Triển khai chương trình và sách giáo khoa mới: Ngổn ngang cái khó
Chuẩn bị cho việc triển khai chương trình và sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông mới (GDPT) vào năm học sau 2020-2021, hiện tại nhiều địa phương đang gấp rút chuẩn bị cơ sở vật chất, đặc biệt là đội ngũ giáo viên…
Một trong những lo lắng lớn nhất khi triển khai chương trình GDPT mới là thiếu giáo viên và điều kiện khó về cơ sở vật chất, trường lớp.
Theo GS Nguyễn Minh Thuyết – Tổng chủ biên chương trình GDPT mới – trước hết các thầy cô giáo phải chủ động nghiên cứu chương trình thật kỹ, vì trong đổi mới chương trình và SGK lần này thì quan trọng nhất là chương trình. Khi thầy cô hiểu được chương trình mới thì tự dạy, không cần phải theo từng chữ trong SGK.
Lo nhất là thiếu giáo viên
Năm học 2019-2020 được coi là năm học bản lề, là khoảng thời gian “nước rút” để các trường chuẩn bị các điều kiện triển khai chương trình GDPT. Dẫu thế, ngay trước thềm năm học mới, câu chuyện thiếu giáo viên ở không ít địa phương, thậm chí diễn ra ngay tại Hà Nội, rồi vấn đề nan giải trong tuyển dụng sử dụng giáo viên đang khiến nhiều người băn khoăn khi triển khai thực hiện chương trình mới mà thời gian không còn nhiều.
Báo cáo của Bộ GDĐT cũng chỉ ra nhiều bất cập như: Tỷ lệ giáo viên hợp đồng chưa được xét tuyển chính thức còn khoảng 15%; cơ cấu đội ngũ chưa hợp lý, một số nơi thiếu trầm trọng giáo viên các môn Tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật. Đại diện Vụ Giáo dục tiểu học cho hay hiện cả nước thiếu khoảng 2.000 giáo viên Âm nhạc và trên 2.000 giáo viên Mỹ thuật cho bậc tiểu học.
Về chất lượng giáo viên Âm nhạc và Mỹ thuật, ông Thái Văn Tài – quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học – cho biết: Thời gian qua công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ giáo viên nghệ thuật đã được các nhà trường quan tâm, nhưng chất lượng đội ngũ còn nhiều vấn đề cần suy nghĩ. Việc không có đủ giáo viên chuyên biệt cho các môn nghệ thuật khiến các nhà trường phải bố trí giáo viên “tay ngang”, nên chất lượng đào tạo nhiều nơi chưa tốt. Cùng với đó, trình độ giáo viên Âm nhạc, Mỹ thuật – nhất là ở cấp Tiểu học – còn chưa đồng đều, ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục học sinh.
Đánh giá của Bộ GDĐT cho thấy: Hiện tại tỷ lệ giáo viên trên cả nước đạt 1,4 giáo viên/ lớp (trong khi theo quy định là 1,5 giáo viên/ lớp), trong số này có 85% giáo viên diện biên chế. Để bổ sung đội ngũ giáo viên cả về số lượng và chất lượng, Bộ đã đề nghị các địa phương báo cáo thực trạng và từng bước có kế hoạch bổ sung giáo viên còn thiếu. Về kế hoạch tập huấn giáo viên, Bộ đã triển khai việc tập huấn chương trình mới, trong đó ưu tiên trước đội ngũ cán bộ quản lý trường tiểu học và giáo viên dạy lớp. Sau khi các địa phương lựa chọn SGK áp dụng cho chương trình GDPT mới, Bộ cũng đề nghị các địa phương kết hợp với các nhà xuất bản tổ chức cho 100% giáo viên tập huấn sử dụng SGK.
Thầy cô không thụ động
Thời điểm này, công tác thẩm định SGK vẫn đang được tiến hành, theo dự kiến đến tháng 10 tới, Bộ GDĐT sẽ công bố SGK đạt thẩm định, đồng thời cũng là những bộ SGK chính thức đầu tiên của chương trình mới. Nhưng nhiều giáo viên đang tỏ ra lo lắng vì trong khi thời gian còn rất ít mà đến nay họ vẫn chưa biết mặt SGK mới sẽ ra sao, thay đổi so với trước thế nào? GS Nguyễn Minh Thuyết chia sẻ: Trước hết các thầy cô giáo phải nghiên cứu chương trình kỹ. Tôi đến nhiều lớp tập huấn và hỏi các thầy cô thì nhận được câu trả lời là họ chưa đọc. Tôi tin giờ mình đi điều tra sẽ có tới 70-80% số giáo viên chưa đọc chương trình mặc dù dự thảo đã được đưa lên mạng lấy ý kiến từ ngày 19/1/2017 và sau đó công bố chương trình chính thức trên cổng thông tin của Bộ GDĐT và báo chí từ ngày 28/12/2018.
