Trường học loay hoay chờ khi ‘môn Lịch sử có cả lựa chọn và bắt buộc’
Nhiều trường THPT nói sốt ruột chưa rõ chương trình môn Lịch sử ở bậc THPT mới liệu có được thiết kế gồm cả phần bắt buộc và lựa chọn hay không khi mà năm học mới cận kề.
Một trong những nội dung của Nghị quyết Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV vừa được ban hành là yêu cầu nghiên cứu ý kiến cử tri, nhân dân và đại biểu Quốc hội, thiết kế môn Lịch sử trong Chương trình giáo dục cấp THPT bao gồm cả phần bắt buộc và phần lựa chọn một cách hợp lý, khoa học, đảm bảo hiệu quả cao nhất trong việc giáo dục truyền thống và phát triển nhân cách cho học sinh.
Thông tin này khiến hiệu trưởng nhiều trường THPT lo lắng kế hoạch được xây dựng sẽ bị xáo trộn khi năm học mới cận kề.
Trước đó, theo thiết kế của chương trình giáo dục phổ thông mới được triển khai từ năm học 2022-2023 đối với cấp THPT, học sinh sẽ chỉ còn học 5 môn bắt buộc. Các môn còn lại sẽ được đưa vào danh sách môn lựa chọn theo nhóm. Môn Lịch sử trở thành một trong những môn lựa chọn ở cấp THPT với cụm môn Khoa học xã hội (gồm Lịch sử, Địa lý, Giáo dục Kinh tế và Pháp luật).
Ảnh minh họa: Lê Anh Dũng.
Một số hiệu trưởng cho hay, nếu chỉ điều chỉnh ở một môn học vẫn có thể ảnh hưởng đến việc xây dựng tổ hợp môn học lựa chọn, kế hoạch giáo dục nhà trường, công tác tuyển sinh lớp 10 và cả kế hoạch biên chế năm học như tính toán số tiết/giáo viên, phân công giáo viên.
Ông Nguyễn Quang Tùng, Hiệu trưởng Trường THCS và THPT M.V.Lômônôxốp (Hà Nội) nói đang chờ phương án cuối cùng được Bộ GD-ĐT đưa ra.
Theo ông Tùng, hiện, dù chưa có thông báo chính thức về việc học sinh khối 10 năm học 2022-2023 – khối đầu tiên học theo chương trình giáo dục phổ thông mới 2018, sẽ học môn Lịch sử bắt buộc và lựa chọn như thế nào, song nhà trường đã phải lên các phương án thay đổi lại so với dự kiến.
Nếu môn Lịch sử bậc THPT được xác định gồm cả phần kiến thức bắt buộc, thì với 11 lớp 10, số tiết môn Lịch sử sẽ tăng ít nhất 11 hoặc 22 tiết/1 tuần (tùy vào phân phối chương trình là 1 hay 2 tiết/tuần).
Video đang HOT
“Trong trường hợp đó chúng tôi sẽ phải tính đến cả việc tuyển thêm 1 giáo viên môn Lịch sử. Thế nhưng, nếu tuyển vội vàng cũng lo sẽ không có được giáo viên chất lượng khi các trường tư thục sẽ bắt đầu năm học từ khoảng 1/8/2022.
Ngoài ra, nếu tăng số tiết môn Lịch sử thì phải giảm số tiết tăng cường một số môn khác trong các tiết học buổi chiều (Trường THCS và THPT M.V.Lômônôxốp học 2 buổi/ngày -PV). Như vậy, các bộ môn đó phải điều chỉnh lại kế hoạch đã chuẩn bị trong hè”.
Ông Tùng cũng băn khoăn liệu có sử dụng được sách giáo khoa đã viết theo chương trình ban đầu hay không.
“Hiện nay, công tác tập huấn chuyên môn của bộ môn Lịch sử vẫn bám theo các bộ sách đã có. Không biết chương trình học bắt buộc có thực sự hấp dẫn giáo viên hay không khi thời gian biên soạn rất ngắn bởi năm học đã rất cận kề”.
Cô T., hiệu trưởng một trường THPT ở Hải Phòng cho biết cũng đang chờ đợi hướng dẫn.
“Nhà trường cũng đành chờ đợi có kết luận cuối cùng để tính phương án chuẩn bị triển khai một thể. Với lớp 10 tuyển sinh năm nay, chúng tôi sẽ làm một cuộc tư vấn định hướng đầu cấp, nhưng dự kiến sẽ rất khó khăn”.
Cô giáo này cho rằng nếu theo lẽ thường, việc điều chỉnh môn Lịch sử từ lựa chọn sang có cả phần bắt buộc và phần tự chọn thì thiết kế Chương trình phổ thông mới cũng phải thay đổi.
“Có thể sẽ phải sửa số tiết, không chỉ môn học này mà mà còn kéo theo sửa số tiết các môn học khác. Bởi theo thiết kế ban đầu, môn học bắt buộc là 12 tiết/tuần, môn học lựa chọn 10 tiết/tuần, cộng với các chuyên đề học tập, các hoạt động giáo dục địa phương, tổng cộng là 29 tiết/tuần.
