Trường Đại học Hồng Đức với hoạt động hợp tác quốc tế
Hợp tác quốc tế là xu hướng tất yếu của mỗi trường đại học (ĐH) trong giai đoạn hiện nay nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học (NCKH) của nhà trường.
Với ý nghĩa đó, nhiều năm qua, Trường ĐH Hồng Đức không ngừng đẩy mạnh hoạt động hợp tác với đối tác, các trường ĐH nước ngoài về đào tạo, NCKH… Qua đó, từng bước nâng cao chất lượng đào tạo, khẳng định vị thế của nhà trường trong hệ thống giáo dục ĐH nước nhà.
Trường ĐH Hồng Đức phối hợp với Tổ chức Learnscape Planning and Design, Australia tổ chức hội thảo chuyên đề về giáo dục môi trường và mô hình dạy học lấy người học làm trung tâm.
Nhờ sự phát triển về nhiều mặt trong những qua, Trường ĐH Hồng Đức đã thu hút được sự quan tâm của nhiều đơn vị, tổ chức nước ngoài trong việc tìm hiểu, đặt vấn đề liên kết đào tạo. Trong 5 năm gần đây, nhà trường đã đón tiếp và làm việc với hàng chục đoàn khách thuộc các đối tác, như: Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc, Ba Lan, CHLB Đức, Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam…
Cùng với đó, nhà trường cũng cử nhiều đoàn cán bộ, giảng viên đi học nước ngoài, tham gia các chương trình hợp tác quốc tế, đồng thời, mời giảng viên các trường ĐH uy tín trên thế giới về truyền đạt cho đội ngũ giảng viên nhà trường những kinh nghiệm, kiến thức học thuật và giảng dạy tại trường… T
ừ khi thành lập đến nay, nhà trường đã ký kết hợp tác với gần 40 đối tác nước ngoài như Anh, Pháp, Đức, New Zealand, Thụy Điển, Tây Ban Nha, Ba Lan, Australia…
Tính từ năm 2016 đến nay, nhà trường đã ký 10 biên bản thỏa thuận hợp tác với các đối tác mới và đang tiến hành triển khai hiệu quả như: Ký kết thỏa thuận hợp tác với Trường ĐH Khoa học ứng dụng Zittau Goerlitz, CHLB Đức; ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác trong nghiên cứu, giảng dạy và trao đổi sinh viên với ĐH Polytech Tours, Cộng hòa Pháp…
Từ việc ký kết hợp tác, Trường ĐH Hồng Đức đã phối hợp triển khai hiệu quả nhiều chương trình cả trong đào tạo và NCKH. Đơn cử như chương trình trao đổi giảng viên, sinh viên và học bổng nghiên cứu sinh với Trường ĐH Zielona Gora (Ba Lan) trong khuôn khổ học bổng Eramus Plus.
Với chương trình này, 5 năm qua đã có 12 lượt cán bộ và 4 lượt sinh viên Trường ĐH Hồng Đức sang học tập, trao đổi kinh nghiệm tại Trường ĐH Zielona Gora; 15 lượt giảng viên của Trường ĐH Zielona Gora sang trao đổi chuyên môn và giảng dạy tại Trường ĐH Hồng Đức.
Ngoài ra, Khoa Khoa học tự nhiên của Trường ĐH Hồng Đức đã phối hợp với Khoa Vật lý và Thiên văn, Trường ĐH Zienola Gora tổ chức lớp học online bằng tiếng Anh cho các sinh viên vật lý năm thứ 4 Trường ĐH Hồng Đức có nguyện vọng tham gia chương trình 4 1 nhằm hỗ trợ sinh viên nâng cao kiến thức chuyên ngành và năng lực tiếng Anh cho các sinh viên.
