Trận chiến ngầm Nga Phương Tây mở rộng ở Yemen
Bộ Ngoại giao Nga ngày 5/4 đã bác các cáo buộc cho rằng Moscow bí mật cung cấp vũ khí cho quân nổi dậy tại Yemen.
Vũ khí cho quân nổi dậy Yemen từ đâu?
“Những bài báo trích tuyên bố của Ngoại trưởng Yemen tố cáo máy bay Nga chở vũ khí cho quân nổi dậy Houthi khi thực hiện nhiệm vụ sơ tán công dân đã thu hút sự chú ý của chúng tôi”, theo Hãng Interfax dẫn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Alexander Lukashevich.
Ông nói thêm những tuyên bố như vậy, nếu thật sự có, là “phi lý, vô trách nhiệm và mang tính khiêu khích”.
“Nga đang sơ tán công dân mình và của nhiều quốc gia khác, bao gồm cả các nước trong liên minh chống Houthi. Không như nhiều nước khác, chúng tôi không can thiệp vào cuộc xung đột nội bộ tại Yemen”, ông Lukashevich nhấn mạnh.
Trong một diễn biến khác có liên quan, ngày 1/4 vừa qua, giám đốc sân bay quốc tế Sanaa, thủ đô của Yemen, đã xác nhận rằng một chiếc máy bay của Nga đã bị liên quân chống Houthi không cho phép hạ cánh xuống đây và phải chuyển hướng sang Ai Cập.
Máy bay Nga không được đáp xuống Sanaa di tản công dân
“Phi hành đoàn đã liên lạc với lực lượng đồng minh trong khi đang bay trên biển Đỏ. Tuy nhiên, liên quân đã không cho phép hạ cánh xuống Sanaa và máy bay đã phải bay sang Cairo”, giám đốc Khaled al-Shayef cho biết.
Video đang HOT
Cùng ngày, kênh truyền hình Mayadeen của Arap Saudi đưa tin, liên quân quốc tế do Ả Rập Saudi đã ngăn chặn một chiếc máy bay của Nga tới Yemen để di tản công dân của mình ra khỏi quốc gia đang bị chiến tranh tàn phá này.
Bên cạnh đó, một nguồn tin tại đại sứ quán Nga ở Yemen cho biết, tòa nhà lãnh sự quán của nước này tại thành phố cảng Aden của Yemen đã bị hư hỏng nặng do các cuộc không kích của liên quân quốc tế.
“Không một cửa sổ nào còn nguyên vẹn”, nguồn tin nói và cho biết thêm rằng Nga đang cân nhắc đến khả năng đóng cửa tòa nhà lãnh sự quán này và sơ tán các công dân ra khỏi đây.
Yemen đang lâm vào một cuộc khủng hoảng tồi tệ sau khi các tay súng thuộc lực lượng phiến quân Hồi giáo dòng Shiite Houthi tấn công vào dinh tổng thống ở thủ đô Sanaa nhằm lật đổ chế độ của nhà lãnh đạo Abdu-Rabbu Mansour Hadi
Trong bối cảnh tình hình bạo lực leo thang, nhiều quốc gia khác cũng đã bắt đầu sơ tán các công dân khỏi Yemen.
Cuộc chiến ngầm Saudi Arabia – Iran ở Yemen
Chiến dịch không kích phiến quân Houthi của Liên minh các quốc gia Ả Rập mà đứng đầu là Saudi Arabia nhằm “bảo vệ chính quyền hợp pháp” của Tổng thống Yemen Abdu-Rabbu Mansour Hadi đã bước sang ngày thứ 7 trên quy mô lớn và rất hiếm thấy trên chiến trường khu vực Trung Đông từ trước đến nay.
Các nhà phân tích cho rằng, hành động này được xem như là cuộc “chiến ngầm” giữa Saudi Arabia và Iran. Nếu như cuộc không kích lan tỏa ra bên ngoài thì rất có thể dẫn đến cuộc đấu tranh giữa hai giáo phái thuộc dòng Sunni và Shiite trong thế giới Ả Rập.
Ngày 28/3, phát ngôn viên của chiến dịch không kích, ông Ahmed ASirui cho biết, máy bay chiến đấu và trang thiết bị thông tin của phiến quân Houthi đã bị phá hủy, mục tiêu của giai đoạn thứ nhất đã hoàn thành. Trong vài ngày tới, nước này sẽ tiến hành phá hủy các tên lửa bên trong lãnh thổ Yemen.
Hiện trường đổ nát sau các cuộc không kích tại Yemen.
