Triển khai xây dựng 8 chương trình tiếng dân tộc thiểu số
Tập huấn về xây dựng chương trình tiếng dân tộc thiểu số trong chương trình giáo dục phổ thông 2018 được Bộ GD&ĐT tổ chức trong 3 ngày, từ 25 đến 27/11/2019, tại Hà Nội.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ phát biểu khai mạc tập huấn.
Dự khai mạc có Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ, lãnh đạo một số cục vụ liên quan của Bộ GD&ĐT và dự án RGEP (Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông) cùng các nhà khoa học, nhà giáo là thành viên Ban xây dựng chương trình môn tiếng Dân tộc thiểu số.
Phát biểu khai mạc đợt tập huấn sáng nay (25/11),Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho biết: Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội quy định: “Đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông nhằm tạo chuyển biến căn bản, toàn diện về chất lượng và hiệu quả giáo dục phổ thông; kết hợp dạy chữ, dạy người và định hướng nghề nghiệp; góp phần chuyển nền giáo dục nặng về truyền thụ kiến thức sang nền giáo dục phát triển toàn diện cả về phẩm chất và năng lực, hài hoà đức, trí, thể, mĩ và phát huy tốt nhất tiềm năng của mỗi học sinh”.
Theo Thứ trưởng, bản chất của lần đổi mới này là mục tiêu thay đổi, đó là hướng tới phát triển phẩm chất, năng lực người học. Từ thay đổi về mục tiêu dẫn đến nội dung, phương pháp phải thay đổi và chúng ta phải xây dựng lại chương trình.
Ngày 26/12/2018, Bộ GD&ĐT đã ban hành Chương trình Giáo dục phổ thông tại Thông tư số 32/2018/QĐ-BGDĐT. Theo đó, môn tiếng Dân tộc thiểu số là môn học tự chọn trong Chương trình Giáo dục phổ thông từ lớp 1 đến lớp 12, nhằm khuyến khích và tạo thuận lợi cho học sinh phổ thông là người dân tộc thiểu số có nguyện vọng, có nhu cầu được học môn tiếng Dân tộc thiểu số, góp phần giữ gìn và phát huy giá trị ngôn ngữ, văn hóa của các dân tộc thiểu số.
Trong 3 ngày tập huấn, Thứ trưởng yêu cầu các nhà khoa học, nhà giáo là thành viên Ban xây dựng chương trình môn tiếng Dân tộc thiểu số nắm thật chắc chương trình Giáo dục phổ thông 2018 cùng nguyên tắc xây dựng chương trình giáo dục phổ thông, tiêu chuẩn đánh giá, thẩm định chương trình. Thứ trưởng cũng lưu ý, chương trình mới tiếng Dân tộc thiểu số cần kế thừa các chương trình tiếng dân tộc đã ban hành.
Khai mạc tập huấn về xây dựng chương trình tiếng dân tộc thiểu số trong chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Giới thiệu về tình hình dạy tiếng dân tộc thiểu số và ban hành các chương trình tiếng dân tộc thiểu số trong trường phổ thông, TS Bùi Văn Thành – chuyên viên chính Vụ Giáo dục Dân tộc (Bộ GD&ĐT) – cho biết:
Ở nước ta, việc dạy học tiếng dân tộc thiểu số được triển khai từ rất sớm. Đến nay, cả nước có 6 thứ tiếng dân tộc chính thức được dạy trong trường phổ thông tại 22 tỉnh, thành phố trong cả nước, với gần 8.000 trường, gần 60.000 lớp và hơn 190.000 học sinh. Dạy học tiếng dân tộc đã và đang đem lại những tác động tích cực trong việc nâng cao chất lượng giáo dục vùng dân tộc thiểu số, góp phần bảo tồn và phát triển ngôn ngữ, văn hóa dân tộc thiểu số.
Trên cơ sở các chương trình tiếng dân tộc đã ban hành, Bộ GD&ĐT đã xây dựng và ban hành 6 bộ sách giáo khoa (SGK) tiếng dân tộc thiểu số, gồm: Bộ SGK tiếng Khmer, tiếng Chăm, tiếng Ê đê, tiếng Jrai, tiếng Bahnar, tiếng Mông. Ngoài ra, bộ SGK tiếng M’Nông và SGK tiếng Thái đang xây dựng.
Được biết, triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Bộ GD&ĐT tổ chức xây dựng chương trình môn học tiếng của các dân tộc thiểu số Việt Nam; trong đó giai đoạn đầu xây dựng chương trình 8 môn tiếng dân tộc thiểu số, gồm: Thái, Mông, Bahnar, M’Nông, Jrai, Êđê, Chăm, Khmer.
