Trường cao đẳng tuyển sinh “bết bát” vì đại học vét thí sinh?
Dù vẫn đang cố gắng chiêu sinh nhưng phải thừa nhận rằng các trường cao đẳng đã không còn nguồn tuyển.
Đến thời điểm này, nhiều trường vẫn chưa tuyển đủ chỉ tiêu dù năm học mới đã bắt đầu. Nguyên nhân là do bậc học này không chịu nổi “sức vét” của các trường đại học lẫn tình hình dịch bệnh khó khăn.
Trường đại học đầu tiên tại TPHCM dự kiến dạy tập trung vào cuối tháng 10Dịch bệnh phức tạp, kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học năm tới được tổ chức thế nào?
Mòn mỏi tìm, chờ người học
Nếu như trước đây, thị phần của trường đại học (ĐH) sẽ tuyển những thí sinh có điểm thi trung bình khá trở lên, số thí sinh có điểm thấp sau khi “lọt sàn sẽ xuống nia”, dùng học bạ để xét vào các trường cao đẳng (CĐ), trung cấp (TC). Đó là khi các trường ĐH phải xét tuyển bằng điểm của các kỳ thi chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì lợi thế của bậc TC, CĐ là chỉ cần thí sinh tốt nghiệp THPT là đủ. Thế nhưng, khoảng ba năm trở lại đây, khi mà các trường ĐH đa dạng phương thức xét tuyển, trong đó xét cả học bạ, thì cũng là lúc các trường TC, CĐ ngậm ngùi chờ người học đến cuối mùa tuyển sinh.
Tiến sĩ Lê Lâm, Hiệu trưởng Trường CĐ Đại Việt Sài Gòn, than: “Năm nay, tuyển sinh “bết” quá, giảm một nửa so với năm rồi và giảm 1/5 so với trước đây. Nguyên nhân thì có nhiều, hai năm nay dịch bệnh gây khó khăn cho nhiều gia đình vì vậy phải tính toán lại chi tiêu, kể cả chi tiêu cho giáo dục. Do đó, nhiều học sinh phải chọn học nghề tại địa phương thay vì lên các thành phố lớn. Thêm nữa, tâm lý xưa nay của người học vẫn thích ĐH hơn học nghề. Nếu vào ĐH khó thì khác, bây giờ vào ĐH dễ hơn, thì chắc chắn thí sinh sẽ chọn vào ĐH”.
Sinh viên ngành dược, điều dưỡng Trường cao đẳng Đại Việt Sài Gòn trong giờ học (ảnh chụp trước khi dịch COVID-19 bùng phát) – ẢNH: PHÚC TRẦN
Video đang HOT
Ngoài chất lượng đào tạo thì trước nay, lợi thế của bậc TC, CĐ nằm ở điều kiện tuyển sinh. Người học khá giỏi sẽ chinh phục giảng đường ĐH, thí sinh có học lực trung bình khá trở xuống thường chọn TC, CĐ để gửi gắm ước mơ. Sự phân tầng hợp lý đã dần phá bỏ khi đường vào ĐH ngày càng dễ hơn, những bậc học “chiếu dưới” ngày càng khó khăn trong việc tìm người học.
Thạc sĩ Cao Ngọc Tưởng Vân, Trưởng phòng Tuyển sinh Trường CĐ Quốc tế TP.HCM, cho hay: Đến thời điểm này, trường tuyển tốt ở hệ 9 (thí sinh tốt nghiệp THCS). Năm 2021, hệ 9 tuyển được 90% chỉ tiêu (300 chỉ tiêu), còn CĐ tuyển thí sinh tốt nghiệp THPT chỉ đạt 50% (1.000 chỉ tiêu). Trường CĐ đang chịu tác động kép: do dịch bệnh khiến tình hình kinh tế khó khăn, và các trường ĐH dùng nhiều cách thu hút, chỉ tiêu ngày càng nhiều, điều kiện tuyển sinh ngày càng dễ nên gần như đã không còn nguồn tuyển.
