sẽ bị nhắc nhở ngay sau tiết học online. “Tôi cho rằng dạy học online là cách ứng phó với dịch bệnh tốt nhất trong thời điểm hiện tại. Tuy chưa thể làm hoàn hảo, chúng tôi vẫn cố gắng duy trì và đảm bảo chất lượng tốt nhất có thể”, cô Mai nói.
Đến 19/2, gần 50 tỉnh, thành cho học sinh tiếp tục ở nhà sau Tết Tân Sửu, trong đó có Hà Nội và TP HCM. Các Sở Giáo dục và Đào tạo yêu cầu trường học phải lên phương án dạy online phù hợp, đảm bảo hoàn thành kế hoạch năm học.
Dạy kỹ năng sống trực tuyến có hiệu quả?
Ngoài kiến thức trong sách giáo khoa, có trường tăng cường tiết học kỹ năng sống vào thời khóa biểu học trực tuyến nhằm giải tỏa áp lực trong thời gian học sinh không đến trường
Tại Trường THPT Nguyễn Du (quận 10, TP HCM), tất cả giáo viên phải tập trung tại trường để dạy trực tuyến những môn chính khóa. Bên cạnh đó, nhà trường còn mời thêm một số giáo viên dạy kỹ năng sống về tham gia giảng dạy, số tiết của môn học này được tăng gấp 2 lần so với thời gian học trong điều kiện bình thường.
Phát triển năng lượng tích cực
Theo thời khóa biểu của Trường THPT Nguyễn Du, đến hết tháng 2, học sinh sẽ học trực tuyến 9 môn gồm: toán, ngữ văn, tiếng Anh, vật lý, hóa học, sinh học, lịch sử, địa lý, giáo dục công dân. Thời lượng không quá 4 tiết học/buổi, mỗi môn kéo dài từ 20 đến 25 phút, dạy theo từng chủ đề. Các buổi còn lại trong tuần, học sinh sẽ học các môn còn lại qua bài giảng E-learning được đăng tải trên website của trường.
Thầy Huỳnh Thanh Phú, hiệu trưởng nhà trường, cho biết trường sắp xếp thời gian học như vậy để học sinh không bị áp lực và chán nản khi học trực tuyến. Ngoài ra, trường còn lồng ghép vào những buổi học kỹ năng sống, được dạy bởi thầy cô có kiến thức xã hội nhiều, phù hợp với tâm lý học sinh.
Lý giải việc này, thầy Phú cho rằng học sinh phải nghỉ một khoảng thời gian khá dài, ít có điều kiện giao tiếp với thầy cô, trò chuyện với bạn bè để giảm bớt những áp lực trong học tập. Từ đó, việc học tại nhà sẽ khiến học trò có cảm giác bức bối, khó chịu. Đồng thời, khi học trực tuyến, các em phải ngồi và nhìn màn hình máy tính liên tục, dẫn đến các bệnh lý như cột sống, cận thị, hít thở không sâu, gai cột sống...
Nhà trường hiểu rõ điều này nên trong những tiết học kỹ năng sống, giáo viên sẽ giới thiệu các cuốn sách nên đọc, bài nhạc hay phim phù hợp với lứa tuổi học sinh. Qua đó, các em giải phóng được năng lượng tiêu cực.
Tiếp đến, giáo viên dạy nghề kết hợp cùng giáo viên dạy kỹ năng sẽ hướng dẫn học sinh cách nấu một món ăn, làm bánh, cắm hoa và yêu cầu các em thực hành. Việc này sẽ giúp học sinh phát triển kỹ năng sống, nuôi dưỡng năng lượng tốt để học các môn khác hiệu quả hơn.
Nhà trường còn sắp xếp thời gian học theo nguyên tắc 20-20-20 với tất cả các môn. Cụ thể, học sinh sẽ học kiến thức 20 phút, trong thời gian học có ít nhất 20 giây nhìn ra ngoài màn hình máy tính và 20 phút còn lại để giải trí.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng nên để thời gian cho học sinh tập trung học những môn chính khóa, kỹ năng sống chỉ phù hợp học trực tiếp, đưa vào dạy trực tuyến thực sự không hiệu quả. Trước luồng ý kiến này, thầy Phú cho hay nên nhìn nhận một cách cởi mở hơn, bởi đây là tiết học giảm căng thẳng cho học sinh. Trong lúc giảng dạy, giáo viên đã nhận được nhiều câu hỏi hay, những chia sẻ thật lòng của học sinh. Như vậy, giáo viên cho học sinh cảm giác được đồng cảm, đó là thành công trong giáo dục.