Trong chương trình hợp tác với CHLB Đức, năm 2016, nhà trường đã phối hợp với Trường Đại học Greifwald thực hiện thành công đề tài NCKH cấp tỉnh “Nghiên cứu xây dựng mô hình xử lý nước sinh hoạt tại nguồn Khu Du lịch Sầm Sơn, Thanh Hóa”. Năm 2019, phối hợp với Trường Đại học Zittau Goerlitz triển khai thành công chương trình Summer School với chủ đề “Trao đổi văn hóa – phát triển du lịch bền vững và du lịch cộng đồng”. Xây dựng đề án và đăng ký thành công gói sách ngoại văn do Cơ quan Hàn lâm Đức (DAAD) tài trợ; đã bàn giao cho trung tâm thông tin thư viện đưa vào sử dụng từ tháng 6-2021.
Đối với các chương trình hợp tác với Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam, 5 năm gần đây, nhà trường đã phối hợp tổ chức thành công 2 hội thảo quốc tế gồm: Hội thảo quốc tế “Hands Across Waters: giáo dục gìn giữ môi trường qua tổ chức hoạt động nghệ thuật và mô hình trường học xanh”; hội thảo và trại sáng kiến thanh niên với chủ đề “Không rác thải nhựa”.
Tiếp nhận 2 lượt chuyên gia, tình nguyện viên về giảng dạy trực tiếp và 2 lượt chuyên gia giảng dạy online tại trường. Phối hợp với Văn phòng tiếng Anh khu vực, Trung tâm Hoa Kỳ thuộc Đại sứ quán Hoa Kỳ triển khai chương trình lớp tập huấn phương pháp giảng dạy tiếng Anh qua dự án theo sách giáo khoa phổ thông mới do chuyên gia Anh ngữ giảng dạy; mở 2 lớp tập huấn tại Trường ĐH Hồng Đức về nâng cao năng lực giảng dạy cho giáo viên tiếng Anh phổ thông và giảng viên các trường ĐH, cao đẳng trên địa bàn tỉnh…
Video đang HOT
Theo Tiến sĩ Trịnh Thị Thơm, Trưởng Phòng Hợp tác quốc tế, Trường ĐH Hồng Đức, hoạt động hợp tác quốc tế của nhà trường thời gian qua đã mang lại những lợi ích thiết thực góp phần nâng cao trình độ ngoại ngữ, chuyên môn nghiệp vụ, khả năng NCKH của cán bộ quản lý, giảng viên nhà trường; nâng cao chất lượng đào tạo và phương pháp giảng dạy, kiểm tra, đánh giá ở nhiều chuyên ngành, như: Kỹ thuật công nghệ, quản trị kinh doanh, kinh tế, du lịch, đào tạo ngoại ngữ…
Bên cạnh đó, việc hợp tác đào tạo quốc tế của nhà trường góp phần cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho công cuộc CNH, HĐH quê hương, đất nước. Cũng từ hoạt động hợp tác quốc tế đã góp phần củng cố và tăng cường mối quan hệ hữu nghị với Nhân dân nước bạn Lào và nhiều nước trong khu vực và thế giới. Tính từ năm 2016 đến nay, Trường ĐH Hồng Đức đã đào tạo gần 500 lưu học sinh Lào.
Nhiều lưu học sinh Lào hoàn thành chương trình đào tạo trở về nước phục vụ hiệu quả nhiệm vụ xây dựng và phát triển đất nước. Hiện, nhà trường đang đào tạo 133 lưu học sinh Lào. Ngoài sinh viên tỉnh Hủa Phăn nhà trường đã mở rộng phạm vi đào tạo lưu học sinh Lào đến các tỉnh Xiêng Khoảng, Bò Kẹo, Luông Nậm Tha.
Từ kết quả đạt được, Trường ĐH Hồng Đức xác định trong những năm tới, tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng những yêu cầu mới và hội nhập quốc tế; nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ, NCKH của đội ngũ cán bộ, giảng viên; tranh thủ mọi nguồn lực duy trì cũng như thiết lập các quan hệ hợp tác quốc tế mới phù hợp với năng lực, khả năng phát triển của nhà trường, góp phần nâng cao vị thế nhà trường ở trong và ngoài nước.
