Trung Quốc âm thầm chuẩn bị cho kịch bản xấu nhất ở bán đảo Triều Tiên
Trung Quốc đang cố gắng gửi một thông điệp tới Triều Tiên: “Đừng có làm điều dại dột” thông qua việc triển khai vũ khí tới biên giới.
Kim Jong-un chỉ thị duyệt binh to hơn Trung QuốcHai miền Triều Tiên bất ngờ thỏa hiệp giảm căng thẳng trên bán đảoHọc giả Nga: Khó bùng nổ chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên
Tờ Diplomat ngày 26/8 đăng tải bình luận của tác giả Shannon Tiezzi cho rằng Trung Quốc dường như vẫn âm thầm chuẩn bị kịch bản của riêng mình cho trường hợp xấu nhất xảy ra trên bán đảo Triều Tiên ngay cả khi Bình Nhưỡng và Seoul đang nỗ lực đàm phán xoa dịu căng thẳng.
Vũ khí quân sự Trung Quốc xuất hiện trên khu vực gần biên giới với Triều Tiên. Ảnh Diplomat.
Cuối tuần trước, trên mạng xã hội Trung Quốc xuất hiện một loạt hình ảnh ghi lại cảnh xe tăng và nhiều thiết bị quân sự khác của Trung Quốc di chuyển qua các con phố ở Diên Cát thủ phủ châu tự trị Diên Biên thuộc tỉnh Cát Lâm nằm dọc biên giới với Triều Tiên.
Theo phân tích của NK News, một trang chuyên nghiên cứu về Triều Tiên, lượng vũ khí xuất hiện trong các bức ảnh trên tương đương với một lữ đoàn. Chúng bao gồm xe tăng PTZ-89 (Type 89), pháo phòng không tự hành PGZ-95 và pháo tự hành 155 mm.
Theo chuyên gia Kim Min-seok từ Diễn đàn Quốc phòng và An ninh nói với NK News, trong quá khứ Trung Quốc cũng đã từng triển khai vũ khí đến khu vực biên giới với Triều Tiên khi tình hình trên bán đảo gia tăng căng thẳng như vụ sau vụ pháo kích đảo Hàn Quốc năm 2010 và vụ thanh trừng Jang Song-thaek năm 2013.
Lý giải về động thái trên của Bắc Kinh, các chuyên gia của NK News tin rằng, Trung Quốc đang cố gắng gửi một thông điệp tới Triều Tiên: “Đừng có làm điều dại dột” thông qua việc triển khai vũ khí tới biên giới.
Có một sự trùng hợp rất đáng lưu ý là các bức ảnh vũ khí Trung Quốc đổ về biên giới lan truyền trên mạng xã hội vào sáng ngày thứ Bảy thì tối cùng ngày Triều Tiên và Hàn Quốc nhất trí tiến hành đàm phán cấp cao giảm căng thẳng.
Do đó, Tiezz tin rằng có thể việc Bắc Kinh điều vũ khí tới biên giới là nhằm để gia tăng áp lực thúc đẩy Bình Nhưỡng và Seoul ngồi vào bàn đàm phán.
Động thái này của Trung Quốc cũng có thể là động lực khiến Cheong Wa Dae vừa công bố rằng Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye sẽ tham dự lễ duyệt binh ngày 3/9 tại Bắc Kinh bất chấp áp lực từ Mỹ yêu cầu bà phải hủy bỏ lời mời.
Giới truyền thông Hàn Quốc cũng cho rằng bà Park có thể đã quyết định chấp nhận lời mời tham gia sự kiện bị phương Tây tẩy chay để đổi lại Bắc Kinh sẽ gây áp lực với Bình Nhưỡng buộc nước này giảm căng thẳng. Tuyên bố chấp thuận được ban hành sau khi Bắc Kinh điều quân tới biên giới.
Video đang HOT
Ngoài ra, còn có một lý do nữa để giải thích cho hành động điều quân tới biên giới sát Triều Tiên của Trung Quốc là có thể Bắc Kinh chỉ đơn thuần muốn đánh trống khua chiêng khi Seoul và Bình Nhưỡng cũng chuyển sang tư thế chuẩn bị cho chiến tranh.
Ngày 24/8, Triều Tiên và Hàn Quốc đã đạt được thỏa thuận giảm căng thẳng. Theo đó, Bình Nhưỡng đã bày tỏ “hối tiếc” về vụ nổ mìn trên biên giới Hàn Quốc, nhưng không xin lỗi hay nhận trách nhiệm về vụ việc. Trong khi đó, Seoul cũng chấp thuận dừng chương trình phát thanh chống Bình Nhưỡng ở biên giới./.
Nguyễn Hường
Theo giaoduc
Anh - EU: Bên nào sẽ phải xuống thang?
