Trải nghiệm thực tế để hướng nghiệp cho học sinh
Bằng những chuyến đi thực tế, trải nghiệm và tìm hiểu nghề truyền thống tại địa phương nhà trường muốn học sinh cảm nhận, có cái nhìn khách quan để định hướng cho bản thân.
Học sinh tại Kon Tum được tham gia tư vấn, hướng nghiệp.
Hướng nghiệp gắn với nghề nghiệp tại địa phương
Kon Tum là tỉnh miền núi, biên giới phía Bắc Tây Nguyên với 43 dân tộc sinh sống. Trong đó người đồng bào DTTS chiếm hơn 54% dân số toàn tỉnh. Địa bàn sinh sống của các dân tộc chủ yếu là các vùng sâu, vùng xa, trình độ dân trí còn hạn chế, vì vậy đời sống người dân còn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao. Trước thực trạng trên, các cấp, chính quyền tỉnh Kon Tum đã tập trung mọi nguồn lực và triển khai có hiệu quả các chương trình, dự án để đưa người dân vươn lên phát triển. Từ đó thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập của vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Vấn đề hướng nghiệp cho học sinh cũng được đặc biệt quan tâm và góp phần không nhỏ trong việc phát triển kinh tế cho địa phương. Mặc dù 2 năm vừa qua bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, thế nhưng trường Tiểu học – THCS Đăk Rơ Wa (xã Đăk Rơ Wa, TP Kon Tum) vẫn quan tâm, chú trọng hướng nghề, hướng nghiệp cho học sinh, đặc biệt là các em lớp 8, 9.
Cô Trần Thị Thanh Thảo, Phó hiệu trưởng nhà trường cho hay, những năm qua đơn vị thường xuyên phối hợp với trường Cao đẳng Cộng đồng tổ chức nói chuyện hướng nghề đối với học sinh lớp 9. Từ những buổi nói chuyện giúp các em nhận thức rõ hơn về nghề nghiệp, sức học để chọn được con đường đúng đắn.
Cũng theo cô Thảo, trong chương trình GDPT 2018 thì học sinh lớp 6 đã được tiếp cận với bộ môn Hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp. Với nội dung này trong chương trình mới thì vấn đề hướng nghiệp thiên về hoạt động trải nghiệm, kĩ năng sống cho học sinh được chú trọng. Thông qua đây phần nào cũng giúp học sinh bước đầu định hướng được nghề nghiệp.
Cô Thảo cho hay, mặc dù trường nằm ở khu vực thành phố nhưng đa số học sinh là người dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó học lực của các em không quá cao nên việc hướng nghề, hướng nghiệp rất quan trọng. Chính vì vậy nhà trường từng bước định hướng học sinh khá, giỏi theo con đường học vấn. Còn những em trung bình, yếu cần chọn nghề phù hợp. Tuy nhiên nhà trường ưu tiên gắn liền với nghề nghiệp tại địa phương để các em thấy gần gũi, dễ dàng lựa chọn.
Video đang HOT
“2 năm vừa qua do ảnh hưởng của dịch nên nhà trường không tổ chức được những hoạt động tập trung. Do đó, vào năm học 2022-2023 trường sẽ tổ chức hoạt động thực tế cho học sinh, như: tìm hiểu các làng nghề, du lịch cộng đồng… Từ đó, học sinh sẽ cảm nhận, có cái nhìn khách quan để định hướng cho bản thân”, cô Thảo chia sẻ.
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
Học sinh trường Tiểu học – THCS Đăk Rơ Wa tìm hiểu nghề dệt truyền thống.
Trong những năm qua, công tác Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh Kon tum đã có những bước chuyển biến rõ rệt.
Theo đó, công tác tuyên truyền về giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh phổ thông trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua đã có sự vào cuộc của các cấp. Đồng thời đã có chuyển biến tích cực về nhận thức của học sinh, phụ huynh học sinh và các tầng lớp nhân dân về nghề nghiệp.
Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục trung học đã đổi mới các hoạt động giáo dục hướng nghiệp theo hướng giáo dục nhà trường gắn với thực tiễn sản xuất kinh doanh của địa phương, tạo cơ sở cho việc định hướng nghề nghiệp phù hợp với năng lực, điều kiện kinh tế gia đình học sinh. Đồng thời, từng bước định hình, đa dạng hóa các hình thức đào tạo, đổi mới phương thức tuyển sinh, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh.
