Trung Quốc đang tận dụng các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga
Các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Nga đã khiến Moskva sẵn sàng bán dầu thô của mình với mức chiết khấu đáng kinh ngạc và Trung Quốc đang tận dụng lợi thế của tình hình địa chính trị hiện tại, mua càng nhiều dầu của Nga càng tốt.
Máy bơm tại một mỏ dầu của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC) ở Bayingol, Khu tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương, Trung Quốc. Ảnh: Reuters
Khi Chính quyền Tổng thống Donald Trump áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với Venezuela và Iran, Trung Quốc đã trở thành khách hàng mua dầu thô lớn nhất của các quốc gia này bất chấp các cảnh báo liên tục của các quan chức từ Washington, đe dọa rằng sẽ áp đặt cái gọi là các biện pháp trừng phạt thứ cấp.
Giờ đây, Trung Quốc thậm chí còn trở thành một khách hàng mua dầu lớn hơn từ nhà xuất khẩu lớn nhất thế giới là Nga, vốn là là đối tượng của các lệnh trừng phạt không chỉ của Mỹ mà của EU. Và trong khi giá dầu ở hầu hết trên thế giới đang tăng thì đối với Trung Quốc, chúng lại đang giảm.
Bloomberg đưa tin trong tuần này rằng Iran đã phải giảm giá dầu thô đã được chiết khấu để có thể cạnh tranh với dầu thô của Nga được chuyển đến Trung Quốc. Thị trường Trung Quốc rất quan trọng đối với Iran, vì đây là một trong số rất ít nơi dầu thô của nước này được chấp nhận trong bối cảnh các lệnh trừng phạt của Mỹ vẫn đang tiếp diễn.
Nhà phân tích năng lượng Vandana Hari được Bloomberg trích dẫn cho biết: “Sự cạnh tranh duy nhất giữa Iran và Nga ở Trung Quốc sẽ hoàn toàn có lợi cho Bắc Kinh. Điều này cũng có khả năng khiến các nhà sản xuất vùng Vịnh lo ngại khi chứng kiến các thị trường được đánh giá cao của họ bị xâm nhập bởi dầu thô giảm giá mạnh”.
Video đang HOT
Người mua chính của cả dầu thô Iran và Nga là các nhà máy lọc dầu tư nhân ở Trung Quốc. Không giống như các công ty lớn thuộc sở hữu nhà nước, vốn thận trọng với các biện pháp trừng phạt và tuân thủ hạn ngạch xuất nhập khẩu nhiên liệu, các công ty tư nhân Trung Quốc này được định hướng cung cấp cho thị trường nội địa mặc dù làn sóng phong tỏa COVID-19 gần đây đã hạn chế nhu cầu nhiên liệu trong nước.
Các nhà phân tích và bình luận trong ngành năng lượng đã lưu ý kể từ tháng 3 rằng Nga khó có thể chuyển toàn bộ lượng dầu xuất khẩu sang châu Âu vào thời điểm trước cuộc xung đột ở Ukraine nổ ra cho một người mua khác. Nhưng đây không phải là điều khiến Trung Quốc lo ngại. Trung Quốc đã nổi lên là nước mua lớn nhất của tất cả các loại dầu bị trừng phạt, được hưởng lợi từ việc chiết khấu – thường là giảm giá mạnh, trong khi Tổng thống Mỹ Joe Biden đang buộc phải hướng đến các nhà sản xuất Trung Đông để đề nghị tăng sản lượng dầu.
Điều quan trọng hơn nữa là trong khi Trung Quốc có khả năng tiếp tục nhập khẩu toàn bộ lượng dầu của Nga, Iran và Venezuela mà họ cần, thì có khả năng khá cao là chuyến thăm của ông Biden tới Saudi Arabia sẽ không dẫn đến việc nước này hoặc các thành viên OPEC ở Trung Đông tăng sản lượng dầu, vì tăng cường sản xuất có thể không phải là lợi ích tốt nhất của các quốc gia vùng Vịnh liên quan đến một thứ được gọi là công suất dự phòng.
