Trần Văn Bắc giỏi Vật lý, xuất sắc trong hoạt động hội sinh viên
Chàng trai vừa năng động vừa học tốt và luôn giữ trong mình một tinh thần lạc quan, luôn suy nghĩ tích cực và thích giúp đỡ mọi người.
Nỗ lực hết mình để hiện thực hóa ước mơ
Trần Văn Bắc – Sinh viên năm 4, Trường đại học Tân Trào xuất thân trong một gia đình thuần nông ở xã Thái Hoà, huyện Hàm Yên, Tuyên Quang. Nhà chỉ có 02 sào ruộng với 4 thành viên.
Mẹ Bắc bị mắc bệnh ung thư tuyến giáp, mất hết khả năng lao động, chi phí điều trị tốn kém, đã nhiều năm mọi chi phí của gia đình đều trông cậy vào bố.
Gia đình chỉ có 2 anh em trai, em trai Bắc học hết bậc trung học phổ thông xuống Hà Nội làm với mong ước đỡ đần phần nào gánh nặng kinh tế cho gia đình.
Bắc là con trai lớn trong gia đình, mẹ thì bị bệnh hiểm nghèo thường xuyên phải xuống Hà Nội để điều trị bệnh.
Thấu hiểu hoàn cảnh gia đình, Bắc luôn chăm ngoan và có ý thức tự giác trong học tập, rèn luyện bản thân.
Ngay từ khi còn học ở mái trường trung học phổ thông, Bắc đã nhiều năm là lớp trưởng, là cán bộ Đoàn gương mẫu được bạn bè và thầy cô yêu quý.
Sinh viên Trần Văn Bắc (ngồi giữa hàng đầu) tham gia hoạt động tình nguyện của Đoàn Thanh Niên – Hội sinh viên Trường đại học Tân Trào. Ảnh: NVCC
Bắc sống chan hòa với bạn bè, luôn chủ động hỏi ý kiến thầy cô về học tập cũng như kinh nghiệm sống để có những lựa chọn đúng đắn cho tương lai.
Em Bắc có chia sẻ rất chân tình với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, em nhẹ nhàng nói:
“Em học hết cấp 3 cũng mơ ước nhiều lắm, nhưng vì điều kiện kinh tế của gia đình còn nhiều khó khăn, mẹ em thì bệnh hiểm nghèo, em trai đi làm xa.
Em chọn học ở Trường đại học Tân Trào một phần vì gần nhà để cuối tuần có thời gian chạy về giúp đỡ gia đình và một phần nữa là đỡ tốn chi phí của gia đình”.
Năng động và luôn tiên phong trong mọi lĩnh vực
Khuôn mặt hiền lành, đôi mắt sáng, nụ cười tươi là cảm nhận đầu tiên khi tiếp xúc với em Trần Văn Bắc.
Tiếp tục giữ tinh thần năng động, nhiệt huyết, bước vào học tại Trường đại học Tân Trào, Bắc được thầy cô, bạn bè tin tưởng, giao phó trọng trách làm lớp trưởng và Liên Chi hội trưởng Liên chi Khoa Khoa học cơ bản, Liên chi gồm 11 chi đoàn với trên 260 sinh viên.
Video đang HOT
Làm tốt nhiệm vụ được giao, tích cực học hỏi kinh nghiệm, kỹ năng tổ chức, hoạt động Đoàn, Hội từ các thầy cô, cán bộ Đoàn… từ đó em đã có nhiều chương trình hoạt động rất ý nghĩa như: Chương trình bán móc khóa gây quỹ từ thiện giúp đỡ cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn trong địa bàn tỉnh Tuyên Quang.
Trong nhiều năm liền em Bắc luôn là sinh viên xuất sắc với nhiều thành tích đáng khen ngợi: Giải nhất cuộc thi Trắc nghiệm Olympic Vật lý toàn quốc lần thứ 20, giải Ba môn thi Trắc nghiệm Olympic Vật lý toàn quốc lần thứ 21…
Em Bắc là một trong 4 sinh viên của Trường đại học Tân Trào vinh dự được nhận học bổng từ Quỹ học bổng Hessen của Bộ Khoa học và Nghệ thuật Bang Hessen – Tổ chức Hỗ trợ Đại học Thế giới Cộng hòa Liên bang Đức.