Ngoài ra, mô hình học sinh học chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT kết hợp với học nghề trình độ trung cấp (Mô hình 9 ) trong năm học vừa qua được các đơn vị tích cực triển khai thực hiện.
Tuy nhiên, theo Sở GD&ĐT Kon Tum chất lượng tổ chức hoạt động giáo dục hướng nghiệp trong các trường trung học chưa cao. Bên cạnh đó hiệu quả công tác giáo dục hướng nghiệp còn nhiều hạn chế, chưa có sự phối hợp tốt giữa nhà trường với cha mẹ học sinh và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Ngoài ra số ngành nghề đào tạo chưa phù hợp với thị trường lao động, chưa thu hút được người học dẫn đến việc tuyển sinh ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp gặp nhiều khó khăn.
Sở GD&ĐT, UBND các huyện, thành phố và các trường cao đẳng, Phân hiệu cũng mong muốn UBND tỉnh cho chủ trương và chỉ đạo các Sở, ngành chức năng sớm tham mưu ban hành chính sách hỗ trợ đào tạo nghề trình độ trung cấp, cao đẳng trên địa bàn tỉnh Kon Tum đến năm 2025. Bên cạnh đó có chính sách đặc thù, hỗ trợ, khuyến khích người học đăng ký đào tạo các trình độ giáo dục nghề nghiệp tại các cơ sở trong tỉnh. Đồng thời hỗ trợ các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong việc tổ chức đào tạo, quan hệ các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh nhằm tăng cường công tác tìm kiếm và giới thiệu việc làm cho người học sau tốt nghiệp ra trường.
Nghệ An: Ưu tiên tuyển dụng giáo viên hợp đồng khi được giao chỉ tiêu
Việc bổ sung hơn 2.800 định biên ngành Giáo dục giúp Nghệ An từng bước giải quyết tình trạng thiếu giáo viên trầm trọng.
Sở GD&ĐT tỉnh cũng đề nghị các địa phương ưu tiên giải quyết số giáo viên hợp đồng lâu năm và tuyển dụng giáo viên các môn học mới theo cơ cấu Chương trình GDPT 2018.
Các địa phương tại Nghệ An ưu tiên tuyển dụng giáo viên hợp đồng vào biên chế khi được giao chỉ tiêu.
Tập trung giải quyết số giáo viên mầm non diện "06, 09"
Nghệ An là một trong những tỉnh thiếu giáo viên nhất nước, với trên 7.800 người. Nhiều năm liền không được giao định biên, Nghệ An hiện có hàng nghìn giáo viên "hợp đồng huyện" đang mòn mỏi chờ được vào biên chế.
Năm học 2022-2023, tỉnh được phân bổ 2.820 biên chế sự nghiệp giáo dục. Trong đó, nhiều nhất là mầm non với 2.164 biên chế, tiểu học là 498 biên chế, THCS 142 biên chế và THPT là 16 biên chế. Ngoài ra còn có nhân viên trong các trường học. Việc bổ sung định biên giúp tỉnh giải quyết được một phần tình trạng thiếu hụt đội ngũ ngành Giáo dục.
Huyện Yên Thành đang còn 415 giáo viên hợp đồng. Tuy nhiên, do số chỉ tiêu được giao hàng năm quá ít, nên số giáo viên hợp đồng của huyện vẫn chưa giải quyết được hết. Vì vậy, trước thông tin tỉnh được bổ sung hơn 2.800 giáo viên, địa phương này cũng đang chờ phân bổ chỉ tiêu cụ thể để tuyển dụng.
Huyện Yên Thành, Nghệ An có hàng trăm giáo viên hợp đồng huyện, trong đó có nhiều người đã dạy hợp đồng gần 20 năm đang chờ được tuyển dụng chính thức.
Ông Trần Xuân Tĩnh - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Yên Thành cho biết: Khi được phân bổ chỉ tiêu, phòng sẽ tham mưu trước hết tuyển giáo viên mầm non hợp đồng theo Nghị định 06 và Thông tin 09 vào biên chế. Tiếp đến là tuyển dụng đặc cách giáo viên hợp đồng theo công văn số 5378 của Bộ Nội vụ.
