Trí tuệ nhân tạo Google thắng huyền thoại cờ vây lần 2
Chiều 9/3, AlphaGo đã nâng tỷ số lên 2-0 trong trận đấu với Lee Se-dol.
Thêm một bất ngờ nữa được tạo ra bởi trí tuệ nhân tạo của Google. Hôm nay, AlphaGo đã vươn lên dẫn 2-0 trong cuộc chiến với kỳ thủ cờ vây hàng đầu thế giới Lee Se-dol. Trước đó, chương trình do DeepMind trực thuộc Google đã từng đánh bại kỳ thủ cờ vây hàng đầu ở châu Âu.
Trận chiến giữa AlphaGo và Lee Se-dol. Ảnh : Slate.com
Phát biểu sau trận đấu, Lee cho biết: “Hôm qua, tôi đã rất ngạc nhiên trước khả năng của AlphaGo, nhưng hôm nay còn bất ngờ hơn nữa. Tôi không thể nói nên lời”. Người sáng lập DeepMind, Demis Hassabis tỏ ra rất ưng ý về những gì đứa con cưng của anh đạt được. Anh nói: “Chúng tôi rất hài lòng vì AlphaGo ngày hôm nay, các nước đánh đẹp và nó đã thi đấu một trận tuyệt vời”.
AlphaGo là hy vọng mới về trí tuệ nhân tạo
Các thuật toán được tính một cách cẩn thận, chính xác để AlphaGo có thể đưa ra các nước đi tốt nhất. Chính vì thế Hassabis đã tự tin vào một chiến thắng trước Lee Se-dol khi trận đấu chưa diễn ra được một nửa.
Tất cả các thể loại cờ của Trung Quốc đều đã có những phần mềm chơi với mức độ tương đương cao thủ hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, cờ vây lại không nằm trong số đó, do những chiến lược phức tạp của môn chơi này. Theo giới công nghệ, lịch sử trí tuệ nhân tạo đã bước sang trang mới với chiến thắng trong cờ vây của AlphaGo hôm 8/3.
Video đang HOT
Chương trình AlphaGo DeepMind sử dụng hệ thống tiên tiến dựa trên deep learning và mạng nơ-ron ảo. Nhờ đó, nó có thể tự chơi và rút ra những kinh nghiệm sau những ván đấu. Phần mềm này hiểu là mình được xây dựng từ vố số thế cờ vây cùng với những thế đánh từ con người.
Đây là lần đầu tiên một cờ thủ 9 đẳng (số đẳng gần như cao nhất trong cờ vây) bị đánh bại. Lúc đầu Lee Se-dol đã dự đoán mình sẽ giành chiến thắng 5-0 hoặc tệ nhất là 4-1. Tuy nhiên, bây giờ cơ hội chiến thắng cho anh không còn nhiều. Nếu muốn dành 1 triệu USD, Lee Se-dol sẽ phải chiến thắng trong 3 ván đấu còn lại.
Vũ Hoàng Phong
Theo Zing
Trí tuệ nhân tạo đã học được trực giác con người?
Sự kiện phần mềm AlphaGo của Google đánh bại huyền thoại cờ vây thế giới Lee Se-dol đã gây choáng váng và làm bật lại câu hỏi: Đâu là giới hạn của trí tuệ nhân tạo?.
Trước trận đấu với sản phẩm của nhóm phát triển trí tuệ nhân tạo Google DeepMind, kỳ thủ Lee Se-dol tỏ ra rất tự tin và dự đoán anh sẽ thắng với tỷ số 5-0 hoặc 4-1. Bởi anh cho rằng sức mạnh máy tính chưa đủ sức chinh phục sự phức tạp của cờ vây. "Chiến thắng trên bàn cờ vây đòi hỏi trực giác của con người", Lee nhấn mạnh.
Chuyên gia Toby Manning của Hiệp hội Cờ vây Anh từng mô tả cờ vây là "một trong những môn thể thao trí tuệ vĩ đại nhất trên thế giới". Huyền thoại cờ vây Edward Lasker cho rằng: "Nếu sự sống thông minh tồn tại ở một nơi nào khác trên thế giới thì hầu như chắc chắn họ sẽ chơi cờ vây". Môn thể thao trí óc có lịch sử 3.000 năm được sáng tạo trên cơ sở của thuyết âm dương và vũ trụ quan của người xưa.
