Tránh trượt oan vì nhập sai dữ liệu
Thời gian để thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) còn rất ngắn. Tuy vậy, không phải cứ nộp hồ sơ đầy đủ là xong việc.
Những năm trước, chuyện thí sinh bị trượt ĐH oan có phần lỗi chính của những người nhập dữ liệu nhưng thí sinh cũng không hẳn vô can.
Thí sinh dự thi THPT quốc gia 2019. Ảnh Như Ý
Năm 2019, trường ĐH Hà Nội tiếp nhận 2 kiến nghị của thí sinh T.H.M và N.T.M.; Sau khi xem xét, Hội đồng tuyển sinh trường ĐH Hà Nội xác định hai thí sinh đã đạt điểm trúng tuyển vào ngành Ngôn ngữ Anh theo thứ tự trong danh sách đăng kí nguyện vọng.
Trường Đại học Hà Nội phải làm 2 công văn đề nghị: trường ĐH Thương mại xóa tên thí sinh T.H.M trong danh sách trúng tuyển năm 2019 của trường và Bộ GD&ĐT chuyển dữ liệu của thí sinh này trên cổng thông tin nghiệp vụ tuyển sinh từ trúng tuyển nguyện vọng 3 (trường ĐH Thương mại) sang trúng tuyển nguyện vọng 1 (trường ĐH Hà Nội); một công văn nữa yêu cầu trường ĐH Vinh xóa tên thí sinh N.T.M.P trong danh sách trúng tuyển năm 2019 của trường và Bộ GD&ĐT chuyển dữ liệu của thí sinh này trên cổng thông tin nghiệp vụ tuyển sinh từ trúng tuyển nguyện vọng 3 (trường ĐH Vinh) sang trúng tuyển nguyện vọng 2 (trường ĐH Hà Nội).
Lý do dẫn đến những sai sót này được cán bộ tuyển sinh của trường ĐH Hà Nội lý giải do cán bộ nhập liệu không soát xét kỹ các minh chứng ưu tiên của thí sinh, dẫn đến thí sinh được tăng điểm nên sẽ trúng tuyển ở các nguyện vọng cao hơn.
Cũng trong mùa tuyển sinh năm 2019, thí sinh B.T.L., trường Dân tộc nội trú, tỉnh Thanh Hóa đăng ký nguyện vọng xét tuyển ĐH, cùng lúc với thời điểm nộp hồ sơ đăng ký dự thi THPT quốc gia 2019. Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019, điểm thi ba môn xét tuyển đại học và điểm cộng ưu tiên của L. đạt 25,4. Theo điểm chuẩn năm 2019 trường ĐH Y dược TPHCM công bố, L. lẽ ra được trúng tuyển. Tuy nhiên khi tra cứu danh sách trúng tuyển, L. lại không thấy tên mình.
Hiệu trưởng Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh Thanh Hóa, ông Phạm Anh Toàn thông tin xác minh hồ sơ của thí sinh L. cho thấy, sai sót đầu tiên thuộc về nhân viên của nhà trường nhập sai dữ liệu đăng ký xét tuyển của thí sinh này. Trong khi bản thân em L. cũng mắc lỗi do sau khi nộp hồ sơ lại không kiểm tra lại thông tin của mình nên dẫn đến sai sót.
Video đang HOT
Theo ông Bùi Viết Toàn, Phó Trưởng phòng Đào tạo, trường ĐH Hà Nội, ngoài lỗi của cán bộ nhập dữ liệu thi, tuyển sinh thì trách nhiệm một phần cũng thuộc về các thí sinh. Sau khi hết hạn nộp hồ sơ, nếu thí sinh phát hiện có sai sót thông tin nhất là viết sai phiếu đăng kí dự thi phải thông báo kịp thời cho hiệu trưởng trường THPT hoặc thủ trưởng đơn vị nơi đăng kí dự thi hoặc cho trường điểm thi trong ngày làm thủ tục dự thi để sửa chữa, bổ sung. Ngoài ra, thí sinh còn một lần điều chỉnh nguyện vọng sau khi biết điểm thi. Đây cũng chính là cơ hội để thí sinh “sửa sai” nếu thấy dữ liệu đăng ký của mình có vấn đề.
Còn theo quy định của Bộ GD&ĐT sau khi thí sinh nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển, nhân viên phụ trách tiếp nhận sẽ nhập dữ liệu lên máy tính rồi in ra để thí sinh kiểm tra và ký xác nhận. Sau đó, cán bộ điểm thu nhận hồ sơ mới nhập dữ liệu lên cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD&ĐT.