Nghịch lý trong tuyển sinh, đào tạo ở Học viện Phụ nữ Việt Nam
Các ngành then chốt, gắn liền với sứ mệnh của Học viện Phụ nữ Việt Nam đang có sự 'lép vế' trước những ngành khác trong quá trình tuyển sinh.
Vừa qua, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã đăng tải nhiều bài viết nêu lên ý kiến của các chuyên gia giáo dục lên tiếng về việc các trường đại học, học viện công lập hiện đang tuyển sinh dàn trải, đào tạo tràn lan ít gắn với sứ mệnh của trường khi được thành lập.
Việc đào tạo dàn trải, xa rời sứ mệnh thì không thể tạo uy tín, thương hiệu cho các trường đại học, học viện.
Mới đây, nhiều độc giả, chuyên gia cũng phản ánh đến Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam băn khoăn xung quanh việc tuyển sinh, đào tạo của Học viện Phụ nữ Việt Nam.
Theo đó, trong Quyết định số 569/QĐ-HVPNVN nêu Sứ mệnh, tầm nhìn, giá trị cốt lõi của Học viện Phụ nữ Việt Nam nhấn mạnh: "Học viện phụ nữ Việt Nam có sứ mệnh đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ Hội, cán bộ làm công tác phụ nữ và tham gia đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước đáp ứng yêu cầu, tiêu chuẩn trong từng thời kỳ; thực hiện các nhiệm vụ khoa học công nghệ để tham mưu, đề xuất cho Đảng, Nhà nước và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam" [1].
Với 8 mục tiêu cũng được trường này đăng tải thông tin thể hiện rõ, trong đó một số mục tiêu xoay quanh các nội dung như: bảo đảm chất lượng và quy trình nội bộ, môi trường và cộng đồng, học tập và phát triển, tài chính và cơ sở vật chất, hợp tác quốc tế và nghiên cứu khoa học công nghệ.
Sứ mệnh của Học viện Phụ nữ Việt Nam đề cập rõ "đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ Hội, cán bộ làm công tác phụ nữ và tham gia đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước đáp ứng yêu cầu, tiêu chuẩn trong từng thời kỳ; thực hiện các nhiệm vụ khoa học công nghệ để tham mưu, đề xuất cho Đảng, Nhà nước và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam". Ảnh: hvpnvn.edu.vn
Đáng chú ý hơn cả, trong hoạt động đào tạo chuyên môn, thể hiện qua mục tiêu số 2 với tiêu đề: "bồi dưỡng cán bộ và phụ nữ" với nội dung như sau: "Đạt quy mô bồi dưỡng trung bình hàng năm ít nhất là 2.500 lượt học viên với 20 chương trình bồi dưỡng khác nhau được tổ chức cho cán bộ Hội, cán bộ nữ và lao động nữ; góp phần thúc đẩy bình đẳng giới và thực hiện thành công Đề án bồi dưỡng cán bộ Hội đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt giai đoạn 2018 - 2025" [2].
Điều này cũng được nhắc lại thêm một lần nữa trong mục Tầm nhìn của Học viện Phụ nữ Việt Nam đăng trên website của trường như sau: "Đến năm 2030, Học viện Phụ nữ Việt Nam trở thành một cơ sở giáo dục đại học định hướng ứng dụng được xếp hạng 1 trong khung xếp hạng của Chính phủ Việt Nam; là một trung tâm có uy tín trong việc bồi dưỡng cán bộ Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, cán bộ nữ trong hệ thống chính trị " [3].
Trong Tầm nhìn của Học viện Phụ nữ Việt Nam cũng thể hiện việc "là một trung tâm có uy tín trong việc bồi dưỡng cán bộ Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, cán bộ nữ trong hệ thống chính trị". Ảnh: hvpnvn.edu.vn
Tuy nhiên, khi đối chiếu với Đề án tuyển sinh năm 2021 của trường, nhiều chuyên gia cho rằng, các ngành đào tạo gắn liền với sứ mệnh then chốt như ngành Giới và phát triển; xã hội học đang bị "lép vế" so với các ngành được đào tạo đại trà ở nhiều trường khác.
