Triển khai chương trình GDPT mới: Một số địa phương cón khó khăn về giáo viên
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cùng đoàn công tác của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã có chuyến công tác, làm việc với một số địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Với việc triển khai chương trình mới, các địa phương đã có kế hoạch đầu tư và lộ trìn thực hiện nghiêm túc, trách nhiệm. Tuy nhiên, khó khăn về giáo viên và cơ sở vật chất vẫn còn hiện hữu.
Báo cáo về tình hình triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 trên địa bàn tỉnh, bà Lâm Thị Sang, Giám đốc Sở Giáo dục, Khoa học và Công nghệ tỉnh Bạc Liêu cho biết, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền địa phương đã quan tâm chỉ đạo ngành Giáo dục trong việc thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới, trước mắt là đối với lớp 1 năm học 2020-2021.
Tỉnh cũng đã thực hiện sắp xếp lại mạng lưới trường lớp, dồn dịch điểm trường và các trường tiểu học có quy mô nhỏ, cơ sở vật chất không đảm bảo thành những điểm trường, trường tiểu học có quy mô lớn hơn để tập trung nguồn lực đầu tư kiên cố. Tỉnh Bạc Liêu cũng đã bố trí nguồn kinh phí hơn 20 tỷ đồng mua sắm thiết bị dạy học đảm bảo nhu cầu tối thiểu các môn học và hoạt động giáo dục lớp 1.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ và các em học sinh Trường Tiểu học Phùng Ngọc Liêm, tỉnh Bạc Liêu. (Ảnh: Moet.gov.vn)
Khó khăn của tỉnh Bạc Liêu khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới là đội ngũ giáo viên cốt cán của tỉnh còn thiếu, thậm chí không có ở một số môn mới, môn ghép và các hoạt động giáo dục. Cũng do ngân sách khó khăn nên năm 2020, tỉnh chưa bố trí được kinh phí để triển khai hoạt động bồi dưỡng đại trà cho giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục.
Để đáp ứng thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới theo quy định, dự kiến tỉnh Bạc Liêu cần nguồn kinh phí gần 1.820 tỷ đồng để đầu tư xây dựng bổ sung đủ số phòng học đạt chuẩn 1 lớp/1 phòng cấp mầm non và tiểu học; đủ số phòng phục vụ học tập, phòng bộ môn và thư viện cấp tiểu học, THCS và THPT giai đoạn 2021-2025.
Hay như tại Trà Vinh – một trong những địa phương khó khăn nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới tại Trà Vinh cũng còn không ít hạn chế. Trong đó, tỷ lệ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục chưa đạt chuẩn theo quy định còn khá cao; vẫn còn tình trạng thừa – thiếu giáo viên ở các cấp học, môn học; cơ sở vật chất, trường lớp xuống cấp, thiếu thốn.
Đại học địa phương tham gia vào đào tạo giáo viên
Đối với 2 điều kiện căn cốt là đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất để triển khai chương trình mới, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, Bộ GD&ĐT sẽ đồng hành cùng tỉnh Bạc Liêu, Trà Vinh, Sóc Trăng… nói riêng, các địa phương khác trên cả nước nói chung để rà soát, hoàn thiện 2 đề án về phát triển đội ngũ giáo viên và đầu tư cơ sở vật chất thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới giai đoạn 2021-2025. Còn tại Bạc Liêu, riêng đề án về đội ngũ giáo viên, theo Bộ trưởng cần gắn với nâng cao năng lực đào tạo của Trường Đại học Bạc Liêu.
Từ những kết quả đã đạt được trong triển khai chương trình lớp 1, Bộ trưởng đề nghị, tỉnh Bạc Liêu tiếp tục phát huy cho những năm tiếp theo. Trong đó, trước mắt cần chỉ đạo tốt việc lựa chọn sách giáo khoa lớp 2, lớp 6; kiện toàn nhóm biên soạn tài liệu giáo dục địa phương để sớm hoàn thiện tài liệu địa phương lớp 1 và các lớp tiếp theo. “Đây không chỉ là tài liệu dạy học mà còn là công trình văn hóa của địa phương nên phải được thực hiện công phu, chuẩn về nội dung, đẹp về hình thức”, Bộ trưởng nói.
Video đang HOT
Để dư luận nhân dân hiểu rõ về quá trình triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, đặc biệt là những kết quả thực hiện chương trình lớp 1 thời gian vừa qua, Bộ trưởng đề nghị, ngành Giáo dục tỉnh Bạc Liêu đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông. Đồng thời, chú trọng công tác phối hợp, thường xuyên kết nối với các đơn vị của Bộ GD&ĐT để cùng trao đổi, “gỡ khó” cho quá trình triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.