Còn thạc sĩ Trần Công Nam, Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Bách khoa Sài Gòn, cho biết: “So với kế hoạch tuyển sinh năm 2021, hiện trường mới chỉ tuyển đạt 70% so với chỉ tiêu. Tình hình năm nay rất căng thẳng và khó khăn cho các trường nghề, chính vì thế số trường có thể đạt 100% so với kế hoạch đề ra là rất ít”.
Theo các chuyên gia tuyển sinh, các trường ĐH đang tăng đáng kể chỉ tiêu ở phương thức xét học bạ. Do lo ngại dịch COVID-19 có thể khiến địa phương không tổ chức thi tốt nghiệp, nhiều trường ĐH đã đẩy mạnh việc xét học bạ để “nắm” được càng nhiều thí sinh, càng sớm càng tốt. Và phần đông các trường CĐ ở thời điểm này chỉ tuyển được 50 – 80% chỉ tiêu.
Tuyển nữa cũng không có nguồn
Trường CĐ Bách khoa Sài Gòn đã bắt đầu năm học mới 2021-2022 từ giữa tháng Chín, bằng hình thức dạy học trực tuyến và đang bổ sung xét tuyển đợt cuối đến hết ngày 31/10. Nhưng khả năng cũng không tuyển thêm được bao nhiêu.
Theo thạc sĩ Trần Công Nam, công tác tuyển sinh của các trường TC, CĐ tại TP.HCM gặp rất nhiều khó khăn vì nhiều lý do khác nhau: Dịch bệnh ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, sinh hoạt, thu nhập của các gia đình có thu nhập trung bình, hộ nghèo – đối tượng chính của bậc TC, CĐ. Chưa kể đến tâm lý sợ dịch, nhiều gia đình không an tâm cho con em mình học tập ở TP.HCM, mà rẽ hướng sang học ở cơ sở giáo dục gần nhà. Đa phần các em học trường nghề với định hướng học nhanh, ra trường sớm và đi làm ngay, tuy nhiên hiện nay hầu hết các ngành đều bị ảnh hưởng nặng nề, nên việc lựa chọn trường nghề sẽ được các em và gia đình cân nhắc rất kỹ. Với tình hình hiện tại, các trường ở TP.HCM đều khởi đầu năm học mới bằng hình thức học online và có khả năng kéo dài hết học kỳ I, trong khi đó tâm lý và sự sẵn sàng chấp nhận sự thay đổi của các em có phần hạn chế, nên rất nhiều trường hợp đã hoàn tất các thủ tục hồ sơ xong lại đổi ý.
Tiến sĩ Lê Lâm thì cho biết tuy các trường có thể vẫn tiếp tục tuyển sinh nhưng cũng không còn nhiều nguồn tuyển. Đến cuối tháng Mười là thời điểm chậm nhất để kết thúc mùa tuyển sinh, thí sinh phần lớn đều xác định được chỗ học hoặc đợi thêm một năm. Hiện nay, khả năng chỉ còn số ít thí sinh xét vào sư phạm mầm non.
Trường CĐ Quốc tế TP.HCM sẽ kéo dài thời gian tuyển sinh đến hết tháng 11 dù biết sẽ không còn nhiều thí sinh. Đây là kỳ tuyển sinh dài nhất mà trường thực hiện để “chờ” người học. Mọi năm, tháng Mười là trường đã kết thúc tuyển sinh.
Hiệu trưởng một trường CĐ tại Đồng Nai đúc kết: Vấn đề không phải các trường không thể chờ, mà là không còn nguồn tuyển. Chỉ tiêu, ngành nghề của bậc ĐH không ngừng nở nồi; tiêu chí tuyển sinh đa dạng và ngày càng dễ hơn nên gần như vét sạch người học. Thí sinh có điều kiện vào ĐH thì sẽ vào cho bằng được. Nếu người học khó khăn không thể vào ĐH thì sẽ vào các trường CĐ công lập. Các trường TC, CĐ ngoài công lập ngày càng đối diện nhiều khó khăn.
