Trang bị kỹ năng sử dụng Internet an toàn cho trẻ em
Mạng Internet tạo điều kiện giúp các em học tập, giải trí, giao lưu kết bạn nhưng trẻ em sử dụng Internet quá mức sẽ ảnh hưởng xấu tới mắt, sức khỏe hay khả năng gặp nhiều rủi ro trên môi trường mạng.
Ảnh minh họa. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)
Ngày 6/3, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD) tổ chức tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Trẻ em Việt Nam-Chuẩn công dân thời đại mới.”
Sự kiện này nằm trong khuôn khổ chiến dịch “Online vui, Vùi COVID-19 – Tiếng nói trẻ em về sử dụng Internet an toàn và hiệu quả” do Tổ chức Cứu trợ trẻ em (Save the Children) tài trợ.
Phát biểu khai mạc, bà Trần Vân Anh, Giám đốc Chương trình Viện MSD cho biết trong bối cảnh thế giới và Việt Nam đang bước vào giai đoạn chuyển đổi số, trẻ em đã trở thành những “công dân số” từ rất sớm với việc sử dụng Internet ngày càng gia tăng.
Video đang HOT
Mạng Internet tạo điều kiện giúp các em học tập, giải trí, giao lưu kết bạn. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích của Internet mang lại, việc trẻ em sử dụng Internet quá mức sẽ ảnh hưởng xấu tới mắt, sức khỏe hay khả năng gặp nhiều rủi ro trên môi trường mạng như bị mất thông tin cá nhân, lừa đảo trên mạng, bị quấy rối trên mạng, vô tình kết bạn xấu, xem các ấn phẩm không phù hợp, đối mặt với các thông tin sai lệch hay thậm chí cả các nguy cơ bị xâm hại tình dục trên môi trường mạng…
Đây cũng là mối lo của nhiều bậc phụ huynh và người chăm sóc trẻ. Do vậy, tọa đàm là dịp để các diễn giả đã chia sẻ với khán giả về những cách thức phòng tránh rủi ro trên Internet, nâng cao kỹ năng sử dụng Internet an toàn cho trẻ em.
Đánh giá về những lợi ích cũng như rủi ro mà Internet mang lại, Thạc sỹ Nguyễn Văn Nam, chuyên gia Công nghệ thông tin chia sẻ: “Việc sử dụng Internet đã trở thành một phần không thể thiếu và độ tuổi tiếp cận Internet đang ngày càng trẻ. Rủi ro vẫn luôn tồn tại song hành với những lợi ích và có thể xảy ra với bất cứ ai chứ không chỉ trẻ em. Tuy nhiên, có một điều tích cực là trẻ em ngày nay cũng đã có những kỹ năng nhận biết. Vì vậy, không bao giờ là quá sớm để bắt đầu việc trang bị, giáo dục kĩ năng cho trẻ em.”
Bà Phạm Thị Thủy, Phụ trách Phòng Phát triển và Tham gia của Trẻ em, Cục Trẻ em, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết với thời đại số hiện nay, việc bảo vệ các em trên mạng cũng được ưu tiên bởi mạng là ảo nhưng những hậu quả luôn là thật.
“Chúng tôi đã phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông cũng như các tổ chức xã hội xây dựng Đề án “Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác sáng tạo, lành mạnh trên môi trường mạng” với mong muốn giảm thiểu tối đa rủi ro với trẻ em khi sử dụng Internet. Bên cạnh đó, việc thúc đẩy sự tham gia của trẻ em trong các vấn đề liên quan đến trẻ em cũng được thể hiện trong Chương trình Hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021 – 2030 mới được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt gần đây, chúng tôi vẫn tiếp tục những nỗ lực để trao quyền cho các em, để các em được lên tiếng vì lợi ích tốt nhất của các em.”
Nghệ sỹ ưu tú Xuân Bắc chia sẻ: “Muốn nuôi dạy một đứa trẻ trở thành công dân số chuẩn, chính các bậc phụ huynh phải “chuẩn” trước, bởi trẻ em học từ người lớn rất nhiều và rất nhanh. Thay vì áp đặt, cấm đoán, cha mẹ hãy làm gương cho con mình với những hành động, lối cư xử có văn hóa trên mạng, thường xuyên trò chuyện, phân tích các mặt lợi, hại của Internet với con.