Thầy cô chưa đọc chương trình mới thì không thể dạy được. Vì trong đổi mới chương trình và SGK lần này thì quan trọng nhất là chương trình. Khi thầy cô hiểu được chương trình mới thì tự dạy, không cần phải theo từng chữ trong SGK. Do vậy, bây giờ thầy cô phải thay đổi quan điểm, không thụ động ngồi chờ Phòng, Sở, Bộ GDĐT chỉ đạo mới làm. Hơn nữa, việc thay đổi SGK trong vòng 5 năm mới kết thúc chu trình. Nghĩa là, có những lớp học 5 năm nữa mới thay đổi chương trình, nhưng giáo viên phải vận dụng ngay tinh thần đổi mới vào dạy học chương trình hiện hành chứ không chờ tới 5 năm sau.
Video đang HOT
Riêng về vấn đề tập huấn giáo viên, theo GS Nguyễn Minh Thuyết: Để việc tập huấn giáo viên dạy theo chương trình mới được tổ chức mang lại hiệu quả thực sự mà lại không mất nhiều thời gian thì lần này, Bộ GDĐT cần yêu cầu tập huấn trên mạng, giáo viên tham gia phải đọc tài liệu. Sau đó, khi tập huấn trực tiếp, giáo viên phải đặt câu hỏi, nêu thắc mắc, yêu cầu để được giải đáp, chứ không như mọi khi giáo viên đi tập huấn nhưng trong đầu không có cái gì thì không ổn…
Học 2 buổi/ ngày khó khả thi
GS Nguyễn Minh Thuyết nhấn mạnh: Yêu cầu quan trọng để triển khai chương trình GDPT mới là sở vật chất. Điều kiện tối thiểu là học sinh tiểu học học 2 buổi/ ngày và 6 ngày/ tuần, sĩ số 35 em/ lớp. Quy định này không chỉ khó với các địa phương vùng sâu, vùng xa mà ngay cả với Hà Nội, TP HCM cũng đang là thách thức, bởi tốc độ đô thị hóa quá nhanh đang khiến gia tăng dân số cơ học nhanh, trong khi quỹ đất xây trường rất hạn chế. Đơn cử như tại Hà Nội, một số quận có tốc độ đô thị hóa nhanh như Hoàng Mai, Cầu Giấy… khiến cho trường lớp tại các khu đô thị mới quá tải. Sĩ số trung bình của nhiều trường tiểu học hiện ở mức 60 học sinh/ lớp, gần gấp đôi so với sĩ số tiêu chuẩn khi triển khai chương trình mới. Vậy giải bài toán sĩ số này khi triển khai chương trình và SGK mới ngay vào năm học sau sẽ ra sao?
Tương tự, tại TP HCM, theo báo cáo của Sở GDĐT, năm học 2019-2020, toàn thành phố tăng 75.434 học sinh, trong đó, tiểu học tăng 21.711 học sinh. Áp lực này làm gia tăng sĩ số học sinh/ lớp, vượt cao so với chuẩn (cấp tiểu học), học sinh học 2 buổi/ ngày giảm. Việc nhiều trường có quy mô trên 40-50 học sinh/ lớp đã hạn chế phần nào công tác quản lý và chất lượng giảng dạy.
Thời gian qua, tại các hội thảo tập huấn triển khai chương trình GDPT mới, băn khoăn lớn nhất của các địa phương chính là khó khăn khi triển khai học 2 buổi/ ngày. Một số địa phương như Đồng Nai cho hay chỉ có khoảng trên 36% học sinh tiểu học được học 2 buổi/ ngày; TP HCM cũng chỉ có hơn 70% học sinh tiểu học được học 2 buổi/ ngày…
PGS Trần Xuân Nhĩ – nguyên Thứ trưởng Bộ GDĐT cho rằng, nhà nước không thể nào bao cấp được hết, chỉ nên đầu tư cho những nơi khó khăn, vùng sâu, vùng xa, còn lại cần theo hướng xã hội hóa thì mới có thể giải được bài toán thiếu trường, lớp lâu nay. Ông cũng thẳng thắn chỉ ra rằng Bộ GDĐT đã quyết tâm thực hiện chương trình và SGK mới nhưng chưa quyết liệt lắm.
GS Nguyễn Minh Thuyết tâm tư: Từ chương trình chuyển thành SGK, thành hành động của giáo viên, cán bộ quản lý, chính quyền là con đường rất dài và nhiều trắc trở. Không có nghĩa cứ có chương trình tốt thì mọi việc sẽ tốt. Nhưng nếu tất cả cán bộ, giáo viên hiểu mục tiêu đổi mới, có động lực thì chương trình sẽ thực hiện được.