Em Bắc được lựa chọn tham gia chương trình trao đổi sinh viên quốc tế, các khóa thực tập ngắn hạn tại Thái Lan và Philippines…Tham gia thực tập ngắn hạn tại Đại học Bắc Philippines năm 2017.
Khi phóng viên đặt câu hỏi về thời gian rảnh em làm gì? Em Bắc cười tươi chia sẻ thêm: “Ngoài thời gian ở trường em cũng thường xuyên đi làm gia sư, mỗi tuần em đi dạy 3 buổi, cũng là kiếm thêm thu nhập để tự trang trải chi phí sinh hoạt thường ngày và học tập”.
Sống có lý tưởng và hoài bão
Hỏi về ước mơ sau này của mình, Bắc nói: “Em mong muốn sau này được làm thầy giáo, được đứng trên bục giảng dạy môn Vật lý em yêu thích, để em có thể truyền tình yêu và kiến thức mình được học đến học sinh”.
Dưới sự lãnh đạo của “thủ lĩnh” Trần Văn Bắc, Liên chi Khoa Khoa học cơ bản luôn là liên chi dẫn đầu của Trường đại học Tân Trào với nhiều phong trào Đoàn, Hội sôi nổi và phong trào thi đua học tập tốt.
Cô Phạm Thị Kiều Trang – Bí thư Đoàn, Trường đại học Tân Trào vui vẻ đưa ra nhận xét: “Bắc ở trường là một sinh viên luôn có ý thức cao trong việc tự tu dưỡng và rèn luyện bản thân.
Cá nhân em Bắc có nhiều cống hiến cho các hoạt động của Đoàn Thanh niên – Hội sinh viên, tổ chức phân công nhiệm vụ nào em cũng hoàn thành rất tốt”.
Khi được hỏi về ấn tượng của cô về em Bắc, cô Trang cười tươi nói: “Ở trường, em Bắc là một sinh viên hiền lành, năng động và rất thông minh, cá nhân em Bắc đã đạt được nhiều thành tích cao trong các cuộc thi mang lại vinh dự lớn cho cá nhân em Bắc cũng như nhà trường”.
Ngoài thành tích học tập xuất sắc (3.91/4.00), với tính cách năng động, tinh thần trách nhiệm cao, hiện Bắc là Phó chủ nhiệm câu lạc bộ Nghiên cứu trẻ với nhiều sản phẩm khoa học có ứng dụng cao trong cuộc sống.
Sinh Viên Trần Văn Bắc (bên trái) và sinh viên Nguyễn Đức Tân đại diện đi nhận giải cho tập thể đạt danh hiệu “Tập thể sinh viên 5 tốt” cấp trung ương 2018. Ảnh: Công Tiến
Bắc cũng thường xuyên kêu gọi các bạn sinh viên cùng tham gia các chương trình hoạt động tình nguyện vì cộng đồng. Luôn sẵn sàng giúp đỡ bạn bè trong mọi tình huống.
Em Nguyễn Đức Tân – Sinh viên năm 4, Trường đại học Tân Trào nói: “Ngoài việc học tập tốt, bạn Bắc còn rất tích cực tham gia các hoạt động của Hội sinh viên trường, là tấm gương sáng cho các bạn sinh viên khác học tập”.
Thành tích đáng ngưỡng mộ từ sự không ngừng phấn đấu
Chia sẻ với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam em rất cởi mở nói: “Được học ở Trường đại học Tân Trào với em đó là một duyên lớn, bởi chính từ ngôi trường này, từ sự giúp đỡ của thầy cô, sự giúp sức của bạn bè mà em mới có được thành tích như ngày hôm nay”.
Trải qua thời gian học tập, rèn luyện và cống hiến, Trần Văn Bắc luôn là sinh viên xuất sắc với nhiều thành tích đáng khen ngợi: Giải nhất cuộc thi Trắc nghiệm Olympic Vật lý toàn quốc lần thứ 20, giải Ba môn thi Trắc nghiệm Olympic Vật lý toàn quốc lần thứ 21, Sinh viên 5 tốt cấp tỉnh.
