Trang bị súng cho Thanh tra giao thông: “Xảy ra việc gì ai chịu trách nhiệm?”
Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng khẳng định, việc xây dựng Thông tư liên tịch nhằm trang bị công cụ hỗ trợ cho Thanh tra giao thông là sai quy trình, chưa xin ý kiến lãnh đạo Bộ. Bộ trưởng yêu cầu Tổ soạn thảo phải xin lỗi nhân dân.
Chủ trì cuộc họp giữa lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) và Bộ Công an về việc xây dựng Thông tư liên tịch về công tác phối hợp lĩnh vực an ninh, trật tự và GTVT, sáng nay (27/5), Bộ trưởng Đinh La Thăng đã mời các đại diện của Bộ Công an cho ý kiến về Thông tư, đặc biệt là nội dung các trang bị công cụ hỗ trợ cho lực lượng Thanh tra GTVT, như súng, dùi cui điện, áo giáp…
Bộ trưởng Đinh La Thăng: “Đừng biến Thanh tra giao thông thành Cảnh sát giao thông”
Trung tướng Đỗ Đình Nghị – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính và trật tự xã hội (Tổng cục VII), Bộ Công an – cho rằng, sự phối hợp giữa 2 Bộ GTVT và Công an là hết sức cần thiết, trong năm qua phối hợp tốt từ quy chế xây dựng Thông tư. Ngoài cái chung thì từng lĩnh vực có các chuyên đề cần phải tính, nhằm bảo đảm an ninh trật tự và an ninh sao cho hiệu quả.
Vị Phó Tổng cục VII này cũng nói đến cách làm theo trình tự xây dựng pháp quy, tổ biên soạn phải khảo sát lấy ý kiến trình lãnh đạo 2 Bộ rồi mới công bố Dự thảo Thông tư liên tịch.
Trong khi đó, mặc dù đại diện Vụ Pháp chế của Bộ Công an cũng tham gia Tổ soạn thảo Thông tư, nhưng khi được mời phát biểu thì Đại tá Đỗ Văn Cương – Trưởng phòng Pháp luật hành chính, kinh tế, dân sự – Vụ Pháp chế Bộ Công an – lại cho biết chưa nắm được Thông tư liên tịch về việc trang bị công cụ hỗ trợ cho lực lượng Thanh tra giao thông và chỉ biết khi báo chí đăng tải. Ông Cương không đồng ý với Dự thảo Thông tư này và cho rằng cần phải cân nhắc kỹ với đề xuất trang bị công cụ cho lực lượng Thanh tra giao thông.
Video đang HOT
Ngay tại cuộc họp, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã nhắc nhở Tổ soạn thảo Dự thảo Thông tư liên tịch về việc trang bị công cụ hỗ trợ cho Thanh tra giao thông và yêu cầu phải nghiêm khắc rút kinh nghiệm.
“Đây là vấn đề lớn, động đến đông đảo nhân dân. Báo chí hỏi mà tôi ngớ người ra, tôi bảo không biết thì họ bảo tôi né không trả lời. Vấn đề gì lớn thì phải báo cáo lãnh đạo Bộ và xin chủ trương, nếu lãnh đạo Bộ đồng ý thì mới được xây dựng, phải làm đúng quy trình. Việc xây dựng Thông tư liên tịch về trang bị công cụ hỗ trợ cho lượng Thanh tra GTVT là sai quy trình” – Bộ trưởng Đinh La Thăng cho hay.
Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng nhấn mạnh, công việc của Thanh tra giao thông không cần thiết đến những công cụ hỗ trợ như súng, dùi cui điện, chất gây mê… Ngành nào cũng có lực lượng Thanh tra nhưng nếu các ngành đều xin cấp công cụ hỗ trợ cho lực lượng Thanh tra như ngành giao thông thì mọi việc sẽ ra sao.
“Thanh tra giao thông là Thanh tra giao thông chứ Thanh tra giao thông không phải là Cảnh sát giao thông. Đừng biến Thanh tra giao thông thành Cảnh sát giao thông. Thanh tra giao thông không có nghiệp vụ, không có bản lĩnh, nếu có công cụ hỗ trợ mà xảy ra việc gì thì ai chịu trách nhiệm? Từ khi tôi mới lên làm Bộ trưởng, đã chủ trương những việc gì mà Thanh tra giao thông và Cảnh sát giao thông trùng lắp thì giao lại cho Cảnh sát giao thông vì họ có kỹ năng, bản lĩnh trong việc đấu tranh, trấn áp các đối tượng manh động và tội phạm. Thanh tra giao thông vận tải phải tập trung vào thanh tra chuyên ngành, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông, tôi muốn ngành giao thông làm tốt việc của mình, việc tuần tra kiểm soát trên đường để Cảnh sát giao thông họ làm” – Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định.
Bộ trưởng yêu cầu Tổ soạn thảo phải xin lỗi người dân do Thông tư chuẩn bị chưa được kỹ và rút lại để sửa lại. Bộ trưởng yêu cầu các Thứ trưởng phải ngồi trực tiếp rà soát lại những phần việc mình phụ trách, sau đó trao đổi với bên Công an để phối hợp triển khai nhằm đáp ứng yêu cầu đảm bảo an ninh an toàn.