Điều đáng lưu ý là khi thực hiện chương trình mới, học sinh tiểu học học 2 buổi/ ngày, có thêm môn Ngoại ngữ, Tin học đương nhiên cần phải tăng giáo viên, giờ lại giảm biên chế sẽ dẫn đến nhồi nhét học sinh vào một lớp học đông thì chất lượng không đảm bảo. Vì thế, việc tinh giản giáo viên phải trên cơ sở rà soát thực tế, chứ không thể cào bằng. Chương trình mới chỉ được thực hiện thành công khi các địa phương, các ngành quan tâm chỉ đạo, lãnh đạo, tạo điều kiện hỗ trợ cho ngành giáo dục.
Mạnh Dũng
Theo daidoanket
Nâng chất dạy học nghệ thuật: Cần chiến lược xây dựng, phát triển đội ngũ giáo viên
Điểm nổi bật trong Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới là môn Nghệ thuật (Âm nhạc, Mỹ thuật) được triển khai ở các cấp học.
PGS.TS Đào Đăng Phượng - Hiệu trưởng Trường ĐHSP Nghệ thuật TW cho rằng - các cơ sở đào tạo giáo viên nghệ thuật cần chuẩn bị đầy đủ điều kiện, cập nhật, nắm bắt, theo kịp tinh thần của chương trình, sách giáo khoa (SGK) mới để đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng GV cho môn học này.
PGS.TS Đào Đăng Phượng.
* Chúng ta sẽ gặp khó khăn nào trong đáp ứng điều kiện đội ngũ GV Âm nhạc, Mỹ thuật khi triển khai Chương trình GDPT mới?
-Nhiều người lo ngại đội ngũ GV nghệ thuật (Âm nhạc, Mỹ thuật) hiện tại khó có đủ khả năng đáp ứng đảm nhận Chương trình GDPT mới theo kế hoạch đề ra. Do đó, chuẩn hóa, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách mà toàn ngành Giáo dục đã và đang nỗ lực thực hiện nhằm nâng cao chất lượng, vai trò của đội ngũ GV, đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình, SGK.
Thực hiện đổi mới chương trình, nhất là chương trình GDPT không phải dễ dàng và luôn gặp khó khăn ban đầu. Đổi mới dạy học môn Nghệ thuật trong nhà trường phổ thông, trước hết khó khăn sẽ tập trung ở vấn đề đội ngũ GV và cơ sở vật chất. Do đó, yêu cầu cấp thiết đặt ra là cần xúc tiến xây dựng chương trình, tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn, kết hợp với sự chủ động nghiên cứu, tìm hiểu của bản thân GV để có thể đáp ứng được yêu cầu của chương trình mới.
Giáo dục nghệ thuật (Âm nhạc, Mỹ thuật) trong danh mục các môn học ở các cấp học trong Chương trình GDPT mới có vị trí quan trọng và được định hướng về nội dung giáo dục rõ ràng. Để đạt được mục tiêu đó, năng lực đội ngũ GV dạy học nghệ thuật đóng vai trò quyết định. Đội ngũ này cần phải được đào tạo, bồi dưỡng, chuẩn hóa, nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, mở rộng, phát triển kỹ năng nghề nghiệp.
Mỗi địa phương, vùng miền có những điều kiện và hoàn cảnh khác nhau trong đào tạo, sử dụng đội ngũ GV nghệ thuật. Việc chuẩn hóa, phổ cập đội ngũ GV này trước đây chủ yếu tập trung ở các trung tâm, thành phố; hầu hết các địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn vẫn còn thiếu, trình độ của đội ngũ GV nghệ thuật không đồng đều. Đây cũng là bất cập cho triển khai Chương trình GDPT mới và cũng cho thấy sự cần thiết phải đẩy nhanh đào tạo, bồi dưỡng và chuẩn hóa đội ngũ GV nghệ thuật của các trường phổ thông.
* Nội dung giáo dục nghệ thuật ở phổ thông hướng tới định hướng nghề nghiệp cho học sinh, được thể hiện chuyên sâu trong các chuyên đề học tập. Do đó, cần nhanh chóng đổi mới đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ GV nghệ thuật trong trường phổ thông qua vai trò của các trường sư phạm. Là người trong cuộc, ông nghĩ sao?
- Có thể nói, các cơ sở đào tạo GV nghệ thuật phải là nơi tiên phong trong rà soát, điều chỉnh, thiết kế lại chương trình đào tạo, bồi dưỡng GV theo mục tiêu phát triển năng lực nghề và tương thích với sự thay đổi của chương trình, SGK theo Chương trình GDPT mới.
Đối chiếu với yêu cầu của Chương trình giáo dục mới, các trường sư phạm nghệ thuật sẽ thấy rõ cái đang cần và đang thiếu của GV, từ đó xác định nội dung cần đào tạo, bồi dưỡng cho GV và xây dựng chương trình cho sát với nhu cầu thực tiễn.