Thiên biến vạn hóa
Luật chơi cờ vây rất đơn giản, hai kỳ thủ phải chiếm được càng nhiều đất trên bàn cờ càng tốt. Nhưng chính sự đơn giản đó đã khiến bàn cờ vây trở nên thiên biến vạn hóa. Do đó, các kỳ thủ thường mất rất nhiều năm để rèn giũa "trực giác" và ghi nhớ các biến hóa. Và khi đối đầu, các kỳ thủ luôn phải cảm nhận phong cách và tâm lý của nhau để giành chiến thắng.
AlphaGo đã đánh bại Lee Se-dol - một trong những chuyên gia cờ vây vĩ đại nhất thế giới - như thế nào? Ông Demis Hassabis, người sáng lập nhóm DeepMind, cho biết AlphaGo không dùng sức mạnh vi tính để tìm kiếm các nước cờ tốt nhất như cách phần mềm Deep Blue của IMB dùng để đánh bại kiện tướng cờ vua Garry Kasaprov.
Chiến thắng của Alpha Go gây bất ngờ cho cả làng cờ vây lẫn giới công nghệ. Ảnh: The Guardian.
Thay vào đó, AlphaGo nghiên cứu hàng triệu nước cờ từ các trận đấu của con người, rồi chơi hàng triệu ván cờ với chính mình. Quá trình luyện tập này giúp AlphaGo tiên đoán được các bước đi kế tiếp của đối thủ, thực hiện hàng loạt đánh giá trước khi lựa chọn nước cờ nó cho rằng có khả năng thành công cao nhất. Cơ chế "tự học" này giúp AlphaGo trở nên giống người hơn và thông minh hơn so với DeepBlue.
Các chuyên gia cờ vây đều tỏ ra rất ngạc nhiên với chiến thắng của AlphaGo. Chủ tịch Hiệp hội Cờ vây Mỹ Andy Okun mô tả nếu ông đi một số nước cờ quái chiêu như AlphaGo thực hiện trong trận đấu với kỳ thủ Lee Se-dol thì "chắc chắn sẽ bị thầy giáo của tôi tét tay". Một số người khác cho biết họ bị sốc khi chứng kiến Lee thua trận.
Rất nhiều ứng dụng
Theo tờ New York Times, khảo sát với 55 nhà khoa học hàng đầu của Hiệp hội Vì sự tiến bộ của trí tuệ nhân tạo, 60% đánh giá đây là một bước tiến mang tính cột mốc đối với sự phát triển của trí tuệ nhân tạo. Con đường dẫn tới việc tạo ra phần mềm trí tuệ nhân tạo có trí thông minh tương đương như con người đã ngắn lại thêm một bước.
Trong 50 năm qua, trí tuệ nhân tạo đã có rất nhiều tiến bộ trong việc học tập năng lực của con người. Tất nhiên để tạo ra một trí tuệ nhân tạo ngang tầm con người vẫn còn là chuyện xa xôi. Nhà khoa học Michael Littman của ĐH Brown cho rằng ở thời điểm hiện tại, khoa học đã có thể tạo ra những cỗ máy làm những công việc cụ thể tốt hơn con người.
Google AI sẽ mang lại nhiều ứng dụng trong tương lai. Ảnh: Fortune.
Giới chuyên gia dự đoán Google sẽ áp dụng AlphaGo vào xe tự hành của hãng, bởi phần mềm của xe tự hành cũng phải liên tục đưa ra nhiều quyết định tương tự như trong một trận đấu cờ vây. AlphaGo cũng có thể cung cấp chức năng tìm kiếm mang tính giải quyết vấn đề. Ví dụ, nó sẽ lập tức đưa ra câu trả lời khi người sử dụng muốn Google cung cấp công thức nướng bánh cho người không tiêu thụ được chất gluten.
Đại diện DeepMind cũng khẳng định cơ chế tự học của AlphaGo sẽ rất có ích trong ngành công nghiệp robot, các hệ thống trợ lý ảo trên điện thoại thông minh, và thậm chí cả trong ngành y tế.
Nhật Minh
Theo Zing
Trí tuệ nhân tạo Google đánh bại huyền thoại cờ vây thế giới Kỳ thủ Lee Se-dol - huyền thoại cờ vây thế giới - đã bị phần mềm AlphaGo của Google DeepMind đánh bại trong trận tỷ thí sáng 9/3. Một chương đáng nhớ trong lịch sử phát triển ngành trí tuệ nhân tạo đã được viết vào ngày 9/3/2016, khi phần mềm AlphaGo của nhóm Google DeepMind chiến thắng trận đầu tiên với huyền...