Trường ĐH khó xử vì thí sinh Hòa Bình, Sơn La chưa được trả điểm gốc
Khi hai vụ án ở Sơn La và Lạng Sơn đang trong giai đoạn điều tra, thí sinh chưa được trả lại điểm thực, các trường đại học và Bộ GD&ĐT phải dùng kết quả hiện tại để tuyển sinh.
Thủ khoa các trường công an là thí sinh Sơn La, Hòa Bình, Lạng Sơn. Thủ khoa, á khoa trường quân đội đến từ Hòa Bình, Sơn La. Những thông tin đó liên tục xuất hiện những ngày qua, sau khi các trường công bố điểm chuẩn và danh sách thí sinh trúng tuyển.
Chuyện sẽ chẳng có gì để nói nếu như những gian lận điểm thi ở Hòa Bình, Sơn La được làm rõ và thí sinh nhận lại điểm gốc như ở Hà Giang.
Nghi vấn nối tiếp… nghi vấn
Đến nay, dù đã khởi tố 7 bị can, bắt tạm giam 4 người, cơ quan chức năng vẫn chưa có kết luận cuối cùng về sai phạm điểm thi ở Hòa Bình và Sơn La. Việc thí sinh chưa được trả lại điểm thi gốc khiến khâu xét tuyển cũng ảnh hưởng, nhất là ở các trường công an, quân đội.
Đại diện Cục Đào tạo, Bộ Công an thông tin trên báo chí rằng nếu các trường có kiến nghị chính thức, Cục đào tạo sẽ báo cáo cấp trên để xin chủ trương. Bộ Công an cho chủ trương, lúc đó mới có thể đề xuất Bộ GD&ĐT kiểm tra một số bài thi. Tuy vậy, kể cả trong trường hợp Bộ Công an cho chủ trương, hướng dẫn xử lý nhằm đảm bảo chất lượng nguồn tuyển cho các trường, Bộ GD&ĐT không đồng ý thì cũng không thể thực hiện được.
Năm 2018, Lạng Sơn có nhiều thí sinh trúng tuyển Học viện An ninh Nhân dân nhất, với 23 người. Ảnh: Quyên Quyên.
Trước đó, Học viện An ninh Nhân dân muốn rà soát thí sinh trúng tuyển, sau khi báo chí thông tin 47 thí sinh Lạng Sơn, Hòa Bình, Sơn La đỗ trường này, trong đó nhiều em là thủ khoa. Trường hợp cần thiết, có thể đối chiếu điểm thi với bài gốc của một số thí sinh trúng tuyển, nhất là các địa phương đang có nghi vấn gian lận điểm thi. Mục đích là đảm bảo chính xác, công bằng, cũng như chất lượng đào tạo, bởi đầu vào sẽ ảnh hưởng rất lớn chất lượng đầu ra.
Câu chuyện tương tự xảy ra ở Học viện Cảnh sát Nhân dân, khi thủ khoa khối C03 (Toán, Văn, Sử) đạt 29,35 điểm, đến từ Sơn La. Đây là thí sinh có điểm thi 6 môn THPT quốc gia cao nhất nước năm nay, nhưng điểm thi thử thấp.
Ngoài ra, cũng căn cứ danh sách trúng tuyển mà Học viện An ninh Nhân dân và Học viện Cảnh sát Nhân dân công bố, 29 trên tổng số 35 chiến sĩ cơ động ở Lạng Sơn trúng tuyển. Trước đó, dư luận nghi vấn điểm thi của những thí sinh tự do này cao bất thường. Dù Bộ GD&ĐT đã rà soát và kết luận không có sai phạm, nghi vấn một lần nữa được đặt ra vì nhiều câu hỏi chưa được làm rõ.
Với các trường quân đội, thủ khoa, á khoa của Học viện Kỹ thuật Quân sự, Học viện Biên phòng, Học viện Hậu cần cũng được xác định đến từ Sơn La, Hòa Bình. Nghi vấn lại nối tiếp… nghi vấn khi điểm thi của thí sinh ở những tỉnh này vẫn chưa được làm rõ.
