Trung Quốc: Khai thác đá, lộ ra quái vật chưa từng thấy trên thế giới
Sinh vật lạ bên bờ sông Gia Lăng, với cơ thể bọc thép và thân hình giống chiếc tàu ngầm lớn, là một trong những đại diện đầu tiên của thời đại quái vật sau đại tuyệt chủng kỷ Nhị Điệp.
Theo Sci-News, loài bò sát biển mới được đặt tên là Prosaurosphargis yingzishanensi đã lộ diện trong một mỏ đá thuộc Hệ tầng Gia Lăng Giang ở Trung Quốc, nơi một số quái vật cổ đại khác cũng từng được tìm thấy.
Kết quả giám định niên đại cho thấy nó đã 247 triệu tuổi, tức thuộc lớp sinh vật đầu kỷ Tam Điệp, ra đời sau đại tuyệt chủng cuối kỷ Nhị Điệp trước đó.
Quái vật được tìm thấy trong một khu vực chứa đầy hóa thạch cạnh sông Gia Lăng của Trung Quốc – Ảnh: eLife
Kỷ Tam Điệp là kỷ nguyên địa chất mở đầu cho “thời đại quái vật” của hành tinh, kéo dài suốt 3 kỷ Tam Điệp – Jura – Phấn Trắng với sự thống trị của các loài bò sát lớn như khủng long trên mặt đất, dực long của bầu trời, thương long, ngư long dưới biển…
Video đang HOT
Nhà cổ sinh vật học Jun Liu từ Trường Đại học Công nghệ Hợp Phì (Trung Quốc) và các đồng nghiệp từ Đức, Ba Lan, Trung Quốc đã nghiên cứu về mẫu vật được coi là mang tính biểu tượng của giai đoạn chuyển tiếp cực kỳ quan trọng của hệ sinh thái này.
“Một số nhóm bò sát đã xâm chiếm vương quốc biển do hậu quả của đại tuyệt chủng cuối kỷ Nhị Điệp, là đợt tuyệt chủng hàng loạt lớn nhất trong lịch sử Trái Đất” – TS Liu cho biết.
Khác với những tổ tiên tìm đường từ dưới đại dương lên bờ, bò sát biển kỷ Tam Điệp lại là những kẻ “ngược đường”, tiến hóa từ sinh vật trên cạn kỷ Nhị Điệp mà thành.
Sự xâm chiếm biển khơi của bò sát có thể là kết quả của việc đại dương thời bấy giờ khá vắng lặng, do đại tuyệt chủng đã quét gần sạch sinh vật dưới nước thế hệ trước.
Trong đó, vùng đại dương nay thuộc địa phận Trung Quốc là một trong những nơi mà bò sát biển cổ đại sơ khai đã lựa chọn.
Mẫu vật được tìm thấy là một phần cơ thể của quái vật, cho thấy nó có một thân hình “mặc áo giáp”, bao gồm các xương sườn chắc khỏe mở rộng trên lưng và lớp giáp da dày nặng.
Với chiều dài cơ thể khoảng 1,5 m, nó là loài khá lớn trong thế giới quái vật đầu kỷ Tam Điệp, vốn chưa phát triển đến kích thước khổng lồ như kỷ Phấn Trắng.
Nghiên cứu này vừa được công bố trực tuyến trên tạp chí eLife.
Anh Thư
Lộ diện quái vật mình rồng, lưng bọc thép
Mambachiton fiandohana, một quái vật 235 triệu tuổi chưa từng thấy ở bất kỳ đâu trên thế giới, đã được xác định từ hóa thạch bí ẩn ở Madagascar.
Theo Sci-News, phần hóa thạch phía sau sọ được bảo quản tốt của nó đã lộ diện ở Madagascar từ năm 1997, nhưng cho đến nay các nhà khoa học mới tìm ra sự thật về quái vật này.
Phần xương hóa thạch "bọc thép" và ảnh đồ họa thể hiện hình dáng của quái vật cổ đại - Ảnh: BẢO TÀNG LỊCH SỬ TỰ NHIÊN MỸ
Loài mới được nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi TS John Flynn từ Bảo tàng Lịch sử tự nhiên Mỹ đặt tên là Mambachiton fiandohana, thuộc một nhóm bò sát lớn sinh sôi mạnh trong kỷ Tam Điệp gọi là Archosaur.
Archosaur được chia thành 2 nhánh chính: Dòng chim (thằn lằn bay, khủng long và chim - loài còn được gọi là "khủng long sống"); dòng cá sấu.
Mambachiton fiandohana là một cá thể quái dị đại diện cho dòng chim, được mô tả khá giống loài Epakeria capensisi đã biết, với thân hình khá giống rồng komodo nhưng bốn chân cao, linh hoạt.
Điểm đặc biệt nhất của loài mới này là một loạt tấm xương bao phủ xương sống của nó, điều có thể thấy ở dòng cá sấu nhưng lại lạ lùng với một Archosaur dòng chim.
Vì vậy sinh vật dài 1,5-2 m, nặng 10-20 kg này được xác định là một thằn lằn chúa dòng chim còn sở hữu đặc điểm "bọc thép" từ tổ tiên, là mối nối quan trọng khẳng định sự tồn tại của vị tổ tiên chung giữa chim - khủng long và cá sấu.
Các phân tích ban đầu vừa được công bố trên tạp chí khoa học Zoological Journal of the Linnean Society.
Lộ diện quái điểu 99 triệu tuổi chưa từng biết Một miếng hổ phách tuyệt đẹp được tìm thấy ở Myanmar đã cung cấp manh mối đầu tiên về sự tồn tại của một quái điểu sống và chết song song với loài khủng long. Theo Sci-News, mảnh hổ phách từ Myanmar là bằng chứng hóa thạch rõ ràng đầu tiên trên thế giới về sự thay lông của chim non Đại Trung...