Một thỏa thuận giữa Anh và EU về việc Anh sẽ ở lại hay rời khỏi EU rồi cũng sẽ được đưa ra, chỉ có điều, các bên sẽ chấp nhận nhượng bộ đến đâu.
Sau chiến thắng ngoạn mục của đảng Bảo thủ tại cuộc bầu cử Hạ viện hồi đầu tháng này, nhiệm kỳ tiếp theo của Thủ tướng David Cameron đã chính thức bắt đầu bước vào giai đoạn cam go mới, nhằm xác định tương lai của nước Anh.
Thủ tướng Anh Cameron đang có nhiều ưu thế để thương lượng với EU. (Ảnh: AFP)
Theo đó, một chiến dịch ngoại giao chưa từng có của Anh đang được ông Cameron xúc tiến, nhằm gia tăng vị thế của Anh cũng như đạt được những mục tiêu cải cách EU.
Một kịch bản xấu nhất cũng đã được đưa ra là: Anh sẽ ra khỏi Liên minh châu Âu nếu các cuộc đàm phán không thể đi đến thống nhất. Thế nhưng theo giới quan sát, một thỏa thuận rồi cũng sẽ được đưa ra, chỉ có điều, các bên sẽ nhượng bộ đến đâu.
Quyền chủ động nằm trong tay ông Cameron
Thủ tướng Anh David Cameron đã bắt đầu chiến dịch ngoại giao nhằm xác định tương lai của nước Anh trong Liên minh châu Âu bằng cuộc gặp quan trọng với Chủ tịch Ủy ban châu Âu. Sau đó sẽ tiếp tục là một loạt cuộc gặp với lãnh đạo các nước như Đan Mạch, Hà Lan đặc biệt là Đức, Pháp.
Trước hết, đây là thời điểm mà ông David Cameron đang mạnh hơn bao giờ hết. Đảng Bảo thủ của ông vừa chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử ở Anh quốc và ông Cameron đang điều hành một nội các với 100% là các thành viên trong đảng.
Lá phiếu của các cử tri Anh vừa mang lại một sự tự tin to lớn, vừa mang lại một sức nặng chính trị cho các quyết sách của ông Cameron. Ông Cameron giờ đây có thể công du châu Âu với hành trang là sự ủng hộ mạnh mẽ của cử tri Anh. Vì thế, có thể nói đây là thời điểm mà ông Cameron đang có vị thế cao nhất để đối thoại với các thành viên khác của EU.
Nguyên do thứ hai, cũng xuất phát từ chính chiến dịch tranh cử của ông Cameron, đó là ông cần chứng tỏ cho các cử tri Anh quốc thấy rằng ông không quên lời hứa của mình là tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về việc Anh quốc sẽ ở lại hay rút khỏi EU. Đây là một trong những chủ đề then chốt trong cuộc bầu cử và ông Cameron có nghĩa vụ phải tiến hành một khi đã thắng cử.
Cái khó của Thủ tướng Anh lúc này là làm sao có thể đáp ứng nguyện vọng của một bộ phận người dân muốn rời khỏi Liên minh châu Âu nhưng không thể để mắc sai lầm nghiêm trọng nào trong các cuộc đàm phán với EU.
Đây chính là lí do dẫn đến chuyến ngoại giao marathon lần này của ông Cameron. Ngày 25/6 tới, 28 nước thành viên EU sẽ họp Hội đồng châu Âu và ông Cameron đang muốn thăm dò thái độ của các thành viên EU trước khi đưa ra một yêu sách cụ thể của Anh quốc.
Về cơ bản, như nhiều nhà phân tích chính trị đã chỉ ra, ông Cameron không ủng hộ cũng không phản đối việc Anh quốc rời khỏi EU. Thủ tướng Anh là người theo chủ nghĩa thực dụng. Nếu như ông cảm thấy Anh quốc được EU đáp ứng phần lớn các đòi hỏi thì ông sẽ vận động cử tri Vương quốc Anh bỏ phiếu cho sự ở lại của nước Anh trong EU, ngược lại thì sẽ không loại trừ khả năng "Brexit", tức là Anh sẽ ra khỏi EU.
Để đo lường được chính xác phản ứng của các nước châu Âu và tránh mắc các sai lầm nghiêm trọng, ông Cameron mới thực hiện chuyến đi ngoại giao marathon này.
Các chuyến đi này có hai mục đích quan trọng nhất: thuyết phục các nước EU về lí lẽ mà Anh quốc phải tiến hành trưng cầu dân ý và quan trọng nhất, là thử phản ứng của châu Âu để đưa ra các yêu sách phù hợp.
Châu Âu có chịu nhún mình?
Về phía EU, liệu các nhà lãnh đạo khối này có đưa ra một nhượng bộ nào không, trong bối cảnh Anh vẫn là nền kinh tế lớn và quan trọng hàng đầu trong Liên minh châu Âu và việc Anh ra khỏi Liên minh châu Âu là một kịch bản rất tồi tệ.
