Trung Quốc bay thử nghiệm 9 loại máy bay quân sự
Trung Quốc đang bay thử 9 loại máy bay quân sự khác nhau nhằm tăng cường sức mạnh không quân nước này, theo tạp chí quốc phòng Kanwa Defense Review (Canada).
Chiến đấu cơ tàng hình J-20 của Trung Quốc – Ảnh: Reuters
Một trong số máy bay này là chiến đấu cơ tàng hình J-20, trang tin Want China Times (Đài Loan) ngày 11.8 dẫn lại tạp chí Kanwa Defense Review.
Các hình ảnh đăng một website quân sự Trung Quốc cho thấy J-20 là một chiến đấu cơ có khả năng tấn công mục tiêu trên không và dưới mặt đất, có thiết kế dài và lớn hơn các chiến đấu cơ Nga như chiếc Su-33 và Su-37.
Bốn chiến đấu cơ khác được bay thử nghiệm là J-10B, J-11B, J-16 và J-15. Đây là các máy bay chiến đấu thế hệ thứ 4 dùng cho không quân và hải quân Trung Quốc.
Bên cạnh đó, Trung Quốc còn bay thử nghiệm các máy bay ném bom chiến lược JH-7A và JH-7B.
Máy bay vận tải quân sự Y-20 và máy bay cảnh báo sớm KJ-500 hiện cũng được thử nghiệm ở Trung Quốc.
Video đang HOT
Theo Thanh Niên
Chuyên gia Mỹ: Cắt giảm chi tiêu quốc phòng, Mỹ vẫn thừa sức 'đè' Trung Quốc
Một viện nghiên cứu chính sách hàng đầu của Mỹ đã bác bỏ lo ngại đến từ các đồng minh châu Á, và cả các nghị sĩ Mỹ, rằng việc cắt giảm ngân sách quốc phòng, cộng với tình trạng bất ổn tại châu Âu và Trung Đông, sẽ khiến ảnh hưởng của Washington tại châu Á suy yếu.
Đội tàu sân bay hùng hậu của quân đội Mỹ - Ảnh: Reuters
Trong một báo cáo đăng tải trên trang web của Viện Cato (một trong 10 viện nghiên cứu chính sách uy tín nhất nước Mỹ), ông Benjamin H. Friedman, chuyên gia nghiên cứu quốc phòng và an ninh, khẳng định việc cắt giảm chi tiêu quốc phòng Mỹ và các vấn đề khác trên thế giới không gây nguy hiểm cho sự ổn định tại Đông Á.
Mặc dù vẫn là quốc gia có ngân sách quốc phòng lớn nhất thế giới trong năm 2013, chi tiêu quốc phòng Mỹ đã giảm 7,8% so với năm 2012, theo số liệu thống kê của Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) ngày 14.4.
"Chi tiêu quốc phòng không cho thấy trước được gì nhiều về chiều hướng chiến tranh giữa các nước. Chiều hướng cuộc chiến phụ thuộc lớn vào địa hình chiến trận và sức mạnh quân đội. Những điều này lý giải vì sao Mỹ và các đồng minh châu Á vẫn sẽ thừa sức đối phó Trung Quốc trong tương lai gần", ông Friedman phân tích.
Chuyên gia này cũng đưa ra 5 lý do củng cố nhận định nói trên.
"Đầu tiên, một trong những kịch bản chiến tranh có nguy cơ xảy ra cao nhất đó là Mỹ và một đồng minh sẽ bảo vệ một bờ biển hoặc quần đảo", ông Friedman nói. "Phòng thủ dễ hơn tấn công, đặc biệt là phòng thủ chống lại quân xâm lược đến từ ngoài khơi, như trường hợp quân đội Trung Quốc tấn công Nhật Bản hay Đài Loan".
Chuyên gia Mỹ cho rằng các lực lượng cố thủ trên bờ có thể ngăn chặn các cuộc không kích và làm tổn thất nặng nề tàu đổ bộ hoặc máy bay chở lính.
"Thứ hai là bất kỳ cuộc chiến tranh Trung, Mỹ nào, nếu có xảy ra, cũng đều nằm trong lĩnh vực mà quân đội Mỹ có ưu thế, chẳng hạn như trên không, trên biển và thậm chí là trong không gian", theo nhận định của chuyên gia Friedman.
"Ngay cả khi Trung Quốc có thể triển khai tên lửa đạn đạo hay hành trình có khả năng bắn trúng tàu Mỹ, thì độ chính xác của tên lửa còn phụ thuộc vào hệ thống radar, vốn dễ bị Mỹ vô hiệu hóa bằng các thiết bị gây nhiễu sóng hay bằng các cuộc tấn công trực diện", ông Friedman cho hay.
Ông cũng nói thêm rằng Trung Quốc ít có khả năng lần tìm và tiêu diệt tàu ngầm Mỹ, vốn được đánh giá là khắc tinh của hải quân Quân đội giải phóng Trung Quốc (PLA).
Ngoài ra, sự thiếu kinh nghiệm và các nghiên cứu còn non kém của Trung Quốc sẽ làm chậm quá trình san bằng cách biệt về năng lực quốc phòng giữa nước này với Mỹ, bất chấp Bắc Kinh chi bao nhiêu cho quân đội, theo ông Friedman.
"Nhiều báo cáo cho biết, ngành công nghiệp quốc phòng Trung Quốc vẫn chật vật trong việc chế tạo chiến đấu cơ tàng hình và tên lửa có độ chính xác cao", chuyên gia Mỹ cho biết. "PLA vẫn đang loay hoay học cách điều khiển tàu sân bay duy nhất của mình, cũng như tập điều khiển tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo hoạt động ngoài khơi".
"Ngoài ra, PLA thiếu kinh nghiệm thực chiến và vẫn còn tồn tại nạn tham nhũng trong nội bộ...", ông Friedman nhận xét.
Liêu Ninh, tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc là tàu cũ mua lại từ Ukraine - Ảnh: Reuters
Lập luận thứ 3 mà ông Friedman đưa ra đó là sự hạn chế về khả năng triển khai quân đội Mỹ "thường bị nói quá".
"Nhiều báo cáo cho rằng quân đội Mỹ chỉ có thể triển khai một phần nhỏ quân để đối phó với Trung Quốc do còn phải đối phó với các tình hình ở những khu vực khác trên thế giới", chuyên gia Mỹ cho hay.
"Tuy nhiên, chiến tranh ít có khả năng bùng nổ mà không có phát sinh khủng hoảng, vốn là điều cho phép Washington huy động quân đến khu vực, đặc biệt là các tàu sân bay, tàu tấn công đổ bộ và chiến đấu cơ có kinh nghiệm chiến đấu tại Thái Bình Dương".
"Ngoài ra, Trung Quốc cũng có những mối lo về đối đầu quân sự, chẳng hạn như Ấn Độ", ông Friedman đưa ra lý do thứ 4.
Ông Friedman còn chỉ ra rằng vũ khí hạt nhân của Mỹ "thừa sức ngăn chặn Trung Quốc". "Ngay chính giới lãnh đạo Trung Quốc còn không thể chắc được rằng kho vũ khí hạt nhân của họ có sống sót nổi không sau đợt tấn công đầu tiên của quân đội Mỹ", chuyên gia Mỹ bình luận.
Điều cuối cùng là có rất ít lý do cho thấy Trung Quốc sẽ ngày càng trở nên hiếu chiến, chính vì lý do kinh tế.
"Các xu hướng kinh tế cản trở chính sách dồn tiền chi cho quân đội của Trung Quốc", theo chuyên gia Friedman.
Theo Thanh Niên