Trường chuẩn ở vùng biên Đắk Glei
Nằm ở phía Bắc của tỉnh Kon Tum, huyện biên giới Đắk Glei có 12 xã thì có đến 11 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn, với tỷ lệ người đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 90% dân số.
Học sinh huyện biên giới Đắk Glei được học tập trong điều kiện tốt hơn
Điều kiện phát triển kinh tế – xã hội còn rất nhiều khó khăn đã ảnh hưởng rất lớn đến việc đầu tư phát triển giáo dục, tuy nhiên, nhờ sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị, công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia trong thời gian qua đã không ngừng tăng lên.
Đổi thay từ những ngôi trường vùng biên
Đến thăm các trường học ở các huyện biên giới Đắk Glei, đứng nhìn những con đường bê tông trải dài, những ngôi trường khang trang, những ngôi nhà được xây dựng vững chãi… chúng tôi thực sự mới dám tin rằng những lời thầy giáo Lê Hải Lâm – Trưởng phòng GD&ĐT Đắk Glei nói về thành quả và những đổi thay mạnh mẽ của ngành Giáo dục địa phương là sự thật. Bởi nếu ai đã từng đến nơi đây chừng hơn chục năm về trước chắc hẳn vẫn chưa quên được hình ảnh những con đường đất quanh co rừng núi, những bản làng tạm bợ chẳng đủ che nắng, che mưa của người dân tộc Xơ Đăng, Giẻ Triêng nghèo khó. Cuộc sống của nhân dân khó khăn, thiếu thốn trăm bề.
Ngày ấy, huyện Đắk Glei còn được trao “danh hiệu” là một trong những địa phương có nhiều tiêu chí “không” nhất trong toàn tỉnh Kon Tum: “Không đường giao thông, không điện, không trường học”.
Vậy nhưng, nhờ được hưởng thụ những chính sách ưu tiên của Đảng, Nhà nước, sự chung tay hỗ trợ của cộng đồng, xã hội, cùng sự nỗ lực của chính quyền, ngành GD-ĐT trong thời gian qua, đến nay, huyện Đắk Glei đã xây dựng, phát triển hệ thống mạng lưới trường lớp đến tận thôn, xóm, diện mạo giáo dục vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã thực sự thay đổi. Trường lớp ngày càng được đầu tư xây dựng kiến cố hóa – hiện đại hóa theo hướng đạt chuẩn quốc gia. Tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng giảm hẳn, chất lượng chăm sóc, giáo dục học sinh ngày càng được nâng cao.
Trong những ngày đến với các trường học trên địa bàn huyện biên giới Đắk Glei, được nghe những lời tâm sự của những cán bộ, giáo viên đã có thâm niên công tác, dạy học ở đây, chúng tôi thực sự phấn khởi khi ai ai cũng bày tỏ niềm vui mừng trước sự đổi thay này. Đó là niềm vui, phấn khởi của không chỉ đội ngũ cán bộ, giáo viên, mà còn là niềm tự hào của chính quyền, người dân địa phương khi Trường MN xã Đắk KRoong, Trường THCS thị trấn Đắk Glei đón nhận bằng công nhận trường đạt chuẩn quốc gia ngay trong những ngày chuẩn bị kết thúc năm học 2017 – 2018.
Chúng tôi cũng thật sự bất ngờ khi biết chỉ trong thời gian ngắn mà những ngôi trường ở địa bàn vùng khó nhưng lại có bước phát triển rất nhanh với những thành tích nổi bật. Đó là Trường Tiểu học Đắk KRoong được thành lập từ năm 2001, nhưng chỉ sau gần 10 năm thành lập đã vinh dự được công nhận trường đạt chuẩn quốc gia mức độ I. Như Trường MN xã Xốp vừa mới được thành lập năm 2008 với chỉ có 7 cán bộ, giáo viên, cơ sở vật chất còn đơn sơ, nhưng sau 9 năm xây dựng, phấn đấu, trường đã có cơ ngơi tương đối khang trang, sạch đẹp với một số trang thiết bị đồ dùng, đồ chơi, đảm bảo cho công tác nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ.
