Trang bị súng, áo giáp cho thanh tra giao thông?
Súng dùng để bắn đạn cao su, hơi cay, chất gây mê, pháo hiệu; dùi cui điện, áo giáp… là những công cụ vừa được Bộ GTVT đề xuất trang bị cho lực lượng thanh tra giao thông khi thực thi công vụ.
Đề xuất này được đưa ra trong Dự thảo Thông tư liên tịch Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) và Công an – quy định về trang bị, quản lý công cụ hỗ trợ của lực lượng thanh tra ngành GTVT, Bộ GTVT là cơ quan soạn thảo đã hoàn tất và đang lấy ý kiến.
Theo đó, những công cụ hỗ trợ trang bị lực lượng thanh tra GTVT gồm: Các loại súng dùng để bắn đạn cao su, hơi cay, chất gây mê, pháo hiệu và các loại đạn dùng cho các loại súng này; các loại phương tiện xịt hơi cay, chất gây mê; các loại dùi cui điện, dùi cui cao su; áo giáp, găng tay bắt dao.
Lực lượng Thanh tra GTVT trực tiếp thực thi công vụ sẽ được trang bị công cụ hỗ trợ
Những công cụ hỗ trợ nói trên sẽ được trang bị, quản lý và sử dụng theo nguyên tắc tuân thủ đúng các quy định của Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan và các quy định tại Thông tư này. Bảo đảm chất lượng, hiệu quả hoạt động và đáp ứng yêu cầu công tác của lực lượng Thanh tra GTVT. Bảo đảm đúng tiêu chuẩn, đúng kế hoạch và đúng đối tượng sử dụng.
Bộ GTVT cho biết, công cụ hỗ trợ chỉ được giao cho những người trực tiếp thực hiện nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính và cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực GTVT, bao gồm: Thanh tra viên, Công chức thanh tra chuyên ngành, Viên chức được giao nhiệm vụ thanh tra.
Tiêu chuẩn đối với người được giao sử dụng công cụ hỗ trợ phải là người có phẩm chất đạo đức tốt; có sức khỏe phù hợp với công việc được giao, được cơ sở y tế cấp huyện trở lên chứng nhận; được huấn luyện về chuyên môn, tính năng, tác dụng, kỹ năng sử dụng công cụ hỗ trợ và được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận sử dụng công cụ hỗ trợ.
Video đang HOT
Trong Dự thảo Thông tư này, Bộ GTVT cũng nhấn mạnh đến trách nhiệm của người được giao sử dụng công cụ hỗ trợ. Theo đó, khi thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, thanh tra, xử phạt vi phạm hành chính và cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, người được giao sử dụng công cụ hỗ trợ phải thực hiện theo đúng quy định tại Pháp lệnh số 16/2011/UBTVQH12 và các quy định của Bộ trưởng Bộ Công an.
Để sử dụng công cụ hỗ trợ, lực lượng Thanh tra GTVT sẽ được đào tạo, tập huấn theo sự hướng dẫn của cơ quan Công an có thẩm quyền để được cấp giấy chứng nhận, chứng chỉ về quản lý, sử dụng công cụ hỗ trợ theo quy định của pháp luật.
Công cụ hỗ trợ sẽ được lập kế hoạch và trang bị cho lực thượng Thanh tra trực tiếp làm nhiệm vụ ở các cơn quan, đơn vị trực thuộc Bộ GTVT, gồm: Thanh tra Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Cục Đường sắt Việt Nam, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Cục Hàng hải Việt Nam, Cục Hàng không Việt Nam, Sở GTVT các tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương.
Bộ GTVT cho hay, các đơn vụ sử dụng công cụ hỗ trợ sẽ phải báo cáo tình hình theo định kỳ 6 tháng (trước 15/7) và 1 năm (trước 15/1). Trường hợp công cụ hỗ trợ bị mất, thất lạc thì thủ trưởng cơ quan có trách nhiệm báo cáo ngay với cơ quan Công an cấp giấy phép sử dụng để phối hợp giải quyết, đồng thời gửi báo cáo bằng văn bản đến Tổng cục, Cục, Giám đốc Sở GTVT chậm nhất là sau 5 ngày kể từ ngày phát hiện công cụ hỗ trợ bị mất hoặc thất lạc.
Châu Như Quỳnh
Theo Dantri
Xem xét trách nhiệm lãnh đạo tòa án tối cao vì làm chậm luật
Chuẩn bị dự thảo Pháp lệnh xử lý các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Tòa án cả năm qua, 2 lần trình UB Thường vụ QH vẫn chưa đạt, các Phó Chủ tịch QH đề nghị xem xét trách nhiệm của lãnh đạo TAND tối cao trong việc chậm trễ này.
Sáng 14/3, UB Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào dự án Pháp lệnh xử lý các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Tòa án. Pháp lệnh này để đồng bộ hóa với Luật xử lý vi phạm hành chính (có hiệu lực từ 1/7/2013). Điều 48 luật này quy định thẩm quyền của Tòa án nhân dân được xử phạt hành chính. Tuy nhiên, các hành vi vi phạm hành chính cản trở hoạt động tố tụng của tòa án mà Tòa án nhân dân được xử phạt lại chưa được quy định cụ thể.