“Chất lượng học sinh lớp 1 ổn hơn năm trước”
Trong chuyến thăm và làm việc tại Bạc Liêu, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ và đoàn công tác của Bộ GD&ĐT đã tới kiểm tra thực tế việc triển khai chương trình lớp 1 tại Trường Tiểu học Phùng Ngọc Liêm, thành phố Bạc Liêu.
Báo cáo với đoàn công tác, cô giáo Nguyễn Thị Nguyệt, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết, năm học 2020-2021, Trường Tiểu học Phùng Ngọc Liêm có 6 lớp 1 với 263 học sinh. Để triển khai chương trình mới, nhà trường đã chuẩn bị rất kỹ về đội ngũ giáo viên, giáo viên được lựa chọn dạy lớp 1 là những người có trình độ chuyên môn vững vàng, có nhiều năm kinh nghiệm.
Ngay từ năm học 2018-2019, Trường Tiểu học Phùng Ngọc Liêm đã tổ chức cho học sinh lớp 1 học 2 buổi/ngày; đến năm học 2020-2021 không chỉ lớp 1 mà khối lớp 2 cũng đã được bố trí học 2 buổi/ngày. Các phòng học đều được trang bị tivi để phục vụ cho việc giảng dạy.
Sau 6 tháng triển khai chương trình mới, các giáo viên đang giảng dạy lớp 1 tại Trường Tiểu học Phùng Ngọc Liêm đều có chung chia sẻ là đã vượt qua được những khó khăn, bỡ ngỡ ban đầu và đã mạnh dạn, linh hoạt để làm chủ hoạt động dạy học.
Nhắc lại giai đoạn đầu thực hiện chương trình, cô giáo Tường Vy cho biết, giáo viên phải huy động cả phụ huynh vào cuộc để hỗ trợ giảng dạy cho học sinh tại nhà. Đầu năm khi nhận lớp, lớp của cô có tới 15/49 học sinh thuộc diện yếu. Nhưng với nỗ lực của giáo viên, sự bắt nhịp nhanh chóng của học sinh, kết thúc học kỳ I, lớp 1 do cô Tường Vy chủ nhiệm chỉ còn 2 học sinh yếu.
Cô giáo Lê Nguyệt Ánh, giáo viên Trường Tiểu học Phùng Ngọc Liêm cho biết, lớp 1 do mình chủ nhiệm chỉ còn 1/47 học sinh chưa theo kịp chương trình sau khi kết thúc học kỳ I, đó là nhờ có sự hợp tác chặt chẽ của phụ huynh.
Cô Ánh cho hay, ngay từ đầu năm học, cô đã thiết lập trên zalo nhóm phụ huynh của lớp để lắng nghe và giải đáp mọi thắc mắc của phụ huynh, đồng thời hướng dẫn phụ huynh cùng đồng hành với con trong quá trình học tập theo chương trình mới. “Nhờ đó mà đến này, phụ huynh không còn than con học khó nữa”, cô Nguyệt Ánh chia sẻ.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ tới thăm lớp học và trò chuyện với giáo viên và học sinh tại Bạc Liêu về triển khai chương trình mới. (Ảnh: Moet.gov.vn)
Ông Huỳnh Chí Hiếu, Phó Trưởng Phòng GD&ĐT thành phố Bạc Liêu thông tin, Phòng GD&ĐT thành phố đã chỉ đạo xây dựng 5 tổ sinh hoạt chuyên môn thường xuyên tổ chức các cuộc sinh hoạt, trao đổi. Phòng GD&ĐT cũng đã tổ chức 5 đợt dự giờ giáo viên lớp 1. “Chúng tôi dự giờ ở đây không phải để đánh giá giáo viên mà để cùng “gỡ khó” với giáo viên”, ông Hiếu nói.
Lắng nghe chia sẻ của giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ ghi nhận sự vào cuộc rất nhanh của các thầy cô giáo và bày tỏ sự vui mừng trước kết quả đánh giá học sinh sau học kỳ I. Tuy nhiên, Bộ trưởng lưu ý, đây mới là trên báo cáo, cần phải khảo sát và kiểm tra thêm để có đánh giá sát thực. Ngoài ra, Bộ trưởng cũng lưu ý về việc đảm bảo sỹ số học sinh trên lớp, bởi sỹ số học sinh như hiện nay của Trường Tiểu học Phùng Văn Liêm là quá đông, gây áp lực cho giáo viên và ảnh hưởng tới chất lượng triển khai chương trình mới.