"Mỗi buổi học kỹ năng, các em đều hào hứng tham gia, sĩ số vắng trung bình 20 em/1.558 học sinh. Khi làm bài thu hoạch, học sinh đạt điểm cao, cho thấy môn kỹ năng sống thực sự có hiệu quả dù là dạy trực tuyến" - thầy Phú nói.
Thầy Phạm Minh Đăng, giáo viên Trường THPT Nguyễn Du (quận 10, TP HCM), đang dạy trực tuyến thông qua iPad
Hiệu quả đạt 70%
Theo thầy Nguyễn Đình Độ, Hiệu trưởng Trường THPT Thành Nhân (quận Tân Phú, TP HCM), trong 2 tuần học trực tuyến sau kỳ nghỉ Tết nhà trường cho học sinh học 6 môn: toán, lý, hóa, văn, sinh, tiếng Anh. Nhưng trong trường hợp xấu nhất, học sinh sẽ phải học trực tuyến kéo dài, trường sẽ dạy tất cả các môn, bao gồm cả kỹ năng sống.
Thầy Độ nhận định đây là môn học cần thiết để học sinh giải tỏa áp lực trong thời gian dài phải học trong thế giới ảo gò bó, giúp thầy và trò hiểu nhau hơn. Khi thực hiện dạy môn học này trực tuyến, 100% học sinh sẽ tham gia. Cách quản lý cũng như những môn học khác, có giáo viên bộ môn, giáo viên chủ nhiệm và ban giám hiệu sẽ kiểm tra đột xuất.
"Mặc dù dạy kỹ năng sống trên nền tảng số không đạt được hiệu quả như trực tiếp nhưng không thể nói là vô dụng, không thiết thực. Từ những tiết học, giáo viên có thể khơi gợi ý thức tự giác của học sinh, giảm đi suy nghĩ tiêu cực, như vậy đã đạt 70% hiệu quả đối với yêu cầu của môn học này" - thầy Độ nhận định.
Cô Nguyễn Ngọc Khánh Vân, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Gia Định (quận Bình Thạnh, TP HCM), cho rằng để đưa môn kỹ năng sống vào dạy trực tuyến phải tùy thuộc tình hình thực tế của từng trường. Trường THPT Gia Định không đưa môn này vào dạy trực tuyến vì những môn học của trường được sắp xếp rất nhẹ nhàng, có thời gian cho học sinh nghỉ ngơi nên không nhiều áp lực. Cô Vân cũng cho rằng môn kỹ năng sống thực sự hiệu quả khi được dạy trực tiếp, nên khi học sinh quay trở lại trường, mới tiếp tục dạy môn này.
Triển khai một môn học phải có đánh giá khi kết thúc
Theo cô Nguyễn Ngọc Khánh Vân, chỉ nên triển khai một môn học qua hình thức trực tuyến khi biết kết quả đạt được là gì, thông qua đánh giá. Để thực hiện dạy kỹ năng sống trên trực tuyến hiệu quả, đòi hỏi giáo viên phải xây dựng quy trình quản lý lớp học, đánh giá kết quả rất tỉ mỉ và cẩn thận. Không nên dạy môn học bằng cách qua loa, hời hợt, sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến học sinh.
Những người thầy "chuyên trị" học sinh "cá biệt" Có nhiều người thầy được mệnh danh là "khắc tinh" của học sinh (HS) "cá biệt". Những học trò có các chiêu trò nghịch ngợm thế nào, khi gặp thầy cũng tự động tâm phục khẩu phục Với những người thầy này, trong quãng đời đi dạy, họ lại tâm niệm ngược lại, không có HS cá biệt, không có HS hư, chỉ...