Vì vậy, Quốc hội giao UB Thường vụ, TAND tối cao xây dựng Pháp lệnh này. 6 tháng trước, dự thảo Pháp lệnh đã được trình một lần nhưng chưa "thông". Lần này, do khoảng trống pháp luật, các hành vi can trơ hoat đông tô tung của Tòa án xảy ra nhiều, có xu hướng gia tăng cả trước, trong và sau phiên tòa, gây khó khăn cho việc giải quyết án mà không xử lý được nên UB Thường vụ Quốc hội gắt gao đốc thúc.
Theo dự kiến, khi Thường vụ thông qua Pháp lệnh trong ngày hôm nay, sáng thứ 2 tuần tới, 17/3, Văn phòng Chủ tịch nước cũng tổ chức họp báo công bố Pháp lệnh của Chủ tịch nước để đưa ngay các quy định vào cuộc sống.
Các Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn, Tòng Thị Phóng, Uông Chu Lưu đều bất bình với việc dự thảo pháp lệnh lần thứ 2 trình lại vẫn sao y bản cũ.
Tuy nhiên, cho đến lần cho ý kiến chốt lại sáng nay, dự thảo Pháp lệnh do TAND tối cao trình vẫn bị "phê" nhiều mặt. Cơ quan thẩm tra - UB Tư pháp của Quốc hội không tán thành với nhiều quy định trong Dự thảo. UB Tư pháp cho rằng Dự thảo có nhiều điều khoản trùng lặp; chưa phù hợp với các quy định tại Luật Xử lý vi phạm hành chính hiện hành.
Theo Chủ nhiệm UB Tư pháp Nguyễn Văn Hiện, dự thảo Pháp lệnh trình Thường vụ lần này không có nội dung nào mới so với bản dự thảo cũ đã được thẩm tra tại phiên họp toàn thể của UB này 6 tháng trước. TAND TC cũng không có báo cáo giải trình lý do giữ nguyên dự thảo Pháp lệnh đã trình lần 1.
UB Tư pháp cũng nhận thấy một số nội dung trong Dự thảo chưa phù hợp với quy định trong Hiến pháp 2013 cũng như chưa đảm bảo tính thống nhất với nhiều bộ luật khác.
Cụ thể, Hiến pháp 2013 quy định: "Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật". Tuy nhiên, một số quy định cụ thể của Dự thảo Pháp lệnh đã hạn chế quyền cơ bản của công dân (như quy định về hành vi bị xử lý, người bị xử lý... mở rộng hơn so với quy định của các đạo luật tố tụng, hạn chế quyền khởi kiện vụ án hành chính của người bị xử phạt...) nên cần được xem xét lại.
Nhiều quy định của Dự thảo Pháp lệnh cũng không phù hợp với các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Tố tụng hành chính, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Phá sản, Luật Thi hành án dân sự, Luật Báo chí, Luật Khiếu nại. Ví dụ: Quy định về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả; về thẩm quyền tạm giữ người có hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Tòa án theo thủ tục hành chính; về thi hành quyết định xử lý bằng phạt tiền...
Bức xúc về việc làm luật chậm trễ, thiếu trách nhiệm này, Chủ nhiệm UB Pháp luật Phan Trung Lý cho biết, đã nhiều lần có ý kiến với UB Tư pháp để đốc thúc cơ quan soạn thảo nhưng phía TAND tối cao vẫn quá chậm. Yêu cầu rút kinh nghiệm vì khó chấp nhận chuyện "tắc trách" như này, ông Lý băn khoăn hướng xử lý tiếp theo là tiếp tục hoãn pháp lệnh này hay quyết hoàn thành gấp cho đúng kế hoạch đã định.
Phó Chủ tich Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn cho rằng việc "ép tiến độ" không khả thi vì nếu chỉ một vài điều khoản có vấn đề còn bàn bạc, chỉnh kịp nhưng ở đây ngay cả quan điểm xây dựng dự thảo cũng... trái khoáy.
"Ai lại để dự thảo 6 tháng trước và 6 tháng sau vẫn trình lại y nguyên, không có giải trình gì. Tôi cũng nghĩ phải xem xét cả người phụ trách việc này đã để tình trạng đến vậy" - ông Sơn phê phán thẳng.
Tán thành hướng dừng một lần nữa việc cho ý kiến với Pháp lệnh để TAND tối cao chuẩn bị lại, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cũng cho rằng cần xem xét trách nhiệm cơ quan soạn thảo và các bên liên quan trong việc chậm trễ này.
P.Thảo
Theo Dantri
Thanh tra giao thông được dùng súng? Dù chỉ là súng bắn đạn cao su, hơi cay, chất gây mê... nhưng công cụ hỗ trợ lực lượng thanh tra giao thông này, theo đề xuất của Bộ Giao thông Vận tải, vẫn gây nhiều băn khoăn, lo ngại. Dự thảo thông tư liên tịch quy định về việc trang bị, quản lý và sử dụng công cụ hỗ trợ (CCHT)...