Nếu Lịch sử vừa gồm bắt buộc vừa gồm phần tự chọn thì liệu có phải tăng số tiết? Như vậy liệu có phải giảm số tiết của môn học nào trước đây?” – vị hiệu trưởng băn khoăn.
Dù vậy, nữ giáo viên cho biết, điều quan trọng nhất vẫn là cần làm sao để môn Lịch sử được khẳng định bằng cách dạy học, phương pháp giảng dạy, sức hấp dẫn của sách giáo khoa qua việc học sinh hứng thú.
Thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (TP.HCM) nói việc chọn tổ hợp để dạy học, để học không khó nhưng câu hỏi đặt ra là sau 3 năm học theo tổ hợp thì việc chọn này sẽ đi đâu.
“Chúng tôi, giáo viên và phụ huynh rất cần Bộ có câu trả lời để định hướng cho học sinh, bởi giáo dục phải có tầm nhìn dù chỉ là 1 niên khóa, chứ không thể cứ để học rồi đến ngày thi rồi mới chọn lựa”, ông Phú nói và trăn trở cũng rất cần câu trả lời cho câu hỏi năm 2025 thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học theo kiểu gì để tư vấn phụ huynh lựa chọn.
Còn thầy Nguyễn Viết Đăng Du, Tổ trưởng môn Lịch sử, Trường THPT Lê Quý Đôn (TP.HCM) thì chờ đợi nội dung thiết kế môn Lịch sử cô đọng, hợp lý, vừa sức để học sinh cảm thấy học Sử không nặng nề.
Theo thầy Du, trong trường hợp nếu là môn học lựa chọn có phần bắt buộc, Bộ GD-ĐT có thể lựa chọn các nội dung cần thiết từ chương trình cũ đề thiết kế ra phần bắt buộc cho học sinh.
Cá nhân thầy Du cho rằng mọi sự thay đổi đều chấp nhận được khi vị trí môn Lịch sử được coi trọng thật sự trong chương trình phổ thông.
Hướng ra nào cho môn lịch sử?: Học lịch sử cũng chính là tìm về bản sắc
Học lịch sử dân tộc là để hiểu quá trình dựng nước và giữ nước của cha ông, hiểu lý do tồn tại của dân tộc, từ đó biết rút kinh nghiệm trong quá khứ, sống tốt trong hiện tại và kiến tạo tương lai
Chương trình giáo dục phổ thông mới gây chú ý nhiều trong thời gian qua về môn lịch sử. Theo đó, ở cấp THCS, học sinh (HS) sẽ học môn lịch sử bắt buộc và sẽ được trang bị kiến thức cơ bản, cốt lõi của toàn bộ lịch sử thế giới, lịch sử Việt Nam từ nguyên thủy đến hiện đại. Riêng về lịch sử Việt Nam, chương trình bảo đảm HS được học lịch sử dân tộc Việt Nam đầy đủ, toàn diện.
Cần cung cấp kiến thức nền cơ bản
Chỉ nói riêng về lịch sử Việt Nam, ngay cả đối với người lớn, để hiểu toàn diện và đầy đủ là chuyện rất khó, huống chi là lứa tuổi của các em bậc THCS. Với những "tham vọng" như trên, liệu chương trình càng thêm nặng không, lứa tuổi 11-14 có thể tư duy như người lớn được không?
Còn ở bậc THPT, chương trình mới bố trí môn lịch sử nằm trong tổ hợp xã hội và thuộc môn tự chọn. Ở bậc này, nếu HS chọn học môn lịch sử, thì sẽ được học theo các chuyên đề có nội dung chuyên sâu, giúp HS hiểu sâu sắc hơn các nội dung cơ bản đã được học ở cấp THCS. Trên thực tế, việc học chuyên sâu các vấn đề lịch sử thì phải ở tầm sinh viên chuyên ngành lịch sử. Ở lứa tuổi THPT, sự chín chắn trong suy nghĩ chưa đạt tới, kiến thức nền chưa đủ, bắt các em phải "chuyên sâu" lịch sử, như vậy có phải thiếu cơ sở khoa học và thực tiễn chăng?