Công bố phương án thi tốt nghiệp THPT năm 2022 không mấy thay đổi
Bộ GD-ĐT chính thức phát đi thông báo khẳng định: kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 được tổ chức cơ bản giữ ổn định như năm 2021.
Bộ GD-ĐT vừa phát đi thông báo phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2022, với một số nội dung chính như sau:
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 được tổ chức cơ bản giữ ổn định như năm 2021. Các tỉnh/thành phố trực thuộc T.Ư chủ trì toàn bộ công tác tổ chức thi tại địa phương theo khung thời gian tổ chức thi do Bộ GD-ĐT quy định. Thời gian tổ chức Kỳ thi tại các tỉnh có thể được xem xét điều chỉnh phù hợp với tình hình dịch bệnh tại địa phương.
Nội dung thi nằm trong chương trình giáo dục THPT hiện hành, chủ yếu là chương trình lớp 12; không bao gồm các nội dung được tinh giản nhằm phục vụ dạy và học ứng phó dịch Covid-19 mà Bộ GDĐT đã công bố; đề thi được xây dựng đáp ứng yêu cầu của Kỳ thi, bảo đảm độ phân hóa phù hợp và hạn chế học tủ, học lệch, khuyến khích sáng tạo của thí sinh.
Bộ GD-ĐT xây dựng cấu trúc, định dạng đề thi, công bố đề thi tham khảo; hoàn thiện ngân hàng câu hỏi thi để tổ hợp thành các đề thi bằng phần mềm chuyên dụng, cung cấp cho các địa phương tổ chức thi, bảo đảm cân bằng giữa các vùng miền, các tỉnh và giữa các đợt thi (nếu tổ chức nhiều đợt thi).
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 sẽ giữ ổn định như năm 2021 - ĐẬU TIẾN ĐẠT
Các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng thực hiện quyền tự chủ trong tuyển sinh theo quy định của pháp luật và quy chế, hướng dẫn của Bộ GD-ĐT; thực hiện công tác tuyển sinh theo đề án tuyển sinh của trường, bảo đảm công bằng cho các nhóm đối tượng và các phương thức tuyển sinh;
Khuyến cáo những trường đại học, ngành học có mức độ cạnh tranh cao chỉ sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT làm công cụ sàng lọc, sơ tuyển, sau đó, cần có thêm các hình thức chọn lọc bổ sung nhằm phân loại tốt hơn đối tượng tuyển chọn. Các đại học quốc gia, đại học vùng và các trường/nhóm trường đại học đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện có thể tổ chức các kỳ thi đánh giá để làm căn cứ xét tuyển ĐH, CĐ và chia sẻ, hỗ trợ các trường khác có nhu cầu.
Bộ GD-ĐT cùng các địa phương tổ chức thanh tra, kiểm tra tất cả các khâu của Kỳ thi để bảo đảm an toàn, nghiêm túc, thiết thực, khách quan, công bằng.
Về phương án thi THPT các năm 2023-2025, Bộ GD-ĐT sẽ hoàn thiện phương án, lấy ý kiến rộng rãi các bên liên quan và sẽ công bố vào quý 1 năm 2022.
Như vậy, Bộ GD-ĐT sẽ không tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 theo phương án của giai đoạn 2022-2025 như thông báo trước đó.
Trường đại học đầu tiên công bố điểm chuẩn xét tuyển bổ sung Trường Đại học Thăng Long công bố điểm chuẩn trúng tuyển đợt xét tuyển bổ sung năm 2021. Ngành có điểm chuẩn cao nhất là Truyền thông đa phương tiện, Luật Kinh tế - với 26,10 điểm (không nhân hệ số). Các trường đại học bắt đầu công bố điểm chuẩn xét tuyển bổ sung năm 2021. Ảnh minh họa: Hải Nguyễn Điểm...