Ngành cũng đề nghị ưu tiên tuyển giáo viên văn hóa cấp tiểu học để đảm bảo đội ngũ tối thiểu đứng lớp, bởi huyện đang thiếu trầm trọng. "Thực tế, trong các đợt tuyển dụng gần đây, huyện đã dành phần lớn chỉ tiêu cho giáo viên văn hóa tiểu học, Tin học, Ngoại ngữ. Nhưng nguồn giáo viên không nhiều, thậm chí số hồ sơ ứng tuyển không đủ chỉ tiêu. Trong trường hợp chưa thể tuyển đủ giáo viên văn hóa, ngành cũng sẽ dành chỉ tiêu cho giáo viên các môn năng khiếu, Thể dục", ông Trần Xuân Tĩnh nói.
Ưu tiên tuyển dụng giáo viên dạy môn mới
Tình trạng thiếu giáo viên văn hóa cũng diễn ra ở nhiều địa phương của Nghệ An. Ông Mai Ngọc Long - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Diễn Châu cho hay, địa phương còn thiếu hơn 300 giáo viên tiểu học. Tuy nhiên, trong đợt tuyển dụng gần nhất, huyện mới ưu tiên tuyển dụng đặc cách giáo viên hợp đồng và chủ yếu ở bậc mầm non. Trong thời gian tới, nếu được phân bổ chỉ tiêu, phòng sẽ tham mưu huyện tuyển dụng giáo viên văn hóa tiểu học để đảm bảo dạy học 2 buổi/ngày theo Chương trình GDPT 2018. Để có nguồn giáo viên, huyện sẽ tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp ĐH sư phạm trên toàn quốc và đáp ứng các tiêu chí, điều kiện theo quy định.
Ngoài tập trung giải quyết số giáo viên hợp đồng, ngành Giáo dục Nghệ An cũng ưu tiên tuyển dụng giáo viên dạy môn mới để đáp ứng Chương trình GDPT 2018.
Về kế hoạch tuyển dụng giáo viên trong thời gian tới, ông Thái Văn Thành - Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An cho hay, cấp THPT có 16 chỉ tiêu, còn lại sẽ được phân bổ về cho các địa phương tuyển dụng. Tuy nhiên, ông Thái Văn Thành cũng đề nghị, trong hơn 2.800 định biên được giao, các địa phương tập trung giải quyết cho hơn 1.700 giáo viên mầm non hợp đồng theo Nghị định 06 và Thông tư 09 Sau đó là ưu tiên tuyển giáo viên dạy môn mới, môn tích hợp đảm bảo triển khai Chương trình GDPT 2018. Về vấn đề nguồn tuyển, Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An cho rằng, khi có chỉ tiêu, sẽ thu hút sinh viên sư phạm đăng ký ứng tuyển. Ngành sẽ không tuyển ồ ạt mà căn cứ quy định và chuẩn giáo viên của Luật Giáo dục sửa đổi.
Tại Hội nghị tổng kết năm học 2021-2022, triển khai nhiệm vụ năm học 2022-2023, ông Bùi Đình Long - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho biết, việc được giao hơn 2.800 định biên ngành Giáo dục là tin mừng đối với tỉnh. Tuy nhiên, Nghệ An đang thiếu gần 8.000 giáo viên, sau khi được bổ sung biên chế, năm học 2022-2023, tỉnh vẫn thiếu gần 6.000 giáo viên. Vì vậy, tỉnh mong Bộ GD&ĐT cũng như các bộ ngành liên quan có cơ chế chính sách đặc thù để giúp địa phương đảm bảo đội ngũ tối thiểu. Qua đó thực hiện hiệu quả Chương trình GDPT 2018.
Chuẩn bị giáo viên cho năm học mới: 'Lấy ngắn nuôi dài' Triển khai Chương trình GDPT mới, một số địa phương gặp khó do thiếu giáo viên, đặc biệt là giáo viên các môn mới. Để gỡ khó, nhà trường, ngành Giáo dục đưa ra các giải pháp mang tính tình thế. Về lâu dài rất cần sự vào cuộc cùng ngành Giáo dục để tháo gỡ khó khăn. Thiếu giáo viên môn mới...