Cũng chính vì chưa thể khôi phục điểm gốc cho thí sinh ở những nơi đang điều tra gian lận, những em trúng tuyển bằng điểm thực bị “nghi oan”. Trao đổi với Zing.vn ngay sau khi vụ gian lận điểm thi ở Hà Giang được phanh phui, Ngọc Hà – học sinh ở địa phương này – nói bằng giọng run run, kể về việc em bị các bạn ở địa phương khác miệt thị trên mạng xã hội.
“Em rất buồn, các bạn của em cũng vậy. Sắp tới, nếu trúng tuyển, em xuống Hà Nội học và chưa hình dung ra các bạn nhìn những sinh viên đến từ Hà Giang như em với ánh mắt thế nào”, Hà nói.
Dường như câu chuyện này đang lặp lại sau khi các trường công bố điểm chuẩn. Khi cơ quan chức năng chưa có kết luận cuối cùng, những thủ khoa, á khoa và cả những thí sinh trúng tuyển đến từ Hòa Bình, Sơn La còn bị đặt dấu hỏi nghi vấn. Điều đó không công bằng với những em học thật, thi thật, trúng tuyển thật.
Không những thế, nhiều câu hỏi khác được đặt ra như nếu không trả lại điểm thực cho thí sinh, kết quả trúng tuyển sẽ được giữ nguyên và như thế có công bằng? Những em khác sẽ bị tước mất cơ hội vào đại học bởi gian lận thi cử?
Nếu thí sinh đã nhập học mới có kết luận cuối cùng, những em được nâng điểm có bị buộc thôi học?
Giải pháp tối ưu có công bằng?
Trả lời báo Công An Nhân Dân, thiếu tướng Đặng Xuân Khang – Phó giám đốc Học viện Cảnh sát Nhân dân – cho biết theo quy định vẫn phải công nhận kết quả cho các em, điều đó là đương nhiên. Sau này khi có kết luận điều tra, nếu xác định được chính xác em nào gian dối, lúc đó, học viện sẽ kiến nghị xử lý theo đúng quy chế.
Trả lời câu hỏi của báo chí về sai phạm điểm thi ở Sơn La tại họp báo thường kỳ Chính phủ ngày 1/8, Thứ trưởng GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết hiện nay, cơ quan công an đang điều tra, với sự hỗ trợ của các thiết bị hiện đại và quyết tâm làm đến cùng. Ông Độ tin rằng sẽ khôi phục được điểm thi gốc cho thí sinh, để trả lại sự công bằng, khách quan.
Trong khi đó, Thứ trưởng GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ khẳng định bộ này đã có những phương án cụ thể. Sau khi cơ quan điều tra có kết luận cuối cùng, Bộ GD&ĐT sẽ chọn phương án tốt nhất để giải quyết vấn đề trên, đảm bảo khách quan, công bằng cho thí sinh. Tuy nhiên, “phương án tốt nhất” là gì thì lãnh đạo Bộ GD&ĐT không thông tin cụ thể.
“Giải pháp tối ưu hiện nay là để đảm bảo quyền lợi chính đáng của các em, chúng ta tạm thời chấp nhận kết quả này. Khi có kết luận xử lý, chắc chắn những em không đủ điểm sẽ phải ra ngoài và chúng ta phải chờ đợi thêm”, ông Mai Văn – Cục trưởng Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) – nói.
Cũng theo ông Trinh, nếu các trường đại học đề xuất kiểm tra đầu vào với thí sinh nghi vấn có điểm thi bất thường, Bộ GD&ĐT sẵn sàng hỗ trợ.
Ở khâu “hậu kiểm”, ông Trần Anh Tuấn – Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT – cho biết quy chế thi và tuyển sinh đã quy định rất rõ rằng trường hợp phát hiện gian lận trong thi cử phải có hình thức kỷ luật kết hợp các quy định hiện hành để xử lý.