Video đang HOT
Quả ngọt kết trái
Hệ thống trường học trên địa bàn huyện Đắk Glei được quan tâm đầu tư theo hướng đạt chuẩn quốc gia
Có đến với các trường học, được lắng nghe những tâm sự, sẻ chia của đội ngũ cán bộ, giáo viên, cảm nhận được niềm vui, phấn khởi, tự hào của phụ huynh học sinh, chúng tôi mới thực sự cảm nhận, thấu hiểu được những khó khăn, gian khổ và sự nỗ lực, những hy sinh thầm lặng, sự tận tâm cống hiến của những người giáo viên nơi vùng biên giới còn lắm gian khó này.
Với sự quyết tâm, chung sức của cả hệ thống chính trị trong thực hiện nhiệm vụ phát triển GD-ĐT, đến nay, huyện biên giới Đắk Glei đã có mạng lưới trường lớp mở rộng đến từng địa bàn thôn, làng. 12/12 xã/thị trấn đều có trường học từ mầm non đến THCS. Nhiều trường học đã được đầu tư xây dựng tương đối đồng bộ theo các tiêu chí trường đạt chuẩn quốc gia.
Năm học 2017 – 2018, trên địa bàn huyện Đắk Glei có tất cả 38 đơn vị trường học; trong đó có 12 trường mầm non, 13 trường tiểu học, 12 trường THCS và 1 trường TH – THCS. Tổng số trường đạt chuẩn quốc gia là 8/38 trường, chiếm tỷ lệ 21,1%. Trong đó, mầm non 1/12 trường (chiếm tỷ lệ 8,3%), tiểu học 3/13 trường (chiếm tỷ lệ 23,1%), THCS 4/12 trường (chiếm tỷ lệ 33,3%). Hệ thống trường học theo mô hình phổ thông dân tộc bán trú không ngừng được phát triển mở rộng, đến nay đã có 6 trường học được thành lập, hoạt động.
Theo xaluan.com
Buộc trách nhiệm gia đình học sinh trong việc chống xúc phạm, bạo hành nhà giáo?
Dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục có quy định về trách nhiệm của gia đình phối hợp với nhà trường, nhà giáo trong việc giáo dục học sinh, tôn trọng nhà giáo, không được xúc phạm danh dự, nhân phẩm và thân thể nhà giáo...
Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ trình luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Giáo dục trước Quốc hội
Gỡ những "nút thắt" trong đổi mới giáo dục
Thay mặt Chính phủ, thừa uỷ quyền Thủ tướng trình dự luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Giáo dục trước Quốc hội sáng 29/5, Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh về tính cần thiết phải sửa luật.
Bộ trưởng Nhạ khái quát, qua 12 năm thi hành, Luật Giáo dục đã góp phần quan trọng vào quá trình phát triển giáo dục và đào tạo Việt Nam thời kỳ hội nhập quốc tế, tạo ra nhiều chuyển biến tích cực trong hệ thống giáo dục quốc dân. Các kết quả đạt được góp phần nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, nâng cao Chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam, được nhiều nước, tổ chức quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.
Tuy nhiên, thời gian qua, Luật Giáo dục cũng bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập, trở thành những điểm nghẽn, là nút thắt trong quá trình thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Cụ thể, theo Bộ trưởng, quy định về hệ thống giáo dục quốc dân chưa thể hiện được sự gắn kết chặt chẽ giữa các cấp học và trình độ đào tạo; giữa giáo dục chính quy và giáo dục thường xuyên; thiếu định hướng phát triển và phân luồng người học từ sau trung học cơ sở.
Quy định về mục tiêu, yêu cầu, nội dung, chương trình giáo dục, phương pháp giáo dục phổ thông chưa đáp ứng yêu cầu phát triển toàn diện phẩm chất và năng lực người học, nhất là những yêu cầu về vận dụng kiến thức, rèn luyện tư duy độc lập, khả năng tự học, các kỹ năng thực hành, kỹ năng hợp tác và làm việc nhóm, kỹ năng ngoại ngữ và tin học.
Nội dung, chương trình học cũng chưa tạo được điều kiện thuận lợi cho học sinh Việt Nam theo học các chương trình đào tạo quốc tế. Quan điểm tích hợp chưa được quán triệt đầy đủ trong thiết kế chương trình giáo dục.
