Trả ngày khai trường về đúng nghĩa
Thông tin Bộ GD-ĐT quy định không được dạy trước ngày khai giảng được học sinh, phụ huynh, giáo viên đón nhận một cách tích cực.
Chào đón học sinh lớp 10 Trường THPT Lê Quý Đôn (TP.HCM) trong ngày khai giảng năm học mới 2019-2020 – Ảnh: TỰ TRUNG
Tuy vậy, đâu đó vẫn còn những băn khoăn.
Tiểu học nhẹ nhõm
Tại Hà Nội, TP.HCM những năm trước, đa số các trường cho học sinh học 1 buổi/ngày trước thời điểm khai giảng năm học mới. Mặc dù học trước 1-2 tuần nhưng tâm lý của cả giáo viên, phụ huynh và học sinh đều xem thời gian này là “học chưa chính thức”. Và phụ huynh chật vật đưa đón con, lo gửi con khi đón ở trường về. Học vài tuần mới khai giảng trẻ không còn cảm xúc của ngày khai trường để bước vào “học chính thức”.
Chị Nguyễn Thị Thanh Nhã – phụ huynh có con học lớp 4 ở Q.6, TP.HCM – tâm sự: “Dạy trước khai giảng lợi bất cập hại. Học sinh không cảm nhận được đầy đủ ý nghĩa thiêng liêng của ngày khai giảng năm học mới. Thậm chí con tôi còn không muốn đi dự khai giảng nữa. Năm nay, Bộ GD-ĐT quyết định không dạy học trước khai giảng là rất đúng đắn. Nên giữ gìn và tạo cho các em một cảm xúc đặc biệt trong ngày đầu tiên đến trường trong năm học mới”.
Tại Hà Nội, dù các năm trước thời điểm tựu trường vào khoảng 15 đến 20-8 nhưng trường học nhiều quận, huyện đều bố trí thời gian thực học sau ngày 5-9. Thời điểm học sinh tựu trường trước đó chỉ để nhận lớp, nhận cô giáo mới, nghe phổ biến quy chế, nề nếp, bầu ban cán sự lớp. Một số trường dành thời gian trước khai giảng để tổ chức các ngày hội, các chương trình cho học sinh lớp 1 làm quen với cô giáo, với nhà trường…
THCS, THPT lo lắng
Tuy nhiên, trao đổi với Tuổi Trẻ, hiệu trưởng một trường THCS ở TP.HCM lo lắng: “Tôi đồng tình với chủ trương không dạy học trước khai giảng để tạo cảm xúc đặc biệt cho học sinh. Nhưng các cấp quản lý nên tính toán về ngày thi tuyển sinh lớp 10. Nếu vẫn giữ nguyên như cũ, tức là ngày thi vào lớp 10 sẽ diễn ra sau khi năm học kết thúc vài ngày, sẽ rất khó khăn cho giáo viên các lớp cuối cấp”.
Hiệu trưởng trên phân tích: “Tuy học sinh lớp 9 không phải thi tốt nghiệp THCS nhưng trường phải mất ít nhất 1 tuần để hoàn thành công tác vào sổ điểm, học bạ, xét tốt nghiệp THCS cho học sinh lớp 9. Sau đó, phải có thêm từ 2-3 tuần để ôn tập cho các em đi thi vào lớp 10. Nếu không cho dạy học trước khai giảng thì đến cuối năm học, giáo viên lớp cuối cấp sẽ không còn thời gian ôn tập cho học sinh”.
Tương tự, lãnh đạo một trường THPT ở TP.HCM cho biết thêm: “Đối với học sinh khối lớp 12 còn căng thẳng hơn, vì các em phải thi tốt nghiệp THPT. Những năm gần đây, trường chúng tôi sẽ tính toán thời khóa biểu để có ít nhất bốn tuần ôn tập trước khi các em đi thi tốt nghiệp. Nếu không cho dạy trước khai giảng thì thời gian này sẽ còn rất ít. Học sinh vùng ven mà không được ôn tập kỹ càng thì kết quả thi tốt nghiệp sẽ rất thấp”.
Một số hiệu trưởng trường THCS, THPT ở Hà Nội cũng băn khoăn về tính toán “cơ học” số tuần thực học tương ứng với khung thời gian Bộ GD-ĐT dự kiến vì cho rằng còn có nhiều nội dung hoạt động, những việc phát sinh trong năm học. Nếu thời gian dự phòng quá ít có thể sẽ gặp khó khăn.
