Trung Quốc xử trùm xã hội đen giàu nhất nước
Đội lốt doanh nhân – nhà từ thiện, ông trùm Lưu Hán có tài sản bất chính hàng chục tỉ nhân dân tệ và chui sâu vào hệ thống chính trị tỉnh Tứ Xuyên.
Cảnh sát bắt một thành viên Tập đoàn Hán Long (trái) dưới trướng Lưu Hán (ảnh nhỏ) – Ảnh: Chụp từ clip của CCTV 13/Soundofhope.org
Ngày 20.2, giới chức Trung Quốc truy tố tỉ phú Lưu Hán, em trai của ông ta là Lưu Duy và 36 đàn em về 8 cáo buộc giết người cùng nhiều tội danh khác, theo Tân Hoa xã. Đây là vụ án hình sự lớn nhất ở Trung Quốc trong nhiều năm qua. Băng nhóm của Lưu Hán chủ yếu làm mưa làm gió ở tỉnh Tứ Xuyên, thao túng các hoạt động kinh tế và gây rối loạn an ninh công cộng. Trước khi bị bắt hồi tháng 3.2013, Lưu giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Hán Long, doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Tứ Xuyên, làm chủ hàng chục công ty con liên quan đến điện lực, tài chính, khai thác mỏ, bất động sản… và có tài sản ước tính lên tới hàng chục tỉ nhân dân tệ. Theo tạp chí Forbes, Hán Long là một trong những doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Trung Quốc với giá trị 3 tỉ USD và có khoảng 12.000 nhân viên. Bản thân Lưu Hán từng xếp thứ 148 trong danh sách của Forbes về những người giàu nhất Trung Quốc năm 2012 và các cư dân mạng nước này gọi ông ta là trùm tội phạm giàu nhất nước.
Vua thế giới ngầm
Vào đầu thập niên 1990, Lưu Hán và Lưu Duy mở các trung tâm đánh bạc trái phép ở thành phố Quảng Hán thuộc Tứ Xuyên và bắt đầu tuyển mộ đàn em. Đến tháng 3.1997, Lưu Hán thành lập Tập đoàn Hán Long và tổ chức một nhóm đâm thuê chém mướn cộm cán dưới danh nghĩa đội bảo vệ đồng thời sai Lưu Duy mua vũ khí, đạn dược. Khi tập đoàn tội phạm này bị triệt phá vào năm 2013, cảnh sát tịch thu 3 quả lựu đạn, 20 cây súng, 677 viên đạn và hơn 100 con dao…, theo Tân Hoa xã.
Video đang HOT
Theo “luật” của Lưu Hán, các thành viên băng nhóm không được khai có liên quan đến Tập đoàn Hán Long nếu bị bắt và bất kỳ ai tiết lộ thông tin sẽ bị “xử” cả nhà. Trong khi đó, những tay đàn em hung hãn nhất sẽ được đưa lên làm quản lý công ty, với mức lương khoảng 100.000 nhân dân tệ (hơn 345 triệu đồng)/năm. Ngoài ra, sau một vụ thanh toán đối thủ hoặc những người cản trở con đường làm ăn của mình, Lưu Hán có thể thưởng cho đàn em xe hơi Audi cùng tiền mặt lên tới 300.000 nhân dân tệ. Nhân viên bảo vệ Đường Xiên Bình từng hạ sát một người dẫn đầu cuộc biểu tình phản đối về mức bồi thường giá đất của Tập đoàn Hán Long ở thành phố Miên Dương (Tứ Xuyên) vào năm 1998, khai với cảnh sát: “Tôi chẳng hề hấn gì sau đó mà còn được thưởng rất hậu hĩnh”. Tàn bạo, liều lĩnh cùng đường dây quan hệ sâu rộng giúp Lưu Hán nhanh chóng thiết lập “đế chế tội phạm” ở Tứ Xuyên. Theo Tân Hoa xã, người dân sợ đến mức không dám nhắc đến tên “Lưu Hán” mà chỉ gọi tránh là “gia đình đó”.