Hiếu Nguyễn
Theo GDTĐ
Tuổi 20 địu chữ, gùi nhạc lên non
Cô Lương Thị Hoà và thầy Vi Mộng Hoàng đã gắn tuổi 20 với rừng sâu núi thẳm dạy chữ và lời ca tiếng hát cho học sinh dân tộc thiểu số. Họ tâm niệm "các em không được lựa chọn nơi mình sinh ra, nhưng được chọn thực hiện ước mơ của mình".
Thầy giáo Vi Mộng Hoàng. Ảnh: NVCC
Ngược về nơi gian khó
Cô Lương Thị Hòa (SN 1986) lớn lên ở thành phố. Năm 2007 nhận quyết định tuyển dụng lên dạy Trường THCS Yên Hòa (huyện Đà Bắc, Hòa Bình), cô đã phải hình dung vùng đất khó khăn cách trở không đường nhựa, không điện lưới... Cô được cán bộ Phòng Giáo dục chỉ dẫn: "Cháu đi xe khách đến ngã Ênh rồi đi tiếp 20km lên trường, nếu không muốn đi bộ thì đợi đi nhờ xe chở ngô. À không, cháu ở thành phố...".
Cuối cùng, cô Hòa chọn theo hướng "à không" là xuống thuyền lênh đênh gần nửa ngày sông nước và "chỉ phải đi bộ" 8km đường rừng. Cô Hòa kể: "Rời thuyền nhìn bốn phía rừng núi, tôi quay lại nhìn bác chủ thuyền. Như hiểu ý, bác chủ thuyền bảo cứ đi tầm 500m có nhà dân ở thì hỏi đường, nếu không hỏi được ai thì cứ đi thẳng đến nơi đông đúc dân là đến trường Yên Hòa". Suốt chặng đường hơn hai cây số cuốc bộ trước khi đi nhờ được xe máy, chị đã chỉ chực khóc "muốn gào lên gọi mẹ".
Cô giáo Lương Thị Hòa. Ảnh: Xuân Tùng
Thầy Vi Mộng Hoàng (SN 1991) sinh ra trên mảnh đất nghèo huyện Hòa An Cao Bằng. Tốt nghiệp loại giỏi khoa Sư phạm Âm nhạc - CĐ Văn hóa Nghệ Thuật Việt Bắc Thái Nguyên, thầy Hoàng chọn nơi khó khăn hơn để thực hiện ước mơ làm giáo viên. Điểm trường anh dạy cách nhà hơn 50km, cách trung tâm huyện Hà Quảng hơn 20km thuộc vùng Lục Khu giáp biên giới Trung Quốc. "Đường núi rất khó đi, có đoạn phải dắt xe đi bộ. Có đoạn biển báo Vành đai biên giới với nhiều đường rẽ, gặp được một người dân hỏi đường thì tiếng Kinh không biết nói, tiếng dân tộc cũng không hiểu do ngôn ngữ hai vùng khác nhau", thầy Hoàng kể.
Ngôi trường đầu tiên của cô Hòa thầy Hoàng đều khác xa những gì có thể hình dung. Trường không cổng, chỉ có dãy nhà cấp 4 lớp ngói cũ kỹ, dãy nhà đan nứa. Để có nước sinh hoạt phải hứng nước mưa, phải xách từng xô nước dưới mó về lọc phèn để nấu ăn... Nếu cô Hòa "buồn vui lẫn lộn" thì thầy Hoàng đã chợt nghĩ "có nên ở lại đây để làm" và phó mặc "mai lên lớp buổi đầu tiên xem sao rồi sẽ quyết định".
Thầy giáo Vi Mộng Hoàng chia sẻ: "Hằng ngày đến trường đến lớp, trò chuyện với các em rất vui. Các em không được lựa chọn nơi mình sinh ra, nhưng các em được chọn thực hiện ước mơ của mình. Thầy cô giáo là người giúp các em thực hiện ước mơ đó". Ảnh: NVCC
Động lực giúp hai giáo viên trẻ vượt qua khó khăn chính là tình cảm của học sinh dân tộc thiểu số. Thầy Hoàng chia sẻ: "Những nhành hoa dại buổi học đầu tiên, cành hoa cải ngày 20/11, bài văn tả thầy đã làm tôi cảm động. Cảm ơn các em đã níu tôi ở lại".
Cô Hòa bộc bạch: "Những món quà đơn sơ đậm ân tình của trẻ vùng cao theo tôi cho đến bây giờ". Cô kể về quả na của cô học trò Uyên trường Yên Hòa, đã vượt đường xa mang đến tặng cô giáo trong ngày chia tay. "Con bé òa khóc không không muốn cô giáo đi, tôi cũng ngẹn lòng.