Còn cô Nguyễn Thị Nhiếp – hiệu trưởng Trường THPT Yên Hòa (Hà Nội) – cho biết: “Chúng tôi đã tính toán cho từng tuần học thì thấy hoàn toàn đủ thời gian. Dĩ nhiên là phải chủ động rà soát, sắp xếp lại. Ví dụ có những nội dung dạy ba tiết, nhưng sau khi lược bớt, chỉ tập trung vào nội dung trọng tâm thì chỉ còn hai tiết.
Nếu chưa yên tâm, cần rèn luyện thêm cho học sinh, có thể đưa lại vào các chủ đề hoạt động, thực hành, trải nghiệm. Có những nội dung môn học hoặc liên môn tích hợp trong một chủ đề cũng giúp giảm thời gian dạy học trên lớp…”.
Học sinh trong ngày khai giảng năm học 2019 – 2020 tại Trường THPT Sơn Tây, Hà Nội – Ảnh: NAM TRẦN
Video đang HOT
Trường tư muốn tựu trường trong hè
Trong khi đó, nhiều trường tư ở Hà Nội bày tỏ lo ngại về định hướng của Bộ GD-ĐT tập trung học sinh vào đầu tháng 9 và bắt đầu tổ chức dạy học sau ngày khai trường (5-9).
“Đặc thù của trường tư thục khác với trường công lập. Chúng tôi tuyển sinh xong là cho học sinh tập trung vào trường trong dịp hè luôn. Lý do phải làm như vậy là vì phụ huynh không có điều kiện trông nom, chăm sóc con ở nhà, họ có nhu cầu gửi con ngay trong hè.
Thứ hai, tập trung học sinh để giáo viên ôn tập kiến thức cũ cho các em trước khi bước vào năm học mới. Điều này có ý nghĩa đặc biệt đối với học sinh yếu và trung bình. Nếu không ôn tập thì khi bước vào năm học mới, các giáo viên sẽ rất vất vả giúp các em ôn lại kiến thức cơ bản” – cô Phạm Thị Thúy Vĩnh, hiệu trưởng Trường THPT tư thục Ngô Thời Nhiệm, Q.9 (TP.HCM), bộc bạch.
Tương tự, thầy Nguyễn Xuân Khang – hiệu trưởng Trường Marie Curie (Hà Nội) – bày tỏ quan điểm: “Không nên đánh giá việc thời gian nào nên hay không nên tựu trường ở bình diện chung cả nước. Vì mỗi nơi mỗi khác và Bộ GD-ĐT là cơ quan quản lý nhà nước chỉ có thể ban hành khung thời gian năm học chứ không nên áp đặt, ấn định thời gian tựu trường”.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, PGS.TS Nguyễn Xuân Thành cho biết các trường tư thục tùy theo tình hình thực tế có thể báo cáo UBND cấp tỉnh, thành phố để được phép tập trung học sinh sớm hơn so với các trường khối công lập để ổn định hoạt động nhưng không vượt quá 4 tuần và không được thu thêm học phí.
Bộ GD-ĐT chỉ ban hành khung thời gian năm học, trên cơ sở đó UBND các tỉnh, thành phố xây dựng kế hoạch thời gian năm học cụ thể, trong đó có lưu ý đến đặc thù của các trường tư thục.
2.307 ý kiến ủng hộ
Thăm dò trên Tuổi Trẻ Online về không dạy trước ngày khai giảng, tính đến 8h ngày 3-7 có 2.307 người ủng hộ, 249 ý kiến cho rằng tùy vào thiên tai, dịch bệnh và 58 ý kiến khác.
Học sinh An Giang đến trường trong ngày khai giảng năm học mới – Ảnh: BỬU ĐẤU
* Cô Nguyễn Hoài Thu (hiệu rưởng Trường tiểu học Thị Trấn 2, huyện Vĩnh Thuận, Kiên Giang): Ngày bắt đầu một năm đèn sách
Tôi rất vui khi Bộ GD-ĐT quy định không dạy trước khi khai giảng năm học mới. Lý do đầu tiên là ý nghĩa của từ “khai giảng” đã được trở về đúng nghĩa của nó. Ngày khai giảng là ngày mà học sinh bắt đầu cho một năm đèn sách và thực sự là ngày lễ hội lớn của tuổi học trò. Dấu ấn về ngày khai trường sẽ in đậm trong tâm hồn mỗi người vì ai cũng có một thời cắp sách. Thầy cô đón nhận tin này trong sự phấn khởi vì mong mỏi bấy lâu đã thành hiện thực. (THÙY TRANG)
* Cô Nguyễn Thị Phương Minh (hiệu trưởng Trường THPT Trần Cao Vân, TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định): “Khai” với “giảng” phải là một
Thông thường hằng năm các trường kết thúc năm học từ ngày 25-5 đến 30-5. Rèn luyện hè, thi lại trong tháng 7 là xong. Bắt đầu đến tháng 8 là tuyển sinh năm học mới. Cho nên chương trình học cũng gọn gàng chứ không có vấn đề gì và nếu có vẫn có những tuần dự phòng.