Xâm nhập chính giới
Theo Tân Hoa xã, kể từ năm 2000, băng nhóm của Lưu Hán giảm bớt sử dụng bạo lực mà dùng tiền bạc và ảnh hưởng để khống chế kinh tế địa phương, giành thế độc quyền trong nhiều ngành công nghiệp. Ông ta thường xuyên hối lộ nhiều quan chức từ địa phương đến trung ương, trói buộc họ bằng tiền bạc, người đẹp và cả ma túy. Thậm chí, tên trùm này được cho là có tiếng nói trong cả việc bổ nhiệm nhân sự chính quyền ở Tứ Xuyên. Bề ngoài, Lưu Hán tạo vỏ bọc là một doanh nhân nổi tiếng, có nhiều đóng góp cho địa phương và là một nhà từ thiện hảo tâm. Ông ta từng được bầu vào Chính hiệp (tương đương Mặt trận tổ quốc – NV) cấp tỉnh trong 3 nhiệm kỳ liên tiếp.
Theo Tân Hoa xã, vụ án của Lưu Hán rất phức tạp, thu hút cả sự chú ý của các lãnh đạo cấp cao ở trung ương và một số nguồn tin cho biết nhiều quan chức cũng sẽ bị điều tra về nghi ngờ có dính líu tới tập đoàn tội phạm Hán Long.
Theo TNO
Nhà giàu Trung Quốc đổ xô ra nước ngoài
Giới triệu phú Trung Quốc chuyển hướng định cư sang các nước khác sau khi chương trình đầu tư - nhập cư của Canada bị xóa sổ.
Hơn 95.000 người Trung Quốc đã định cư sang Canada theo chương trình đầu tư - nhập cư - Ảnh: Cbavancouver.ca
Kể từ khi chính phủ Canada tuyên bố kết thúc chương trình đầu tư - nhập cư (IIP) vào giữa tuần trước, các nhân viên tư vấn nhập cư ở Hồng Kông đang có kế hoạch cung cấp các điểm đến khác cho khách hàng Trung Quốc.
Chương trình nhập cư gây tranh cãi
IIP là chương trình đầu tư - nhập cư được ưa chuộng nhất thế giới nhờ thủ tục đơn giản và an toàn. Điều kiện tham gia là người nước ngoài có tài sản trên 1,45 triệu USD và phải cho chính phủ Canada vay 728.000 USD không lấy lãi trong 5 năm. Đổi lại, họ cùng gia đình sẽ được cấp thị thực nhập cư, lấy thẻ xanh và sau này có thể nhập tịch. Sau 28 năm tồn tại, IIP đã đưa khoảng 185.000 người nước ngoài định cư ở Canada, trong đó có 30.000 người ở Hồng Kông và 65.000 người từ Trung Quốc đại lục, theo tờ South China Morning Post (SCMP).
Từ năm 2012, IIP đã phải tạm ngưng nhận hồ sơ để giải quyết lượng lớn hồ sơ tồn đọng, trong đó có hơn 60% từ Trung Quốc đại lục. Chương trình này bị hủy sau khi SCMP đăng hàng loạt bài cho thấy phần lớn số người nước ngoài đầu tư vào Canada theo IIP đến từ Trung Quốc đại lục. Ngay cả khi IIP bị hủy vẫn còn tới 66.000 hồ sơ, trong đó có hơn 45.000 hồ sơ từ Trung Quốc đại lục xin đầu tư vào vùng British Columbia của Canada.
Dù phủ nhận việc hủy IIP nhằm ngăn chặn dân nhập cư Trung Quốc, Bộ trưởng Nhập cư và Quốc tịch Canada Chris Alexander nói chương trình đã bị lạm dụng. Chẳng hạn, sau khi nhập cư vào Canada, nhiều người đã trở về nước tiếp tục làm việc, nhưng để vợ con ở lại. Theo SCMP, hiện tượng đó đặc biệt phổ biến trong số dân nhập cư Trung Quốc.
"Bất kỳ chương trình nào đã dẫn đến nạn lạm dụng và gian lận thì cần phải được cải cách", ông Alexander nhấn mạnh. Trong báo cáo ngân sách trình quốc hội ngày 11.2, Bộ trưởng Tài chính Canada Jim Flaherty thừa nhận trong nhiều thập niên qua, IIP đã "hạ thấp giá trị định cư thường trú ở Canada", cung cấp con đường nhập tịch với điều kiện "thấp hơn nhiều so với yêu cầu của những nước khác".
