Trường cao đẳng, trung cấp được tuyển sinh nhiều lần trong năm
Các trường được tự chủ tối đa trong tuyển sinh, miễn sao đảm bảo nội dung tối thiểu mà Bộ Lao động quy định về ngành nghề đào tạo, thời gian, đối tượng và hình thức tuyển sinh.
Ngày 9/3, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội công bố Thông tư 05 quy định quy chế tuyển sinh và xác định chỉ tiêu tuyển sinh trình độ trung cấp, cao đẳng năm 2017.
Quy chế này áp dụng cho trường cao đẳng, trường trung cấp và trường đại học có đăng ký đào tạo trình độ cao đẳng, không áp dụng cho thí sinh vào học chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài và đi học ở nước ngoài.
Quy chế tuyển sinh do các trường tự xây dựng, miễn sao đáp ứng được tiêu chuẩn ngành, nghề đào tạo, thời gian, đối tượng, hình thức tuyển sinh, chính sách ưu tiên, các điều kiện đảm bảo chất lượng đầu vào, lệ phí…
Trường được tuyển sinh nhiều lần trong năm
Theo thông tư, thời gian tuyển sinh của các trường được thực hiện một hay nhiều lần trong năm. Với trình độ trung cấp, các trường được tuyển học sinh đã tốt nghiệp THCS và tương đương trở lên, trong khi trình độ cao đẳng được tuyển học sinh tốt nghiệp THPT hoặc tương đương trở lên.
Các trường được chọn hình thức xét tuyển, thi tuyển hoặc kết hợp giữa xét tuyển và thi tuyển. Nội dung đề thi phù hợp với trình độ chung của thí sinh và thời gian làm bài quy định cho mỗi môn thi.
Đề thi đạt được yêu cầu về kiểm tra kiến thức cơ bản, khả năng vận dụng và kỹ năng thực hành của thí sinh trong phạm vi chương trình THPT (chủ yếu là chương trình lớp 12). Riêng với môn thi năng khiếu và các môn thi đặc thù, thực hiện theo quy chế tuyển sinh do hiệu trưởng ban hành.
Thí sinh dự thi THPT quốc gia 2016. Ảnh: Mạnh Tùng
Video đang HOT
Điểm trúng tuyển vào các trường sẽ được hiệu trưởng, Chủ tịch Hội đồng tuyển sinh trường xem xét, quyết định dựa trên các phương án Ban Thư ký Hội đồng tuyển sinh đề xuất.
Các trường có thể xây dựng tiêu chuẩn trúng tuyển chung hoặc theo từng ngành, nghề đào tạo của trường và do Chủ tịch Hội đồng tuyển sinh quy định.
Khi số thí sinh trúng tuyển đến trường không đủ, trường có thể hạ tiêu chuẩn tuyển chọn hoặc tuyển bổ sung bằng các lần tiếp theo cho đến khi đủ chỉ tiêu.
Thí sinh nhập học không được vượt quá 10% so với chỉ tiêu
Việc hạ tiêu chuẩn tuyển chọn và tuyển sinh các đợt tiếp theo do Chủ tịch Hội đồng tuyển sinh quy định trên cơ sở ý kiến của các thành viên và phải thông báo trên trang thông tin điện tử của trường hoặc phương tiện thông tin đại chúng.
Nếu số thí sinh đến trường nhập học đủ so với chỉ tiêu đã xác định ở ngay đợt tuyển sinh tiếp theo, trường không được nhận thêm hồ sơ đăng ký dù vẫn còn các đợt tuyển sinh như đã thông báo trước đó và phải công khai.
Tiêu chuẩn tuyển chọn ở tất cả đợt tuyển sinh của trường không nhất thiết phải bằng nhau và do Hiệu trưởng, Chủ tịch Hội đồng tuyển sinh quyết định trên cơ sở ý kiến của các thành viên.
Với những ngành, nghề không tuyển đủ chỉ tiêu, sau khi đã xác định tiêu chuẩn tuyển chọn ở mức cho phép theo yêu cầu đào tạo của trường mà vẫn còn thiếu số lượng, trường được phép lấy thí sinh dự tuyển vào trường mình nhưng không trúng tuyển vào những ngành, nghề khác.
Nếu số người đạt đủ tiêu chuẩn tuyển chọn lớn hơn chỉ tiêu thì lấy theo tiêu chuẩn tuyển chọn từ cao xuống thấp cho đến khi đủ số lượng theo một quy trình công khai.
Học viên một trường trung cấp nghề tại TP HCM. Ảnh: Mạnh Tùng
Thông tư nêu rõ, căn cứ các phương án xác định tiêu chuẩn tuyển chọn đã được thông qua, Chủ tịch Hội đồng tuyển sinh ký duyệt điều kiện trúng tuyển sao cho số thí sinh trúng tuyển nhập học không được vượt quá 10% so với chỉ tiêu đã được xác định trong Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp.
Trước đó tháng 11/2016, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã bàn giao công tác quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp cho Bộ Lao động Thương binh và Xã hội. Chức năng quản lý nhà nước đối với 201 trường cao đẳng, 303 trường trung cấp chuyên nghiệp được chuyển cho Bộ Lao động từ năm nay.
Theo VNE
Hơn 500 trường CĐ, TCCN chính thức về Bộ Lao động
Lễ bàn giao chức năng quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp diễn ra chiều nay (9/11) giữa Bộ Giáo dục Đào tạo và Bộ Lao động Thương binh xã hội (LĐTBXH).