Với mong muốn đội ngũ giáo viên sẽ tiếp tục nỗ lực, chủ động trong triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ trưởng đề nghị, mỗi giáo viên Trường Tiểu học Phùng Ngọc Liêm sẽ tích cực chia sẻ kinh nghiệm thông qua việc xây dựng các clip bài giảng điện tử để đóng góp vào hệ thống bài giảng chung của giáo viên cả nước.
Rút ra bài học khi triển khai chương trình lớp 1 để sẵn sàng triển khai chương trình lớp 2
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cùng đoàn công tác của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã có cuộc làm việc với lãnh đạo tỉnh Trà Vinh về tình hình triển khai chương trình giáo dục phổ thông năm 2018.
Làm việc với đoàn có Bí thư Tỉnh ủy Trà Vinh Ngô Chí Cường; Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Hẳn; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh Trà Vinh.
Nỗ lực để đổi mới ở địa phương khó khăn nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long
Năm học 2019-2020, tỉnh Trà Vinh thực hiện áp dụng sách giáo khoa lớp 1 theo chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, đảm bảo từ quy trình lựa chọn sách giáo khoa đến tập huấn, bồi dưỡng cho tất cả giáo viên, cở sở vật chất, trang thiết bị tối thiểu.
Hiện, tỉnh Trà Vinh đang chuẩn bị mọi mặt cho việc áp dụng chương trình, sách giáo khoa lớp 2, lớp 6 từ năm học 2021-2022. Dự kiến năm học 2021-2022 toàn tỉnh sẽ có 163 trường với 698 lớp 2 triển khai chương trình mới.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại cuộc làm việc với lãnh đạo tỉnh Trà Vinh (Ảnh: Moet.gov.vn)
Đánh giá quá trình triển khai lớp 1 của tỉnh Trà Vinh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT) Thái Văn Tài cho rằng, Trà Vinh đã có sự chuẩn bị rất tốt. Cụ thể, đã bố trí đủ số phòng học để thực hiện dạy học trên 30 tiết/tuần đối với lớp 1 và tới đây là đảm bảo đối với lớp 2. Tỉnh cũng dành nguồn ngân sách để trang bị đầy đủ các đầu sách của 5 bộ sách giáo khoa lớp 1 cho từng lớp học, qua đó giáo viên, học sinh có điều kiện tham khảo trong quá trình dạy và học.
Cũng theo Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Trà Vinh còn là một trong những tỉnh thực hiện tốt việc tập huấn giáo viên. Địa phương này đã tổ chức tạo tài khoản cho tất cả cán bộ quản lý và giáo viên để tiến hành bồi dưỡng đại trà trong chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 theo yêu cầu của Bộ GD&ĐT.
Mặc dù có nhiều nỗ lực song với đặc thù là một trong những địa phương khó khăn nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới tại Trà Vinh cũng còn không ít hạn chế. Trong đó, tỷ lệ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục chưa đạt chuẩn theo quy định còn khá cao; vẫn còn tình trạng thừa - thiếu giáo viên ở các cấp học, môn học; cơ sở vật chất, trường lớp xuống cấp, thiếu thốn.
Đầu tư về nguồn lực và cơ sở vật chất cần bài bản
Tại cuộc làm việc, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ và đại diện các đơn vị thuộc Bộ GD&ĐT đã trao đổi, giải đáp nhiều nội dung nhằm "gỡ khó" cho địa phương trong quá trình chuẩn bị đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, trường lớp cho triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới nói riêng, cũng như phát triển giáo dục và đào tạo nói chung.
Một trong những giải pháp được đưa ra là xây dựng 2 đề án về phát triển đội ngũ giáo viên và đầu tư cơ sở vật chất, trường lớp cho giai đoạn 5 năm (2021-2026). Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, tỉnh Trà Vinh cần rà soát nhu cầu về đội ngũ để thấy rõ thực tế thừa thiếu, căn cứ lộ trình đổi mới và các quy định để xây dựng đề án phát triển đội ngũ giáo viên, từ đó có kế hoạch tuyển dụng, bồi dưỡng, xác định nguồn kinh phí đào tạo cho từng năm.
Trong điều kiện một tỉnh còn nhiều khó khăn, các nguồn lực đầu tư cho giáo dục còn hạn chế, Bộ trưởng cho rằng, đề án đầu tư cơ sở vật chất, trường lớp sẽ giúp cho việc đầu tư của địa phương bài bản, có lộ trình, chia sẻ được các nguồn lực khác nhau, từ đầu tư công, đến các nguồn đề án, dự án và nguồn xã hội hóa.