Điểm đến Mỹ và châu Âu
Ngay từ khi IIP bị đóng băng vào năm 2012, số người giàu Trung Quốc đã chuyển sang tìm cách định cư ở Mỹ và châu Âu, theo các cơ quan di trú. Ông Vương Tần, người Canada gốc Trung Quốc, cho hay công ty tư vấn định cư của ông làm ăn sa sút trong 2 năm qua sau khi IIP bị tạm ngưng. "Đối với Canada, lợi thế thu hút dân nhập cư đang mất dần do phần lớn người Trung Quốc muốn chuyển sang nước khác", SCMP dẫn lời ông Vương cho hay.
Ông Mã Hiểu Học, nhân viên tư vấn nhập cư tại Công ty Well Trend ở Bắc Kinh, nói trong 2 năm qua, công ty đã khuyên khách hàng xem xét các nước khác ngoài Canada. SCMP dẫn lời ông Mã: "Người Trung Quốc muốn đến Canada để mong hưởng hệ thống phúc lợi nổi tiếng và thưởng lãm phong cảnh tuyệt vời ở nước này. Tuy nhiên, họ phải có lựa chọn khác khi chính sách nhập cư của Canada không còn chào đón họ".
Trong thời gian qua, Mỹ đã xúc tiến chương trình đầu tư - nhập cư EB-5, trong đó cho phép người nước ngoài đầu tư tối thiểu 500.000 USD và đổi lại sẽ được cấp thẻ xanh. Bên cạnh đó, nhiều nước ở châu Âu cũng đang trở thành điểm thu hút nhập cư phổ biến bằng cách đưa ra sáng kiến thu hút đầu tư từ giới nhà giàu Trung Quốc sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Tuy nhiên, chương trình EB-5 có thể hưởng lợi nhiều nhất từ việc IIP của Canada bị hủy, theo SCMP. Luật sư về nhập cư Eugene Chow thuộc Công ty luật Chow King & Associates (Mỹ) cho biết hơn 80% trong số 6.500 đơn EB-5 trong tài khóa hiện nay đến từ Trung Quốc. Tuy nhiên, nhà tư vấn nhập cư Mary Chan Siu-yee tại Công ty Rothe International Canada, đánh giá chương trình EB-5 có thể mang lại nguy cơ cho những gia đình đầu tư vì một khi việc kinh doanh thất bại họ có thể bị trục xuất về nước.
Ngoài Mỹ, Úc cũng được người Trung Quốc xem là nơi có thể thay thế cho Canada, đặc biệt kể từ khi Canberra bắt đầu chương trình cấp phép định cư thường trú cho bất kỳ ai đầu tư 5 triệu AUD (4,5 triệu USD) vào Úc. Tờ SCMP dẫn số liệu từ Bộ Nhập cư và Bảo vệ biên giới Úc cho hay 91% trong 545 người nộp đơn cho chương trình trên là người Trung Quốc. Bên cạnh đó, Bồ Đào Nha đang có chương trình cấp phép định cư vàng cho những công dân ngoài EU có vốn đầu tư ít nhất 1 triệu euro (gần 1,4 triệu USD) hoặc đầu tư 500.000 euro vào bất động sản. Hy Lạp đang chào mời cấp thị thực định cư 5 năm cho bất kỳ ai đầu tư 250.000 euro vào bất động sản, còn Cyprus sẽ cấp thị thực định cư cho ai đầu tư 300.000 euro vào nước này.
Theo TNO
Có 69 người Campuchia vượt biên trái phép bị binh sĩ Thái Lan bắn chết Bộ Nội vụ Campuchina hôm 20.2 khẳng định binh sĩ Thái Lan đã bắn chết 69 người Campuchia vượt biên trái phép vào Thái Lan trong năm 2013, tăng 45 người so với năm 2012. Binh sĩ Thái trong một đợt tuần tra biên giới giáp với Campuchia - Ảnh: Reuters "Có 55 vụ binh sĩ Thái Lan bắn chết người Campuchia vượt...