Trò chuyện với thầy Hiệu trưởng cho 22 học sinh lưu ban về học thật thi thật
Khi vẫn còn tồn tại những “trói buộc” vào đời sống giáo viên hoặc còn treo lơ lửng một sự đe dọa nào đó thì giáo viên không thể làm một cách thoải mái.
Câu chuyện học sinh “ngồi nhầm lớp” mỗi khi được “khui ra”, lại dấy lên trong dư luận không ít băn khoăn về chất lượng giáo dục. Không khó để liệt kê những trường hợp như vậy được báo chí thông tin trong nhiều năm qua, và mới đây nhất, là chuyện một học sinh tại Đồng Tháp lên đến lớp 6 mà đọc không thông, viết không thạo.
Có ý kiến cho rằng, để dẫn đến tình trạng này có nguyên nhân đến từ “ bệnh ngụy thành tích” trong giáo dục.
Để “bắt mạch, kê đơn” cho căn bệnh này, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với người từng khiến dư luận bất ngờ khi cho 22 học sinh ở lại lớp vì không đạt chuẩn – thầy Nguyễn Thái Phong ( Hiệu trưởng trường Tiểu học Võ Thị Sáu – quận Hải Châu, Đà Nẵng) để làm sao “học thật, thi thật, nhân tài thật”.
Thầy Nguyễn Thái Phong (Hiệu trưởng Trường Tiểu học Võ Thị Sáu – quận Hải Châu, Đà Nẵng). (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
Phóng viên: Thưa thầy Nguyễn Thái Phong, theo thầy, nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng học sinh ngồi nhầm lớp như học sinh lên đến lớp 6, không biết đọc, viết… vẫn còn tồn tại ở một số địa phương?
Thầy Nguyễn Thái Phong: Năm 2019, đã một bài báo viết về trường tiểu học Võ Thị Sáu, đó là năm đầu tiên tôi “gây sốc thiên hạ” khi quyết định cho 22 học sinh ở lại lớp. Và trong thời gian suốt từ đó đến nay, năm nào trường tiểu học Võ Thị Sáu cũng có số lượng học sinh lưu ban xấp xỉ 20.
Thực tế, để một học sinh ở lại lớp cực kỳ khó! Sau 3 tháng đầu tiên giáo viên vừa dạy vừa quan sát để đánh giá học sinh, phát hiện những học sinh tiếp thu chậm hơn các bạn khác, là khoảng thời gian liên tục trong 6 tháng sau đó, nhà trường và phụ huynh có sự trao đổi, đánh giá thường xuyên, xem học sinh đó tiến bộ hay không, còn mặt nào khiếm khuyết, để tìm cách khắc phục.
Không thể có chuyện nhà trường trong cả năm học, không làm gì mà cuối năm lại cho học sinh ở lại lớp. Đến khi kết quả kỳ thi cuối học kỳ II mà học sinh không đạt, thì vẫn còn 2 cơ hội nữa: Sau khoảng một tuần được giáo viên thêm, học sinh sẽ thi lại lần 2, nếu tiếp tục không đạt thì giáo viên phải có trách nhiệm kèm cặp thêm trong hè, đến tháng 8, nếu làm tiếp một bài thi nữa mà vẫn không đạt thì mới để học sinh đó ở lại lớp.
Thế nhưng, vì sao có những trường hợp, học sinh lên đến lớp 6 mà vẫn không thể đọc thông, viết thạo?
Tôi xin khẳng định, đó là sự thiếu trách nhiệm! Một mặt, giáo viên phản ánh đến nhà trường về chất lượng của học sinh không chính xác, họ không đặt quyền lợi của trẻ trong vấn đề dạy học, mà chỉ đặt vấn đề thành tích dạy học.
Bên cạnh đó, bệnh thành tích hiện nay vẫn còn tồn tại khá nặng nề trong các nhà trường. Thậm chí, ở một số tỉnh thành, tôi thấy có một con số rất “vô duyên”, đó là chỉ được phép có 0,5% học sinh ở lại lớp.