Với 2 đề án này, Bộ trưởng gợi mở, tỉnh Trà Vinh nên có Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy để thực hiện. Đồng thời khẳng định, Bộ GD&ĐT sẽ đồng hành, hỗ trợ địa phương trong quá trình xây dựng và triển khai 2 đề án.
Đến thời điểm này, việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới đối với lớp 1 đã bước sang học kỳ II, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đề nghị, ngành Giáo dục tỉnh Trà Vinh chỉ đạo các nhà trường rà soát, đánh giá việc triển khai thực hiện, nhìn nhận điểm mạnh, điểm yếu, rút ra những bài học kinh nghiệm cho triển khai đối với lớp 2.
"Triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới là một chủ trương lớn, năm nay lại là năm đầu tiên thực hiện nên rất cần tổng kết. Những gì còn hạn chế cần rút kinh nghiệm và mạnh dạn thay đổi", Bộ trưởng nêu rõ và cho biết, từ báo cáo của các địa phương, Bộ GD&ĐT sẽ có tổng kết chung.
Tích cực chuẩn bị triển khai chương trình lớp 2
Bộ trưởng cũng lưu ý tỉnh Trà Vinh về việc lựa chọn sách giáo khoa lớp 2, lớp 6; chuẩn bị đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất triển khai hai lớp này trong năm học tiếp theo và chuẩn bị, sớm ban hành tài liệu giáo dục địa phương. Để dư luận nhân dân hiểu, đồng thuận với các chủ trương đổi mới, ngành Giáo dục Trà Vinh cần làm tốt công tác thông tin, truyền thông, trước mắt là thông tin, làm rõ kết quả triển khai đối với lớp 1.
Cũng tại tỉnh, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã đến thăm và trò chuyện với các giáo viên đang dạy lớp 1 tại Trường Tiểu học Lê Văn Tám, thành phố Trà Vinh. Chia sẻ với Bộ trưởng về những thay đổi tích cực của cả thầy và trò sau một học kỳ thực hiện chương trình, sách giáo khoa lớp 1 mới, các giáo viên ở đây cho biết, với chương trình mới, các em học sinh tiến bộ rất nhanh; giáo viên thời gian đầu có phần bỡ ngỡ nhưng sau đó đã bắt nhịp.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ thăm Trường Tiểu học Lê Văn Tám, thành phố Trà Vinh (Ảnh: Moet.gov.vn)
Trường Tiểu học Lê Văn Tám có 8 lớp 1, 100% học sinh lớp 1 của nhà trường được học 2 buổi/ngày, tất cả trang thiết bị dạy học đối với lớp 1 đều được trang bị đầy đủ. Với kết quả triển khai sau học kỳ I, thầy Phạm Trung Hiếu, Hiệu trưởng nhà trường khẳng định, việc triển khai chương trình, sách giáo khoa lớp 1 của Trường Tiểu học Lê Văn Tám sẽ đạt được các mục tiêu đề ra. Nhà trường cũng đang tích chuẩn bị cho việc triển khai chương trình, sách giáo khoa đối với lớp 2.
Ghi nhận nỗ lực của các thầy cô giáo, đánh giá cao kết quả triển khai chương trình, sách giáo khoa lớp 1 của nhà trường, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ tin tưởng, Trường Tiểu học Lê Văn Tám sẽ tiếp tục nỗ lực hơn nữa, đi đầu trong triển khai chương trình, sách giáo khoa mới ở các lớp tiếp theo.
Báo cáo tình hình triển khai chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Trà Vinh Nguyễn Thị Bạch Vân cho biết: Triển khai chương trình giáo dục năm 2018, toàn tỉnh đã tích cực chuẩn bị các điều kiện thực hiện. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học được quan tâm đầu tư. Hệ thống mạng lưới trường, lớp học tiếp tục được củng cố, phát triển phù hợp với quy hoạch.
Tỉnh cũng đã tập trung rà soát, sắp xếp các trường có quy mô nhỏ, nâng cấp mở rộng điểm học chính về quy mô cơ sở vật chất và chất lượng giáo dục theo hướng đạt chuẩn quốc gia, chú trọng huy động số trẻ và học sinh trong độ tuổi đến trường.
Giáo dục Việt Nam vượt qua khó khăn, phát triển ấn tượng Dưới góc nhìn của đại biểu (ĐB) Quốc hội, các chuyên gia trong nước và quốc tế, bức tranh giáo dục năm 2020 có nhiều điểm sáng. GD-ĐT của Việt Nam đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức và phát triển ấn tượng. Chuyển đổi số trong GD đạt thành tựu đáng ghi nhận. Đại biểu Chu Lé Chừ (Chu Lê Chinh)...