Sinh viên đã và đang học tại các trường mà bị phát hiện gian lận trong kỳ thi THPT quốc gia sẽ bị xử lý theo quy định và pháp luật hiện hành. Hình thức cao nhất là buộc thôi học và có thể bị tước quyền vào học ở các trường ngay trong năm đó và tước quyền tham dự kỳ thi trong hai năm tiếp theo đối với những thí sinh vi phạm một trong các lỗi sau đây: Giả mạo hồ sơ để hưởng chế độ ưu tiên, khuyến khích; sử dụng văn bằng, chứng chỉ không hợp pháp; để người khác thi thay, làm bài thay dưới mọi hình thức…
Như vậy, với lý lẽ của mình, Bộ GD&ĐT và các trường đại học chấp nhận phương án được cho là tối ưu – dùng kết quả hiện tại để tuyển sinh. Điều đó đồng nghĩa việc xét tuyển sẽ không công bằng nếu không trả lại được điểm gốc cho thí sinh ở Sơn La và Hòa Bình.
Gian lận điểm thi tại Sơn La có thể dẫn đến hậu quả khôn lường. Vụ gian lận ở Hà Giang khiến dư luận bàng hoàng về số bài thi được nâng điểm. Tuy nhiên, sai phạm điểm thi ở Sơn La được cho là nghiêm trọng và phức tạp hơn vì sửa trên bài thi.
Cơ quan công an đã khởi tố vụ án, khởi tố 7 bị can, bắt tạm giam 4 người liên quan gian lận điểm thi ở Sơn La và Hòa Bình. Trong đó, nhiều người là cán bộ của sở GD&ĐT.
Đến nay, quá trình điều tra chưa kết thúc nên chưa có kết luận cụ thể về hành vi sửa điểm thi của các bị can cũng như chưa thể hồi phục điểm gốc cho thí sinh như ở Hà Giang.
Điều này không chỉ gây khó khăn cho các trường (đặc biệt khối công an, quân đội) trong khâu xét tuyển (có chọn được đúng người) mà còn ảnh hưởng thí sinh trúng tuyển bằng thực lực của chính mình.
Quyên Quyên
Theo Zing
Bộ GD&ĐT hỗ trợ các trường nếu có nguyện vọng rà soát điểm thi THPT quốc gia
Vài ngày gần đây, thông tin các trường an ninh, quân đội có số thí sinh đỗ đầu vào với số điểm rất cao, tập trung ở Hòa Bình, Sơn La, Lạng Sơn- những tỉnh đang"dính" bê bối gian lận thi cử, gây xôn xao dư luận. Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng (Bộ GD&ĐT) cho biết, Bộ sẽ hỗ trợ nếu các trường có nguyện vọng rà soát.
Trao đổi với PV Dân trí ngày 9/8, ông Trinh cho hay, thông tin các trường an ninh, quân đội có số thí sinh đỗ đầu vào với số điểm rất cao, tập trung ở Hòa Bình, Sơn La, Lạng Sơn- những tỉnh đang"dính" bê bối gian lận thi cử là thực tế. Báo chí cũng đã đưa ra những con số ông cho là rất xác đáng.
"Như tôi nói ban đầu, chúng ta đừng đặt vấn đề tất cả các em đó đều là những thí sinh có gian lận thi cử- như thế rất tổn thương các con. Hiện tại chúng ta đang trong quá trình xử lý. Do đó, trước mắt tạm thời chấp nhận kết quả ấy để tuyển sinh và thực tế các em đã tuyển sinh", ông Trinh cho hay.
Cũng theo ông Trinh, khi có kết quả điều tra ra, sẽ soi chiếu vào quy chế để xử lý. Và lúc đó sẽ trả về thực tế của các em, thậm chí sẽ xử lý ở mức độ cao nhất và cần có thời gian chờ đợi.
Về câu hỏi dư luận đang đặt ra, liệu một số địa phương khác, điểm thi hiện rất cao có "dính" gian lận hay không?
Ông Trinh cho hay, những sai phạm ở Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình chắc chắn là cá biệt, không thể nói cả 63 tỉnh thành đều như vậy.
"Các sở GD&ĐT, những người trong cuộc cũng rất bất bình, phản đối, không thể tin có sai phạm như thế và quan điểm nếu có sai phạm thì phải xử lý.
Bộ GD&ĐT và Bộ Công an luôn xác định, rà soát các tỉnh sai phạm là nhiệm vụ rất trọng tâm. Thời điểm này, Bộ Công an đang nỗ lực cao nhất về nguồn lực con người và nguồn lực kỹ thuật, tài chính để sớm xác minh được những bất thường và có câu trả lời", ông Trinh nói.