“Từ nay đến 5/6 hoàn chỉnh báo cáo, báo cáo này phải có ý kiến và phải thống nhất với Bộ Công an rồi mới ban hành”- Bộ trưởng Đinh La Thăng chốt lại buổi làm việc.
Châu Như Quỳnh
Theo Dantri
Trang bị súng, áo giáp cho thanh tra giao thông?
Súng dùng để bắn đạn cao su, hơi cay, chất gây mê, pháo hiệu; dùi cui điện, áo giáp... là những công cụ vừa được Bộ GTVT đề xuất trang bị cho lực lượng thanh tra giao thông khi thực thi công vụ.
Đề xuất này được đưa ra trong Dự thảo Thông tư liên tịch Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) và Công an - quy định về trang bị, quản lý công cụ hỗ trợ của lực lượng thanh tra ngành GTVT, Bộ GTVT là cơ quan soạn thảo đã hoàn tất và đang lấy ý kiến.
Theo đó, những công cụ hỗ trợ trang bị lực lượng thanh tra GTVT gồm: Các loại súng dùng để bắn đạn cao su, hơi cay, chất gây mê, pháo hiệu và các loại đạn dùng cho các loại súng này; các loại phương tiện xịt hơi cay, chất gây mê; các loại dùi cui điện, dùi cui cao su; áo giáp, găng tay bắt dao.
Lực lượng Thanh tra GTVT trực tiếp thực thi công vụ sẽ được trang bị công cụ hỗ trợ
Những công cụ hỗ trợ nói trên sẽ được trang bị, quản lý và sử dụng theo nguyên tắc tuân thủ đúng các quy định của Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan và các quy định tại Thông tư này. Bảo đảm chất lượng, hiệu quả hoạt động và đáp ứng yêu cầu công tác của lực lượng Thanh tra GTVT. Bảo đảm đúng tiêu chuẩn, đúng kế hoạch và đúng đối tượng sử dụng.
Bộ GTVT cho biết, công cụ hỗ trợ chỉ được giao cho những người trực tiếp thực hiện nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính và cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực GTVT, bao gồm: Thanh tra viên, Công chức thanh tra chuyên ngành, Viên chức được giao nhiệm vụ thanh tra.
Tiêu chuẩn đối với người được giao sử dụng công cụ hỗ trợ phải là người có phẩm chất đạo đức tốt; có sức khỏe phù hợp với công việc được giao, được cơ sở y tế cấp huyện trở lên chứng nhận; được huấn luyện về chuyên môn, tính năng, tác dụng, kỹ năng sử dụng công cụ hỗ trợ và được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận sử dụng công cụ hỗ trợ.
Trong Dự thảo Thông tư này, Bộ GTVT cũng nhấn mạnh đến trách nhiệm của người được giao sử dụng công cụ hỗ trợ. Theo đó, khi thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, thanh tra, xử phạt vi phạm hành chính và cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, người được giao sử dụng công cụ hỗ trợ phải thực hiện theo đúng quy định tại Pháp lệnh số 16/2011/UBTVQH12 và các quy định của Bộ trưởng Bộ Công an.
Để sử dụng công cụ hỗ trợ, lực lượng Thanh tra GTVT sẽ được đào tạo, tập huấn theo sự hướng dẫn của cơ quan Công an có thẩm quyền để được cấp giấy chứng nhận, chứng chỉ về quản lý, sử dụng công cụ hỗ trợ theo quy định của pháp luật.
Công cụ hỗ trợ sẽ được lập kế hoạch và trang bị cho lực thượng Thanh tra trực tiếp làm nhiệm vụ ở các cơn quan, đơn vị trực thuộc Bộ GTVT, gồm: Thanh tra Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Cục Đường sắt Việt Nam, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Cục Hàng hải Việt Nam, Cục Hàng không Việt Nam, Sở GTVT các tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương.
Bộ GTVT cho hay, các đơn vụ sử dụng công cụ hỗ trợ sẽ phải báo cáo tình hình theo định kỳ 6 tháng (trước 15/7) và 1 năm (trước 15/1). Trường hợp công cụ hỗ trợ bị mất, thất lạc thì thủ trưởng cơ quan có trách nhiệm báo cáo ngay với cơ quan Công an cấp giấy phép sử dụng để phối hợp giải quyết, đồng thời gửi báo cáo bằng văn bản đến Tổng cục, Cục, Giám đốc Sở GTVT chậm nhất là sau 5 ngày kể từ ngày phát hiện công cụ hỗ trợ bị mất hoặc thất lạc.
Châu Như Quỳnh
Theo Dantri
Khó kiểm soát HIV/AIDS, ma túy, mại dâm do thiếu kinh phí Dịch HIV/AIDS có nguy cơ bùng phát trở lại do thiếu kinh phí chống dịch. Trong khi đó tình hình tội phạm ma túy, tệ nạn mại dâm tiếp tục có diễn biến phức tạp, khó lường. Theo báo cáo từ Ủy ban quốc gia phòng chống AIDS và phòng chống ma túy, mại dâm, trong 3 tháng đầu năm 2014, trên cả...