Theo đó, hệ thống 201 trường cao đẳng (CĐ) và 303 trường trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) cũng như hệ TCCN đang được đào tạo tại 200 trường CĐ và 40 trường ĐH sẽ được bàn giao về Bộ LĐTBXH quản lý.
Tại lễ bàn giao, hai bộ đã thống nhất Bộ GD&ĐT sẽ bàn giao công tác quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp cho Bộ LĐTBXH với 6 nội dung gồm: chức năng quản lý nhà nước đối với các trường, ngành đào tạo CĐ, TCCN, hồ sơ quản lý nhà nước, các đề án, dự án về giáo dục chuyên nghiệp, các nhiệm vụ xây dựng, thực hiện đề án cũng như nhân sự của Vụ GD Chuyên nghiệp, thuộc Bộ GD&ĐT.
Việc bàn giao sẽ được hoàn thành trước ngày 31/12. Kể từ ngày 1/1/2017, Bộ LĐTBXH chính thức quản lý nhà nước toàn bộ lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp (ngoài trừ các trường sư phạm, các ngành đào tạo giáo viên).
Hai bộ cũng thống nhất thành lập tổ công tác để thực hiện công tác bàn giao trong giai đoạn chuyển tiếp.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ (phải) và Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung (trái) tại lễ bàn giao chiều 9/11.
Trong giai đoạn chuyển tiếp, hai bộ cũng thống nhất, về công tác tuyển sinh, Bộ GD&ĐT tiếp tục xử lý dứt điểm những vấn đề liên vấn đề liên quan đến tuyển sinh của các trường CĐ, TCCN năm 2016. Từ năm 2017, các trường CĐ, TCCN sẽ tuyển sinh theo quy chế do Bộ LĐTBXH ban hành phù hợp với Luật Giáo dục nghề nghiệp (GDNN).
Về đào tạo, những sinh viên cao đẳng tuyển sinh từ khóa 2016 trở về trước được tiếp tục học chương trình cao đẳng hiện hành cho đến khi kết thúc khóa học, được cấp bằng cao đẳng theo quy chế của Bộ GD&ĐT. Những sinh viên tuyển sinh từ khóa 2017 trở đi học theo chương trình mới của Bộ LĐTBXH, cấp bằng cao đẳng thuộc GDNN.
Về liên thông TCCN-CĐ-ĐH, những học sinh, sinh viên TCCN, CĐ nếu có đủ điều kiện theo qui định hiện hành thì được tạo điều kiện để học liên thông lên ĐH nếu có nguyện vọng. Bộ GDĐT sẽ điều chỉnh chỉ tiêu liên thông của các trường ĐH để có thể tuyển sinh đào tạo liên thông TCCN-CĐ-ĐH cho các đối tương này.
Việc đào tạo liên thông đối với học sinh, sinh viên thuộc GDNN sắp tới sẽ thay đổi theo quy định mới mà Thủ tướng Chính phủ sẽ ban hành trong thời gian tới. Cho tới thời điểm quy định mới có hiệu lực, việc đào tạo liên thông sẽ được thực hiện theo quy định hiện hành.
Phát biểu tại lễ bàn giao, cả 2 bộ trưởng 2 bộ đều thống nhất rằng việc bàn giao cần được thực hiện sớm, để ổn định cơ cấu, hoạt động của 2 bộ, đồng thời đặt quyền lợi của người học lên trên hết.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định giao Bộ LĐTBXH quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp, trừ giáo dục nghề nghiệp ngành sư phạm. Theo đó, toàn bộ các trường CĐ, TCCN và hệ đào tạo CĐ, TCCN tại các cơ sở giáo dục đào tạo thuộc Bộ GD&ĐT trước đây sẽ chuyển về Bộ LĐTBXH quản lý.
Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, hiện tại, cả nước có 234 trường cao đẳng bao gồm: 199 trường công lập và 35 trường tư thục, dân lập, bán công với 449.558 sinh viên và 24.260 giảng viên. Trong số này có 33 trường cao đẳng sư phạm.
Ngoài ra, còn có 3 trường cao đẳng thuộc các đại học (1 trường thuộc ĐH Thái Nguyên và 2 trường thuộc ĐH Đà Nẵng) và 106 trường đại học, học viện đào tạo hệ cao đẳng với tổng chỉ tiêu là 39.787 chỉ tiêu.
Cả nước có 303 trường trung cấp chuyên nghiệp bao gồm: 175 trường công lập và 128 trường ngoài công lập, tổng số học sinh là 315.000 và 18.309 giáo viên.
Về nhân sư, Vụ GD Chuyên nghiệp, đơn vị giúp Bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý nhà nước về trung cấp chuyên nghiệp hiện có 14 công chức, trong đó một vụ trưởng là ông Hoàng Ngọc Vinh đã nghỉ hưu từ 01/11, hiện tại còn 13 công chức.
Theo Lê Văn / Vietnamnet
Thi THPT Quốc gia chỉ để tốt nghiệp: Phân luồng nghề nghiệp ra sao? Học sinh thi THPT Quốc gia chỉ để tốt nghiệp có chiều hướng tăng đang đòi hỏi cần có sự phân luồng nghề nghiệp trong hệ thống giáo dục quốc dân. Năm nay, có khoảng 880.000 thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT Quốc gia (giảm 12% so với năm 2015). Số thí sinh dự thi chỉ để xét tốt nghiệp...