Trên thực tế, không có một văn bản nào chỉ đạo bao nhiêu học sinh được quyền lên lớp hay ở lại lớp.
Video đang HOT
Vậy mà không hiểu vì sao, từ cấp trên lại chỉ đạo xuống cấp trường, cho ra một con số như vậy? Đó cũng là một áp lực đặt lên cho lãnh đạo nhà trường, rồi lại đè nặng lên giáo viên.
Giáo viên biết là học sinh này yếu nhưng nếu để học sinh đó ở lại lớp thì sẽ nhiêu khê cho nhà trường và nhiêu khê cho chính giáo viên.
Đặc biệt, đối với những giáo viên hợp đồng, không có trong biên chế, áp lực này đe dọa đến công việc của họ bất cứ lúc nào.
Tồn tại tình trạng học sinh dù đọc không thông, viết không thạo vẫn được lên lớp. (Ảnh: Ngân Chi)
Phóng viên: Vừa rồi, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã có chỉ đạo tổ chức dạy phụ đạo cho học sinh lớp 1 chưa đạt kỹ năng đọc, viết, tính toán ở học kỳ I trên địa bàn.
Đây có phải một trong những giải pháp ngăn chặn tình trạng học sinh ngồi nhầm lớp không, thưa thầy?
Thầy Nguyễn Thái Phong: Trước hết, đối với tình trạng 9,4% học sinh lớp 1 chưa đạt yêu cầu kỹ năng tại Bà Rịa – Vũng Tàu, cũng có nhiều nguyên nhân.
Có thể kể đến, về trình độ giáo viên đối với chương trình mới, có một số thay đổi, giáo viên trong bao nhiêu năm nay (nhất là đối với giáo viên dạy ở các trường công lập) có một sự ì nhất định, đó cũng là một nguyên nhân dẫn đến tình trạng chất lượng sa sút.
Tuy nhiên, số lượng này cũng không nhiều, vì năm nay, phải chọn đội ngũ giáo viên kỳ cựu nhất, nhiệt tình, năng nổ, thực sự sâu sát đến trẻ… để tham gia dạy lớp 1.
Bên cạnh đó, không phải đứa trẻ nào cũng có năng lực tiếp thu như nhau. Đối với một lớp có sĩ số khoảng 30-40 học sinh, có thể có khoảng 5-7 em chậm phát triển trí tuệ so với độ tuổi, và sẽ có thể có khoảng 2-3 em phải ở lại lớp, cần có thêm một năm học để tiếp thu lại.
Vì thế, việc tổ chức dạy phụ đạo cho học sinh ở thời điểm này cũng chỉ là sự bổ khuyết cho phương pháp, để 3-4 em học sinh “bắt kịp” các bạn cùng lớp (hoặc nhiều học sinh hơn cần bổ sung kiến thức hơn, tùy theo địa phương, cơ sở).
Thường thì ngay trong tháng đầu tiên nhận lớp, giáo viên phải liên tục quan sát, đánh giá học sinh, xem phản ứng của học sinh, năng lực tiếp thu như thế nào?
Đối với những học sinh tiếp thu chậm, thì tối đa là đến tháng thứ 3, giáo viên đã phải gửi cảnh báo đến phụ huynh, chứ không phải chờ đến cuối năm mới đưa ra những phương pháp, như tổ chức phụ đạo, rồi nhiều nơi còn bắt cả ban giám hiệu xuống dạy… Điều đó không ổn, vì chỉ là sự đã rồi, không thể kịp được!
Phóng viên: Với kinh nghiệm giảng dạy và quản lý nhiều năm, thầy có giải pháp nào khắc phục việc học sinh “ngồi nhầm lớp”?
Thầy Nguyễn Thái Phong: Nhắc đến giải pháp, hiện tại, chúng ta đã có rất nhiều các văn bản chỉ đạo, nhưng nếu không thay đổi được “lối mòn” tư duy thì cũng khó hiệu quả.