Sinh viên Trần Văn Bắc – Trường đại học Tân Trào nhận Giải thưởng “ Sao tháng Giêng” năm 2018 của Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam. Ảnh: Công Tiến
Nhiều năm liên tiếp được nhận giấy khen của Đoàn Thanh niên - Hội sinh viên Trường đại học Tân Trào.
Bắc còn là sinh viên duy nhất của tỉnh Tuyên Quang đạt danh hiệu “Sao tháng Giêng” năm 2018 do Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam trao tặng.
Theo giaoduc.net.vn
Phát huy vai trò của SV tham gia trong Hội đồng trường
Quy định về sự tham gia của người học trong Hội đồng trường ĐH có ý nghĩa lớn đối với sinh viên và cán bộ Đoàn, Hội. ThS Nguyễn Vinh San - Trưởng phòng Công tác Sinh viên (Trường ĐH Sư phạm - ĐH Đà Nẵng) - nhận định như vậy về một nội dung đáng chú ý trong Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH mới được thông qua.
Quy định: Người học tham gia Hội đồng trường là tăng cường tính tự chủ Đại học
- Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH quy định một trong những thành viên đương nhiên của Hội đồng trường có đại diện Ban chấp hành Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh là người học của trường đại học. Ông nhận định thế nào về quy định này?
- Việc người học tham gia Hội đồng trường tuy mới mẻ ở Việt Nam nhưng đối với các cơ sở giáo dục đại học trên thế giới thì không mới. Chúng ta cũng đã có nhiều hội nghị, hội thảo bàn về vấn đề này trước khi thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều củaLuật Giáo dục ĐH. Vì vậy, theo tôi không nên bàn tính đúng sai hay hợp lý của quy định mà nên tập trung bàn về cách thức lựa chọn và vận hành các thành viên Hội đồng trường như thế nào cho hiệu quả, giúp nâng cao chất lượng giáo dục đại học ở Việt Nam.
- Có ý kiến cho rằng, bản thân sinh viên chưa có đủ nhận thức xã hội; sinh viên Việt Nam lại ít chủ động, phản biện, khác với sinh viên nước ngoài, nếu vào Hội đồng trường sẽ khó phát huy được vai trò của mình, ông nghĩ sao? Điều này có đúng với thực tế tại Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng hay không?
- Quy định về sự tham gia của người học trong Hội đồng trường đại học có ý nghĩa lớn đối với các thế hệ sinh viên và cán bộ Đoàn, Hội.
Thực tế hiện nay thì nhận xét trên đang đúng với số đông người học ở Việt Nam, tuy nhiên vẫn có rất nhiều người học có nhận thức, tư duy và tính phản biện cao.
Có rất nhiều sinh viên của chúng tôi tham gia các hoạt động xã hội, hoạt động cộng đồng từ rất sớm và các em cũng đã có những ý kiến, góp ý với nhà trường trong các hoạt động chung.
Cái thiếu của người học hiện nay là kiến thức về quản trị nhà trường, sự hiểu biết đầy đủ về chiến lược phát triển nhà trường. Đương nhiên, chúng ta không thể quá kỳ vọng vào sự xuất sắc tuyệt đối như vậy. Hội đồng trường là một tập thể có tối thiểu 15 thành viên, mỗi một thành viên trong Hội đồng sẽ có những đóng góp khác nhau, tùy thuộc vào vị trí và năng lực của mỗi người.
Tôi nghĩ, thành viên là người học sẽ có các ý kiến phản biện tốt liên quan tới các vấn đề về chăm sóc, hỗ trợ người học, giám sát nhà trường trong việc đảm bảo quyền lợi của người học.
Việc phát huy được vai trò của các thành viên Hội đồng trường đến đâu thì phụ thuộc nhiều vào năng lực của chủ tịch Hội đồng và văn hóa của cơ sở giáo dục đại học đó.
- Theo ông, cần làm thế nào để chọn được người đại diện xứng đáng cho sinh viên vào Hội đồng trường?
