Tranh luận về quy định không sử dụng mạng xã hội làm ảnh hưởng xấu giáo dục
“Mạng xã hội được coi là thế giới mới của học sinh, thay vì cấm, thầy cô giáo và các cấp quản lý nên lắng nghe nhiều luồng ý kiến từ các em để hướng đến môi trường giáo dục mở…”
Đó là ý kiến của giáo viên khi Thông tư 06 “Quy định về quy tắc ứng xử trong cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, cở sở giáo dục thường xuyên” của Bộ GD&ĐT ban hành trong đó có điều 4 quy định giáo viên, học sinh không được lên mạng xã hội đăng tải, bình luận làm ảnh hướng xấu đến môi trường giáo dục.
Cần làm rõ thế nào là thông tin xấu
Cô giáo Phạm Thái Lê, trường THPT Marie Curie Hà Nội cho rằng, quy định trên chưa cụ thể. Bộ GD&ĐT cần chỉ rõ “những thông tin trái thuần phong mỹ tục, tin tiêu cực” là loại tin nào để giáo viên và học sinh né tránh khi bày tỏ quan điểm.
Với việc chia sẻ thông tin phản động, phản cảm làm mất danh dự cá nhân, tổ chức không được phép là đúng. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp khác, mang mục đích tố giác để ngăn chặn thì cũng cần được xem xét tránh quy chụp.
Một góc độ khác, theo cô Lê, học sinh ít để tâm tới các thông tư, quy định, điều khoản ra sao cùng với nội quy lại không rõ ràng thì không có lợi ích quản lý hay răn đe, chỉ khiến các em làm ngơ và gạt bỏ sang một bên. Nếu thông tư không quy định rõ, sẽ vô tình bao che cho cái xấu.
Góp ý về vấn đề này, cô giáo Trần Tuyết Mai, trường THPT Đoan Hùng (Phú Thọ) cho hay, đại đa số các vụ bạo lực học đường, đánh bạn lột quần áo, dâm ô, tiêu cực thi cử gần đây đều được phát hiện nhờ giáo viên, học sinh đăng tải các nội dung này lên mạng xã hội. Khi đó các cơ quan báo chí, công an, nhà trường mới nắm bắt được để vào cuộc xử lý. Vậy khi cấm các hành động này thì liệu có bao che, lấp liếm cho kẻ ác núp trong bóng tối?
Do đó, Bộ GD&ĐT cần quy định rõ ràng thông tin xấu, tin không mang tính xây dựng, nhận định không đúng sự thật, tránh dẫn tới ranh giới xử lý mơ hồ.
Chưa kể đến các trang mạng xã hội được coi là thế giới mới của các em học sinh, thay vì cấm, thầy cô giáo và các cấp quản lý nên lắng nghe các luồng ý kiến trái chiều từ các em. Chúng ta đang hướng đến môi trường giáo dục mở, nhưng lại không để các em bày tỏ quan điểm cá nhân như vậy là không đúng mục tiêu giáo dục.
Để kiểm soát “lời ăn tiếng nói”
Ngược lại, thầy giáo Nguyễn Văn An, trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm ủng hộ quy định và các thầy cô giáo, học sinh đang hiểu nhầm mục đích. Quy định không lan truyền các thông tin “xấu” trên mạng xã hội là cần có, khác với việc cấm không được lên tiếng, bình luận như số đông đang bàn tán.
Video đang HOT
Theo thầy An, trong bối cảnh ngành giáo dục quá nhiều bê bối và tiêu cực thì quy định này ra đời rất đúng lúc để hạn chế các hình ảnh không tốt gây mất niềm tin từ phụ huynh và xã hội.
Có nhiều cách xử lý khủng hoảng học đường như học sinh báo cáo cho giáo viên chủ nhiệm, Ban Giám hiệu và phụ huynh thay vì ngại ngùng không dám nói mà lên mạng xã hội than thở và phàn nàn.
Trong trường hợp các em học sinh bị dồn ép nâng – hạ điểm, đòn roi, miệt thị… không thể cầu cứu ai được nữa, cần có tiếng nói từ cộng đồng và các cấp quản lý thì nên chia sẻ ngay lên mạng xã hội.
