Trung Quốc khoe đạt thỏa thuận với ba nước Đông Nam Á về Biển Đông
Trung Quốc, sau một loạt động tác lôi kéo các nước ở Đông Nam Á, hôm qua tuyên bố đã đạt được thỏa thuận về vấn đề Biển Đông với Brunei, Campuchia và Lào.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tại Lào. Ảnh: fmprc
Reuters dẫn thông cáo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho hay trong chuyến thăm Brunei, Campuchia và Lào của Ngoại trưởng Vương Nghị từ ngày 20 đến 23/4, Bắc Kinh đã đạt được thỏa thuận 4 điểm về giải quyết tranh chấp ở Biển Đông với các quốc gia này.
Theo thông cáo, Trung Quốc và 3 quốc gia cho rằng tranh chấp trên Biển Đông “không phải là vấn đề giữa Trung Quốc và ASEAN, không ảnh hưởng tới quan hệ Trung Quốc – ASEAN”. 4 nước cũng nhất trí duy trì khu vực Biển Đông hòa bình, ổn định thông qua hợp tác.
Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố chủ quyền với 80% diện tích Biển Đông và có tuyên bố chồng lấn với 4 trong số 10 nước thành viên của ASEAN, gồm Philippines, Việt Nam, Malaysia và Brunei. Hồi tháng hai, ASEAN từng bày tỏ mối quan ngại sâu sắc về hoạt động cải tạo đất và những hành động làm leo thang căng thẳng trên Biển Đông, đe dọa đến hòa bình, an ninh và sự ổn định của khu vực.
Chuyến công du tới Brunei, Campuchia và Lào của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị được cho là nhằm lôi kéo các quốc gia Đông Nam Á này đứng về phía mình khi Tòa án Trọng tài ở The Hague sắp đưa ra phán quyết về vụ kiện của Philippines với Trung Quốc ở Biển Đông.
Video đang HOT
Phán quyết dự kiến được công bố vào cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6 và có khả năng có lợi cho phía Philippines. Trung Quốc đã tuyên bố chối bỏ thẩm quyền của Tòa án Trọng tài, khăng khăng chỉ giải quyết tranh chấp song phương và tìm kiếm các đồng minh cùng phản đối phán quyết.
Brunei là quốc gia nhỏ nhất mà Trung Quốc có tuyên bố chủ quyền chồng lấn ở Biển Đông. Trong một nỗ lực nhằm lôi kéo quốc gia giàu dầu mỏ này, ông Vương cam kết sẽ mở rộng quan hệ kinh tế song phương. Đầu tư của Trung Quốc vào Brunei đã tăng 50% từ năm 2014 đến năm 2015, trong khi giá trị của các dự án Trung Quốc cũng tăng gấp 50 lần cùng kỳ.
Ông Wang Yong, giáo sư nghiên cứu quốc tế tại đại học Bắc Kinh, nhận định sự đồng thuận của Brunei là điều quan trọng để giúp Trung Quốc giảm bớt sức ép ngoại giao trước phán quyết của tòa án.
Về Campuchia, giáo sư Carlyle Thayer, chuyên gia về Đông Nam Á tại Australia, cũng cho rằng việc nước này tiếp tục ủng hộ Trung Quốc không có gì đáng ngạc nhiên. Campuchia lệ thuộc vào Trung Quốc về cả viện trợ, thương mại và đầu tư. Trung Quốc là nhà cung cấp viện trợ nước ngoài lớn nhất cho Campuchia kể từ 2010.
Năm 2012, với vai trò chủ tịch ASEAN, Campuchia đã từ chối đề cập đến những hành động của Trung Quốc Biển Đông khiến hiệp hội lần đầu tiên không thể đưa ra tuyên bố chung khi kết thúc hội nghị thượng đỉnh.
Tại cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Campuchia Prak Sokhon hôm 22/4, ông Vương đã lên tiếng chỉ trích vụ kiện của Philippines. Về phần mình, ông Sokhon khẳng định “Campuchia vẫn duy trì quan điểm trung lập”.
“Quan điểm của Campuchia luôn là kêu gọi tất cả các bên liên quan nỗ lực giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình. Nếu tất cả các nước tôn trọng những quy định này như Campuchia, chúng ta sẽ không gặp vấn đề gì”, Sokhon nói.