Do đó, đối với quy định của Bộ GD-ĐT không dạy trước khi khai giảng năm học mới sẽ không ảnh hưởng đến chương trình học. Mọi người đều cảm thấy vui, đúng với ý nghĩa của ngày khai giảng. Khai giảng là một ngày thiêng liêng để học trò háo hức đón nhận. Các trường có thể tập trung học sinh trước để tập dượt chuẩn bị cho ngày đó thật trang trọng, nhưng nên để ngày khai giảng có niềm vui tràn trề trong lòng học trò.
“Khai” và “giảng” phải là một chứ không phải “khai” một đường, “giảng” một ngõ giống như lâu nay, mang tính giảm tải nhưng thật ra không giảm được bao nhiêu, giãn ra thời gian thì thêm mệt mỏi. (THÁI THỊNH)
* Cô Hoàng Thị Lý (nguyên giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Khánh Hòa): Rất hay
Từ trước đến nay chỉ có các trường tư thục tổ chức học trước một tuần, còn lại phần lớn các trường tại tỉnh đều khai giảng rồi mới tổ chức dạy học. Mọi năm trước ngày 5-9, các trường chỉ cho học sinh tập, làm quen với các nghi thức chuẩn bị lễ khai giảng chứ không dạy học. Năm nay tựu trường rồi mới khai giảng rồi học luôn thì tôi thấy cái đó rất hay, vì để cho ngày khai giảng thực sự có ý nghĩa với học sinh.
(ĐÌNH CƯƠNG)
* Ông Nguyễn Trọng Hoàn (chánh văn phòng Sở GD-ĐT Nghệ An): Giúp học sinh thoải mái hơn
Chúng tôi rất đồng tình với dự thảo khung kế hoạch thời gian năm học, trong đó tổ chức khai giảng vào ngày 5-9 và không dạy học trước ngày khai giảng.
Thay đổi không tổ chức dạy học trước ngày khai giảng sẽ có thêm thời gian cho học sinh được nghỉ hè, giúp học sinh được thoải mái hơn, không bị áp lực về chuyện học hành. Mặc dù lùi thời điểm tựu trường trùng với dịp khai giảng năm học mới nhưng trong các môn học đã được tinh giản nội dung mà vẫn đảm bảo chất lượng đào tạo để không gây xáo trộn kế hoạch thời gian năm học.
(DOÃN HÒA)
* Ông Nguyễn Hữu Nhân (trưởng phòng chính trị tư tưởng Sở GD-ĐT Cần Thơ): Mong đợi đã lâu
Chúng tôi mong đợi điều này lâu lắm rồi. Đây cũng là nguyện vọng của phụ huynh, học sinh và giáo viên vì nó trả lại đúng ý nghĩa của ngày khai giảng. Nếu như trước đây học trước hai tuần rồi mới khai giảng, đó chỉ là hình thức. Học sinh có thời gian nghỉ hè thoải mái đầu năm học sẽ có cảm giác nôn nao chờ đợi ngày khai trường. Mọi thứ sẽ trở nên mới mẻ, thu hút mà không rập khuôn hình thức.
Ngoài ra, nếu đã trả lại kỳ nghỉ hè trọn vẹn cho học sinh thì Bộ GD-ĐT nên cấm mọi hình thức dạy và học thêm. Nên chăng triển khai nhiều hoạt động vui chơi, rèn luyện kỹ năng trong hè.
(T.TRANG)
Học sinh Đà Nẵng coi múa rối trong ngày khai giảng năm học 2019- 2020 – Ảnh: ĐOÀN NHẠN
Đà Nẵng đã thực hiện từ lâu
Thầy Phan Hùng – hiệu trường Trường THPT Trần Phú (Đà Nẵng) – cho biết từ nhiều năm qua các trường ở Đà Nẵng không còn tình trạng học trước, khai giảng sau. Theo thầy Hùng, cùng với việc khai giảng đúng ngày 5-9, Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng cũng đã áp dụng chương trình trả lại ba tháng hè cho học sinh, khung chương trình giảng dạy vẫn đảm bảo theo quy định.