Học sinh Lê Minh Đức, trường THPT chuyên Amsterdam – Hà Nội cho biết, từ lâu ở trường đã quy định rất rõ ràng về việc không được đăng tải, chia sẻ, bình luận trên mạng xã hội trước các nội dung mang tính bạo lực, phản động, miệt thị, nói xấu làm mất danh dự thầy cô và bạn bè nên cũng không có trường hợp các bạn vi phạm.
Với em, đa phần, em chỉ chia sẻ và bình luận các bài báo về hiện tượng gây bức xúc xã hội trên mạng Facebook cá nhân nhằm bày tỏ quan điểm và lên án các hành động đó, không hề có ý khiêu khích, nói xấu.
Minh Đức cho rằng, không nên cấm học sinh chia sẻ ý kiến cá nhân, mạng xã hội là phương tiện để bày tỏ quan điểm, dù đúng, dù sai thì người lớn nên lắng nghe để hiểu câu chuyện của chúng em. Nhiều khi thấy bạn mình bị bắt nạt, xa lánh không thể đứng nhìn được, nhưng nếu báo với thầy cô thì mình cũng sẽ bị tương tự vì tội “mách lẻo” bạn bè, nên mạng xã hội là công cụ hữu hiệu nhất để phát giác sự việc.
Bên cạnh đó, em Phương Uyên, trường THPT Thanh Trì, Hà Nội bày tỏ quan điểm, quy định như vậy là đúng, để kiểm soát “lời ăn tiếng nói” và hành động của các bạn học sinh trong khuôn khổ học đường cho phép.
“Một số bạn nam lớp em khi vắng mặt giáo viên sẽ thường xuyên nói tục, chửi bậy từ trên lớp đến trên mạng xã hội mà không quản lý được. Nhiều bạn cũng dùng tính năng chặn facebook của thầy cô, bố mẹ để thỏa sức ăn chơi, nói lời bậy bạ trên mạng xã hội mà không lo bị phát hiện và quản lý” – Uyên chia sẻ.
Uyên mong rằng, quy định cần rõ ràng hơn, sẽ giảm thiểu được tình trạng này, giúp các bạn học sinh đi vào chuẩn mực, có ngôn ngữ hợp với tuổi, hợp với môi trường giáo dục, không làm tác nhân xấu đến các em lớp dưới học tập theo.
Hà Cường
Theo Dân trí
Từ tháng 5, học sinh không được bình luận ảnh hưởng xấu đến giáo dục
Thông tư 06/2019 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về Quy tắc ứng xử trong cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên sẽ có hiệu lực từ ngày 28.5. Trong đó có quy định, học sinh không sử dụng mạng xã hội để phát tán, tuyên truyền, bình luận những thông tin hoặc hình ảnh trái thuần phong mỹ tục hoặc làm ảnh hưởng xấu đến môi trường giáo dục.
Học sinh, giáo viên phải có trang phục, hành vi ứng xử phù hợp trong trường học. Ảnh: T.L
Mục đích xây dựng Bộ Quy tắc này nhằm điều chỉnh cách ứng xử của các thành viên trong cơ sở giáo dục theo chuẩn mực đạo đức xã hội và thuần phong mỹ tục của dân tộc, xây dựng văn hóa học đường; đảm bảo môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện và phòng, chống bạo lực học đường.
Dưới đây là một số nội dung trong bộ quy tắc ứng xử:
Không sử dụng mạng xã hội làm ảnh hưởng xấu đến môi trường giáo dục
Về quy tắc ứng xử chung, trong các cơ sở giáo dục, không sử dụng trang phục gây phản cảm; không hút thuốc, sử dụng đồ uống có cồn, chất cấm trong cơ sở giáo dục theo quy định của pháp luật; không tham gia tệ nạn xã hội.
Giáo viên, học sinh, cán bộ quản lý giá dục không sử dụng mạng xã hội để phát tán, tuyên truyền, bình luận những thông tin hoặc hình ảnh trái thuần phong mỹ tục, trái đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước hoặc làm ảnh hưởng xấu đến môi trường giáo dục.
Cán bộ quản lý phải bao dung, trách nhiệm, đối xử công bằng
Với cán bộ quản lý cơ sở giáo dục, Bộ GDĐT yêu cầu khi ứng xử với người học, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phải có ngôn ngữ chuẩn mực, dễ hiểu; yêu thương, trách nhiệm, bao dung; tôn trọng sự khác biệt, đối xử công bằng, lắng nghe và động viên, khích lệ người học. Không xúc phạm, ép buộc, trù dập, bạo hành.