Đây là một câu hỏi khó trả lời bởi cho đến thời điểm này, điều khiến các nước thành viên EU khó chịu nhất chính là việc họ vẫn chưa biết Anh quốc đưa ra các yêu sách cụ thể ra sao.
Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định, Thủ tướng Anh David Cameron sẽ đưa ra các yêu sách liên quan đến 3 vấn đề lớn, đó là: trả lại quyền lực nhiều hơn cho London, nâng cao vai trò của Quốc hội các nước thành viên và hạn chế việc các công dân châu Âu được hưởng những ưu đãi an sinh xã hội khi làm việc tại Anh quốc. Đây đều là các chủ đề rất lớn và rất nhạy cảm.
Trong lịch sử từ trước đến nay, Anh quốc luôn muốn EU phải dành những quy chế ngoại lệ cho riêng mình, từ việc bảo hộ nông nghiệp, không tham gia quy chế Schengen cho đến việc có ưu đãi riêng về thị trường tài chính... Vương quốc Anh đặc biệt không muốn các quy định mới của EU về Liên minh ngân hàng, về đánh thuế giao dịch tài chính...ảnh hưởng đến vị thế của London, một trong những trung tâm tài chính lớn nhất thế giới.
Ngoài ra, ông David Cameron cũng muốn xem xét lại Hiệp ước Schengen về tự do di chuyển bởi cho rằng có quá nhiều lao động châu Âu, đặc biệt từ Đông Âu tìm cách đến Anh chỉ để hưởng an sinh xã hội.
Những chủ đề và yêu sách này chắc chắn sẽ tạo ra những tranh cãi rất lớn giữa Anh với các thành viên còn lại của EU bởi các nước lớn như Đức hay Pháp đều tuyên bố rằng, sẽ không có chuyện châu Âu nhượng bộ khi nước Anh đòi đàm phán lại các Hiệp ước nền tảng của Liên minh châu Âu.
Chưa thể đoán trước điều gì
Vì thế, về tổng thể, rất khó có thể phán đoán châu Âu sẽ nhượng bộ những gì nhưng tương quan hiện nay cho thấy, khả năng châu Âu nhượng bộ Anh quốc sẽ nhiều hơn bởi EU không muốn mất đi một thành viên hùng mạnh như Anh quốc.
Cách đây vài tuần, tức là trước khi diễn ra cuộc bầu cử ở Anh, một cuộc thăm dò dư luận trên tờ Guardian của Anh cho thấy nếu đặt ra câu hỏi về Brexit ngay bây giờ thì có 52% cử tri Anh quốc sẽ bỏ phiếu cho việc Anh quốc rời khỏi EU.
Tuy nhiên, trong vài năm qua, chủ đề này luôn gây chia rẽ nước Anh và luôn ở mức cân bằng, tức số người ủng hộ hay phản đối việc nước Anh rời EU là ngang bằng nhau, thậm chí số ủng hộ Anh ở lại EU nhỉnh hơn một chút.
Nhưng, ý kiến của dư luận luôn thay đổi nhanh khi tình hình kinh tế biến động. Hiện tại kinh tế Anh đang phát triển tốt hơn so với đa số các nước châu Âu nên dư luận Anh có xu hướng thích tách khỏi châu Âu, nhưng khi kinh tế ảm đạm, chắc chắn số muốn gắn bó với châu Âu sẽ lại tăng lên.
Nên lưu ý rằng 45% xuất khẩu của Anh quốc là sang thị trường châu Âu và nhiều chuyên gia kinh tế đã cảnh báo rằng nếu rời EU thì kinh tế Anh quốc sẽ thiệt hại rất nhiều.
Về mặt chính trị, việc rời EU cũng sẽ tạo rủi ro rất lớn cho Vương quốc Anh trong nội bộ bởi lẽ khác với nước Anh có xu hướng ly khai châu Âu, Scotland lại ủng hộ châu Âu rất mạnh mẽ.
Đảng Dân tộc Scotland vừa đại thắng trong cuộc bầu cử tại Vương quốc Anh vừa qua và kiểm soát gần đến 99% Scotland. Đảng này tuyên bố nếu London ra khỏi EU thì Scotland sẽ lại tổ chức trưng cầu dân ý để tách khỏi Vương quốc Anh.
Vì thế, tuy đang có xu hướng tách khỏi châu Âu nhưng đây là việc vô cùng phức tạp và rủi ro với Vương quốc Anh.
Về phía châu Âu thì ngược lại, sự ác cảm với nước Anh đang tăng lên do những yêu sách từ London nên đa số dư luận ở nhiều nước châu Âu không muốn Anh ở lại EU. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo châu Âu thì hiểu rằng EU sẽ không thể hùng mạnh nếu thiếu Vương quốc Anh./.
Theo Thùy Vân/VOV- Paris