Vấn đề về công suất dự phòng trong sản xuất dầu là nó có thể được khai thác trong trường hợp khẩn cấp. Nhưng theo Riyadh, không có tình trạng khẩn cấp về dầu ngay bây giờ.
Tin tức được Reuters đưa ra hồi đầu tháng rằng Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) có thể không có nhiều năng lực sản xuất dự phòng như ước tính của các cơ quan như EIA (Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ) và IEA (Cơ quan Năng lượng Quốc tế), đã tạo ra biến động trên thị trường dầu mỏ, vì nó làm tăng thêm lo ngại rằng dầu nguồn cung sẽ không sớm được tăng lên.
Hiện giá dầu gần như ở khắp nơi trên thế giới tiếp tục tăng, nhưng không phải ở Trung Quốc. Giá nhiên liệu tại Trung Quốc đang giảm sau nhiều tháng tăng. Trước đó, so với mức tăng giá nhiên liệu của Mỹ và EU, mức tăng giá của Trung Quốc là không đáng kể. Nó có thể liên quan đến việc thu mua những thùng dầu bị trừng phạt đến từ Venezuela, Iran và Nga.
Cạnh tranh giữa Nga - Iran trên thị trường Trung Quốc
Do các lệnh trừng phạt của phương Tây, cả Nga và Iran đang cạnh tranh khách hàng để cung cấp dầu với mức chiết khấu đáng kể.
Dầu của Iran sẽ phải cạnh tranh với dầu của Nga tại các thị trường châu Á. Ảnh: Reuters
Bất chấp các vòng trừng phạt chống Moskva, một số quốc gia vẫn tiếp tục tăng mua dầu từ Nga. Do đó, các nhà cung cấp khác, cũng đang gặp phải các vấn đề trừng phạt, phải tăng chiết khấu đối với dầu của họ để cạnh tranh với Nga. Đặc biệt, Iran đã tham gia cuộc cạnh tranh này sau khi Nga tăng đáng kể nguồn cung cấp nguyên liệu thô cho Trung Quốc.
Cho đến nay, dầu Urals của Nga có vẻ hấp dẫn hơn đối với khách hàng từ châu Á do được giảm giá. Các chuyên gia cho rằng việc giảm giá sẽ tiếp tục đảm bảo doanh số bán dầu của Nga và quy mô giảm giá có thể tăng lên mà không gây tổn thất nhiều cho ngân sách Nga, đặc biệt nếu giá dầu thế giới tiếp tục tăng.
Theo Bloomberg, việc giảm giá dầu của Nga giúp Moskva bán được nguyên liệu thô và buộc các nước khác cũng phải giảm giá. Cụ thể, Iran buộc phải tăng lượng chiết khấu đối với dầu xuất khẩu để cạnh tranh với Nga trên thị trường chủ chốt của cả hai nước - Trung Quốc. Các loại dầu của Iran như dầu thô ngọt nhẹ (Brent) đang được bán với giá rẻ hơn khoảng 10 USD/thùng so với dầu Brent có mức chiết khấu 4-5 USD/thùng trước sự kiện ở Ukraine. Do đó, giá dầu của Iran xấp xỉ giá hợp đồng cung cấp dầu Ural của Nga hồi tháng 8 năm ngoái.
Bloomberg cho rằng Trung Quốc đã trở thành một trong những nhà nhập khẩu chính của dầu Nga và Iran sau khi các nước này chịu các lệnh trừng phạt của phương Tây. "Sự phục hồi của hoạt động kinh tế ở Trung Quốc sau khi phong tỏa vì COVID-19 hứa hẹn nhu cầu nhiên liệu tăng trưởng mạnh mẽ. Điều này dẫn đến sự cạnh tranh giữa Iran và Nga ở Trung Quốc", Bloomberg lưu ý.
Một số nhà phân tích nhận định rằng dầu của Nga đã hạn chế một phần nguồn cung của Iran, vì Urals có đặc điểm tương đương với loại dầu của Iran.