Vì vậy, chúng ta phải minh bạch hóa, công khai đánh giá. Chẳng hạn, nếu học sinh từ lớp dưới được đẩy lên lớp trên nhưng sau một tháng không đạt yêu cầu thì giáo viên lớp trên phải có trách nhiệm báo cáo ban giám hiệu để trước mắt giải quyết nội bộ. Nếu nhà trường vẫn muốn giấu giếm, muốn “dấm dúi” cho “qua cầu” thì tức là sẽ không bao giờ thay đổi được.
Khi học sinh lên bậc Trung học cơ sở, tức là đã được đánh giá Hoàn thành bậc Tiểu học, nhưng nếu học sinh đó không đạt những yêu cầu tối thiểu thì cần phản ánh tình trạng này lên phòng Giáo dục và Đào tạo hoặc các cơ quan bảo vệ quyền lợi của trẻ. Nếu chúng ta làm thông được 2 khâu này thì vấn đề học sinh ngồi nhầm lớp và những sắp xếp thuộc diện bệnh thành tích sẽ giảm.
Thứ hai, phải loại bỏ những chỉ tiêu thành tích, những con số như số lượng học sinh lên lớp trong một lớp chiếm bao nhiêu phần trăm so với toàn trường… Phải loại bỏ những điều này ra khỏi thành tích của giáo viên, thì giáo viên mới mạnh dạn cho học sinh ở lại lớp hoặc đánh giá đúng thực chất năng lực của học sinh.
Khi vẫn còn tồn tại những “trói buộc” vào đời sống giáo viên hoặc còn treo lơ lửng một sự đe dọa nào đó thì giáo viên không thể làm một cách thoải mái, nhất là khi gặp một Hiệu trưởng ham thành tích.
Hơn nữa, Hiệu trưởng phải đồng hành với giáo viên, không thể để giáo viên “thân cô, thế cô” được. Như khi học sinh tại trường tiểu học Võ Thị Sáu nếu có em nào học yếu, giáo viên trao đổi với phụ huynh mà một thời gian sau vẫn không cải thiện được thì bản thân tôi là Hiệu trưởng sẽ phải trực tiếp mời phụ huynh, để trao đổi cụ thể và chuẩn bị sẵn cho họ tinh thần rằng con có thể sẽ phải ở lại lớp.
Phóng viên: T rân trọng cảm ơn thầy!
Quan điểm của một Hiệu trưởng về việc không giao bài tập trong kỳ nghỉ Tết
Việc giao bài tập trong kỳ nghỉ Tết cho học sinh Tiểu học gần như không có ý nghĩa mà còn tạo ra áp lực, mệt mỏi cho học sinh.
Liên quan đến vấn đề có nên giao bài tập cho học sinh trong kỳ nghỉ Tết hay không thì đến nay đã có hai Sở Giáo dục là Quảng Bình và Bà Rịa - Vũng Tàu ra công văn yêu cầu giáo viên không giao bài tập Tết.
Lý do được hai Sở này đưa ra là nhằm tạo điều kiện cho học sinh có thời gian vui chơi, nghỉ ngơi, sum họp bên gia đình, chứ không phải chịu áp lực cặm cụi vào đống bài tập.
Thầy Nguyễn Thái Phong - Hiệu trưởng Trường tiểu học Võ Thị Sáu (bìa phải) cùng các giáo viên giảng dạy trực tuyến trong đợt dịch covid-19 vừa qua. Ảnh: AN
Chia sẻ với Tạp chí Điện tử Giáo dục Việt Nam , thầy Nguyễn Thái Phong - Hiệu trưởng Trường tiểu học Võ Thị Sáu (quận Hải Châu, Đà Nẵng) cho biết:
"Theo quan điểm của tôi thì nếu có ra bài tập trong đợt nghỉ Tết này thì chỉ nên có với bậc trung học cơ sở và trung học phổ thông, còn cấp tiểu học thì không.
Bởi cấp Tiểu học không có bài tập để ra về nhà và hầu như là không nên. Lý do là ở cấp tiểu học thì đặc thù của các em là trí nhớ ngắn hạn hơn, tức là nhanh quên nhưng cũng nhanh tiếp thu.