- Việc lựa chọn thành viên như thế nào thì có lẽ cần chờ nghị định hướng dẫn thực hiện. Vì theo Luật sửa đổi thì thành viên là đại diện Đoàn TNCS Hồ Chí Minh là người học, điều này có nghĩa là thành viên trên chưa hẳn đã là sinh viên mà cũng có thể là học viên sau đại học tham gia học theo chương trình tập trung đang trong độ tuổi sinh hoạt Đoàn (đến 35 tuổi).
Thành viên này chắc chắn sẽ do tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh của nhà trường giới thiệu. Người được lựa chọn phải đại diện được cho tổ chức và các cá nhân giới thiệu mình nên tôi nghĩ người đó có thể là thành viên của BCH Đoàn trường hoặc Ban Thư ký Hội Sinh viên, người được bầu lên từ các cấp bộ Đoàn, Hội của sinh viên.
Tổ chức Đoàn, Hội trong nhà trường có vai trò và trách nhiệm rất lớn trong việc tìm, giới thiệu và hỗ trợ cho người đại diện này tham gia tốt Hội đồng trường. Thành viên Hội đồng trường là người học có thể tìm sự hỗ trợ từ chính tổ chức giới thiệu mình để có đầy đủ thông tin, kiến thức và kỹ năng khi tham gia Hội đồng trường.
- Làm thế nào để thực sự phát huy được vai trò của đại diện người học trong Hội đồng trường? Ông có thể chia sẻ kinh nghiệm từ Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng?
- Đây là hoạt động chưa có trong tiền lệ của chúng ta, tuy nhiên từ các hoạt động khác trong nhà trường, tôi nghĩ để phát huy được vai trò của người học trong Hội đồng trường thì chúng ta phải thay đổi cách nhìn nhận về thành viên này.
Khi tham gia vào Hội đồng trường thì tất cả các thành viên đều có quyền và vai trò như nhau. Người học cũng phải được cử đi tham gia một số khóa bồi dưỡng hoặc tập huấn về quản trị đại học để có những hiểu biết cơ bản nhất; tiếp đó việc phân công mảng công việc trong Hội đồng cần phù hợp với năng lực và vị trí của mỗi thành viên (điều này còn phải áp dụng cho thành viên là đại diện giảng viên, người lao động trong Hội đồng).
Kinh nghiệm của chúng tôi là phát huy tính dân chủ, khuyến khích phản biện và tôn trọng sự khác biệt. Tôn trọng và lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của người học. Lâu nay, nhà trường đã có kênh tiếp nhận các góp ý và phản ánh của sinh viên và hầu hết sinh viên của trường hiện hài lòng về sự phản hồi của nhà trường về ý kiến của các em.
- Hoạt động của Hội đồng trường các trường ĐH lâu nay vẫn được nhận định là hình thức, kém hiệu quả. Theo ông, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH sẽ tác động đến điều này như thế nào?
- Đối với các trường đại học công lập, nếu nhận xét: Hoạt động của Hội đồng trường là hình thức và kém hiệu quả thì có lẽ không công bằng cho các thành viên Hội đồng lâu nay. Vấn đề là ở quy định về hoạt động của Hội đồng trường trước nay đã hợp lý hay chưa, có phát huy được trí tuệ của Hội đồng hay không, có bị chồng chéo với các tổ chức/đơn vị khác trong nhà trường không.
Tôi xin phép có ý kiến nhận xét sau khi chúng ta có đầy đủ nghị định, thông tư hướng dẫn thực hiện, lúc đó chúng ta mới biết được các hạn chế của quy định cũ có được khắc phục hoàn toàn hay không.
- Xin cảm ơn ông!
Hiếu Nguyễn
Theo giaoducthoidai
Ninh Bình: Bị ung thư, cô giáo mầm non vẫn gắng gượng ươm mầm xanh cho đời Dù bị ung thu tuyến giáp, cô Triệu Thị Nhung - giáo viên mầm non ở Ninh Bình vẫn gắng vượt qua số phận, ngày ngày đến trường, bám lớp dạy học, ươm những mầm xanh cho đời. Cô giáo dân tộc Tày vượt khó Cô giáo Triệu Thị Nhung (SN 1981), là người dân tộc Tày, quê ở tỉnh Cao Bằng. Thế...