Được biết từ năm học 2016-2017, Đà Nẵng đã thực hiện việc tựu trường 1-9 và khai giảng 5-9, không tổ chức dạy trước rồi mới khai giảng. Đây là ý tưởng của ông Nguyễn Đình Vĩnh – giám đốc Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng thời điểm đó. Lúc đó, ông Vĩnh chia sẻ Đà Nẵng đã thực hiện chủ trương này và trả lại trọn vẹn ba tháng hè cho học sinh, tạo tính chủ động về kế hoạch thực hiện các hoạt động trong hè cho giáo viên, nhân viên, học sinh. Quan trọng hơn là tạo khí thế háo hức đón chào năm học trong giáo viên, học sinh, tránh bệnh hình thức dạy học rồi mới khai giảng sẽ mất đi ý nghĩa, cảm xúc.
(ĐOÀN CƯỜNG)
Bộ GD-ĐT: có thời gian cho tình huống cần thiết
Những hiệu trưởng ở khu vực miền núi như Lai Châu, Điện Biên, khu vực ngoại thành của Ninh Bình, khi trao đổi với Tuổi Trẻ về thời điểm tựu trường, đều cho rằng quy định mới có những ưu điểm như có thêm thời gian nghỉ hè cho giáo viên, học sinh nhưng đều lo lắng cho việc triển khai chương trình.
“Miền núi có những đặc thù riêng. Ví dụ có thời gian rét đậm, rét hại học sinh phải nghỉ học. Hoặc vào các dịp lễ, tết, theo phong tục của đồng bào dân tộc thiểu số, các trường cũng phải cho học sinh nghỉ 1-2 ngày. Chưa kể nếu xảy ra thiên tai, bão lũ, học sinh không đến được trường…Vì thế nếu có thời gian dự phòng thì sẽ đỡ vất vả khi tổ chức dạy bù” – một chuyên viên phòng tiểu học Sở GD-ĐT Lào Cai chia sẻ.
PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, vụ trưởng Vụ GD trung học (Bộ GD-ĐT), cho rằng so với năm học trước, thời điểm học sinh bắt đầu năm học chậm hơn hai tuần. Nhưng Bộ GD-ĐT đã triển khai tinh giản để nội dung chương trình bậc trung học tương tự như tiểu học, chỉ còn 35 tuần. Trong khi theo khung thời gian Bộ GD-ĐT dự kiến, có khoảng 38 tuần, tính cả tuần nghỉ tết. Các trường có hai tuần dự phòng. Ngoài ra, nếu thực hiện việc chủ động rà soát, xây dựng kế hoạch dạy học theo hướng linh hoạt thì các trường còn có thể dư thời gian hơn để sử dụng trong tình huống cần thiết.
(VĨNH HÀ)
Tựu trường sát khai giảng, học sinh lớp 1 có bỡ ngỡ khi nhập lớp?
Hè năm nay, học sinh được nghỉ ít và trở lại trường sát dịp khai giảng năm học mới. Nhiều phụ huynh lo lắng con vào lớp 1 không đủ thời gian để làm quen, bắt nhịp với việc học.
Theo ghi nhận, tại nhiều trường tiểu học trên địa bàn Hà Nội, hè năm nay các trường công lập đều không tổ chức học hè như mọi năm. Thay vào đó, học sinh tựu trường trong khoảng 3 ngày đến 1 tuần trước khai giảng để chuẩn bị cho năm học mới. Điều này khiến nhiều phụ huynh có con chuẩn bị vào lớp 1 cũng khá lo lắng, vì con chưa có nhiều thời gian để làm quen với trường mới. Thậm chí, sợ con không theo được chương trình, một số phụ huynh "rục rịch" cho con học chữ.
Có hai con năm nay lên lớp 5 và bắt đầu vào lớp 1, chị Thu Trang (Linh Đàm, Hà Nội) cho biết, hè này các con nghỉ trong khoảng 1 tháng rưỡi, sau đó là đi học luôn. Không còn thời gian đến trường trước cả tháng như các năm học trước. Khoảng thời gian nghỉ dù ngắn, song việc con đến trường sát ngày khai giảng cũng khiến chị lo con không đủ thời gian làm quen trường lớp, đi học thiếu tự tin lại khóc đòi về.