Bình thường ở trường, các em học cũng quên thì giáo viên phải nhắc nhở lại. Còn giao bài tập về nhà với lý do là để các em không bị quên bài thì nó không mang nhiều tác dụng và ý nghĩa lắm. Đó là chưa kể khi giao bài tập quá nhiều sẽ gây áp lực cho các em, gây tác dụng ngược.
Còn đối với cấp 2 và cấp 3 thì tâm lý của các em đã ổn định, việc học của các em đã có sự tích lũy, tự giác hơn nên cũng nên giao bài tập.
Nhưng giao với một lượng nhất định ở một số bộ môn nhất định. Ví dụ như giao bài tập về Toán, Lý, Hóa. Nhưng mức độ bài tập cũng ít thôi, gọi là bài tập gợi nhớ thôi chứ đừng giao nhiều quá.
Giao nhiều quá là dịp Tết trở thành nỗi hãi hùng của các em chứ không phải là dịp để các em vui chơi, sum họp bên gia đình".
Cũng theo thầy Phong, ở bậc tiểu học thì có quy định rất rõ ràng là không giao bài tập về nhà cho các em. Cho nên trong mỗi đợt nghỉ Tết dài thì phụ huynh có kết nối với giáo viên chủ nhiệm qua facebook, zalo... để nhắc nhở cho các con.
Tùy từng em cụ thể để nhắc các em ôn lại bảng nhân, bảng chia một chút chứ không yêu cầu làm bài tập. Hoặc những em đọc yếu thì nhắn phụ huynh cho các em đọc đi, đọc lại một số đoạn văn trong sách tiếng Việt để các em không quên mặt chữ thôi. Không xem nó như là một bài kiểm tra, rèn luyện trong dịp Tết.
"Thời gian trước nghỉ Tết thì giáo viên đã cho học sinh ôn tập tương đối tốt rồi. Sau Tết, tầm ngày 4 - 5 âm lịch thì giáo viên sẽ nhắn cho phụ huynh một vài tin nhắn nhắc lại việc các em đọc lại một số nội dung gì đó.
Để khi các em bước vào lịch học chính thức sau kỳ nghỉ dài thì nó có một bước tiếp nối chứ không có sự bỡ ngỡ. Kiểu như đang chơi, đang nghỉ ngơi mà bất ngờ vào học thì các em thay đổi không kịp. Ở đây như một sự chuẩn bị nhẹ nhàng để bước vào học".
Thầy Phong cho rằng, việc hai Sở Giáo dục nói trên phải ra công văn yêu cầu không được ra bài tập về nhà cho học sinh trong dịp Tết là bởi có thói quen của các thầy cô ở cấp 2 thường ra bài tập quá nhiều.
Thầy Phong dẫn chứng, một em học sinh cấp 2 học đến 7-8 môn học mà có những môn có bài tập dài, bài tập lớn. Mỗi môn giao từ 10 bài thì cả trong một dịp Tết, mỗi học sinh phải giải quyết đến 80 bài tập như vậy thì thời gian đâu các em chơi, các em nghỉ nữa.
Ở cấp hai thì việc học chấm điểm hàng ngày, được ghi vào sổ. Còn ở bậc Tiểu học thì việc đánh giá thường xuyên, không có điểm, nên nhẹ nhàng hơn rất nhiều.
"Do đó, tôi nghĩ những văn bản như thế này (không ra bài tập Tết cho học sinh) chỉ đạo cho cấp 2 và cấp 3 là đúng, còn bậc Tiểu học thì nó trở nên thừa", thầy Phong chia sẻ thêm.
Cô hiệu trưởng viết phần mềm từ trái tim Bảo đảm an toàn tuyệt đối cho trẻ khi đến trường là điều cô Phan Vũ Lan Anh - Hiệu trưởng Trường Mầm non Liên Mạc (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) đặt lên hàng đầu khi tổ chức các hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ. Cô Phan Vũ Lan Anh tận tâm bên học trò. Từ tâm huyết và trái tim...