Trong công tác đào tạo, bồi dưỡng, GV nghệ thuật cho các trường phổ thông, giảng viên các trường ĐH sư phạm nghệ thuật phải thực sự là lực lượng nòng cốt, chủ yếu để bảo đảm chất lượng của đội ngũ GV dạy học Âm nhạc, Mỹ thuật. Các cơ sở đào tạo giáo viên được giao nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng sẽ là người chịu trách nhiệm tổ chức, chủ động phối hợp với các địa phương trong các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng và các nhiệm vụ khác được giao theo lộ trình và yêu cầu của Chương trình GDPT mới.
Đối với Trường ĐHSP Nghệ thuật TW, được ghi nhận là cơ sở đào tạo GV nghệ thuật chính quy lớn nhất cả nước cả về số lượng và chất lượng, đang theo sát lộ trình triển khai Chương trình GDPT mới. Trường đã và đang đẩy mạnh các hoạt động nhằm hỗ trợ, chuẩn bị, tổ chức đào tạo, bồi dưỡng đội nghệ thuật.
*Theo ông, cần làm gì để chúng ta có thể tự tin về đội ngũ khi triển khai chương trình mới với môn nghệ thuật?
- Tôi cho rằng, trước hết cần có sự thống nhất cao về quan điểm, mục tiêu; ổn định nội dung, chương trình; cải tiến đồng bộ phương pháp đào tạo, bồi dưỡng, chuẩn hóa đội ngũ GV dạy học bộ môn nghệ thuật trong trường phổ thông.
Bộ GD&ĐT cùng các trường sư phạm nghệ thuật có khảo sát, điều tra, thống kê, tổng kết về số lượng, chất lượng; đánh giá lại năng lực một cách chính xác, khách quan của đội ngũ GV nghệ thuật để có căn cứ khoa học cho một chiến lược xây dựng, phát triển đội ngũ này ở tầm vĩ mô. Đồng thời ban hành chuẩn GV, chuẩn chương trình đào tạo, bồi dưỡng GV nghệ thuật theo Chương trình GDPT.
Tổ chức biên soạn các tài liệu đào tạo, bồi dưỡng GV nghệ thuật theo từng nội dung hoặc chủ đề, trên cơ sở đó, thiết kế một số giáo án mẫu, các tiết dạy minh họa thể hiện cách thức dạy học theo hướng đổi mới của Chương trình GDPT để GV có thể tự học, tự bồi dưỡng, vận dụng.
Đối với các cơ sở được giao đào tạo, bồi dưỡng GV nghệ thuật cần xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị (đặc biệt xây dựng phòng dạy trực tuyến) để giảng dạy qua mạng, online. Xác định rõ mình là lực lượng nòng cốt trong tổ chức các đợt tập huấn, bồi dưỡng. Đây là khâu then chốt để bảo đảm chất lượng trong công tác bồi dưỡng đội ngũ GV nghệ thuật cho các trường phổ thông. Cần thiết mở rộng chỉ tiêu đào tạo liên kết, hình thức vừa học vừa làm cho ngành sư phạm Âm nhạc, Mỹ thuật thay thế cho việc bồi dưỡng đội ngũ GV nghệ thuật.
Đối với các Sở GD&ĐT, trường phổ thông, bố trí, sắp xếp thời gian hợp lý cho GV nghệ thuật được tham gia các khóa, lớp đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn từ xa hoặc trực tiếp theo chương trình mới.
GV trực tiếp giảng dạy Âm nhạc, Mỹ thuật ở các cơ sở GDPT chủ động, tích cực hoàn thành tốt các khóa đào tạo, bồi dưỡng ở địa phương hoặc ở các trường sư phạm nghệ thuật phù hợp với thời điểm áp dụng chương trình, SGK theo lộ trình, thực hiện tốt các nhiệm vụ đổi mới mà Bộ, ngành, sở triển khai.
Các cơ quan, bộ phận liên quan xây dựng quy trình thường xuyên đánh giá tiến độ, mức độ thực hiện kế hoạch và biện pháp triển khai, lấy ý kiến phản hồi của GV nghệ thuật trong trường phổ thông về các điều kiện và biện pháp hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, phát triển học thuật, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.
* Xin cảm ơn ông!
Hiếu Nguyễn (Thực hiện)
Theo GDTĐ
Triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới: Chạy nước rút... có kịp? Từ năm học 2020-2021, chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới sẽ được giảng dạy ở lớp 1. Do đó, từ ngày 1-15/7, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) bắt đầu tiếp nhận hồ sơ thẩm định sách giáo khoa (SGK) lớp 1 của các tổ chức, cá nhân... Từ năm học 2020-2021, sẽ bắt đầu triển khai vòng SGK mới....