Đơn cử như ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành và Truyền thông đa phương tiện hiện vẫn đang lấy cao nhất với 200 chỉ tiêu. Hay như ngành Quản trị kinh doanh lấy 130 chỉ tiêu.
Ngược lại, các ngành chủ chốt, gắn liền với sứ mệnh như: Giới và phát triển hiện đang lấy 60 chỉ tiêu, Tâm lý học lấy 60 chỉ tiêu và Xã hội học cũng chỉ ở mức 50 chỉ tiêu.
Trong danh sách trúng tuyển trường này công bố, chúng tôi cũng nhận thấy sự chênh lệch về thí sinh không chỉ thể hiện ở chỉ tiêu tuyển sinh, số lượng thí sinh trúng tuyển của trường này cũng đang cho thấy sự "áp đảo" có xu hướng thiên về các ngành ít gắn liền với sứ mệnh then chốt của học viện.
Cụ thể, chỉ trong đợt công bố danh sách thí sinh trúng tuyển đại học chính quy đợt 1 năm 2021, ngành Truyền thông đa phương tiện có tới 123 thí sinh trúng tuyển, ngành Quản trị kinh doanh có 88 thí sinh trúng tuyển, ngành Quản trị dịch vụ du lịch và Lữ hành có 62 thí sinh trúng tuyển.
Trái lại, ở các ngành cốt lõi, gắn liền với sứ mệnh then chốt của Học viện Phụ nữ Việt Nam như: Ngành Xã hội học chỉ có 4 thí sinh trúng tuyển, ngành Giới và phát triển chỉ có 9 thí sinh trúng tuyển và ngành Công tác xã hội cũng chỉ có 13 thí sinh trúng tuyển.
Đặc biệt, trong danh sách trúng tuyển đợt 1 bổ sung được Học viện Phụ nữ Việt Nam công bố, có 20 thí sinh được công nhận trúng tuyển nhưng chỉ có danh sách của thí sinh ở các ngành như: Kinh tế, Luật, Quản trị Dịch vụ du lịch và Lữ hành, Quản trị kinh doanh và Truyền thông đa phương tiện.
Được biết, về việc mở ngành đào tạo trình độ đại học đối với các trường đại học, học viện đã được quy định tại khoản 1, Điều 2 Thông tư 22/2017/TT-BGDĐT cụ thể như sau: "Ngành đăng ký đào tạo phải phù hợp với nhu cầu của xã hội và người học; phù hợp với yêu cầu nguồn nhân lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, vùng, miền và cả nước; phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của cơ sở đào tạo. Việc mở ngành đào tạo đã được xác định trong phương hướng, kế hoạch phát triển của cơ sở đào tạo" [4].
Trong bảng chỉ tiêu tuyển sinh năm 2021 cho thấy, chỉ tiêu của các ngành gắn với sứ mệnh then chốt (tô màu xanh) đang thấp hơn chỉ tiêu dành cho các ngành khác (tô màu vàng). Ảnh chụp màn hình Đề án
Trong năm 2019, 2020 có thể thấy được, số chỉ tiêu và số trúng tuyển của các ngành then chốt, gắn với sứ mệnh (tô màu xanh) của Học viện Phụ nữ Việt Nam đang thấp hơn hẳn so với số chỉ tiêu và số trúng tuyển của các ngành ít liên quan đến sứ mệnh chính (tô màu vàng). Ảnh chụp màn hình Đề án
Nghịch lý trên cũng diễn ra trong các năm trước. Theo đó, trong năm 2019, ngành Quản trị kinh doanh công bố 100 chỉ tiêu nhưng có số trúng tuyển là 135 thí sinh, ngành Quản trị du lịch và Lữ hành công bố 150 chỉ tiêu nhưng có tới 249 thí sinh trúng tuyển. Hay như ngành Truyền thông đa phương tiện công bố 120 chỉ tiêu nhưng có đến 136 thí sinh trúng tuyển.