Theo quy chế, thí sinh còn có thời gian để kiểm tra lại thông tin bằng tài khoản cá nhân nhưng thí sinh lại chủ quan không kiểm tra lại dẫn đến sai lệch thông tin. Nên về nguyên tắc nếu lỗi hoàn toàn thuộc về điểm thu nhận hồ sơ hoặc nhà trường thì Sở GD&ĐT phải chịu trách nhiệm và đảm bảo quyền lợi cho thi sinh.
Tuy nhiên, theo ông Bùi Viết Toàn, thí sinh cũng cần phải xem lại thông tin của mình sau khi dữ liệu được đưa lên cổng tuyển sinh chung của Bộ. Vì mỗi thí sinh có một tài khoản, một mật khẩu riêng để kiểm tra thông tin và có thể để điều chỉnh nguyện vọng. Nếu phát hiện sai sót, thí sinh cần phải báo kịp thời để tránh mất quyền lợi về sau.
Với những trường hợp hợp sai sót như trên, Bộ GD&ĐT cho rằng nhiều khả năng, sau khi cán bộ nhận hồ sơ nhập dữ liệu sai, rồi in ra thí sinh không đọc kỹ và ký tên xác nhận luôn. Sau đó, theo quy chế thí sinh còn có thời gian để kiểm tra lại thông tin bằng tài khoản cá nhân nhưng thí sinh lại chủ quan không kiểm tra lại dẫn đến sai lệch thông tin.
Đúng điều kiện, không tùy ý tuyển sao cũng được
Bộ GD&ĐT đã ban hành Quy chế tuyển sinh năm 2020 với tinh thần hạn chế tối đa sự thay đổi. Bộ có quy định đối với những trường tổ chức thi riêng.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ khi chủ trì Hội nghị trực tuyến về Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2020 cũng cho rằng: Lộ trình tự chủ của các trường đã có, nhưng tự chủ tuyển sinh không phải muốn làm gì thì làm, mà phải đi kèm trách nhiệm giải trình.
Muốn tuyển sinh riêng phải đủ điều kiện
Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2020 quy định cơ sở đào tạo ĐH muốn tổ chức thi riêng cần đáp ứng các điều kiện sau: Có bộ phận độc lập chuyên trách thực hiện chức năng tổ chức thi tuyển sinh; Bảo đảm nhân lực đáp ứng các yêu cầu về năng lực quản lý và chuyên môn để tổ chức tốt kỳ thi riêng, bao gồm từ lãnh đạo bộ phận chuyên trách, cán bộ xây dựng cấu trúc đề thi, cán bộ phát triển câu hỏi và ngân hàng câu hỏi chuẩn hóa và/hoặc tự luận, cán bộ chấm thi, cán bộ đánh giá, thẩm định các tham số của câu hỏi thi và đề thi, đến các cán bộ hỗ trợ, kỹ thuật viên.
Có ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa và/hoặc tự luận đủ lớn để xây dựng đề thi cho việc tổ chức thi trong mỗi lần thi; Phải ban hành quy chế thi tuyển sinh của trường gồm quy trình tổ chức và các quy định liên quan; Có đề án tổ chức thi tuyển sinh; Có đủ điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị đảm bảo số lượng, chất lượng phù hợp với quy mô, hình thức tổ chức thi.
Với những điều kiện trên, những cơ sở đào tạo đã có kinh nghiệm tổ chức thi đánh giá năng lực, thi văn hóa, năng khiếu... để tuyển sinh hoặc đã chuẩn bị sẵn sàng cho việc tuyển sinh riêng năm nay hoàn toàn có thể đáp ứng được.
Về kỳ thi tuyển sinh riêng của một số cơ sở GDĐH, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh: Những trường đã đủ điều kiện tổ chức thì hãy công bố kỳ thi tuyển sinh riêng. Lộ trình tự chủ đã có, nhưng cũng phải có điều kiện, không phải muốn làm gì thì làm. Tự chủ phải có quản lý Nhà nước. Trách nhiệm của Nhà nước là định hướng để bảo đảm chất lượng và tính ổn định trong hệ thống.
Tự chủ là nhiệm vụ, là cơ hội nhưng phải bảo đảm chất lượng theo quy định và bảo đảm tính khách quan, công bằng, minh bạch, bình đẳng giữa các trường với nhau. Khi đã tổ chức kỳ thi riêng thì phải có bộ phận chuyên trách, cùng với nhiều điều kiện khác về nhân lực, vật lực và tổ chức... Không đơn giản nói thi là thi.