Các nhà phân tích cho rằng, “Chiến dịch Cơn bão quyết định” (Operation Decisive Storm’s) là một canh bạc của Saudi Arabia. Trong chiến dịch này, để đảm bảo cho một thắng lợi, nước này đã huy động một lực lượng lớn về quân sự và cả những nỗ lực chính trị.
Điều tra nguyên nhân cho thấy, phần lớn khu vực biên giới phía nam của Saudi Arabia tiếp giáp với Yemen, nếu như phiến quân Houthi kiểm soát toàn bộ lãnh thổ của nước này thì rất có thể sẽ có một chính quyền thân Iran ngay ở “sân sau” của Saudi Arabia, đây là điều mà Riyadh không thể chấp nhận được.
Saudi Arabia và các quốc gia theo dòng Sunni khác đã lên án giới lãnh đạo phái dòng Shiite của Iran đã cung cấp vũ khí và hỗ trợ tài chính lực lượng vũ trang Houthi, tuy nhiên chính quyền Tehran lên tiếng phủ nhận cáo buộc này và cho rằng đây chỉ là hành động hỗ trợ nhân đạo.
Giới bình luận cho rằng, Saudi Arabia luôn tự cho mình là người đứng đầu giáo phái dòng Sunni còn Iran chỉ là một nhà lãnh đạo khu vực dòng Shiite, nguồn gốc mâu thuẫn giữa hai dòng giáo phái này đã có từ rất lâu, nếu Iran có phản ứng mạnh mẽ đối với lần không kích thì quy mô của cuộc xung đột rất có thể sẽ mở rộng ra toàn bộ khu vực.
Theo Abdullah Duka, chuyên gia phân tích chính trị thuộc Các tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) cho rằng, chiến dịch không kích lần này là một cuộc chơi không không khoan nhượng giữa Saudi Arabia và Iran. Nếu như thất bại, Riyadh sẽ mất tầm ảnh hưởng quan trọng đối với khu vực vào tay Iran.
Vì sao binh lính Trung Quốc đổ bộ xuống cảng Aden?
Một quan chức của Yemen trả lời hãng tin Sputnik News (Nga) cho biết, hàng chục binh sĩ nước ngoài “lạ mặt” đổ bộ xuống cảng Aden của nước này chính là binh sĩ Trung Quốc. Nhóm binh sĩ này đã được điều động để duy trì an ninh khu cảng, hỗ trợ di tản công dân Trung Quốc.
Theo Abd ar-Rabb al-Khalyaky, phó trưởng ủy ban quản lý cảng Aden, “Một tàu quân sự Trung Quốc đã đến Aden để di tản các công dân nước này. Một cuộc đấu súng đã bất ngờ nổ ra làm gián đoạn quá trình di tản. Vì thế, các binh sĩ Trung Quốc đã đổ bộ xuống cảng để canh gác và bảo vệ dân thường.”
Ông cũng cho biết, ngay sau khi quá trình di tản hoàn tất, các binh sĩ này đã được cho rút trở về tàu quân sự Trung Quốc. Tình hình tại bến cảng hiện nay đã bắt đầu hạ nhiệt.
Xuất hiện thông tin binh sĩ Trung Quốc đổ bộ lên cảng Aden để duy trì an ninh, di tản công dân
Cũng theo al-Khalyaky, tàu và quân đội Trung Quốc đã rời khỏi cảng Aden dù chưa thể di tản toàn bộ các công dân Trung Quốc tại khu vực này.
Theo Reuters, nhóm người nổ súng vào tàu Trung Quốc là các đơn vị dân quân tự vệ của cảng Aden, chứ không phải quân đội chính quy của Yemen. Khi thấy tàu quân sự lạ xuất hiện, họ đã quyết định nổ súng. Thông tin của Reuters được cung cấp bởi một quan chức giấu tên trong chính quyền Yemen.
Trước đó, đại diện của lực lượng phiến quân người Houthi tại Aden đã xác nhận, có hàng chục binh sĩ người nước ngoài “lạ mặt” đã đổ bộ xuống cảng Aden. Theo đó, “nhóm người này được yểm trợ bởi máy bay. Họ xuống cảng từ các tàu của Ả Rập Saudi và tàu Ai Cập”.
Thành phố cảng Aden đã trở thành một chiến trường khốc liệt với các đợt giao tranh kéo diễn ra trên từng con phố, giữa lực lượng phiến quân người Houthi và các đơn vị quân chính quy ủng hộ Tổng thống Yemen.
Theo Đất Việt