Về phía giáo viên, Bộ trưởng GD-ĐT nhận định, quy định về đào tạo, bồi dưỡng, thu hút, tuyển dụng, sử dụng nhà giáo chưa đảm bảo yêu cầu xây dựng, phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Bỏ chế độ ưu đãi học phí với sinh viên sư phạm
Trong dự thảo luật sửa đổi đề ra mục tiêu giáo dục áp dụng chung cho tất cả các cấp học và trình độ đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân, nhằm phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ tổ quốc và hội nhập quốc tế.
Luật sửa đổi, bổ sung quy định về hệ thống giáo dục quốc dân. Hệ thống giáo dục được thiết kế theo hướng mở, tạo điều kiện cho người học có thể dễ dàng chuyển đổi giữa các chương trình, trình độ và hình thức đào tạo; đảm bảo tính tương thích với các hệ phân loại giáo dục chung của quốc tế và đảm bảo tính so sánh được của các trình độ, các loại văn bằng.
Cơ quan soạn thảo đề nghị sửa đổi, bổ sung quy định về mục tiêu, chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, xxác định rõ và công khai mục tiêu, chuẩn đầu ra của từng cấp học, môn học, tạo sự chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng và hiệu quả giáo dục phổ thông.
Những nội dung sửa đổi này nhằm luật hóa một số yêu cầu về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông tại Nghị quyết số 88 năm 2014 của Quốc hội về vấn đề này cho phù hợp với thực tiễn triển khai. Theo đó, dự thảo luật đưa ra quy định một số nội dung mang tính nguyên tắc về việc tổ chức biên soạn chương trình, sách giáo khoa, việc tổ chức thực nghiệm chương trình; hội đồng quốc gia thẩm định chương trình, sách giáo khoa; việc lựa chọn, sử dụng sách giáo khoa...
Dự thảo luật cũng chủ trương xây dựng hệ thống chính sách đối với trường ngoài công lập, gồm chế độ tài chính, quyền sở hữu tài sản, rút vốn và chuyển nhượng vốn, nhằm khuyến khích phát triển các trường ngoài công lập, các cơ sở giáo dục hoạt động không vì lợi nhuận.
Dự luật cũng hướng tới việc chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục theo từng cấp học và trình độ đào tạo; đặc biệt chú trọng đổi mới mục tiêu, nội dung, phương pháp đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng và đánh giá kết quả học tập, rèn luyện của nhà giáo theo yêu cầu nâng cao chất lượng, trách nhiệm, đạo đức và năng lực nghề nghiệp.
Cụ thể, nhà nước sẽ nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên tiểu học, trung học cơ sở; giảng viên giảng dạy trình độ đại học và giảng viên giảng dạy, hướng dẫn luận văn thạc sĩ để đảm bảo chất lượng đào tạo, giảng dạy. Các quy định về trình độ chuẩn giáo viên tiểu học, trung học cơ sở có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2026.
Dự luật cũng đưa vào quy định về trách nhiệm của gia đình phối hợp với nhà trường, nhà giáo trong việc giáo dục học sinh; tôn trọng nhà giáo, không được xúc phạm danh dự, nhân phẩm và thân thể nhà giáo.
Ngoài ra, Chính phủ đề nghị sửa quy định về học phí của học sinh, sinh viên sư phạm theo hướng học sinh, sinh viên sư phạm thực hiện việc đóng học phí như học sinh, sinh viên các ngành khác. Việc sửa đổi này nhằm thực hiện đúng quan điểm ưu tiên, ưu đãi đối với người học sau khi tốt nghiệp làm việc trong ngành giáo dục, tránh lãng phí ngân sách nhà nước.
P.Thảo
Theo Dân trí
Chuẩn Hiệu trưởng: Khẳng định vai trò của người quản lý Hiệu trưởng trường phổ thông là người đứng đầu nhà trường có vai trò quan trọng nhất trong quá trình thiết lập, định hướng, tổ chức các hoạt động dạy học, giáo dục học sinh, quản lý và thúc đẩy các hoạt động khác tạo sự thành công cho nhà trường. Dự thảo về Chuẩn Hiệu trưởng mà Bộ GD&ĐT mới ban hành...