Có người bảo... hâm
Đến nay, cô Hòa và thầy Hoàng đã luân chuyển đến nhiều trường ở các vùng đặc biệt khó khăn. Dù có cơ hội đến công tác nơi thuận lợi hơn, nhưng cả hai đều từ chối. Cô Hòa chia sẻ: "Có nhiều người bảo tôi hâm, gắn đời mình với xứ khỉ ho cò gáy...Nhưng tôi chưa bao giờ nghĩ thế vì bao đồng nghiệp cũng xa gia đình lên trên núi sống; và hơn hết tình yêu của trẻ luôn là món quà vô giá". Cô kể về quả na được cô bé Uyên vượt đường xa đến tặng ngày cô trò chia tay; về nụ cười tít mắt của cậu bé "bị bùn ngập mất dép" được cô giáo mua cho đôi dép tổ ong mới thay thế.
Cô Lương Thị Hòa hướng dẫn các em học sinh của trường biểu diễn trong chương trình tuyên dương Chia sẻ cùng thầy cô tại Hà Nội. Ảnh: Xuân Tùng
Cô Hòa hiện giảng dạy ở Trường Tiểu học và THCS Cao Sơn thuộc vùng khó, có nhiều chi điểm lẻ nhất huyện Đà Bắc. Học sinh chủ yếu là người dân tộc Mường, Dao, Tày. Cô được phân công làm công tác Tổng phụ trách, cứ hai ba ngày lại đến chi lẻ dạy một lần. Không chỉ dạy chữ, lời ca điệu múa, cô Hòa còn tích cực liên hệ vận động các tổ chức thiện nguyện góp phần cải thiện điều kiện học tập, sinh hoạt cho học trò. Riêng năm học 2018-2019, cô đã vận động xây được nhà vệ sinh cho học sinh chi Bai; 50 chiếc xe đạp cho chương trình " cùng em đến trường".
Thầy Hoàng đến nay vẫn giữ thói quen sau giờ học lại theo chân học trò Trường Tiểu học Nặm Nhũng (huyện Hà Quảng) về nhà vừa rèn luyện sức khỏe vừa tìm hiểu hoàn cảnh của học sinh; tìm hiểu văn hóa, học tiếng dân tộc...
Thầy Hoàng cho biết: "Là giáo viên âm nhạc và tổng phụ trách Đội, tôi đã mạnh dạn đưa các bài dân ca địa phương vào trong giảng dạy, cùng với những bài múa dân gian để giáo dục các em yêu thích dân ca địa phương". Thầy Hoàng đã sáng tác nhiều bài hát lấy cảm hứng từ phong cảnh rừng núi, tình cảm của người dân vùng cao, từ học sinh.
Trong đó, có "Bài ca Trường Tiểu học Nặm Nhũng" được chọn là bài ca truyền thống của trường; bài hát "Tình ca bản Mông" được giải nhất cuộc thi Sáng tác ca khúc về đề tài dân tộc thiểu số và miền núi của Bộ văn hóa thể thao và du lịch tổ chức.
"Hằng ngày đến trường đến lớp, trò chuyện với các em rất vui. Các em không được lựa chọn nơi mình sinh ra, nhưng các em được chọn thực hiện ước mơ của mình. Thầy cô giáo là người giúp các em thực hiện ước mơ đó", Thầy giáo Vi Mộng Hoàng nói.
Cô Lương Thị Hoà và thầy Vi Mộng Hoàng là hai trong số 63 giáo viên vùng dân tộc thiểu số được tuyên dương trong Chương trình Chia sẻ cùng thầy cô năm 2019 do T.Ư Hội LHTN Việt Nam, Bộ GD&ĐT và Tập đoàn Thiên Long phối hợp tổ chức.
Thầy giáo Vi Mộng Hoàng (thứ hai từ phải sang) và cô giáo Lương Thị Hòa (thứ 6 từ phải sang) vinh dự nhận kỷ niệm chương, bằng khen của T.Ư Hội LHTN Việt Nam trong chương trình Chia sẻ cùng thầy cô 2019. Ảnh: Xuân Tùng.
Theo Tiền phong
Hoài bão của thạc sĩ trẻ nơi vùng khó Trở về sau chuyến dạo chơi ở vùng cao Tây Bắc, cô gái người Hà thành quyết tâm quay lại vùng đất này với tâm thế mới: Dạy chữ cho trẻ em dân tộc thiểu số. Xa nhà, xa bạn bè, người thân, những đêm trăng sáng cô chỉ biết lên đỉnh ngọn đồi cao trông trăng rồi ôm mặt khóc. Đó là...