Trên thực tế, Trung Quốc đã tăng đáng kể nhập khẩu dầu của Nga và Iran trong những tháng gần đây. Theo ước tính của công ty Kpler (có tính đến dữ liệu từ các thương nhân), Iran đã xuất khẩu hơn 700 nghìn thùng dầu mỗi ngày sang Trung Quốc trong tháng 5 và tháng 6, trong khi vào tháng 1 là dưới 600 nghìn thùng/ngày. Đồng thời, vào tháng 5 và tháng 6, Trung Quốc đã nhập khẩu hơn 1,1 triệu thùng/ngày từ Nga, so với vào tháng 1 năm nay chỉ khoảng 920 nghìn thùng/ngày, theo dữ liệu của Kpler.
Trong khi đó, các nước châu Phi đã giảm đáng kể nguồn cung cho Trung Quốc trong bối cảnh cạnh tranh giữa Iran và Nga. Jane Xie, nhà phân tích dầu cao cấp của Kpler cho biết: "Dòng dầu từ Tây Phi trong tháng trước đạt trung bình 642.000 thùng/ngày, mức thấp nhất kể từ tháng 11/2013".
Các công ty khai thác dầu khác cũng ghi nhận nhu cầu về nguyên liệu thô của họ giảm. Cụ thể, Bloomberg trích dẫn dữ liệu của các thương nhân, báo cáo rằng dầu của Iraq thuộc Basrah Medium (theo hợp đồng dài hạn) hoặc Basrah Heavy (trên thị trường giao ngay) không tìm thấy một người mua nào trên thị trường châu Á trong chu kỳ giao dịch hiện tại. Trước đây, luôn có những người mua dầu từ Iraq ở Ấn Độ và Trung Quốc, nhưng trong chu kỳ giao dịch này, họ đã chuyển sang nhận hàng từ Nga.
Hiện không chỉ có Trung Quốc thể hiện sự quan tâm ngày càng tăng đối với dầu mỏ của Nga. Trong cùng tháng 5, Nga trở thành nhà cung cấp dầu lớn thứ hai cho Ấn Độ. Vào tháng 5, các nhà máy lọc dầu của Ấn Độ đã nhận được gần 820.000 thùng dầu mỗi ngày của Nga. Đây là con số cao nhất trong lịch sử. Hồi tháng 4, khoảng 277.000 thùng mỗi ngày được gửi đến Ấn Độ từ Nga.
Lý do chính cho sự quan tâm đến dầu của Nga là mức độ giảm giá. "Hiện tại, dầu Urals của Nga chính thức được giao dịch ở mức 88 USD/thùng, trong khi dầu Brent ở mức 111 USD/thùng. Tuy nhiên, trên thực tế, hồi tháng 4-5, mức chiết khấu đối với dầu của Nga đã lên tới 30%, và theo tin đồn, Ấn Độ được cho là đã giao dịch với mức chiết khấu 50%", Andrey Maslov, một nhà phân tích tại Finam, lập luận.
Theo Artem Tuzov, giám đốc điều hành của Univer Capital, liên quan đến việc EU và Mỹ từ chối nhập dầu và các sản phẩm dầu của Nga, việc phân phối lại nguồn cung trên thế giới đang diễn ra. "Do giảm giá, Nga đã phân phối lại một phần khối lượng cho Trung Quốc và Ấn Độ. Điều này đã tạo ra một thị trường mới cho người mua. Tất nhiên, Iran, quốc gia cũng bị hạn chế về khả năng cung cấp dầu trên toàn thế giới, buộc phải hạ giá", chuyên gia Tuzov nói.
Artem Tuzov lưu ý rằng xét về lâu dài trên thị trường, EU và Mỹ sẽ buộc phải tìm kiếm các nhà cung cấp thay thế dầu và các sản phẩm dầu của Nga. Do đó, Iran "đang ở một vị trí thuận lợi trong việc cung cấp một phần dầu mỏ của mình cho Mỹ và EU thay vì sang Trung Quốc ".
Australia: Bang New South Wales đối mặt với làn sóng mới của dịch COVID-19 Giới chức y tế bang New South Wales (NSW) của Australia ngày 4/7 cảnh báo bang này đang đối mặt với làn sóng mới dịch COVID-19, đồng thời kêu gọi người dân tiêm phòng càng sớm càng tốt. Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Perth, Australia. Ảnh: AFP/TTXVN Trong một tuyên bố, người đứng đầu lĩnh...