Khi ứng xử với giáo viên, nhân viên, cán bộ quản lý phải có ngôn ngữ chuẩn mực, tôn trọng, khích lệ, động viên... Không hách dịch, gây khó khăn, xúc phạm, định kiến, thiên vị, vụ lợi, né tránh trách nhiệm hoặc che giấu vi phạm, đổ lỗi.
Khi ứng xử với cha mẹ người học và khách đến cơ sở giáo dục, cán bộ quản lý phải có ngôn ngữ chuẩn mực, tôn trọng, hỗ trợ, hợp tác, chia sẻ, thân thiện. Không xúc phạm, gây khó khăn, phiền hà, vụ lợi.
Giáo viên phải có ngôn ngữ chuẩn mực, dễ hiểu
Về ứng xử của giáo viên, Thông tư quy định ứng xử với người học, giáo viên phải có ngôn ngữ chuẩn mực, dễ hiểu, khen hoặc phê bình phù hợp với đối tượng và hoàn cảnh; mẫu mực, bao dung, trách nhiệm, yêu thương; tôn trọng sự khác biệt, đối xử công bằng...
Đồng thời, tích cực phòng, chống bạo lực học đường, xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện; không xúc phạm, gây tổn thương, vụ lợi; không trù dập, định kiến, bạo hành, xâm hại; không thờ ơ, né tránh hoặc che giấu các hành vi vi phạm của người học.
Ứng xử với cán bộ quản lý, giáo viên phải dùng ngôn ngữ tôn trọng, trung thực, cầu thị, tham mưu tích cực và thể hiện rõ chính kiến... Không xúc phạm, gây mất đoàn kết; không thờ ơ, né tránh hoặc che giấu các hành vi sai phạm của cán bộ quản lý.
Ứng xử với đồng nghiệp và nhân viên, giáo viên phải có ngôn ngữ đúng mực, trung thực, thân thiện, cầu thị, chia sẻ, hỗ trợ; tôn trọng sự khác biệt; bảo vệ uy tín, danh dự và nhân phẩm của đồng nghiệp, nhân viên. Không xúc phạm, vô cảm, gây mất đoàn kết.
Ứng xử với cha mẹ người học và khách đến trường, giáo viên phải có ngôn ngữ đúng mực, trung thực, tôn trọng, thân thiện, hợp tác, chia sẻ. Không xúc phạm, áp đặt, vụ lợi.
Phụ huynh không được bịa đặt, xúc phạm giáo viên
Bộ Quy tắc quy định cha mẹ người học phải có ngôn ngữ đúng mực, tôn trọng, chia sẻ, khích lệ, thân thiện, yêu thương; không xúc phạm, bạo lực với người học.
Cha mẹ học sinh phải tôn trọng, trách nhiệm, hợp tác, chia sẻ; không bịa đặt thông tin; không xúc phạm tinh thần, danh dự, nhân phẩm với cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên.
Học sinh không được xúc phạm giáo viên, bạn bè
Với người học, Bộ Quy tắc ứng xử quy định khi ứng xử với cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, người học kính trọng, lễ phép, trung thực, chia sẻ, chấp hành các yêu cầu theo quy định; không bịa đặt thông tin; không xúc phạm tinh thần, danh dự, nhân phẩm, bạo lực.
Khi ứng xử với bạn bè, sử dụng ngôn ngữ đúng mực, thân thiện, trung thực, hợp tác, giúp đỡ và tôn trọng sự khác biệt; không nói tục, chửi bậy, miệt thị, xúc phạm, gây mất đoàn kết; không bịa đặt, lôi kéo; không phát tán thông tin để nói xấu, làm ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm người học khác.
ĐẶNG CHUNG
Theo Lao động
Bộ Giáo dục và Đào tạo lần đầu ra thông tư quy tắc ứng xử trong nhà trường Trong môi trường giáo dục, cán bộ quản lý, giáo viên, người học và phụ huynh phải có thái độ tôn trọng, ngôn ngữ chuẩn mực với nhau. Bộ Giáo dục và Đào tạo ngày 12/4 ban hành Thông tư quy định Quy tắc ứng xử trong cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên. Bộ quy tắc...