Thí sinh tìm hiểu tuyển sinh THPT quốc gia vào ngành công an.
Trao đổi thêm với PV Dân trí về việc hiện tại có trường ĐH, CĐ nào đề xuất Bộ GD&ĐT rà soát lại kết quả thi chưa, nếu các trường có đề xuất thì Bộ GD&ĐT sẽ xử lý như thế nào?
Ông Trinh chia sẻ, hiện tại ông chưa nhận được thông tin trường nào có đề xuất rà soát lại kết quả thi THPT quốc gia.
Ông Trinh cho hay: "Chúng ta phải hiểu, tuyển sinh của các trường ĐH, CĐ hiện nay trên tinh thần tự chủ: Chẳng hạn như phương thức thế nào, sử dụng những hình thức tuyển sinh nào, sử dụng kết quả của kì thi THPT quốc gia ở mức độ nào... đó là quyền của các trường.
Đương nhiên, chăm lo cho chất lượng, các trường có giải pháp riêng như: Sơ tuyển, đánh giá năng lực hoặc có hệ số điểm cho các môn chính, nói chung hình thức rất đa dạng. Nếu các trường đề xuất nhưng không bị cấm, thì tùy các trường và nếu cần yêu cầu Bộ GD&ĐT hỗ trợ, Bộ sẽ hỗ trợ, tùy vào yêu cầu của từng trường".
Khẳng định thêm với Dân trí, ông Trinh cho biết, khi có kết quả cụ thể của các trường, Bộ GD&ĐT sẽ xem xét: "Tất nhiên, tôi vẫn khẳng định nếu nhà trường cần sự hỗ trợ của Bộ GD&ĐT thì chúng tôi sẽ hỗ trợ.
Tuy nhiên, nếu nói rộng ra, một giải pháp căn cơ và rất bài bản mà chúng tôi rất muốn làm đó là, các trường phải siết chặt đào tạo, sàng lọc chuẩn xác, để đến một lúc nào đó,việc tuyển sinh trở nên nhẹ nhàng nên các thí sinh cũng không cần phải gian lận làm gì nữa".
Khi có kết quả cụ thể của các trường, Bộ GD&ĐT sẽ xem xét hỗ trợ rà soát điểm thi nếu các trường có nguyện vọng (Ảnh: Mỹ Hà).
Như Dân trí đã đưa tin trước đó, thống kê của một số trường khối an ninh, quân đội khu vực phía Bắc có điểm đầu vào mức thủ khoa, á khoa đều là thí sinh đến từ Hòa Bình, Sơn La..., các tỉnh đang dính bê bối gian lận thi cử.
Trao đổi với PV Dân trí, Đại diện Ban tuyển sinh của Học Viện An ninh cho hay, đơn vị này rất mong muốn Bộ GD&ĐT sớm công bố kết quả điều tra bất thường về điểm thi ở một số tỉnh để thuận lợi hơn trong việc xét tuyển và đảm bảo chất lượng tuyển sinh. Tuy nhiên, hiện tại Học viện vẫn tuân thủ theo quy định, sẽ dùng kết quả này để xét tuyển.
Về đề xuất HV sát hạch đầu vào để đảm bảo chất lượng, đại diện Học Viện An ninh cho biết, thời điểm này chưa đặt ra vấn đề tổ chức sát hạch bởi khi sát hạch xong thì không có cơ sở để xử lý nên HV sẽ xét tuyển như bình thường.
Mỹ Hà
Theo Dân trí
Thí sinh Lạng Sơn, Hòa Bình phủ khắp danh sách thủ khoa trường quân đội phía Bắc Trong các trường quân đội khu vực phía Bắc, nhiều trường có thủ khoa đầu vào là thí sinh của các tỉnh Lạng Sơn, Hòa Bình. Năm 2018, Thủ khoa và Á khoa của Học viện Hậu cần đều là thí sinh của tỉnh Hòa Bình. Năm nay Học viện hậu cần tuyển 474 thí sinh. Nếu xét theo tổng điểm xét tuyển,...