" Hè này, các phụ huynh ở gần nhà cũng rủ nhau cho con học trước khi vào lớp 1, vì sợ con nhiều bỡ ngỡ, đi học chưa biết đọc, viết như các bạn khác được học trước dẫn đến tự ti, không theo kịp chương trình. Tôi cũng đã dạy con làm quen các chữ, số và thường xuyên nói về lớp 1 để con đỡ bỡ ngỡ. Nhưng thực sự, cũng chưa yên tâm khi con chưa biết gì khi vào lớp 1" - chị Trang chia sẻ thêm.
Năm học 2020 - 2021, học sinh tựu trường gần sát ngày khai giảng. Ảnh minh họa
Tại trường Phổ thông cơ sở Nguyễn Đình Chiểu (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), học sinh toàn trường bắt đầu nghỉ hè từ ngày 13/7, từ 1/8 nhà trường tổ chức tuyển sinh năm học 2020 - 2021, theo quy định của Sở GD&ĐT Hà Nội. Hàng năm, trước thời điểm khai giảng (5/9), khoảng ngày 24 hoặc 25/8 tuần cuối cùng của tháng 8, học sinh của trường mới tựu trường, chuẩn bị cho khai giảng. Dự kiến, năm nay cũng sẽ thực hiện như các năm trước và không có học hè.
Bà Đỗ Thị Thủy - Phó hiệu trưởng phụ trách khối tiểu học Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu cho biết, thời gian nghỉ học và hè năm nay học sinh chỉ nghỉ khoảng hơn 1 tháng rưỡi một chút. Nếu nghỉ hè 3 tháng cũng quá dài, vì học sinh hay quên bài, giáo viên cũng vất vả hơn khi để học sinh bắt nhịp lại việc học. Những tuần đầu khá vất vả khi vừa ôn kiến thức cũ lại vừa phải dạy kiến thức mới. Đối với học sinh lớp 1, nhà trường không tổ chức thời gian dạy trước mà có khoảng 1 tuần cho các em đến trường làm quen.
Cũng theo bà Thủy, dịp hè này ngắn hơn so với mọi năm, phụ huynh hãy để cho các con nghỉ hè thoải mái, tham gia các lớp năng khiếu, vui chơi... Cha mẹ không nên quá lo lắng chuyện con bỡ ngỡ vào lớp 1 không biết đọc, viết. Không cần thiết phải cho con đi học chữ trước khi vào lớp 1, tự tạo áp lực cho con.
" Học sinh sau nghỉ hè trở lại trường học sẽ có những khó khăn nhất định cho cả cô lẫn trò, song việc này giáo viên hoàn toàn đảm nhận được. Với những em vào lớp 1, phụ huynh hãy chuẩn bị tâm lý tốt cho các con khi vào lớp 1, bắt đầu tuyển sinh từ ngày 1/8 cha mẹ nên đưa con đến trường, giới thiệu qua về ngôi trường con sắp học, những người bạn mới... Vai trò của phụ huynh cũng rất quan trọng trong giai đoạn này. Hãy để học sinh có những bước vào lớp 1 là như nhau" - bà Đỗ Thị Thủy chia sẻ.
Đưa ra lời khuyên cho các bậc phụ huynh có con sắp vào lớp 1, TS. Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội, cho rằng: " Phụ huynh hãy chuẩn bị tốt tâm lý cho con khi vào lớp 1. Gia đình gò, ép trẻ học nhiều, có trẻ sẽ bị sang chấn về tâm lý. Cơ tay của trẻ chưa phát triển, bắt trẻ viết nhiều sẽ làm trẻ sợ học... Cái cần nhất đối với trẻ trước khi vào lớp 1 là dạy cho các cháu biết nề nếp, thói quen khi vào trường tiểu học. Ép trẻ học sớm sẽ khiến trẻ chủ quan, mất hứng thú học đường, dẫn đến chủ quan trong học tập. Bộ GD&ĐT cũng đã có quy định cấm dạy trước chương trình cho trẻ trước khi vào lớp 1".
Bộ GDĐT yêu cầu không tổ chức dạy học trước 5.9, tăng thời gian nghỉ hè Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục quy định thống nhất trong cả nước thời gian khai giảng năm học 2020 - 2021 là ngày 5.9; đồng thời yêu cầu các cơ sở giáo dục không được tổ chức dạy học trước ngày khai giảng để học sinh có thêm thời gian nghỉ hè. Năm nay học sinh sẽ được nghỉ hè...