Vậy nên, ở bậc phổ thông, HS cần được cung cấp những kiến thức nền cơ bản nhất để sau bậc phổ thông, các em sẽ bước vào chuyên sâu ở những chuyên ngành khác nhau. Đối với môn lịch sử cũng vậy, các em cần được cung cấp những kiến thức cơ bản nhất về lịch sử Việt Nam. Từ cấp 1, có thể cho các em tiếp cận lịch sử Việt Nam thông qua những câu chuyện đơn giản về các nhân vật lịch sử (như kể chuyện đời xưa vậy). Từ lớp 6 đến 12, có thể bố trí môn lịch sử trải dài một cách có hệ thống, đơn giản, dễ hiểu, để mỗi năm HS sẽ được học một giai đoạn của lịch sử dân tộc. Rồi ở bậc đại học, bất kỳ chuyên ngành nào, ở năm đầu cũng nên có môn đại cương lịch sử Việt Nam. Bởi khi bước vào đại học, các em bước vào lứa tuổi trưởng thành, chín chắn hơn trong suy nghĩ, các em sẽ tiếp cận lịch sử với một tâm thế hoàn toàn khác, được giúp xâu chuỗi lại toàn bộ lịch sử dân tộc một cách có bài bản, hệ thống.
Học sinh lớp 10 Trường THPT Mạc Đĩnh Chi (TP HCM) trong giờ học môn lịch sử Ảnh: Tấn Thạnh
Gió càng mạnh, gốc phải càng sâu
Môn lịch sử thuộc về môn học không cho thấy kết quả rõ ràng ngay lập tức, mà cần có thời gian và sẽ cho kết quả một cách không ồn ào. Chúng ta cần nhắc lại với nhau rằng học lịch sử dân tộc là để hiểu quá trình dựng nước và giữ nước của cha ông, hiểu lý do tồn tại của dân tộc, hiểu vì sao mình lại như thế trong hiện tại, từ đó biết rút kinh nghiệm trong quá khứ mà sống tốt trong hiện tại và kiến tạo tương lai. Lịch sử dân tộc góp phần xây dựng tinh thần dân tộc, dạy cho chúng ta biết yêu nước non, thương giống nòi. Lịch sử dân tộc giữ vai trò rất quan trọng trong sự phát triển của một nước - một sự phát triển có tiếp nối chứ không phải một sự phát triển bỏ gốc bỏ nguồn.
Làn sóng toàn cầu hóa trên thế giới ngày càng mạnh. Ở thời đại số, ranh giới của các nền văn hóa bỗng trở nên vô cùng mong manh. Trong bối cảnh đó, việc giữ gìn bản sắc của mỗi dân tộc trở nên vô cùng cấp thiết. Chúng ta cần nhắc lại với nhau rằng bản sắc của một dân tộc được hình thành không phải một ngày một bữa, mà phải được tích lũy theo dòng chảy của lịch sử dân tộc. Bởi thế mà học lịch sử cũng chính là tìm về bản sắc.
Cũng có lập luận cho rằng dù là môn tự chọn nhưng nếu HS thấy có ích thì sẽ chọn để học. Nhìn vào thực tế, ai cũng thấy lâu nay môn lịch sử là môn mà HS ít mặn mà. Không chỉ ở Việt Nam, mà ở nhiều nước, tình hình tuổi trẻ và lịch sử dân tộc cũng không có gì khả quan. Thế nhưng, nếu cách dạy, giáo trình môn lịch sử còn chưa thu hút được tuổi trẻ thì chúng ta cải cách, đổi mới cách dạy cách học, không thể để những công dân của đất nước mờ mịt lịch sử dân tộc.
Cũng có ý kiến cho rằng chương trình mới là theo đúng xu thế quốc tế. Xin khẳng định ý kiến này không đúng bởi bảo tồn bản sắc và đa dạng văn hóa hiện là xu thế chung của nhân loại. Thực tế đã cho thấy những nước nghèo, kinh tế kém phát triển, khi mở cửa làm ăn với thế giới, đã phải đối mặt với sự tấn công ào ạt của các yếu tố văn hóa ngoại lai và phải khổ sở bảo tồn bản sắc dân tộc. Câu chuyện "sức mạnh mềm" đã trở nên quá quen thuộc trong thế giới hiện tại. Như vậy, nếu các quốc gia có nền kinh tế mạnh chú ý đến lịch sử dân tộc chỉ 1, thì những nước có nền kinh tế yếu hơn phải quan tâm đến lịch sử dân tộc đến 10. Khi cơn gió toàn cầu hóa càng mạnh thì cái gốc dân tộc phải càng sâu và chắc..
Xếp một môn học thuộc dạng bắt buộc, ngoài những cái khác, nó còn cho thấy vị trí quan trọng của môn học đó trong hệ thống giáo dục của một nước và tư duy giáo dục của một quốc gia.
TS lịch sử văn hóa LÊ HỒNG PHƯỚC, Phó trưởng Khoa Ngữ văn Pháp Trường ĐH KHXH&NV - ĐHQG TP HCM
Góp ý của Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng về học môn Lịch sử trong chương trình GDPT mới Trong chương trình giáo dục phổ thông mới đã thiết kế theo hướng học phân hóa ở trung học phổ thông. Việc đó là đúng hướng, như Nghị quyết 29-NQ/TW đã chỉ ra. LTS: Việc môn Lịch sử trở thành môn tự chọn trong chương trình trung học phổ thông mới, bắt đầu triển khai với lớp 10 từ năm học 2022-2023 vẫn...