Việt Nam đã nhiều lần khẳng định chủ trương giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông thông qua các biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước luật biển năm 1982 của Liên Hợp Quốc (UNCLOS) và trên tinh thần của Tuyên bố của các bên (DOC).
Với những vấn đề chỉ liên quan đến hai nước, Việt Nam theo đuổi biện pháp giải quyết song phương. Đối với những vấn đề liên quan đến các nước và các bên khác, ví dụ như quần đảo Trường Sa của Việt Nam mà một số bên cũng tuyên bố chủ quyền như Trung Quốc, Philippines, Malaysia và Brunei, thì không thể chỉ giải quyết song phương mà cần có sự tham gia của các bên liên quan.
Những vấn đề liên quan đến các nước ngoài khu vực, ví dụ như vấn đề an ninh, an toàn và tự do hàng hải và hàng không, thì phải được bàn bạc, giải quyết với tất cả các nước có chung lợi ích và chung mối quan tâm.
Anh Ngọc
Theo VNE
EU phản đối leo thang căng thẳng ở Biển Đông
Liên minh châu Âu đề nghị Trung Quốc và các nước Đông Nam Á giải quyết tranh chấp ở Biển Đông, nơi Mỹ mới đây cử tàu tuần tra áp sát đảo nhân tạo Trung Quốc xây dựng trái phép.
Bà Federica Mogherini, đại diện cấp cao về chính sách an ninh đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) (trái), chủ trì cuộc họp ASEM hôm qua. Ảnh: eu-un
Theo Reuters, tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Á - Âu (ASEM) lần thứ 12 ở Luxemburg, đại diện cấp cao về chính sách an ninh đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU), hôm nay có lập trường cứng rắn, trong bình luận đầu tiên của khối này kể từ khi Washington cử tàu tuần tra Biển Đông trong tháng này.
"Chúng tôi cam kết với một trật tự hàng hải dựa trên các nguyên tắc của luật quốc tế", đại diện cấp cao Federica Mogherini nói khi được hỏi về tranh chấp. "Chúng tôi phản đối bất cứ âm mưu tuyên bố chủ quyền hàng hải bằng cách cưỡng ép, hăm doạ, dùng vũ lực hay bất cứ hành động đơn phương nào có thể gây thêm rạn nứt", bà Mogherini cho biết.
Theo khổ 22 trong tuyên bố cuối cùng dài 9 trang của hội nghị, 53 phái đoàn nhất trí về tầm quan trọng "của việc giải quyết tranh chấp hàng hải bằng các biện pháp hoà bình". "Các bộ trưởng tái nhấn mạnh cam kết của họ với việc duy trì hoà bình, thúc đẩy an ninh và ổn định, an toàn và hợp tác trên biển, tự do đi lại trên biển và trên không, và hoạt động thương mại hợp pháp không bị cản trở", tuyên bố viết.
Theo thông cáo của Bộ Ngoại giao, đoàn Việt Nam do Thứ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn dẫn đầu đã tham gia hội nghị ASEM lần thứ 12.
Phát biểu tại một phiên họp, trưởng đoàn Việt Nam nhấn mạnh cần thúc đẩy đối thoại, kiềm chế, không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), nhằm duy trì môi trường hòa bình, an ninh và ổn định ở Đông Nam Á, châu Á - Thái Bình Dương và toàn thế giới,
Đồng thời, Thứ trưởng cho rằng cần thực hiện nghiêm chỉnh và đầy đủ Tuyên bố ứng xử của các bên (DOC) và sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
Trọng Giáp
Theo VNE
Brunei ủng hộ Trung Quốc trong vụ kiện Biển Đông? Sau Nga, Trung Quốc nói rằng đã thuyết phục được Brunei, nước cũng có tranh chấp ở Biển Đông, ủng hộ Bắc Kinh trong vụ phiên tòa Biển Đông sau thời gian dài thuyết phục đất nước nhỏ bé ở Đông Nam Á này. Brunei ủng hộ Trung Quốc trong vụ kiện Biển Đông? - Ảnh minh họa: Reuters Ngoại trưởng Trung Quốc...