Trung Quốc lo ngại Nhật-Mỹ sửa đổi hợp tác phòng thủ
Đại diện của Trung Quốc đã cảnh báo Nhật Bản và Mỹ không nên làm tổn hại các lợi ích của Trung Quốc.
Lần đầu tiên trong gần 2 thập kỷ, Nhật Bản và Mỹ đang chỉnh sửa lại các nguyên tắc hướng dẫn hợp tác quốc phòng song phương nhằm đối phó với sự mở rộng quân sự của Trung Quốc và gia tăng vai trò của Nhật Bản trong phòng thủ khu vực.
Tổng thống Obama và Thủ tướng Abe (ảnh: todayonline)
Một bản báo cáo tạm thời được công bố vào hôm 8/10 cho biết, Mỹ và Nhật Bản đang theo đuổi một mối quan hệ đối tác rộng rãi hơn thông qua nâng cao năng lực và chia sẻ trách nhiệm.
Việc sửa đổi lại này – lần đầu tiên kể từ năm 1997 – xuất hiện vào thời điểm Nhật Bản và Trung Quốc gia tăng căng thẳng về chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở Biển Hoa Đông, còn bán đảo Triều Tiên thì nóng lên với chương trình tên lửa và vũ khí hạt nhân của CHDCND Triều Tiên.
Video đang HOT
Hồi đầu tuần, Koji Kano, một quan chức của Bộ Ngoại giao Nhật có nói như sau: “Điều mà chúng tôi phải đối mặt xử lý hôm nay là hoàn toàn khác với những gì mà chúng tôi nhắm tới hồi năm 1997″.
Các chỉ đạo mới sửa đổi sẽ tính đến các thay đổi chính sách dưới thời Thủ tướng Shinzo Abe giúp Nhật Bản gánh thêm trách nhiệm về quốc phòng của bản thân và về phòng thủ khu vực, đồng thời giảm nhẹ một số gánh nặng quân sự cho Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương.
Trước khi báo cáo trên được công bố, Trung Quốc cho hay họ sẽ theo dõi sát sao những định hướng mới giữa Nhật Bản và Mỹ, đồng thời cảnh báo hai nước này không nên “can thiệp” vào các lợi ích của Trung Quốc.
Phát ngôn viên Hồng Lỗi phát biểu tại một cuộc họp báo thường kỳ ở Bắc Kinh: “Không nên vượt quá quy mô hợp tác song phương. Không nên làm tổn hại lợi ích của một bên thứ 3 như là Trung Quốc”.
Hồi tháng 7, Nội các của Thủ tướng Abe đã phê chuẩn cách giải thích mới đối với bản hiến pháp hòa bình của Nhật Bản. Cách giải thích này cho phép quân đội Nhật bảo vệ Mỹ và các đồng minh khác dưới khuôn khổ mang tên “tự vệ tập thể”.
Hồi tháng 12/2013, Nhật Bản cũng thông qua các hướng dẫn quốc phòng theo đó việc phòng thủ hải đảo phía nam là một ưu tiên, nhất là đối với các đảo do Nhật kiểm soát nhưng có tranh chấp với nước khác như là quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Bản báo cáo sơ bộ nói trên nhấn mạnh tầm quan trọng của sự điều phối nhuần nhuyễn giữa Nhật Bản và Mỹ nhằm bảo đảm phản ứng nhanh trước một loạt các khả năng, bao gồm các nguy cơ gần với một cuộc tấn công quân sự thực sự.
Trong các báo cáo khác trước đó, Nhật Bản đã bày tỏ quan ngại về các vụ việc thuộc “mảng tối” như là việc các ngư dân Trung Quốc chiếm các đảo đang tranh chấp hay một tàu ngầm “nước ngoài” xâm nhập vùng nước xung quanh các đảo này.
Các quan chức Nhật Bản cho hay, các sửa đổi về hợp tác quốc phòng Nhật-Mỹ bao gồm các lĩnh vực mới như phòng thủ tên lửa, thiết bị quân sự, và an ninh hàng hải để ứng phó tốt hơn với môi trường an ninh đang thay đổi./.
Theo VOV
Nhật cực lực phản đối Nga tập trận ở đảo tranh chấp
Nhật Bản bày tỏ sự phản đối trước thông tin Quân đội Nga tiến hành cuộc tập trận ở chuỗi đảo tranh chấp của hai nước trên Thái Bình Dương.
Theo đó, vào ngày 13/8, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nhìn nhận cuộc tập trận quân sự của Nga ở quần đảo Kuril (mà phía Nhật Bản gọi là vùng lãnh thổ phía bắc) là không thể chấp nhận được. Ông bày tỏ thêm rằng, người dân Nhật đang diễn ra một cuộc biểu tình để bày tỏ sự phản đối.
Các trực thăng Mi-24 của Nga tham gia cuộc tập trận hồi tháng 6/2014. (Ảnh minh họa)
Trước đó cùng ngày, Bộ Ngoại giao Nhật cho hay, họ đang thu thập các thông tin về đợt diễn tập này của quân đội Nga. Đại sứ quán Nga tại Tokyo xác nhận rằng, họ chưa nhận được bất cứ công hàm phản đối nào cả.
Vào ngày 12/8, Cơ quan báo chí Quân khu miền đông Nga thông báo, các cuộc diễn tập quân sự đã bắt đầu với sự tham gia của hơn 1.000 lính, hàng trăm thiết bị chuyên dụng gồm 5 máy bay trực thăng chiến đấu Mi-8AMTSh. Các bài tập sẽ diễn ra ở hai đảo Kunashir và Iturup mà Nhật cũng tuyên bố có chủ quyền.
Theo_Kiến Thức
Nhật cảnh cáo, Trung Quốc thách thức đáp trả Sau khi Nhật Bản lên tiếng cảnh báo những hành động nguy hiểm của Trung Quốc ở gần quần đảo tranh chấp, Bắc Kinh đã nhanh chóng có hành động thách thức bằng cách đưa các tàu bảo vệ bờ biển vào khu vực lãnh hải ngoài khơi quần đảo tranh chấp ở biển Hoa Đông - nơi Tokyo đang nắm quyền kiểm...