Các nhóm ngành truyền thống gắn với sứ mệnh then chốt của Học viện như: Giới và phát triển dù lấy chỉ 50 chỉ tiêu nhưng cũng chỉ có 24 thí sinh trúng tuyển, ngành Công tác xã hội công bố 80 chỉ tiêu nhưng cũng chỉ có 42 thí sinh trúng tuyển.
Đào tạo và tuyển sinh của Học viện Phụ nữ Việt Nam đang tồn tại nghịch lý? Ảnh: Trung Dũng
Không chỉ vậy, danh sách giảng viên được nhà trường công bố trong Đề án tuyển sinh 2021 có tổng số 139 giảng viên cơ hữu, không thấy danh sách của giảng viên thỉnh giảng.
Trong đó, đơn cử về số lượng giảng viên cơ hữu có trình độ Tiến sĩ, Thạc sĩ theo chuyên môn được đào tạo phân bố ở các nhóm ngành ít gắn liền đến sứ mệnh cụ thể như sau:
Với ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành được ghi nhận có 01 Thạc sĩ cùng chuyên ngành, không tìm thấy giảng viên cơ hữu nào có trình độ Tiến sĩ cùng chuyên ngành Quản trị dịch vụ du lịch và Lữ hành.
Với ngành Truyền thông đa phương tiện có đào tạo Báo chí đa phương tiện và Thiết kế đa phương tiện có 3 giảng viên là Thạc sĩ và 1 Tiến sĩ có chuyên ngành Báo chí.
Với ngành Công nghệ thông tin thì có 3 Thạc sĩ, 2 giảng viên đại học đúng chuyên ngành công nghệ thông tin, không tìm thấy giảng viên nào là Tiến sĩ đúng chuyên ngành công nghệ thông tin.
Trong khi đó, về điều kiện đội ngũ giảng viên cơ hữu, khi đối chiếu với quy định về điều kiện mở mã ngành đào tạo trình độ đại học trong khoản 2, Điều 2, Thông tư 22/2017/TT-BGDĐT do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành có quy định với các trường đại học, học viện như sau: "a) Có ít nhất 10 (mười) giảng viên cơ hữu có trình độ thạc sĩ trở lên cùng ngành hoặc ngành gần với ngành đăng ký đào tạo, trong đó có ít nhất 01 (một) tiến sĩ và 04 (bốn) thạc sĩ, hoặc 02 (hai) tiến sĩ và 02 (hai) thạc sĩ cùng ngành đăng ký đào tạo; trừ các ngành thuộc qui định tại các điểm b, điểm c, điểm d Khoản này" [5].
Tư liệu tham khảo:
[1]. http://hvpnvn.edu.vn/bai-viet/chien-luoc-triet-ly-su-menh-tam-nhin-muc-tieu-gia-tri-cot-loi/su-menh-cua-hoc-vien-phu-nu-viet-nam
[2]. http://hvpnvn.edu.vn/bai-viet/su-menh--gia-tri-cot-loi--triet-ly-gd/muc-tieu-phat-trien-cua-hoc-vien-phu-nu-viet-nam
[3]. http://hvpnvn.edu.vn/bai-viet/chien-luoc-triet-ly-su-menh-tam-nhin-muc-tieu-gia-tri-cot-loi/tam-nhin-cua-hoc-vien-phu-nu-viet-nam
[4], [5]. https://thuvienphapluat.vn/van-ban/giao-duc/Thong-tu-22-2017-TT-BGDDT-dieu-kien-trinh-tu-thu-tuc-mo-nganh-dao-tao-trinh-do-dai-hoc
6 nhiệm vụ trọng tâm của giáo dục đại học năm 2022 Đẩy mạnh việc thực hiện tự chủ đại học, xác định chuyển đổi số là nhiệm vụ chiến lược của mỗi nhà trường, thúc đẩy nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế,... là những nhiệm vụ trọng tâm của giáo dục đại học trong năm học 2021 - 2022. Bộ GD-ĐT vừa có văn bản hướng dẫn các cơ sở giáo dục...