Theo Bộ trưởng, trong lúc này, đất nước rất cần sự ổn định, ngành giáo dục phải đi đầu. Chúng ta không chỉ nghĩ đến trách nhiệm chuyên môn, mà còn phải nghĩ đến trách nhiệm chính trị, xã hội, tạo sự ổn định, niềm tin cho nhân dân để Chính phủ điều hành.
Về phương án tuyển sinh, trong bối cảnh như hiện nay, cần giữ ổn định. Vì thế, Quy chế tuyển sinh năm nay cơ bản vẫn giữ ổn định như năm 2019. Mặc dù các trường đã tự chủ trong tuyển sinh, nhưng Bộ vẫn sẵn sàng hỗ trợ các trường để lọc ảo.
Bộ trưởng lưu ý, các trường tuyển sinh dựa vào kết quả học bạ vì chất lượng điểm học bạ ở các trường và các vùng miền khác nhau. Chính vì thế phải có kỳ thi tốt nghiệp THPT để đánh giá chất lượng trên diện rộng sau 12 năm học của học sinh trên cả nước.
Cũng theo Bộ trưởng, các trường cần nghiên cứu kỹ cả về cơ sở khoa học cũng như thực tiễn để có đề xuất tổ hợp xét tuyển. Trong đề án tuyển sinh, những tổ hợp truyền thống thì kế thừa, có thể đề xuất tổ hợp mới nhưng cần đánh giá kỹ nhằm đảm bảo tính khoa học. Tránh đưa ra tổ hợp xét tuyển được 1 - 2 năm rồi lại thôi.
Quy định về điều kiện đối với các trường ĐH tổ chức tuyển sinh riêng là cần thiết để đảm bảo chất lượng và tính ổn định trong hệ thống đối với vấn đề tuyển sinh. Ảnh: Khánh Huy
Các trường cân nhắc phương án tuyển sinh riêng phù hợp
Để kỳ thi tốt nghiệp THPT chất lượng, an toàn; các trường ĐH cần xắn tay vào cuộc. Có thể tham gia các đoàn thanh tra, kiểm tra và phối hợp nhịp nhàng với địa phương. Thanh tra không phải để tạo ra áp lực mà đảm bảo kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc.
Các trường dự kiến tuyển sinh riêng hiện nay đang cân nhắc phương án thi cho phù hợp. Hội đồng tuyển sinh trường ĐH Bách khoa Hà Nội đã chính thức chốt phương án thi bổ sung dưới hình thức một bài kiểm tra tư duy theo yêu cầu đặc thù của khối ngành Kỹ thuật.
Nội dung bài thi được thiết kế gọn gồm 2 phần: Toán và Đọc hiểu với thời gian làm bài 120 phút. Thời gian thi được ấn định vào ngày 15-8, ngay sau kỳ thi THPT thay vì 25-7 như dự kiến ban đầu.
Điểm bài thi được sử dụng kết hợp với điểm 2 môn thi tốt nghiệp THPT (Toán-Lý hoặc Toán-Hóa) để xét tuyển. Phương thức xét tuyển kết hợp này chỉ áp dụng cho khối ngành Kỹ thuật và Kinh tế (không áp dụng cho ngành Ngôn ngữ Anh) và dự kiến lấy từ 30% đến 35% chỉ tiêu tuyển sinh của trường.
Còn kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP HCM vẫn tiếp tục nhận được nhiều đăng ký sử dụng kết quả của các trường ĐH trên cả nước trong bối cảnh đổi mới kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020. Ông Nguyễn Quốc Chính - GĐ Trung tâm Khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo, ĐH Quốc gia TP HCM cho biết: Hiện đã có 59 trường ĐH, CĐ trên cả nước đăng ký sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực năm 2020.
Số lượng thí sinh đăng ký dự thi tính đến ngày cuối tháng 4-2020 cũng đã lên tới 50.925 em. PGS Vũ Hải Quân - Phó GĐ ĐH Quốc gia TP HCM cho biết: Hội đồng tuyển sinh đang cân nhắc để phù hợp với bối cảnh chung, bảo đảm an toàn, thuận lợi cho thí sinh và bảo đảm nguồn tuyển cho các trường thành viên, cũng như các trường tham gia vào kỳ thi đánh giá năng lực với ĐH Quốc gia TP HCM.
Các trường ngoài công lập: Nhiều giải pháp thu hút học sinh Gần 2 tháng kể từ khi học sinh quay trở lại trường sau dịch Covid-19, về cơ bản, hoạt động quản lý, dạy học ở các trường đã đi vào nền nếp. Đi qua những khó khăn, giai đoạn này, hệ thống các trường ngoài công lập đã dần ổn định trở lại, nỗ lực bứt phá, khẳng định thương hiệu, thực hiện...