Ngoài ra, cần có các chế tài xử phạt nghiêm khắc đối với các hành vi quấy rối, lừa đảo, xâm hại, đánh cắp thông tin… trên Internet để răn đe. Hành vi xấu cũng giống như virus, sẽ lây lan rất nhanh nếu không dập tắt kịp thời”./.
Thái Nguyên: Tập huấn xây dựng môi trường tiếng Việt cho trẻ DTTS
Vừa qua, Sở GD&ĐT Thái Nguyên đã tổ chức lớp tập huấn "Xây dựng môi trường tăng cường tiếng Việt cho trẻ em vùng dân tộc thiểu số", dành cho 52 học viên là cán bộ quản lí, chuyên viên và giáo viên mầm non.
Một hoạt động của đợt tập huấn tại trường Mầm non Liên Minh (huyện Võ Nhai)
Trong phần nội dung lí thuyết, lớp tập huấn đã triển khai các chuyên đề về phát triển kỹ năng nghe, nói, đọc, viết cho trẻ mầm non vùng dân tộc thiểu số; xây dựng môi trường tăng cường tiếng Việt cho trẻ em vùng dân tộc thiểu số.
Trong phần thực hành, thực tế tại trường Mầm non Liên Minh (huyện Võ Nhai), lớp tập huấn đã tổ chức dự giờ một số hoạt động, tham quan xây dựng môi trường trường tăng cường tiếng Việt cho trẻ. Các học viên cũng được trao đổi thảo luận sau các hoạt động dự giờ tham quan, theo các tiêu chí xây dựng môi trường trường tăng cường tiếng Việt cho trẻ người dân tộc thiểu số.
Các giáo viên mầm non tham gia nội dung tập huấn
Bà Trần Thị Thúy, Trưởng phòng Giáo dục Mầm non, Sở GD&ĐT Thái Nguyên cho biết: "Lớp tập huấn là hoạt động chuyên môn rất hữu ích để qua đó đội ngũ cán bộ quản lí và giáo viên mầm non tích cực sáng tạo, lựa chọn nội dung lồng ghép tích hợp hướng dẫn tổ chức cho trẻ hoạt động, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục mầm non. Thông qua đó, giáo viên biết tạo cơ hội để trẻ được giao tiếp với nhiều người khác trong cộng đồng, tham gia các hoạt động lễ hội tại địa phương, tích cực chủ động tham gia vào các hoạt động trải nghiệm, khám phá, tăng thêm vốn từ vựng cho trẻ về tiếng Việt".
Được biết, từ năm học 2012 - 2013, tỉnh Thái Nguyên đã tham gia Dự án "Tăng cường tiếng Việt cho học sinh trước khi vào lớp 1", triển khai tại các huyện miền núi, vùng cao như Võ Nhai, Đồng Hỷ, Định Hóa, Phú Lương.
Các địa phương đã triển khai nhiều giải pháp thực hiện giúp học sinh dân tộc nhanh chóng tiếp cận ngôn ngữ tiếng Việt, do đó học sinh thuận lợi trong việc tiếp thu kiến thức văn hóa, kỹ năng xã hội. Điều đó cũng tạo điều kiện, mở ra nhiều cơ hội cho học sinh dân tộc thiểu số học tập tốt hơn, giúp các em "được học" và "học được", tạo sự công bằng giữa các vùng miền trong giáo dục.
Cô gái có nụ cười tỏa nắng giúp trẻ bị down vượt lên số phận Không khỏi xót lòng khi chứng kiến những em bé bị down sợ hãi, e ấp ở một góc nhà, cô gái ấy đã quyết tâm giúp những "thiên thần lơ đãng" vượt lên số phận, sống có ý nghĩa hơn. Hành trình đồng hành cùng trẻ bị down Nụ cười tỏa nắng của cô bé 19 tuổi đã nắm trong tay nhiều...